Tản mạn chuyện cũ ở Tạp chí Tòa án nhân dân

Kỷ niệm 65 năm ngày Tạp chí Tòa án nhân dân xuất bản số đầu tiên, chúng tôi xin đăng bài viết của tác giả Lê Phúc Hỷ, người đã từng gắn bó với Tạp chí qua những vai trò, trách nhiệm khác nhau, từ phóng viên, biên tập viên đến Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí, với những kỷ niệm rất sống động.

Tôi có vinh dự được sống và làm việc tại Tạp chí Tòa án nhân dân tròn một phần tư thế kỷ (bắt đầu từ năm 1990).  Nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống của  Tạp chí, tôi mạn phép ôn lại chuyện cũ để hiểu rõ hơn giá trị của hôm nay.

…Tôi vào công tác tại Tạp chí đúng thời điểm Tập san Tòa án mới được nâng cấp lên thành Tạp chí, phát hành rộng rãi trong và ngoài hệ thống Tòa án. Lúc đó, Tạp chí chỉ là một đơn vị cấp phòng, nằm trong cơ cấu tổ chức của Vụ Nghiên cứu pháp luật, tổng số cán bộ và nhân viên cả thảy chỉ có bốn người. Đồng chí Trịnh Hồng Dương, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiêm Tổng Biên tập. Từ khi chuyển thành Tạp chí, lực lượng cộng tác viên tham gia viết bài không chỉ đóng khung là Thẩm phán, Chuyên viên trong các Tòa án, mà đã mở rộng đến các Trung tâm nghiên cứu Luật học, các cơ sở đào tạo Luật, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong cả nước; nội dung, chuyên mục của Tạp chí cũng được mở rộng, đa dạng, phong phú hơn trước.

Với 28 trang nội dung, phát hành 01 kỳ trong tháng, phải nói thật là công việc của anh em Tạp chí hồi đó không đến nỗi bận rộn lắm. Nhưng vì ít người, nên mỗi người làm Tạp chí lúc đó phải kiêm thêm một, hoặc vài việc khác ngoài công việc liên quan đến nội dung. Trưởng phòng Tạp chí cũng phải đọc bản in thử (morat) cùng anh em. Tôi làm phóng viên kiêm thêm kế toán, làm ma két. Nhân viên đánh máy bản thảo kiêm luôn theo dõi nhuận bút, phát hành. Đồng chí Trần Xuân Thư (nay là Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế) làm Biên tập viên kiêm thủ quỹ. Vì cơ quan chủ quản của Tạp chí là Tòa án nhân dân tối cao, nên thời kỳ đó, bìa Tạp chí số nào cũng in ảnh trụ sở Tòa án tối cao (chỉ khác nhau ở góc bìa in chữ số tháng mấy mà thôi). Ngày đó, cũng đã có ý kiến góp ý nên thay đổi hình ảnh trên bìa mỗi số Tạp chí cho mới mẻ, phong phú. Nhưng góp ý đã không được tiếp thu với lý giải  rằng “để giữ cho Tạp chí có bản sắc riêng biệt” (!?).

Quy trình xuất bản Tạp chí ngày đó còn đơn giản, nói thật là còn lạc hậu. Bản thảo bài viết được đánh máy (máy đánh chữ, chưa có computer như hiện nay) sau khi được Tổng Biên tập duyệt, chuyển nhà in để sắp chữ theo ma két mà Tạp chí đã thiết kế (ma két kẻ tay trên giấy). Nhiều số, nhiều trang sau khi in chữ nhòe nhoẹt khó đọc vì khuôn chữ của nhà in đã cũ, đã mòn. Ảnh minh họa hoặc tuyên truyền trên Tạp chí, mặc dù được chụp và chọn lựa những ảnh khá rõ nét, mầu mè rực rỡ, nhưng sau khi in xong, nhiều tấm ảnh tối thui, (thời đó hầu hết đều in ảnh đen trắng, có ảnh chỉ nhìn thấy hình người mờ ảo). Sau đó có thời kỳ, anh em khắc phục vấn đề ảnh xấu, ảnh mờ bằng cách vẽ các tranh minh họa thay vì phải dùng ảnh, nhưng cũng không kéo dài được lâu vì vẽ đâu chân thực bằng hình ảnh. Công nghệ, kỹ thuật in ấn hồi đó còn đơn sơ, chưa hiện đại nên Tạp chí không được đẹp về hình thức như hiện nay. Những hạn chế này chủ yếu do trình độ kỹ thuật in ấn chung của xã hội thời đó.

