Xử lý vật chứng khi xét xử vụ án hình sự – Bất cập và kiến nghị

Khi xét xử vụ án hình sự (VAHS), ngoài việc xem xét đến vấn đề tội danh, hình phạt, trách nhiệm dân sự, thì xử lý vật chứng luôn là một nội dung không thể thiếu trong phần nghị án và quyết định trong bản án. Tuy nhiên, trên thực tế này sinh vấn đề áp dụng pháp luật về xử lý vật chứng không được thống nhất.

1.Khái quát về vật chứng và xử lý vật chứng

Vật chứng trong VAHS là vật mang dấu vết của tội phạm, vật dùng để chứng minh hành vi phạm tội và các tình tiết khác trong vụ án. Trong một VAHS, Cơ quan Điều tra (CQĐT) thu thập rất nhiều tài liệu, đồ vật khác nhau. Tuy nhiên, không phải tài liệu, đồ vật nào cũng là vật chứng trong vụ án. Nếu tài liệu, đồ vật thu thập trong vụ án không phải là vật chứng và không thuộc trường hợp cấm lưu hành, thì đương nhiên phải trả lại. Còn nếu tài liệu, đồ vật là vật chứng, thì phải xem xét tịch thu nộp ngân sách Nhà nước (NSNN), tịch thu tiêu hủy hoặc trả lại cho chủ sở hữu. Do vậy, cần phải xác định rõ tài liệu, đồ vật nào là vật chứng, tài liệu, đồ vật nào không phải là vật chứng để có cơ sở xem xét, xử lý.

Căn cứ để xác định và xử lý vật chứng trước tiên là các quy định tại Điều 46, Điều 47, Điều 48 của Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 và các quy định tại Điều 89, Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015.

Theo đó, về nguyên tắc, vật chứng trong VAHS phải được xem xét và xử lý theo quy định. Tuy nhiên, trong VAHS, CQĐT thường thu thập rất nhiều tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, nhưng không phải tài liệu, đồ vật nào cũng là vật chứng. Như vậy, trong một vụ án, có thể chia tài liệu, đồ vật thành 02 nhóm là vật chứng và vật không phải vật chứng. Ngoài ra, nếu căn cứ vào chủ thể sở hữu, chiếm hữu, thì có thể chia thành 02 nhóm là vật thuộc sở hữu của bị cáo và vật thuộc sở hữu, quản lý hợp pháp của người khác. Để giải quyết triệt để tài liệu, đồ vật trong một VAHS, cần phải kết hợp 02 cách phân chia trên để tạo thành 04 trường hợp xử lý như sau:

– Vật chứng thuộc quyền sở hữu của bị cáo: Xử lý bằng cách bị tịch thu tiêu hủy hoặc tịch thu nộp NSNN;

– Vật chứng thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người khác: Về nguyên tắc là phải trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp; nếu chủ sở hữu có lỗi trong việc quản lý tài sản, thì có thể bị tịch thu nộp NSNN;

– Vật không phải vật chứng thuộc quyền sở hữu của bị cáo: Trả lại cho bị cáo;

– Vật không phải vật chứng thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người khác: Trả lại cho chủ sở hữu.

Lưu ý: Trong 04 trường hợp trên, nếu là vật thuộc trường hợp Nhà nước cấm lưu hành, thì không phân biệt là vật chứng hay không phải vật chứng, của bị cáo hay không phải của bị cáo, đều phải bị xem xét tịch thu nộp NSNN hoặc tịch thu tiêu hủy; Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lại thì giao cho tổ chức chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Về thẩm quyền xử lý vật chứng: Về nguyên tắc, vụ án kết thúc ở giai đoạn nào, thì cơ quan đó có trách nhiệm ra quyết định xử lý vật chứng. Ví dụ: Vụ án đình chỉ ở giai đoạn điều tra, thì CQĐT sẽ xử lý, vụ án đình chỉ ở giai đoạn truy tố, thì Viện kiểm sát xử lý, vụ án đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, thì Chánh án ra quyết định xử lý, nếu tại phiên tòa, thì Hội đồng xét xử xử lý.

Tuy nhiên, cần lưu ý ngoại lệ đối với vật chứng là loại mau hỏng hoặc khó bảo quản, thì được bán ngay theo quy định của pháp luật, trường hợp không bán được thì tiêu hủy; Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai, thì có thể xử lý ngay mà không phải chờ đến khi kết thúc vụ án.

