Xác nhận cha cho con qua một tình huống cụ thể

Sau khi ly hôn với anh A 07 tháng, chị B sinh con là cháu Đ. Chị B làm giấy khai sinh cho cháu Đ lấy tên bố là anh A. Nay anh C có đơn yêu cầu Tòa án xác định anh là cha của cháu Đ. Trường hợp này là Tòa án có thụ lý giải quyết hay không, giải quyết như thế nào…

Tình huống pháp lý

Năm 2016, Tòa án đã thụ lý và xét xử vụ án hôn nhân và gia đình về “xin ly hôn” giữa anh A và chị B. Trong quá trình giải quyết, anh A và chị B đều thừa nhận cháu D là con chung của vợ chồng. Do đó, Tòa án đã giao cháu D cho chị B trực tiếp nuôi dưỡng. Bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Sau khi ly hôn 07 tháng, chị B sinh con là cháu Đ. Chị B đến Ủy ban nhân dân (UBND) xã làm giấy khai sinh cho cháu Đ lấy tên bố là anh A; anh A hoàn toàn không hay biết việc này.

Nay anh C có đơn yêu cầu Tòa án xác định anh là cha của cháu Đ (con trong thời kỳ hôn nhân và có giấy khai sinh hợp pháp của anh A và chị B). Đồng thời, yêu cầu Tòa án xác nhận cháu Đ là con của mình (cháu Đ trong vụ án xin ly hôn trước đây anh A và chị B không khai và thực tế anh A không biết chị B sinh cháu Đ nhưng sau khi ly hôn chị B đến UBND xã làm giấy khai sinh cho cháu Đ và lấy tên bố là anh A (con mang thai trong thời kỳ hôn nhân).

Vấn đề đặt ra trong tình huống này là Tòa án có thụ lý giải quyết theo yêu cầu của anh C hay không?
Trong trường hợp này, giữa anh A, chị B và anh C không có tranh chấp. Do đó, đây không phải là tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ quy định tại khoản 4 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 (những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án). Câu hỏi đặt ra là: Vậy đây có phải là yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại Điều 29 BLTTDS 2015 hay không?

Khoản 10 Điều 29 BLTTDS 2015 quy định Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết: “10. Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”. Do đó, để xác định trường hợp này có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không cần phải xem Luật Hôn nhân và gia đình (Luật HNGĐ) 2014 quy định như thế nào.

Điều 101 Luật HNGĐ 2014 quy định về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con như sau:

“1. Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp; 2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này.

Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, do anh A, chị B và anh C không có tranh chấp nên việc xác định cha, con trong tình huống nêu trên thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan đăng ký hộ tịch và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tòa án không thụ lý đơn yêu cầu xác định con của anh C mà căn cứ vào khoản 1 Điều 101 Luật HNGĐ 2014 và điểm c khoản 1 Điều 364 BLTTDS 2015, Tòa án trả lại đơn yêu cầu cho anh C.

Trường hợp Tòa án đã thụ lý yêu cầu nêu trên của anh C thì phải xử lý như thế nào?

Trường hợp Tòa án đã thụ lý yêu cầu nêu trên của anh C thì phải xử lý như thế nào thì phần thủ tục giải quyết việc dân sự không có quy định cụ thể đối với trường hợp này. Có lẽ khi xây dựng BLTTDS 2015 nhà làm luật đã để “hổng” khi không quy định Tòa án đình chỉ giải quyết việc dân sự trong trường hợp việc dân sự đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Tuy nhiên, đoạn thứ hai Điều 361 BLTTDS 2015 quy định: “Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27, các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29, các khoản 1, 2, 3 và 6 Điều 31, các khoản 1, 2 và 5 Điều 33 của Bộ luật này. Trường hợp Phần này không quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết việc dân sự”.

Do đó, Tòa án có thể áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 364 và điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 để quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự. Việc áp dụng này có phần khiên cưỡng bởi lẽ điểm g khoản 1 Điều 217 dẫn chiếu tới các trường hợp Tòa án đã thụ lý trong đó có thụ lý vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa án.

Đối với bản án sơ thẩm hôn nhân và gia đình đã có hiệu lực nêu trên thì xử lý thế nào và có cần phải xem xét lại theo trình tự tái thẩm hay không?

Theo quy định của BLTTDS 2015 thì tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án, các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó (Điều 351 BLTTDS 2015) và một trong các căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án (khoản 1 Điều 352 BLTTDS 2015). Với các quy định của BLTTDS 2015 thì bản án sơ thẩm nêu trên phải được xem xét lại theo thủ tục tái thẩm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 353 BLTTDS 2015, trường hợp phát hiện tình tiết mới của vụ án thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 354 của BLTTDS.
Tuy nhiên, Điều 356 BLTTDS 2015 quy định về thẩm quyền của Hội đồng xét xử tái thẩm như sau:

“Hội đồng xét xử tái thẩm có thẩm quyền sau đây:
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
2. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do Bộ luật này quy định.
3. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án”.

Có thể thấy, BLTTDS 2015 gần như giữ nguyên quy định của BLTTDS 2004 về thẩm quyền của Hội đồng xét xử tái thẩm (chỉ sửa đổi về mặt kỹ thuật). Do đó, trường hợp này sẽ trở nên phức tạp khi bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật được xem xét lại theo thủ tục tái thẩm, bởi lẽ sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí cho việc giải quyết vụ án, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 356 BLTTDS 2015 nêu trên thì bản án sơ thẩm đã có hiệu lực sẽ bị hủy để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục do BLTTDS 2015 quy định. Việc giải quyết sẽ đơn giản hơn nếu BLTTDS 2015 quy định Hội đồng xét xử tái thẩm có thẩm quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật như quy định của BLTTDS 2015 về thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm (khoản 5 Điều 343 BLTTDS 2015).

Kiến nghị, đề xuất

Từ tình huống pháp lý cụ thể nêu trên trong thực tiễn công tác xét xử đã phần nào thấy được một số “khiếm khuyết” của BLTTDS 2015.

Trước mắt, để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong giải quyết các vụ việc dân sự, theo tác giả, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành văn bản hướng dẫn về đình chỉ xét đơn yêu cầu trong trường hợp Tòa án thụ lý việc dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Về lâu dài, khi có điều kiện sửa đổi, bổ sung BLTTDS 2015, cần bổ sung những vấn đề còn “khiếm khuyết” như đã phân tích ở trên, cụ thể:

– Bổ sung thêm quy định Tòa án đình chỉ xét đơn yêu cầu trong trường hợp đã thụ lý việc dân sự không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

– Bổ sung thêm quy định Hội đồng xét xử tái thẩm có thẩm quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

ĐỖ MAI BÍCH PHƯỢNG