 

Tổng Biên tập Lê Hồng Quang ( nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án TANDTC) chụp ảnh lưu niệm với các Cộng tác viên thân thiết của Tạp chí.

 

Có một điều mà có lẽ từ đó đến tận hôm nay, Tạp chí vẫn bền bỉ, âm thầm thực hiện và mang lại kết quả tốt. Đó là hàng tháng, Tạp chí vẫn tự túc được tiền mua giấy, trả công in và trả nhuận bút cho các tác giả. Anh em bảo nhau tiết kiệm chi phí hành chính để tự chủ in ấn, bớt gánh nặng cho kinh phí cơ quan.

Nhiều tập bản in thử, bản thảo cũ, được anh em dùng ghim đóng lại thành từng tập, dùng mặt giấy trắng phía sau để viết bài hoặc làm ma két. Sơ kết, Tổng kết công tác, Tạp chí tổ chức liên hoan cũng chỉ vài vại bia hơi (bây giờ gọi là bia cỏ) với bát cháo lòng, đĩa đậu luộc là xa hoa lắm rồi. Dường như hoàn cảnh càng nghèo thì con người ta chăm chỉ hơn thì phải. Anh em bàn nhau, nêu sáng kiến tự tổ chức phát hành tại khu vực Hà Nội để đỡ tốn kém chi phí phát hành Tạp chí. Nghe có vẻ hợp lý. Thôi thì đỡ được đồng nào hay đồng ấy, anh em thay phiên nhau tranh thủ đi trao đổi bài vở với cộng tác viên, kết hợp ôm Tạp chí đi giao đến những tổ chức, cá nhân đã đặt mua hàng tháng. Từng bó Tạp chí được buộc sau xe máy, xe đạp rồi gò lưng phóng đi phát hành. Trời nắng thì không nói làm gì, gặp hôm mưa gió, bão bùng, rét mướt cũng phải cắn răng choàng áo mưa, áo ấm mà chạy. Cả Tạp chí có nhõn bốn mống, thay nhau mà làm, đùn đẩy cho ai được.

Phát huy cách làm này, nhớ dạo Tạp chí được cơ quan giao in ấn, phát hành các biểu mẫu tố tụng, anh em lại cử một đồng chí mang hàng chục bao tải biểu mẫu, nhẩy tàu thống nhất đi giao “hàng” trực tiếp đến các Tòa án thuộc các tỉnh phía Nam. Nhắc đến cái vụ biểu mẫu tố tụng này lại nhớ đến một câu chuyện, bây giờ kể lại vẫn không thể nhịn được cười. Thường là các nhân viên Văn phòng của  Tòa án các tỉnh gửi đăng ký về Tạp chí xin mua biểu mẫu tố tụng với số lượng các loại rất cụ thể. Nào là Quyết định trưng cầu giám định, Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung…v.v… Căn cứ theo số lượng đã đăng ký, cán bộ Tạp chí chuyển bằng tầu hỏa, giao đến tận tay các Tòa án địa phương theo phương thức tự phát hành.

Tại một Tòa án tỉnh ở phía Nam, sau khi nhận, kiểm đếm các loại biểu mẫu tố tụng, Chánh án tỉnh bỗng nhiên ôm mấy tập biểu mẫu nhất quyết xin trả lại Tạp chí. Ngỡ tưởng do in mờ, không đạt chất lượng, cán bộ Tạp chí hỏi:  “Chất lượng in ấn tốt, chữ nghĩa, dòng đều, rõ nét cả mà, anh, sao anh trả lại?!”. Chánh án nọ có vẻ bức xúc: Tạp chí định xử bắn hết cả dân tỉnh tôi hay sao mà cho những hai nghìn tờ Quyết định loại này?! Hóa ra là nhân viên văn phòng của Tòa án tỉnh đó không hiểu, đã đăng ký mua 2 nghìn tờ “Quyết định thi hành án tử hình”. Hú hồn. May là Tạp chí giao đến tận nơi nên ôm về ngay, đỡ lãng phí cước bưu điện chuyển đi chuyển lại. Qua đó, cũng rút ra được bài học về sự phối hợp giữa các đơn vị với nhau, tránh máy móc, cứng nhắc, cần chủ động, tỷ mỷ và trách nhiệm hơn.

Lại nhớ một lần Hội nghị Tổng kết công tác năm cũ, triển khai công tác năm mới với thành phần đại biểu tham dự là các lãnh đạo, Thẩm phán các Tòa án trong cả nước. Đến phần trao đổi kinh nghiệm xét xử, có nêu một số vụ án mà Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện xử chưa thấu đáo, còn có hạn chế, cần rút kinh nghiệm chung. Đồng chí Thẩm phán cấp huyện, là chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án sai sót đó, “bật lò so” đứng lên giữa Hội nghị phát biểu giải trình với một câu xanh rờn: Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã xử đúng. Trên Tạp chí Tòa án nhân dân số cuối năm ngoái có nêu trong mục trao đổi ý kiến một vụ án tương tự, rồi kết luận của Ban Biên tập Tạp chí rất xác đáng… Chúng tôi đã xét xử vụ án này theo quan điểm giải quyết vụ án mà Ban Biên tập Tạp chí đã kết luận. Nghĩa là Thẩm phán đã xét xử theo hướng kết luận của Ban Biên tập Tạp chí. Nhiều con mắt trong Hội nghị bỗng hướng về hàng ghế có đại biểu là lãnh đạo Tạp chí Tòa án nhân dân đang ngồi dự.

Đồng chí Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, chủ trì buổi rút kinh nghiệm đó đã phải nhấn mạnh, đại ý: Mỗi vụ án đều có những tình tiết, diễn biến và dữ liệu khác nhau; mặt khác việc áp dụng pháp luật mỗi thời điểm cũng không giống nhau do có sự sửa đổi, bổ sung hoặc có sự chuyển biến của tình hình xã hội. Hơn nữa, thông qua tranh luận, điều tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phát huy tính độc lập, căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra phán quyết về vụ án, nhằm giải quyết vụ án được toàn diện, chính xác. Việc nghiên cứu, trao đổi ý kiến về quan điểm, hướng giải quyết các loại vụ án được đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân là cần thiết, rất bổ ích nhằm rút kinh nghiệm chung. Tuy nhiên, kết luận của Ban Biên tập Tạp chí không phải là Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nên chỉ có tính chất gợi mở, nhằm để cán bộ, Thẩm phán cùng trao đổi, tham khảo.

Để tránh xảy ra các trường hợp tương tự, ngay sau Hội nghị đó, các bài kết luận của Ban Biên tập chuyên mục “Trao đổi ý kiến” đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân, đều đã được chua thêm dòng chú thích: “Đây chỉ là ý kiến của Ban Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân, chưa phải là kết luận của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nên chỉ có tính chất tham khảo”. Nhưng dù sao, những người làm Tạp chí Tòa án nhân dân cũng mừng thầm vì chất lượng bài viết, nhất là các bài Kết luận của Ban Biên tập đã được bạn đọc tin tưởng về quan điểm pháp lý, về hướng giải quyết các vụ án với những lý giải khoa học, xác đáng, có thể vận dụng được vào thực tiễn xét xử. Cũng từ đó, Ban Biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân quán triệt chung trong toàn đơn vị về tăng cường hàm lượng khoa học pháp lý trong các bài viết trên Tạp chí, đặc biệt, quan tâm, chú trọng hơn nữa đến chất lượng nội dung các ý kiến kết luận của Ban Biên tập trong chuyên mục này.

Để có được những đổi thay, tiến bộ, trưởng thành như ngày nay, chúng ta không thể không nhắc đến sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và sâu sát của các thế hệ Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đối với Tạp chí Tòa án nhân dân. Ngay cả khi không còn làm Tổng Biên tập Tạp chí, cố Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trịnh Hồng Dương dường như là người đọc Tạp chí sớm nhất, kỹ càng nhất ngay sau mỗi khi phát hành. Ông đọc tất cả các bài một cách cẩn trọng, đọc cả trang giới thiệu các văn bản mới, trang mục lục… Như thể ông đọc để soát lại các lỗi, kể cả lỗi chính tả trên Tạp chí. Cũng không ít lần Tạp chí mới phát hành buối sáng, bỗng buổi trưa ông gọi điện thoại ngay cho Tổng Biên tập phát hiện ra lỗi này lỗi nọ, yêu cầu số sau phải đính chính ở mục “Nói lại cho đúng”. Theo ông, nội dung, câu chữ trên Tạp chí yêu cầu phải chuẩn mực, không được sai sót, cẩu thả.