2.Một số bất cập trong việc xử lý vật chứng khi xét xử các VAHS

Các quy định trên cho thấy, về cơ bản, vật chứng và xử lý vật chứng được quy định tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy, việc xác định vật chứng nào là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội và vật chứng nào không phải là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội đôi khi còn lúng túng. Vấn đề này, chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương quan tâm, hướng dẫn, nên đã xảy ra tình trạng các địa phương khác nhau có cách đánh giá và xử lý vật chứng khác nhau hoặc ở các cấp xét xử khác nhau, lại có cách nhận thức khác nhau về cùng một vật chứng và có kết quả xử lý khác nhau, dẫn đến phải hủy án hoặc sửa án về phần vật chứng. Điều này làm cho việc áp dụng pháp luật về xử lý vật chứng không được thống nhất.

Xin nêu ra ví dụ cụ thể sau để minh họa: Nguyễn Thị Kim L cùng đồng bọn bị xử lý về hành vi đánh bạc. Theo đó, vào khoảng 22 giờ ngày 22/02/2017, Huỳnh Thị P, Nguyễn Thị Kim L, Hồ Xuân H, Ngô Thị C và Lục Chánh S cùng một số người khác có hành vi đánh bài ăn thua bằng tiền với nhau, thì bị bắt quả tang, thu giữ được trên chiếu bạc tiền sử dụng vào việc đánh bạc cùng nhiều tài sản khác. Trong đó, có thu giữ xe mô tô của Huỳnh Thị P, xe mô tô của Nguyễn Thị Kim L, xe mô tô của Hồ Xuân H, xe mô tô của Lục Chánh S, xe mô tô của Ngô Thị C là phương tiện mà các bị cáo đi đến sòng bạc và gửi xe bên ngoài, sau đó vào đánh bạc.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 34/2017/HS-ST ngày 01/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố S và Bản án hình sự phúc thẩm số 359/2017/HS-PT ngày 12/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh ĐT về phần xử lý vật chứng tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước đối với 05 chiếc xe thu giữ của bà P, bà L, bà H, bà C và anh S. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 04/2019/HS-GĐT ngày 19/02/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên hủy một phần Bản án hình sự phúc thẩm số 359/2017/HS-PT ngày 12/12/2017 và Bản án hình sự sơ thẩm số 34/2017/HS-ST ngày 01/9/2017 về phần xử lý vật chứng đối với 05 chiếc xe thu giữ trên.

Tại Bản án số 25/2019/HS-ST ngày 22/5/2019 của Tòa án nhân dân thành phố S đã xét xử lại vụ án trên và nhận định: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự và điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì những “Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội” mới tịch thu sung quỹ Nhà nước. Do đó, đối với 05 chiếc xe bị thu giữ không được dùng làm công cụ, phương tiện để thực hiện phạm tội nên không thuộc trường hợp tịch thu sung quỹ Nhà nước”.

Như vậy, cùng là xe mô tô dùng để đi đánh bạc, nhưng cấp sơ thẩm và phúc thẩm cho rằng, đó là phương tiện dùng vào việc phạm tội, nên tịch thu; nhưng cấp giám đốc thẩm lại xác định không phải là phương tiện dùng vào việc phạm tội, nên không tịch thu. Sự khác biệt này xuất phát từ hai quan điểm nhận thức: Quan điểm thứ nhất cho rằng, các bị cáo không thể đến địa điểm đánh bạc nếu không có xe, do đó, xe máy phải là phương tiện dùng vào việc phạm tội và phải bị tịch thu; Quan điểm thứ hai lại cho rằng, phương tiện dùng vào việc phạm tội phải là một yếu tố của cấu thành tội phạm, trong tình huống này có hay không có xe mô tô, thì các bị cáo vẫn có thể thực hiện được hành vi phạm tội.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp việc xác định như thế nào là vật chứng là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Vấn đề này cũng thường xảy ra ở những vụ án cố ý gây thương tích, khi mà các bị cáo dùng xe mô tô đi đến địa điểm đánh nhau xong rồi trở về. Có Tòa án cho rằng, đây là phương tiện dùng vào việc phạm tội, nên tịch thu; nhưng có Tòa án xác định đây không phải là phương tiện dùng vào việc phạm tội, nên trả lại cho bị cáo. Hoặc các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có trường hợp tịch thu xe gây tai nạn, nhưng lại có Tòa án lại quyết định trả cho bị cáo.

Bất cập về xử lý vật chứng đã được thể hiện rõ qua hai dự thảo án lệ mà Tòa án nhân dân tối cao vừa công bố để tiếp thu ý kiến. Cụ thể là, dự thảo án lệ số 01 năm 2019 có nêu ra tình huống xử lý vật chứng là tài sản chung của vợ chồng và dự thảo án lệ số 03 năm 2019 có nêu ra tình huống xử lý vật chứng là tài sản đang bị thế chấp ở các tổ chức tín dụng[1].

Thực tiễn trên cho thấy, vấn đề áp dụng các quy định của BLHS và BLTTHS để xác định như thế nào là vật dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội và phải xử lý như thế nào còn rất khó khăn. Do đó, cần thiết phải có các văn bản hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về nguyên tắc, phương pháp xác định và xử lý vật chứng, cũng như những tình huống xử lý vật chứng cụ thể, để từ đó thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.

 3.Một số kiến nghị khi áp dụng pháp luật về xử lý vật chứng

 3.1. Về quan điểm xử lý

 3.1.1. Vật chứng là xe máy, xe ô tô thuộc quyền sở hữu của bị cáo

Thực tiễn xét xử cho thấy, rất nhiều vụ án có vật chứng là xe máy hoặc xe ô tô thuộc quyền sở hữu của bị cáo. Tuy nhiên, các Tòa án khác nhau lại có cách xử lý khác nhau về loại vật chứng này.

Ví dụ: Trong vụ án đánh bạc, bị cáo dùng xe máy để đi đến địa điểm đánh bạc, cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã tịch thu xe máy nộp NSNN. Cấp giám đốc thẩm hủy án để xét xử sơ thẩm lại về phần vật chứng theo hướng trả lại cho các bị cáo.

Trong ví dụ đã nêu ở trên, cần phải xác định đây có phải là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội hay không? Nếu là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội thì có thể tịch thu nộp NSNN, ngược lại thì xem xét trả lại cho bị cáo. Mấu chốt của vấn đề là “xe máy, xe ô tô phải được dùng vào việc phạm tội” thì mới gọi là công cụ, phương tiện phạm tội. Tức là, việc sử dụng xe máy, xe ô tô có liên hệ mật thiết với tội phạm, nếu không có xe thì không thể hoàn thành tội phạm trong tình huống cụ thể đó. Ngược lại, nếu xe máy chỉ là phương tiện di chuyển để đưa đến địa điểm phạm tội, thì xác định là phương tiện nhưng không dùng vào việc phạm tội, nên phải trả lại cho bị cáo. Cụ thể như sau:

Nếu bị cáo dùng xe máy, hoặc các loại xe khác để đi đến địa điểm đánh nhau, gây thương tích cho bị hại hoặc giết người, sau đó dùng xe quay về nhà thì không tịch thu nộp NSNN mà trả lại cho bị cáo. Vì trường hợp này, vật chứng không phải là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Nếu bị cáo dùng xe máy cố ý đâm, đụng vào người khác gây thương tích thì xe máy là công cụ dùng vào việc phạm tội; nếu các bị cáo dùng xe máy vừa chạy xe và vừa đánh, bắn giết nhau thì đây là phương tiện dùng vào việc phạm tội cần phải tịch thu nộp NSNN.

Tương tự, xe máy được thu giữ trong vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc thì cũng nên làm rõ: Nếu chỉ dùng xe máy đi đến địa điểm đánh bạc và đi về thì phải trả lại; nếu vừa chạy xe vừa đánh bạc trên xe (ô tô), hoặc có ý thức là chạy xe đến địa điểm đánh bạc để hết tiền có thể cầm cố, lấy tiền đó tiếp tục đánh bạc thì tịch thu nộp NSNN. Hoặc có trường hợp người tổ chức đánh bạc dùng xe máy để đưa đón con bạc từ điểm hẹn đến sòng bạc thì đây là phương tiện dùng vào việc phạm tội phải bị tịch thu.

Xe máy, ô tô dùng để vận chuyển hàng cấm, vận chuyển ma túy thì trong tình huống cụ thể này nếu không có xe máy, ô tô thì tội phạm đã không xảy ra nên xác định là phương tiện dùng vào việc phạm tội. Cần tịch thu nộp NSNN.

