Vướng mắc trong một số quy định của BLTTHS 2015 và đề xuất, kiến nghị

Bài viết phân tích, đánh giá một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, từ đó nêu ra thực trạng pháp luật, thực tiễn áp dụng và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 được đánh giá là hoàn thiện, có nhiều nội dung mới được luật hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo đảm tốt hơn quyền con người trong lĩnh vực tố tụng. Tuy nhiên, qua một thời gian đi vào cuộc sống đã cho thấy vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, việc áp dụng trên thực tế cũng không thống nhất dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau. Cũng như bất kỳ tồn tại khách quan nào, luật viết luôn ở trong tình trạng vận động hướng tới sự hoàn thiện và không bao giờ đạt đến sự hoàn thiện tuyệt đối [1]. Vì vậy, bài viết sẽ đi phân tích, đánh giá một số quy định của pháp luật tố tụng, từ đó nêu ra thực trạng pháp luật, thực tiễn áp dụng và đề xuất, kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện hơn.

1.Về quyền và nghĩa vụ của người đại diện đối với bị hại là người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 62 BLTTHS năm 2015 cho thấy chỉ có người đại diện của bị hại trong trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì họ mới được quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ của bị hại. Tuy nhiên, đối với trường hợp bị hại là người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 thì BLTTHS không quy định phải có người đại diện cho họ để thực hiện quyền và nghĩa vụ thay. Tác giả cho rằng, một khi bị hại đã không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi, nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự, thể là giảm sút trí nhớ, khả năng diễn đạt ý chí do tuổi tác, bệnh tật, tai nạn; đó cũng có thể là tình trạng khuyết tật về thể chất, ví dụ như câm, điếc,… dẫn đến sự khó khăn trong việc hoàn thiện khả năng nhận thức [2] thì cũng được coi là người có nhược điểm về tâm thần, thể chất và cần thiết phải có người đại diện cho bị hại thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong quá trình giải quyết vụ án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại một cách tốt nhất.

Đề xuất, kiến nghị:

Theo tác giả, cần sửa đổi, bổ sung đoạn 1 khoản 5 Điều 62 BLTTHS năm 2015 theo hướng:

– Phương án 1: Bổ sung cụm từ “hoặc khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi”. Cụ thể như sau: “Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định tại Điều này.”

– Phương án 2: Bỏ cụm từ “bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi” và thay bằng cụm từ “hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất”. Cụ thể như sau: “Trường hợp bị hại chết, mất tích hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định tại Điều này.”

Việc bổ sung quy định trên, nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho bị hại là người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, bởi vì khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của họ không đầy đủ như một người bình thường và phù hợp với quy định tại Điều 23 BLDS năm 2015.

2. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong việc từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa giữa bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi (không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) với người đại diện của họ theo quy định tại Điều 77 BLTTHS năm 2015 thì Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) sẽ theo ý kiến của ai?

Vấn đề này đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nên dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau và các CQTHTT ở các địa phương áp dụng cũng không giống nhau.

Đề xuất, kiến nghị:

Tác giả cho rằng, mặc dù người dưới 18 tuổi tuy không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì khả năng nhận thức của họ vẫn còn trong giai đoạn đang được hoàn thiện nên cần phải có người đại diện là phù hợp. Tuy nhiên, nếu so với độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì tuổi chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ là từ đủ 16 tuổi trở lên (tức là không còn được coi là trẻ em) [3]. Như vậy, các nhà làm luật đã phân tích, đánh giá rất kỹ về khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của người phạm tội ở độ tuổi từ đủ 16 tuổi trở lên đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội dù ở mức độ ít nghiêm trọng trước khi đưa ra quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự đầy đủ. Do đó, tác giả cho rằng, trong trường hợp nêu trên cần hướng dẫn theo hướng: “Nếu có sự mâu thuẫn trong việc từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa giữa bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi (không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) với người đại diện của họ thì CQTHTT sẽ theo ý kiến của người đại diện của bị hại nếu bị hại dưới 16 tuổi và theo ý kiến của bị hại nếu bị hại từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi”.[4]

3. Vắng mặt thư ký tại phiên tòa

Có nhiều quan điểm cho rằng việc vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa dẫn đến phải tạm ngừng phiên tòa trên thực tiễn rất hiếm khi xảy ra, thậm chí có thể không xảy ra. Tác giả cho rằng, các nhà làm luật khi xây dựng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 251 BLTTHS năm 2015 đã dự liệu cho trường hợp có thể xảy ra trong tương lai, cũng như dựa trên sự tổng kết, đánh giá từ thực tiễn. Theo đó, trong trường hợp vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa, thì phiên tòa phải được tạm ngừng và việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 251 BLTTHS năm 2015. Đồng thời, đối chiếu với quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 299 BLTTHS năm 2015, thì trường hợp vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử (HĐXX) phải thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và lập văn bản, nhưng HĐXX phải thảo luận và thông qua tại phòng xử án, không phải lập văn bản nhưng phải được ghi vào biên bản phiên tòa.