Thẩm phán TANDTC, TS.Bùi Ngọc Hòa, hồi còn giữ chức vụ Phó Chánh án thường trực Tòa án nhân dân tối cao, trực tiếp phụ trách Tạp chí cũng chỉ đạo, định hướng hoạt động của Tạp chí rất sát sao. Ông yêu cầu các bộ phận, các đơn vị phải tạo mọi điều kiện để Tạp chí hoạt động được thuận lợi, làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, nghiên cứu lý luận. Còn nhớ một lần, tôi lên trình ông, đề nghị cử một cán bộ Tạp chí đi dự học Lớp Quản lý Báo chí do Học viện Báo chí & Tuyên truyền tổ chức, đồng chí Bùi Ngọc Hòa không chút do dự, phê duyệt cho đi học ngay, còn ghi rõ là kinh phí do cơ quan đài thọ. Ông cho rằng bên cạnh trình độ pháp lý, người làm báo chí, nhất là Tạp chí Tòa án cần phải có kiến thức về quản lý báo chí mới toàn diện, mới đảm đương tốt được nhiệm vụ.

Sau các Hội nghị Cộng tác viên Phía Nam tổ chức tại Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… năm 2014, Tạp chí có kế hoạch họp Hội nghị Cộng tác viên khu vực Miền Trung – Tây Nguyên tổ chức tại Thành phố Đà Lạt. Lãnh đạo Tạp chí lên kế hoạch, báo cáo Phó Chánh án phụ trách Tạp chí Bùi Ngọc Hòa và được đồng chí chỉ đạo nhất trí tổ chức. Thời gian, địa điểm, nội dung đã xác định, giấy mời cũng đã được phát hành. Tôi trực tiếp cầm giấy mời đến mời Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình, mong ông thu xếp thời gian đến dự Hội nghị cùng Tạp chí và cho ý kiến chỉ đạo Hội nghị. Do bận nhiều công việc và lịch công tác của Chánh án đã kín, nên ông không thể tham dự Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí được. Tôi toan ra về thì ông yêu cầu tôi chuyển toàn bộ nội dung Hội nghị, nhất là định hướng tuyên truyền của Tạp chí trong thời gian tới cho ông xem. Sau đó, ông viết một lá Thư gửi các cơ quan Báo chí thuộc Tòa án nói chung, trong đó có phần gửi Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí Tòa án nhân dân, nêu rõ những định hướng cần tuyên truyền trong giai đoạn mới, đặc biệt là nghiên cứu làm rõ nội hàm quyền tư pháp của Tòa án mà Hiến pháp năm 2013 đã nêu. Đồng thời, các bài viết trên Tạp chí cần đề cập, nghiên cứu sâu các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 trong bối cảnh Tòa án nhân dân triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp. Lá thư đó của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã được Ban tổ chức trang trọng công bố trước khi khai mạc Hội nghị Cộng tác viên Tạp chí TAND tại Đà Lạt, như một chỉ đạo định hướng cho công tác tuyên truyền, nghiên cứu khoa học của Tạp chí trong giai đoạn phát triển mới…

Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, nhìn lại các giai đoạn trước, chúng ta càng thấy rõ sự trưởng thành vượt bậc của Tạp chí Tòa án nhân dân hôm nay. Tạp chí đã hình thành được Hội đồng Biên tập gồm các Nhà khoa học, các nhà quản lý có học hàm, học vị, có uy tín và kinh nghiệm trong giới luật cả về lý luận và thực tiễn. Bên cạnh Tạp chí in, nay chúng ta đã có thêm Tạp chí điện tử, bạn đọc có thể cập nhật nội dung Tạp chí trên máy Smatphone, thuận tiện và hiện đại. Nhân sự, cơ cấu tổ chức của Tạp chí ngày càng hoàn thiện; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công việc biên soạn và xuất bản Tạp chí ngày càng được Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao quan tâm đầu tư, đầy đủ và thuận lợi. Vấn đề cuối cùng để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đó chính là vấn đề con người – những phóng viên, Biên tập viên của Tạp chí. Sự tâm huyết, yêu nghề, trí tuệ, sáng tạo, tận tụy… là những phẩm chất cần có của đội ngũ những người làm Tạp chí Tòa án nhân dân trong giai đoạn phát triển mới hôm nay.

Để kết thúc những dòng tản mạn này, xin chúc toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Tạp chí Tòa án nhân dân, phát huy truyền thống vẻ vang  65 năm, tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vươn lên đạt được nhiều thành tích mới trong hoạt động tuyên truyền, nghiên cứu lý luận khoa học pháp lý. Chúc Tạp chí Tòa án nhân dân phong phú, sâu sắc hơn nữa về nội dung, phát hành với số lượng lớn hơn nữa, tập hợp được đông đảo đội ngũ các cộng tác viên, xứng đáng là một Tạp chí chuyên ngành Pháp luật có uy tín của hệ thống Tòa án và của đất nước./.

LÊ PHÚC HỶ