Đối với xe máy trong vụ án tai nạn giao thông thì việc gây ra tai nạn là vô ý, do đó về ý thức chủ quan của bị cáo xe máy không phải là công cụ, phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội, do vậy không tịch thu, tiêu hủy.

3.1.2. Vật chứng là tài sản chung

Nếu vật chứng là tài sản chung, thì cần phải làm rõ là tài sản chung hợp nhất hay tài sản chung theo phần. Nếu tài sản chung theo phần mà xác định tài sản đó dùng vào việc phạm tội, thì tịch thu nộp NSNN phần tài sản của bị cáo. Nếu là tài sản chung hợp nhất, thì cần làm rõ tài sản chung hợp nhất có phân chia được hay không? Nếu tài sản chung hợp nhất không phân chia được và là tài sản duy nhất của gia đình, nếu bị tịch thu, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên trong gia đình, thì xem xét không tịch thu. Thay vào đó, có thể áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền (nếu điều luật có quy định hình phạt bổ sung).

3.1.3. Vật chứng là tài sản đã được bảo đảm

Thực tế, bị cáo dùng tài sản để cầm cố, thế chấp (hợp pháp) nhưng lại dùng tài sản đó để làm công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Ví dụ như tình huống bị cáo mua xe ô tô trả góp hàng tháng cho ngân hàng và dùng xe này để vận chuyển hàng cấm, vận chuyển ma túy… Tình huống này không nên tịch thu toàn bộ tài sản vì không đảm bảo quyền lợi của bên cầm cố, thế chấp nhưng cũng không thể giao toàn bộ tài sản cho bên cầm cố, thế chấp (vì giá trị tài sản cầm cố, thế chấp cao hơn nghĩa vụ phải thực hiện). Do vậy, cần giao tài sản cho cơ quan thi hành án kê biên xử lý theo quy định, phần dư còn lại (nếu có) sau khi đã thanh toán xong nghĩa vụ bảo đảm thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm kê biên nộp NSNN. Xử lý như vậy, một mặt vừa đảm bảo quyền lợi của bên nhận tài sản đảm bảo, một mặt vừa xử lý được trách nhiệm của bị cáo khi sử dụng tài sản làm công cụ, phương tiện phạm tội.

3.1.4. Vật chứng mà chủ sở hữu không nhận lại

Trong một số vụ án, vật chứng là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội là thuộc sở hữu của bị cáo, của người bị hại, người liên quan… tuy nhiên, vì nhiều lý do mà họ không nhận lại tài sản. Do vậy, tại phiên tòa, cần làm rõ ý kiến của họ có muốn nhận lại tài sản hay không? Trường hợp chủ sở hữu không nhận lại tài sản, thì Hội đồng xét xử xem xét, nếu có giá trị sử dụng, thì tịch thu nộp NSNN, nếu không có giá trị sử dụng thì tịch thu tiêu hủy.

3.1.5. Tài sản do phạm tội mà có

Vật chứng là tiền, tài sản do mua bán, đổi chác từ tài sản phạm tội. Ví dụ: Bị cáo dùng tiền đi trộm cắp để mua xe. Tài sản có được thông qua đánh bạc rồi mua nhà, đất.

Trong trường hợp này, cần xác định tài sản gốc có thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của bị hại, người liên quan hay không? Ví dụ: Bị cáo trộm xe máy bán lấy tiền mua điện thoại. Nếu có thì phải ưu tiên kê biên bán đấu giá để trả lại giá trị cho bị hại, người liên quan, nếu bị cáo không nộp khắc phục đủ thiệt hại trước khi Tòa án tuyên án. Nếu bị hại, người liên quan từ chối nhận, thì tịch thu, nộp NSNN. Nếu bị hại, người liên quan tuyên bố cho bị cáo, thì ghi nhận ý kiến của bị hại, người liên quan trả cho bị cáo.

Trong trường hợp tài sản trong các vụ án không có bị hại, thì xem xét tịch thu nộp NSNN (ví dụ: tiền do đánh bạc, bán ma túy…)

3.1.6. Một số tài liệu, đồ vật khác

Về nguyên tắc, vật chứng phải bị xử lý bằng cách tịch thu hoặc trả lại. Tuy nhiên, có một số vật chứng như, băng ghi âm, đĩa ghi hình, hình ảnh là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội. Ví dụ: Dùng hình ảnh khỏa thân của bị hại rải khắp phố nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; thư tay trao đổi giữa bị cáo và bị hại thể hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo… một số Tòa án tuyên tịch thu, tiêu hủy đối với chứng cứ này là không đúng. Trường hợp này, phải tịch thu, lưu vào hồ sơ vụ án. Vì các chứng cứ này bị tiêu hủy sẽ gây khó khăn cho công tác giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án (nếu có).

