Vướng mắc về công bố tài liệu, chứng cứ theo BLTTDS năm 2015

Công bố tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án (bao gồm chứng cứ do Tòa án thu thập và chứng cứ do đương sự giao nộp) là quy định mới của BLTTDS năm 2015. Quy định này nhằm đảm bảo tính công khai trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên trên thực tiễn vẫn còn nhiều vướng mắc,tác giả nêu một số ý kiến về vấn đề này

Tại khoản 2 Điều 210 BLTTDS năm 2015 quy định như sau: “Khi kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, hỏi đương sự về những vấn đề sau đây: a) Yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết; b) Tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác; c) Bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa; d) Những vấn đề khác mà đương sự thấy cần thiết.”. Như vậy, trước khi Thẩm phán hỏi các đương sự về các vấn đề tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 210 của BLTTDS năm 2015 thì Thẩm phán phải công bố tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Do đây là quy định mới chưa có hướng dẫn cụ thể nên thực tiễn còn nhận thức khác nhau. Có quan điểm cho rằng khi công bố tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ thì Thẩm phán phải công bố tóm tắt nội dung của từng tài liệu, chứng cứ. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng Thẩm phán chỉ công bố tên của từng tài liệu, chứng cứ mà không được công bố nội dung của các tài liệu chứng cứ đó.

Quan điểm thứ nhất: Thẩm phán chỉ công bố tên gọi của các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ lý giải như sau:

Thứ nhất, tại phần 8 mục II Giải đáp số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao có giải đáp như sau:

“Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 không quy định cụ thể về thời điểm đương sự phải gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Tuy nhiên, việc quy định đương sự có nghĩa vụ gửi cho đương sự khác bản sao tài liệu, chứng cứ tại khoản 9 Điều 70, khoản 5 Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là nhằm đảm bảo việc tiếp cận chứng cứ để thực hiện quyền tranh tụng của đương sự trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án. Do vậy, nguyên đơn phải gửi bản sao đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ cho đương sự khác trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 không quy định phương thức đương sự sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác nên đương sự có quyền lựa chọn phương thức sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác (gửi trực tiếp, gửi qua đường bưu điện…) và đương sự phải chứng minh với Tòa án đã sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác.

Quy định tại khoản 9 Điều 70, khoản 5 Điều 96 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là những quy định mới, nhằm bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Do vậy, trong quá trình tố tụng, Tòa án phải giải thích, hướng dẫn cho đương sự để họ thực hiện nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác. Trường hợp đương sự không thực hiện việc sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác thì Tòa án yêu cầu đương sự phải thực hiện. Trường hợp vì lý do chính đáng, không thể sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác thì đương sự có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ theo quy định tại khoản 3 Điều 196, điểm b khoản 2 Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.”

Từ quy định này có thể hiểu là đối với các tài liệu, chứng cứ mà đương sự giao nộp cho Tòa án thì đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án có nghĩa vụ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ này cho đương sự khác. Trường hợp vì lý do chính đáng, không thể sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác thì đương sự có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ. Việc sao gửi tài liệu chứng cứ cho đương sự khác phải được thực hiện trước khi Tòa án tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải. Cho nên nội dung cụ thể của các tài liệu chứng cứ do đương sự giao nộp cho Tòa án thì các đương sự trong vụ án đều biết.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 5 Điều 97 BLTTDS năm 2015 thì đối với tài liệu chứng cứ do Tòa án thu thập được thì Tòa án phải có nghĩa vụ thông báo cho các đương sự trong vụ án biết về tài liệu, chứng cứ đó trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thu thập được tài liệu, chứng cứ để đương sự thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trong đó có quyền sao chụp tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Qua đó, đương sự sẽ có sự chủ động hơn trong việc tự mình thu thập tài liệu, giao nộp bổ sung chứng cứ, đề nghị Tòa án tiến hành xác minh thu thập thêm chứng cứ.