Tuy nhiên, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thư ký Tòa án là ghi biên bản phiên tòa [5] và mọi diễn biến từ khi bắt đầu phiên tòa cho đến khi kết thúc phiên tòa phải được thể hiện vào biên bản phiên tòa [6]. Như vậy, quy định tại khoản 2 Điều 251 với khoản 3 Điều 299 BLTTHS năm 2015 cho thấy có sự không tương thích, bởi vì trong trường hợp Thư ký Tòa án vắng mặt tại phiên tòa thì ai sẽ là người ghi biên bản phiên tòa.

Đề xuất, kiến nghị:

Theo tác giả, trong trường hợp Thư ký Tòa án vắng mặt tại phiên tòa, thì đây được coi là trường hợp ngoại lệ không phải ghi lại diễn biến phiên tòa, nhưng HĐXX phải thảo luận tại phòng nghị án và lập văn bản. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015 theo hướng: “Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa, trừ trường hợp tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa”. Và bổ sung vào khoản 2 Điều 299 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “Quyết định về việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, hoãn phiên tòa, tạm ngừng phiên tòa, bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và được lập văn bản”.

Việc bổ sung các quy định trên nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn khi vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa, thì không thể ghi lại diễn biến tại phiên tòa, mà phải thông qua HĐXX thảo luận tại phòng nghị án và lập thành văn bản. Đồng thời, cũng đảm bảo sự thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong tình huống tương tự: do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa và không có người thay thế được, thì phiên tòa phải được tạm ngừng và phải được HĐXX thảo luận, thông qua tại phòng nghị án và lập thành văn bản.[7]

4. Vắng mặt Kiểm sát viên và Thư ký phiên tòa

Trong trường hợp vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 251 BLTTHS năm 2015, thì phiên tòa được tạm ngừng. Đối với các trường hợp vắng mặt Kiểm sát viên [8], bị cáo [9], người bào chữa [10], bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ [11] và người làm chứng về vấn đề quan trọng của vụ án [12] thì phải hoãn phiên tòa theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 297 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, trong trường hợp phiên tòa được mở lần thứ nhất nhưng vắng mặt đồng thời Thư ký Tòa án và Kiểm sát viên hoặc bị cáo hoặc người bào chữa hoặc bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ hoặc người làm chứng về vấn đề quan trọng của vụ án, thì phải tạm ngừng phiên tòa hay phải hoãn phiên tòa.

Đề xuất, kiến nghị:

Theo tác giả, để đảm bảo quyền lợi của những người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa, cũng như đảm bảo cho việc thực hiện thủ tục cấp, tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án bằng hình thức niêm yết đúng thời hạn luật định (do thông thường trong trường hợp này những người tham gia tố tụng vắng mặt thường không rõ địa chỉ hoặc không rõ họ đang ở đâu). Bởi vì, trường hợp hoãn phiên tòa thì thời hạn tối đa đến 30 ngày kể từ ngày hoãn phiên tòa [13]; còn tạm ngừng phiên tòa thì thời hạn chỉ có 05 ngày kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa, nếu không thể tiếp tục xét xử vụ án thì cũng phải hoãn phiên tòa [14]. Cho nên, trong trường hợp phiên tòa được mở lần thứ nhất nhưng vắng mặt đồng thời Thư ký Tòa án và Kiểm sát viên hoặc bị cáo hoặc người bào chữa hoặc bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ hoặc người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án thì cần phải hoãn phiên tòa sẽ hợp lý hơn.