3.2. Về kỹ năng áp dụng quy định về xử lý vật chứng

Để đảm bảo tài liệu, đồ vật trong vụ án được xem xét một cách toàn diện, không bỏ sót và xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, thì cần phải thực hiện các bước sau đây:

Bước 1. Thống kê tài liệu, đồ vật cần xử lý

Nghiên cứu kỹ hồ sơ và rà soát với biên bản bắt người, biên bản khám xét, biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu; lệnh nhập kho vật chứng để đảm bảo xem xét hết tất cả các tài liệu, đồ vật có trong hồ sơ vụ án.

Ví dụ: Có vụ án, Hội đồng xét xử chỉ xem xét đến lệnh nhập kho vật chứng của CQĐT lập mà không xem xét đến các biên bản tiếp nhận tài liệu, đồ vật phát sinh trong giai đoạn truy tố, xét xử, nên khi quyết định trong bản án, thì lại thiếu sót đối với các tài liệu này.

Bước 2. Làm rõ nguồn gốc, chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp của tài sản

Song song với việc xác định đồ vật, tài liệu, thì phải làm rõ nguồn gốc của đồ vật, tài liệu để xác định thuộc quyền sở hữu của ai, ai đang quản lý để trường hợp giao trả thì phải đúng chủ thể.

Ví dụ: Vụ án trộm cắp tài sản, bị cáo trộm được rất nhiều tài sản của nhiều bị hại. Do vậy, trong các biên bản hỏi cung, biên bản ghi lời khai của bị hại, cần xác định mô tả đặc điểm của tài sản, để có cơ sở trả lại tài sản cho đúng chủ sở hữu.

Bước 3. Tiến hành phân loại vật được xác định là vật chứng và vật không phải là vật chứng

Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Những đồ vật, tài liệu còn lại không thuộc các trường hợp nêu trên, thì không phải là vật chứng.

Ví dụ: Trong vụ án về cố ý gây thương tích, quá trình khám nghiệm hiện trường, CQĐT thu được quần áo, gạch đá, dao, ống típ sắt, bàn ghế… Như vậy, cần căn cứ vào lời khai của các bị cáo, bị hại, người làm chứng, để xác định vật trực tiếp dùng vào việc phạm tội: bị cáo dùng gạch, đá ném vào bị hại gây thương tích thì xác định là vật chứng, còn lại những vật dụng khác mặc dù xuất hiện tại hiện trường, nhưng không phải là vật chứng.

Bước 4. Xác định xem tài liệu, đồ vật nào đã xử lý

Nếu tài liệu, đồ vật đã được CQĐT, Viện kiểm sát xử lý trong giai đoạn điều tra, truy tố, thì không xem xét.

Bước 5. Tiến hành đánh giá và xử lý theo quy định

Tiến hành xem xét từng vật chứng và xử lý như phân tích ở mục 2. Tinh thần chung là, vật cấm lưu hành, công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội, tiền hoặc tài sản do phạm tội mà có trong vụ án không có bị hại, thì mới xem xét tịch thu, tiêu hủy. Còn các trường hợp còn lại, nếu không có căn cứ rõ ràng, thì nên xem xét trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản đó.

Trên đây là việc xử lý vật chứng trong những tình huống cụ thể, trên thực tế còn rất nhiều tình huống khác mà Hội đồng xét xử phải xem xét xử lý vật chứng, nhưng về nguyên tắc chung là phải trên cơ sở các quy định của BLHS, tố tụng hình sự và cũng phải xem xét đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản, người bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra./.

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lào Cai tiến hành tiêu hủy vật chứng của một số vụ án hình sự đã có hiệu lực pháp luật. Ảnh: TCTHADS-BTP

[1] Xem Công văn số 276/TANDTC-PC ngày 16/12/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc góp ý đối với các dự thảo án lệ.

ThS. HÀ THÁI THƠ (TAND tỉnh Hậu Giang)