Do đó, Thẩm phán chỉ công bố tên gọi của các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án mà không cần phải công bố tóm tắt nội dung của các tài liệu, chứng cứ cần công bố. Vì các đương sự trong vụ án đều biết được nội dung có trong hồ sơ vụ án trước khi Tòa án mở phiên họp. Trường hợp, đương sự chưa nhận được tài liệu, chứng cứ do đương sự trực tiếp hoặc do Tòa án hỗ trợ đương sự sao gửi thì cũng có quyền yêu cầu Tòa án cho sao chụp tài liệu chứng cứ mà Tòa án cần biết nội dung. Mặc khác, có những vụ án có hàng trăm, thậm chí hàng ngày tài liệu chứng cứ mà Thẩm phán công bố tóm tắt nội dung từng tài liệu chứng cứ thì rất khó thực hiện được trên thực tế.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Thẩm phán cần công bố tóm tắt nội dung của các tài liệu, chứng cứ được công bố tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải. Vì lý do sau:

Thứ nhất, mặc dù theo quy định của BLTTDS năm 2015, đương sự khi giao nộp tài liệu, chứng cứ gì cho Tòa án thì phải có nghĩa vụ sao gửi tài liệu, chứng cứ ấy cho đương sự khác trong vụ án. Hoặc đương sự có thể yêu cầu Tòa án hỗ trợ sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác. Tuy nhiên, thực tiễn thì không phải đương sự nào khi nộp tài liệu chứng cứ cho Tòa án cũng thực hiện đúng nghĩa vụ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác cũng như là việc yêu cầu Tòa án hỗ trợ sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác. Mặc khác, một số Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cũng chưa thực hiện tốt việc giải thích, hướng dẫn hoặc yêu cầu đương sự phải sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác hoặc yêu cầu đương sự, cũng như quy định về quyền được yêu cầu Tòa án hỗ trợ sao gửi tài liệu chứng cứ cho đương sự khác. Cho nên, đương sự không biết được những nội dung của các tài liệu, chứng cứ do đương sự khác giao nộp cho Tòa án có trong hồ sơ vụ án.

Thứ hai, theo quy định tại khoản 5 Điều 97 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án chỉ thông báo cho đương sự biết là Tòa án đã thu thập được những tài liệu, chứng cứ mà Tòa án không sao gửi tài liệu chứng cứ do Tòa án thu thập được cho đương sự trong vụ án nên các đương sự cũng không biết được nội dung của tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập được là gì.

Thứ ba, mặc dù đương sự trong vụ án có quyền được sao chụp tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nhưng không phải đương sự nào cũng biết họ có được quyền này. Nhiều trường hợp, Thẩm phán cũng chưa làm tốt việc giải thích cho đương sự có quyền yêu cầu sao chụp tài liệu, chứng cứ trong vụ án. Tuy nhiều nhiều vụ án, Thẩm phán chỉ tiến hành mở phiện họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải khi đã thu thập được cơ bản tài liệu, chứng cứ làm sáng tỏ nội dung, sự thật khách quan của vụ án. Nếu đương sự không biết hết những nội dung có trong hồ sơ vụ án thì họ sẽ không có căn cứ vững chắc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia phiên họp hòa giải hoặc tại phiên Tòa.

Chính vì vậy, mà đối với các tài liệu, chứng cứ mà đương sự chưa được nhận hoặc chưa biết được nội dung thì Thẩm phán cần công bố tóm tắt nội dung của các tài liệu, chứng cứ đó nhằm đảm bảo tính công khai về tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và đảm bão việc hòa giải có hiệu quả hơn.

Từ hai quan điểm và những phân tích, lập luận trên thấy rằng nhận thức về việc công bố tài liệu, chứng cứ tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ còn khác nhau trong thực tiễn. Để đảm bảo tính công khai tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, theo tác giả Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cần làm tốt việc giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết khi giao nộp tài liệu chứng cứ cho Tòa án phải có nghĩa vụ sao gửi tài liệu chứng cứ đó ch đương sự khác. Nếu đương sự chưa thực hiện thì yêu cầu đương sự phải thực hiện. Trường hợp, đương sự có lý do chính đáng không  sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự thì Thẩm phán giải thích cho đương sự có quyền yêu cầu Tòa án hỗ trợ đương sự sao gửi tài liệu, chứng cứ do đương sự giao nộp cho đương sự khác trong vụ án.

Việc sao gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác trong vụ án cần phải được thực hiện trước khi Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Ngoài ra, Thẩm phán cũng cần phải thực hiện đúng quy định về thông báo cho đương sự biết tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập được và đồng thời phải giải thích cho đương sự biết quyền được yêu cầu Tòa án cho sao chụp tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập được. Việc yêu cầu sao chụp tài liệu chứng cứ cũng cần được thực hiện trước khi Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải.

Tác giải cũng mong bạn đọc cùng trao đổi thêm để việc nhận thức và áp dụng áp luật về công bố tài liệu, chứng cứ được thống nhất trong thực tiễn.

Dương Tấn Thanh-TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh