Trọng tài và hòa giải

“Sổ tay pháp luật về trọng tài và hòa giải” là công trình vừa được TANDTC, với sự hỗ trợ của World Bank Goup, xuất bản. Đây là tài liệu tham khảo thiết thực, hữu ích cho Thẩm phán trong việc giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, hủy phán quyết trọng tài, công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án.

Mục tiêu của Sổ tay

Mặc dù việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài trước năm 2015 đã có những thành tựu đáng kể nhưng do cách hiểu chưa đầy đủ, thiếu thống nhất về các quy định của Công ước New York năm 1958 (CUNY) và pháp luật trong nước nên các thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài tại Tòa án chưa thực sự nhất quán để tạo niềm tin tưởng cho các nhà đầu tư, các đối tác thương mại của doanh nghiệp Việt Nam.

Tại buổi Tọa đàm giới thiệu Sổ tay, bà Nina Mocheva – chuyên gia quốc tế về Trọng tài và hòa giải nhóm WB nhận xét: Theo số liệu của TANDTC, trong giai đoạn 2005 – 2014, Việt Nam có 52 yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, trong đó có 24 yêu cầu bị từ chối; hoạt động hòa giải cũng chưa phát triển. Sau khi có những cải thiện về pháp luật như sửa đổi BLTTDS năm 2015; ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại (năm 2011) và Nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại (năm 2014) thì thực tiễn giải quyết vấn đề tài của Tòa án có những chuyển biến rất tích cực, trong năm 2015 không có phán quyết nào của trọng tài nước ngoài bị hủy.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền – Trưởng ban biên soạn, trong Lời nói đầu Sổ tay cũng khẳng định: BLTTDS 2015 “đã khắc phục những bất cập của pháp luật trước đây và bảo đảm sự phù hợp giữa pháp luật Việt Nam với các quy định của Công ước New York năm 1958 mà Việt Nam đã trở thành thành viên từ năm 1995. Bộ luật cũng quy định rõ ràng hơn vai trò của Tòa án trong việc thúc đẩy các hoạt động giải quyết tranh chấp bằng biện pháp thay thế (ADR) trong đó có hoạt động trọng tài và hòa giải”.

Sổ tay đưa ra các hướng dẫn thực tiễn thường gặp, với các tình huống và ví dụ cụ thể, nhằm hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật hiện hành và khuôn khổ pháp lý về trọng tài và hòa giải thương mại. Mặc dù Sổ tay tập trung chủ yếu vào trọng tài nhưng cũng hướng dẫn thực thi các quy định của BLTTDS 2015 về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Sổ tay giúp các Thẩm phán hiểu những khái niệm và thuật ngữ pháp lý quan trọng trong các quy định của pháp luật trong nước và nước ngoài về trọng tài. Sổ tay cũng mở rộng nội hàm khái niệm có tính chất nền tảng liên quan đến giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, bởi nó có liên quan đến việc hỗ trợ hoạt động trọng tài.

Sổ tay hỗ trợ các Thẩm phán cách thức áp dụng pháp luật về trọng tài và đề cập tương đối đầy đủ các quy định của BLTTDS về hòa giải ngoài Tòa án và Nghị định 22/2017. 

Có thể nói đây là cẩm nang rất thiết thực, bổ ích cho Thẩm phán khi tiếp nhận yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Nội dung Sổ tay

“Sổ tay pháp luật về trọng tài và hòa giải”  gồm hai phần, phần đầu gồm 5 chương. Chương 1 giới thiệu khuôn khổ pháp luật điều chỉnh trọng tài và hòa giải, pháp luật trong nước và nguồn luật áp dụng cho trọng tài; xung đột pháp luật và trọng tài quốc tế; văn kiện quốc tế, giới thiệu CUNY và khuôn khổ pháp luật với việc công nhận và cho thi hành những phán quyết ngoài CUNY; khuôn khổ pháp luật trong nước về hòa giải và các quy định khác.

Chương 2 giới thiệu những khái niệm cơ bản như: Trọng tài và các loại hình khác của phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn; trọng tài thương mại trong nước và nước ngoài; Trọng tài đầu tư quốc tế; trọng tài quy chế và trọng tài vụ việc; tổng quan về quy trình trọng tài từ những đặc điểm của thỏa thuận trọng tài, luật áp dụng; thỏa thuận trọng tài và Tòa án… Tổng quan về hòa giải, đặc điểm và thủ tục hòa giải.

Chương 3 về vai trò của Tòa án Việt Nam đối với trọng tài thương mại trong nước và trọng tài thương mại nước ngoài có địa điểm tranh chấp tại Việt Nam, trong đó có thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài, phân định thẩm quyền; xác định Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài; hỗ trợ của Tòa án đối với tố tụng trọng tài trong thu thập chứng cứ, triệu tập người làm chứng, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; đăng ký và hủy phán quyết trọng tài.

Chương 4 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trong tài nước ngoài. Đây là chương trọng tâm, giải thích từ định nghĩa “công nhận và cho thi hành”, “phán quyết của trọng tài” đến thủ tục công nhận và cho thi hành; quyết định của Tòa án về thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, giải thích CUNY, phân tích các căn cứ cụ thể không công nhận phán quyết của trọng tài nước ngoài mà bên phản đổi phán quyết có thể sử dụng; kháng cáo quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, xét kháng cáo, phiên họp phúc thẩm, thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Chương 5, công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án trong lĩnh vực thương mại, điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành; thủ tục xem xét yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án; thi hành thỏa thuận, kinh nghiệm của nước ngoài.

Phần hai của Sổ tay là phụ lục đăng Công ước New York 1958; Luật Trọng tài thương mại 2010; BLTTDS 2015; Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại; Công văn số 246/TANDTC-KT ngày 25/7/2014 về giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại của trọng tài nước ngoài; Luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế của UNCITRAL năm 1985 với các sửa đổi được thông qua năm 2006; Khuyến nghị của UNCITRAL năm 2006 liên quan đến giải thích Điều II, đoạn 2 và Điều VII, đoạn 1 Công ước New York 1958; Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại; Luật mẫu của  UNCITRAL về hòa giải thương mại quốc tế và hướng dẫn áp dụng, thực thi 2002.

Tạp chí Toaan online sẽ giới thiệu chi tiết nội dung và ý kiến chuyên gia về công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài phục vụ độc giả.  

NGUYỄN PHAN