Vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự đối với người thi hành lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên

Vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với hành vi gây thiệt hại trong trường hợp thi hành lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trước đây tuy chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) nhưng đã được thừa nhận trong thực tiễn xét xử. Với mục đích tạo cơ sở pháp lý đảm bảo quyền của người thi hành mệnh lệnh của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân, BLHS 2015 đã quy định cụ thể tại Điều 26 để loại trừ TNHS cho trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, nội dung này còn nhiều vấn đề bất cập trong thực tiễn công tác, cũng như khó khăn trong việc xử lý.

1.  Khái niệm loại trừ TNHS

Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam là chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có đầy đủ dấu hiệu của tội phạm được quy định trong BLHS thì phải chịu TNHS – đây là nguyên tắc có tính quy kết. Thuật ngữ “trách nhiệm” trong luật hình sự không dùng để chỉ nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước và xã hội, mà dùng để chỉ hậu quả pháp lý bất lợi (hình phạt) đối với chủ thể đã thực hiện hành vi phạm tội, hậu quả pháp lý đã nêu chính là TNHS. TNHS cũng chính là dạng trách nhiệm pháp lý bao gồm: “Nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu bị kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp) và mang án tích[1]. Vậy, TNHS được hiểu là: Trách nhiệm của người phạm tội phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi phạm tội của mình[2].

BLHS 2015 đã xây dựng một Chương riêng về “các trường hợp loại trừ TNHS” nhưng không đưa ra bất cứ một giải thích nào về thuật ngữ “loại trừ TNHS”. Thuật ngữ “loại trừ TNHS” đã được BLHS 1999 sử dụng, bên cạnh đó ghi nhận thêm thuật ngữ có nội dung gần giống nhau như: “Không phải là tội phạm”; “không phải chịu TNHS”; “không có tội”. Thực tiễn cho thấy, việc sử dụng thuật ngữ này chưa thống nhất với từng trường hợp cụ thể, mặc dù xét về tổng thể, thì giữa các thuật ngữ đã nêu không có gì mâu thuẫn. Bởi lẽ, suy cho cùng, hậu quả pháp lý hình sự đối với người thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho xã hội đều giống nhau đó chính là TNHS. Với tư cách là hậu quả pháp lý của tội phạm, TNHS bao giờ cũng tồn tại 03 khả năng: Phải chịu TNHS, được miễn TNHS hay không phải chịu TNHS. Do đó, dưới góc độ khoa học, loại trừ TNHS là loại bỏ khả năng phải chịu hậu quả pháp lý đối hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra và hành vi được loại trừ TNHS không phải là hành vi phạm tội, mặc dù hành vi đó đã gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.

Như vậy, loại trừ TNHS đối với người thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân là loại bỏ khả năng phải chịu TNHS cho người thi hành mệnh lệnh.

2.  Cơ sở quy định loại trừ TNHS cho người thi hành mệnh lệnh

Về nguyên tắc, bất kỳ chủ thể nào khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, nhận thức được tính trái pháp luật của hành vi, thì họ đương nhiên phải chịu TNHS (dù hành vi đó thực hiện với mục đích gì, theo yêu cầu, quyết định của ai). Tuy nhiên, xuất phát từ những ngành nghề đặc thù, được pháp luật quy định, thì việc thực hiện mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên trở thành nghĩa vụ pháp lý của cấp dưới. Điều này đã được quy định cụ thể tại một số luật sau: Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng quy định về nghĩa vụ của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng: Tuyệt đối phục tùng tổ chức, phục tùng chỉ huy. Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân phải: “Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệnh Công an nhân dân, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên” (khoản 2 Điều 30 Luật Công an nhân dân 2014).

Chính vì vậy, BLHS 2015 quy định loại trừ TNHS đối với hành vi gây thiệt hại trong trường hợp thi hành lệnh hợp pháp của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân xuất phát từ quan hệ (nguyên tắc) “mệnh lệnh – phục tùng” giữa người chỉ huy và cấp dưới. Hơn nữa, do tính chất bắt buộc của mệnh lệnh, nên người thi hành buộc phải thực hiện yêu cầu của người chỉ huy hoặc cấp trên của mình. Do đó, bổ sung trường hợp này vào BLHS nhằm bảo vệ quyền lợi của người thi hành mệnh lệnh trong lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Phm vi và đi tượng được loại trừ TNHS khi thi hành mệnh lệnh; các điu kin để người thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên được loại trừ TNHS; những trường hợp không áp dụng Điều 26 BLHS 2015

Điều 26 BLHS 2015 quy định: “Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này”.

Từ quy định trên, có thể thấy được một số nội dung sau:

3.1. Phm vi và đi tượng được loại trừ TNHS khi thi hành mệnh lệnh

Việc xem xét loại trừ TNHS đối với trường hợp thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên chỉ áp dụng đối với những người thuộc biên chế tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân và đang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; không áp dụng đối với các trường hợp khác. Trong Quân đội nhân dân, “nguời thi hành mệnh lệnh” gồm các đối tượng sau: Quân nhân tại ngũ, công nhân, viên chức quốc phòng; quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện; dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội[3].

Như vậy, cán bộ, công chức phục vụ trong cơ quan nhà nước (trừ cơ quan của lực lượng vũ trang nhân dân) không nằm trong phạm vi điều chỉnh của trường hợp loại trừ TNHS này.

3.2. Các điu kin để người thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên được loại trừ TNHS

Thứ nhất, khi mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên là đúng pháp luật

Người thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên phải thực hiện đầy đủ, đúng phạm vi được giao và đúng pháp luật, nhưng gây ra thiệt hại cho xã hội, thì họ không phải chịu TNHS, do họ không có lỗi. Tuy nhiên, nếu người thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên tự ý thực hiện hành vi vượt quá phạm vi được giao gây ra thiệt hại cho xã hội, thì người thi hành mệnh lệnh phải chịu TNHS về hậu quả do hành vi vượt quá đó.

Thứ hai, khi mệnh lệnh của người chỉ huy trái pháp luật

Khi mệnh lệnh của người chỉ huy trái pháp luật thì có 04 trường hợp cụ thể như sau để xem xét loại trừ TNHS cho người thi hành mệnh lệnh:

Trường hợp 1: Người thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy không biết được tính chất trái pháp luật của mệnh lệnh và cũng không có nghĩa vụ phải biết, thì họ không phải chịu TNHS, do họ không có lỗi. Cơ cấu tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân khá rõ ràng và được phân cấp cụ thể. Về nguyên tắc, cấp dưới sẽ nhận mệnh lệnh từ người chỉ huy trực tiếp. Vì vậy, cấp dưới sẽ không biết được nhiệm vụ mà người chỉ huy trực tiếp của mình nhận từ người chỉ huy không trực tiếp. Với mối quan hệ đặc trưng là “mệnh lệnh – phục tùng” thì người tiếp nhận mệnh lệnh có nghĩa vụ phải thi hành mệnh lệnh và không đánh giá được tính xác thực của mệnh lệnh đó. Khi người thi hành mệnh lệnh thực hiện đúng nội dung và phạm vi của mệnh lệnh và trong trường hợp này đã gây ra thiệt hại cho xã hội thì họ không phải chịu TNHS.

Trường hợp 2: Người thi hành mệnh lệnh của cấp trên biết được tính chất không đúng pháp luật của mệnh lệnh, nhưng người thi hành mệnh lệnh đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh, nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó. Trong trường hợp này, khi người thi hành mệnh lệnh thực hiện đúng nội dung và phạm vi của mệnh lệnh dù gây ra thiệt hại, thì người thi hành mệnh lệnh cũng không phải chịu TNHS.

Trường hợp 3: Người thi hành mệnh lệnh của chỉ huy biết được tính chất không đúng pháp luật của mệnh lệnh, nhưng không thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo, mà họ vẫn thực hiện và gây ra thiệt hại cho xã hội, thì họ phải chịu TNHS cùng với cấp trên.

Trường hợp 4: Người thi hành mệnh lệnh của cấp trên biết được tính chất không đúng pháp luật của mệnh lệnh, nên đã không thực hiện, thì họ không phải chịu TNHS. Vì trong trường hợp này họ đã không chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy, hậu quả nguy hiểm không xảy ra.

Khi người chỉ huy ra mệnh lệnh trái pháp luật, thì người chỉ huy có thể bị truy cứu TNHS về tội ra mệnh lệnh trái pháp luật quy định tại Điều 393 BLHS 2015 hoặc phải chịu TNHS về một tội khác, nếu hành vi ra mệnh lệnh trái pháp luật của mình đủ yếu tố cấu thành một tội phạm khác.

Trong mọi trường hợp, người thi hành mệnh lệnh bị chỉ huy cưỡng bức về mặt vật chất hoặc tinh thần nên buộc phải thi hành mệnh lệnh, thì người bị cưỡng bức đều không phải chịu TNHS. Ví dụ: Bị chỉ huy chĩa súng đã lên đạn vào đầu buộc thi hành mệnh lệnh; người chỉ huy sử dụng vũ lực hoặc thủ đoạn khác làm cho cấp dưới không còn cách nào khác buộc phải thi hành mệnh lệnh. Khoa học hình sự xác định thiệt hại gây ra là mong muốn của người cưỡng bức còn người bị cưỡng bức bị ép buộc phải thực hiện hành vi, do đó, họ không phải chịu TNHS, TNHS lúc này thuộc về người cưỡng bức.

Thứ ba, mệnh lệnh của người chỉ huy là mệnh lệnh để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Không phải mọi trường hợp người thi hành mệnh lệnh của cấp trên đã áp dụng đầy đủ quy trình báo cáo, nhưng người chỉ huy vẫn bắt buộc phải thực hiện đều được loại trừ TNHS. Chỉ người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh, nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu TNHS.

Đối với những nhiệm vụ khác không phải là nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, thì dù người thi hành mệnh lệnh đã thực hiện đúng quy trình báo cáo, nhưng người chỉ huy vẫn yêu cầu cấp dưới thi hành mệnh lệnh, thì người thi hành mệnh lệnh và người chỉ huy hoặc cấp trên sẽ chứa đựng khả năng đồng phạm với nhau về tội phạm đã thực hiện.

3.3. Những trường hợp không áp dụng Điều 26 BLHS 2015

Đoạn 2 Điều 26 BLHS 2015 quy định: “Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này”. Theo quy định trên, các hành vi phạm tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; phạm tội chống loài người; tội phạm chiến tranh trong trường hợp do bị ép buộc hoặc do thi hành mệnh lệnh của cấp trên thì dù người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì trong mọi trường hợp vẫn phải chịu TNHS. Quy định trên xuất phát từ tính chất đặc biệt nghiêm trọng của các tội danh trên, nên các nhà lập pháp đã xác định sẽ không có trường hợp ngoại lệ cho những loại tội phạm này.

4.  Bất cập và kiến nghị hoàn thiện

Cần có quy định cụ thể về hình thức ra mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên và quy trình báo cáo của người thi hành mệnh lệnh.

Để bảo đảm quyền cho người thi hành mệnh lệnh, pháp luật cần có quy định cụ thể về hình thức mệnh lệnh gồm: Mệnh lệnh bằng lời nói và mệnh lệnh bằng văn bản (quyết định, chỉ thị…). Đối với mệnh lệnh bằng lời nói, cần có người chứng kiến (vì thực tiễn đã có rất nhiều vụ việc người chỉ huy hoặc cấp trên ra mệnh lệnh, nhưng khi hậu quả xảy ra lại không công nhận mệnh lệnh của mình), do đó, dẫn đến oan sai cho người thi hành mệnh lệnh. Trong trường hợp giao nhiệm vụ chỉ có hai người thì rất khó chứng minh việc có giao mệnh lệnh hay không. Đối với trường hợp báo cáo đầy đủ của cấp dưới cũng cần quy định theo hướng như ra mệnh lệnh. Trong trường hợp người thi hành báo cáo về mệnh lệnh cũng cần có sự chứng kiến của người thứ ba./.

[1] Từ điển giải thích thuật ngữ luật học (Phần luật hình sự), Trường đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, HN, 1999, tr.21.

[2] Trường đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam (tập 1), Nxb. Công an nhân dân, HN, 2012, tr.218.

[3] Xem Điều 392 BLHS 2015.

LÔ VĂN LÂM - Giảng viên Khoa pháp luật - Trường trung cấp Biên phòng 2