5.Tội danh và điểm, khoản, điều của BLHS mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án xét xử đối với bị cáo

Theo quy định tại Điều 255 BLTTHS năm 2015, thì khi ban hành Quyết định đưa vụ án ra xét xử chỉ nêu “Tội danh và điểm, khoản, điều của BLHS mà Viện kiểm sát truy tố đối với bị cáo” [15]. Trong trường hợp hành vi của bị can, bị cáo thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó [16]. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, Quyết định đưa vụ án ra xét xử có phải ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật hình sự (BLHS) mà Viện kiểm sát truy tố và tội danh, điều, khoản của BLHS mà Tòa án sẽ xét xử đối với bị cáo không thì Điều 255 BLTTHS năm 2015 không quy định là thiếu sót và không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS năm 2015 khi mở rộng phạm vi xét xử của Tòa án so với quy định tại Điều 196 BLTTHS năm 2003. Tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng, để bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo và nếu Quyết định đưa vụ án ra xét xử không ghi rõ tội danh, điểm, khoản, điều của BLHS mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án sẽ xét xử đối với bị cáo là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. [17]

Đề xuất, kiến nghị:

Theo tác giả, cần bổ sung vào điểm d khoản 1 Điều 255 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “Tội danh và điểm, khoản, điều của BLHS mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án xét xử đối với bị cáo”. Việc bổ sung này sẽ đảm bảo cho bị cáo quyền được biết mình sẽ bị truy tố và bị xét xử về tội gì, theo quy định tại điểm, khoản và điều luật nào của BLHS để bị cáo thực hiện quyền bào chữa hoặc người khác trợ giúp – đó là một trong những quyền để bị cáo được tiếp cận công lý [18].

6. Về thẩm quyền công bố lời khai của người làm chứng, người được xét hỏi tại phiên tòa

Theo quy định tại khoản 1 Điều 293 BLTTHS năm 2015 về sự có mặt của người làm chứng (Mục III quy định chung về thủ tục tại phiên tòa): “Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó”. Tại khoản 1 Điều 308 BLTTHS năm 2015 (Mục V thủ tục tranh tụng tại phiên tòa) quy định về công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố: “Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì HĐXX, Kiểm sát viên không được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố”. Theo đó, nếu người được xét hỏi vắng mặt tại phiên tòa thì HĐXX, Kiểm sát viên sẽ được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố tại phiên tòa. Đồng thời, thuật ngữ “người được xét hỏi tại phiên tòa” đã bao gồm cả người làm chứng. Tuy nhiên, quy định chung về thủ tục tại phiên tòa (khoản 1 Điều 293) với quy định riêng về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa (khoản 1 Điều 308) lại có sự phân biệt về người có thẩm quyền công bố lời khai là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa với HĐXX (có thể bao gồm: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân) và Kiểm sát viên là chưa hợp lý, dẫn đến sự chồng chéo, gây khó khăn cho các Tòa án địa phương trong quá trình áp dụng.

Đề xuất, kiến nghị:

Mặc dù quy định tại Điều 293 BLTTHS năm 2015 là quy định chung về thủ tục bắt đầu phiên tòa nhưng tên và nội dung của điều luật quy định về sự có mặt của người làm chứng. Trong khi, quy định tại Điều 308 BLTTHS năm 2015 tuy ở phần thủ tục tranh tụng tại phiên tòa (phần riêng) nhưng tên và nội dung của điều luật quy định về việc công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố. Vì vậy, theo tác giả, cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 293 BLTTHS năm 2015 theo hướng: “Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì tiến hành công bố những lời khai đó theo quy định tại Điều 298 của Bộ luật này. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử”. Việc sửa đổi, bổ sung quy định trên khắc phục được sự chồng chéo, tạo sự thống nhất giữa quy định tại khoản 1 Điều 293 với khoản 1 Điều 298 BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền công bố lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa khi họ vắng mặt tại phiên tòa nhưng đã có lời khai trước đó trong giai đoạn điều tra, truy tố.

7.Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố

Theo quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS năm 2015, thì trong trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.
Theo từ điển tiếng Việt, “cần” dưới hình thức động từ được hiểu là “không thể không làm, không thể không có, vì nếu không làm, không có thì sẽ có hại”. Còn “cần” dưới hình thức tính từ được hiểu là “phải được giải quyết gấp, vì để chậm trễ sẽ có hại”.[19] Như vậy, theo từ điển tiếng Việt “cần” được hiểu theo hướng có lợi, nhưng quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS năm 2015 sử dụng từ “cần” theo hướng gây bất lợi cho bị cáo (cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố) là chưa hợp lý về mặt từ ngữ tiếng Việt. Mặt khác, cụm từ “cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn” trong quy định trên còn cho thấy việc xét xử, định tội danh đối với bị cáo thể hiện ý chí chủ quan của Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa (khi chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử) hoặc của HĐXX (khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử) chứ không căn cứ vào các yếu tố cấu thành tội phạm – thuật ngữ khoa học pháp lý trong pháp luật hình sự về việc định tội danh đối với hành vi phạm tội.

Đề xuất, kiến nghị:

Theo tác giả cần sửa đổi, bổ sung cụm từ “cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn” thành cụm từ “hành vi phạm tội của bị cáo thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội danh nặng hơn” tại khoản 3 Điều 298 BLTTHS năm 2015. Cụ thể: “Trường hợp xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo thỏa mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó”. Việc sửa đổi, bổ sung quy định trên không những khắc phục được trường hợp mang tính chủ quan của Thẩm phán và HĐXX mà còn phù hợp với thuật ngữ khoa học pháp lý. Bởi vì, mỗi tội phạm đều khác các tội khác về đặc điểm cấu trúc của bốn yếu tố của tội phạm (khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan). Nhưng tất cả các tội phạm thuộc một tội danh đều có những đặc điểm chung về bốn yếu tố đó. Những đặc điểm chung này được phản ánh trong các cấu thành tội phạm.[20]

Cấu thành tội phạm không chỉ là cơ sở pháp lý để các CQTHTT truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mà còn là căn cứ để xác định tội danh cũng như khung hình phạt cần áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội trong từng trường hợp cụ thể. Qua đó, trong nhiều trường hợp sự mô tả kỹ trong cấu thành tội phạm còn giúp các nhà áp dụng luật nhìn nhận chính xác các trường hợp chuyển hóa tội phạm (từ tội danh này sang tội danh khác) hoặc trong nhiều trường hợp còn xác định chính xác dấu hiệu chuyển hóa từ yếu tố định tội sang yếu tố định khung hình phạt hoặc từ yếu tố định khung hình phạt sang tội danh khác nặng hơn.[21]

Kết luận. Các quy định của pháp luật tố tụng trong thời gian qua đã phần nào phát huy được hiệu quả điều chỉnh trên thực tế. Tuy nhiên, qua phân tích, đánh giá cho thấy vẫn còn có một số hạn chế nhất định, chưa phù hợp về mặt lý luận cũng như thực tiễn. Có thể lý giải cho nguyên nhân đó là do “sự không rõ nghĩa của câu chữ, sự không đầy đủ về nội dung của một văn bản luôn là “căn bệnh cố hữu” của văn bản luật, không thể khắc phục hết” [22]. Chính vì vậy, trong tương lai BLTTHS năm 2015 cần sửa đổi các quy định như tác giả đã phân tích trên để góp phần hoàn thiện hơn và phù hợp về mặt lý luận và thực tiễn./.

1.Nguyễn Ngọc Điện (2019), Phương pháp phân tích luật viết, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, tr. 14.
2.Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh – Nguyễn Ngọc Điện chủ biên (2018), Giáo trình Luật dân sự, tập 1, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tái bản lần thứ 4, tr. 95.
3.Khoản 1 Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
4.Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp khi có sự mâu thuẫn trong việc yêu cầu khởi tố VAHS giữa bị hại là người dưới 18 tuổi (không có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất) với người đại diện của họ thì CQTHTT sẽ theo ý kiến của ai.
5.Điểm c khoản 1 Điều 47 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
6. 1 Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
7. Khoản 2 Điều 235 và điểm a khoản 1 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
8.Khoản 1 Điều 289 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
9.Khoản 1 Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
10.Khoản 1 Điều 291 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
11. Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
12.Khoản 1 Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
13.Khoản 2 Điều 297 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
14.Khoản 2 Điều 251 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
15.Điểm d khoản 1 Điều 255 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
16.Khoản 3 Điều 298 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
17.Tiểu mục 2, mục II Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ.
18.Đào Trí Úc – Vũ Công Giao (2018), Công lý và quyền tiếp cận công lý một số vấn đề lý luận, thực tiễn, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 187 – 197.
19.Ngôn ngữ học – Hoàng Phê chủ biên (2016), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 155
20.Nguyễn Ngọc Hòa (2015), Tội phạm và cấu thành tội phạm, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, tr. 63.
21.Nguyễn Ngọc Thế (2013), Tội phạm, cấu thành tội phạm – Những vấn đề lý luận và thực tiễn (sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 45.
22.Ngọc Điện (2019), Phương pháp phân tích luật viết, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, tr. 15.

THs. PHAN THÀNH NHÂN ( Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp)