Tòa án nhân dân – Một chặng đường lịch sử vẻ vang

Với tầm nhìn xa, chỉ sau 11 ngày, kể từ ngày thành lập Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945), ngày 13/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 33c/SL về việc thành lập Tòa án quân sự trong phạm vi cả nước để xét xử tất cả các người nào vi phạm một việc gì có phương hại đến nền độc lập của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Việc thành lập Tòa án quân sự – Cơ quan xét xử của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, công cụ bảo vệ pháp luật quan trọng của Nhà nước Việt Nam non trẻ là sự khởi đầu của Tòa án Cách mạng Việt Nam.

Các Tòa án được thành lập đầu tiên ở Việt Nam

Theo Điều 1 của Sắc lệnh số 33c/SL ngày 13/9/1945 thì các Tòa án quân sự được thành lập đầu tiên ở nước ta là:

– Ở Bắc bộ có các Tòa án quân sự tại: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và tại Ninh Bình

– Ở Trung bộ có các Tòa án quân sự tại: Vinh, Huế và Quảng Ngãi.

– Ở Nam bộ có các Tòa án quân sự tại: Sài Gòn (này là thành phố Hồ Chí Minh) và tại Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang)

Tổng cộng có 9 Tòa án quân sự được thành lập đầu tiên ở nước ta. Trong Điều 1 của Sắc lệnh số 33c/SL ngày 13/9/1945 còn quy định: “Ủy ban nhân dân Trung bộ và Nam bộ trong địa hạt hai bộ ấy có thể đề đạt lên Chính phủ xin mở thêm Tòa án quân sự ở những nơi trọng yếu khác”.

Về phạm vi xét xử của từng Tòa án quân sự được thực hiện theo quy định tại Sắc lệnh số 37 ngày 26/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Cụ thể là:

– Tòa án quân sự Hà Nội có thẩm quyền xét xử tại: “Thành phố Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Sơn Tây, Hà Đông, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hưng Yên, Bắc Ninh và Bắc Giang.

– Tòa án quân sự Hải Phòng có thẩm quyền xét xử tại: “Thành phố Hải phòng và các tỉnh Hải Dương, Kiến An, Quảng Yên và Hải Ninh”

– Tòa án quân sự Thái Nguyên có thẩm quyền xét xử tại: “Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Sơn La”.

– Tòa án quân sự Ninh Bình có thẩm quyền xét xử tại: “Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam và Thái Bình”

– Tòa án quân sự Huế có thẩm quyền xét xử tại: “Quảng Trị, Thừa Thiên và Quang Nam (kể cả Đà Nẵng)”.

– Tòa án quân sự Quảng Ngãi có thẩm quyền xét xử tại: “Các tỉnh Trung bộ ở phía nam tỉnh Quảng Ngãi”.

– Tòa án quân sự Sài Gòn có thẩm quyền xét xử tại: “Thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn, và các tỉnh Gia Định, Tân Bình, Tây Ninh, Biên Hòa, Bà Rịa, Ô Cấp (Capst Jacques), Gò Công, Tây An và Côn Đảo”.

Tòa án quân sự Mỹ Tho. Có thẩm quyền xét xử tại “Các tỉnh khác thuộc Nam bộ”.

Thực hiện quy định tại Điều 1 của Sắc lệnh số 33c/SL ngày 13/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 29/9/1945, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời ban hành Sắc lệnh số 40/SL về việc đặt thêm một số Tòa án quân sự tại Nha Trang, có thẩm quyền xét xử tại các tỉnh Khánh Hòa, Đắc Lắc, Đồng Nai, Phan Rang.

Ngày 28/12/1945 Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 77c về việc đặt thêm Tòa án quân sự tại Phan Thiết.

Như vậy là kể từ ngày 13/9/1945 đến hết ngày 28/12/1945 nước ta đã thành lập 11 Tòa án quân sự để xét xử người có hành vi làm phương hại đến nền độc lập của nước ta.

Việc thành lập Tòa án cấp huyện, Tòa án cấp tỉnh.

Các Tòa án quân sự được thành lập theo Sắc lệnh số 33c/SL ngày 13/9/1945 chỉ được xét xử người có hành vi làm phương hại đến nền độc lập của nước ta (các tội xâm phạm an ninh quốc gia), còn các hành vi vi phạm vào các tội không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia như: Trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…, các tranh chấp dân sự, các việc về hôn nhân và gia đình thì Chính phủ chưa quy định cơ quan nào giải quyết, mà các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình và các vụ việc hình sự không phải về xâm phạm an ninh quốc gia đã phát sinh nhiều trong đời sống xã hội.

Để giải quyết yêu cầu trên của xã hội, ngày 24 tháng 1 năm 1946 Chủ tịch Chính phủ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 13 về Tổ chức Tòa án cấp huyện, Tòa án cấp tỉnh và tổ chức ngạch Thẩm phán. Để giải quyết vụ việc dân sự, vụ việc hình sự không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Về tổ chức các Tòa án cấp huyện, các Tòa án cấp tỉnh quy định như sau:

– Điều thứ 7 của Sắc lệnh quy định: “Ở mỗi quận (phủ, huyện, châu) có một Tòa sơ cấp, quản hạt là địa hạt quận.”

– Điều thứ 9 của Sắc lệnh quy định: “Tòa án sơ cấp gồm có một Thẩm phán, một Luật sư và một hay nhiều thư ký giúp việc.”

– Điều thứ 10 của Sắc lệnh quy định: “Mỗi trấn lễ ít ra phải có hai phiên tòa công khai, một phiên hộ và một phiên hình… Thẩm phán sơ cấp có thể ngày nào cũng xử kiện, dù là ngày chủ nhật hay ngày lễ cũng được…”

– Điều thứ 12 của Sắc lệnh quy định: “Ở mỗi tỉnh và các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn – Chợ Lớn có một Tòa án đệ nhị cấp. Quản hạt của Tòa án này theo giới hạn của địa hạt tỉnh hay thành phố…”

Về tổ chức ngạch Thẩm phán, Điều 48 của Sắc lệnh quy định: “Sẽ đặt hai ngạch Thẩm phán: Ngạch Sơ cấp và ngạch Đệ nhị cấp. Thẩm phán Sơ cấp làm việc ở Tòa sơ cấp, Thẩm phán Đệ nhị cấp làm việc ở các Tòa Đệ nhị cấp và Tòa Thượng thẩm”.

Về nguyên tắc: Thẩm phán độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật, Điều thứ 50 của Sắc lệnh quy định: “Mỗi Thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình. Không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án”.

Về việc thành lập Tòa án Binh

Tại Điều 11 của Sắc lệnh số 33c/SL ngày 13/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định: “Tòa án quân sự sẽ xử tất cả các người nào vi phạm vào… Trừ khi phạm nhân là binh sĩ thì thuộc về nhà binh tự xử lấy theo quân luật.” Theo quy định này, thì Tòa quân sự không có thẩm quyền xét xử binh sĩ (quân nhân) phạm tội. Để giải quyết vấn đề của xã hội là cơ quan nào của nhà nước xét xử quân nhân có hành vi phạm tội, ngày 23/8/1946 Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh số 163 về việc thành lập một Tòa án Binh lâm thời. Điều thứ 1 của Sắc lệnh này quy định: “Trong khi chời đợi Sắc lệnh tổ chức các Tòa án binh chính thức được ban hành, nay lập một Tòa án binh lâm thời, trụ sở đặt ở Hà Nội”. Theo quy định tại Điều thứ 2 của Sắc lệnh, thì Tòa án binh lâm thời có thẩm quyền xét xử:

-“Các quân nhân phạm pháp bất cứ về tội gì, trừ những tội vi phạm thuộc thẩm quyền các Tòa án Tư pháp và những “Thường tội” định ở Điều 49 Sắc lệnh số 71 ngày 22/5/1946 thuộc quyền nghị phạt của các cấp chỉ huy quân đội”.

– “Những nhân viên các ngành chuyên môn trong quân đội, những người làm việc cho quân đội như công nhân, chủ thầu khi phạm pháp có liên quan đến quân đội”.

– “Những người thuộc bất cứ hạng nào mà phạm pháp ở trong các đồn trại, Quân y viện, nhà Đề lao binh hoặc một cơ quan nào của quân đội hoặc phạm pháp làm hại đến quân đội”

Tiếp theo Sắc lệnh số 163 mà chúng tôi trình bày ở trên, ngày 16/2/1947 Chủ tịch Chính phủ ra Sắc lệnh số 19 về việc thành lập Tòa án binh trên lãnh thổ Việt Nam. Điều thứ 1 của Sắc lệnh này quy định: “Trừ các Tòa án binh tại mặt trận tổ chức theo Thông lệnh liên bộ số 11-NVCT ngày 26/12/1945, các Tòa án binh trên toàn cõi Việt Nam tổ chức như sau:…”

Điều thứ 2 của Sắc lệnh 163 quy định: “Ở mỗi khu sẽ đặt một Tòa án Binh. Nhưng nếu xét cần, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thể ký Nghị định lập thêm trong khu vực một hay nhiều Tòa án Binh ở nhưng nơi quân đội đóng”.

Về tên gọi Tòa án nhân dân

Sau khi thành lập Tòa án sơ cấp, Tòa án đệ nhị cấp theo Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 1 năm 1946 và các Tòa án  này hoạt động được hơn 4 năm. Ngày 22/5/1950 Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Sắc lệnh số 85/SL về việc thay đổi tên gọi Tòa án sơ cấp và tên gọi Tòa án đệ nhị cấp. Điều 1 của Sắc lệnh này quy định: “Tòa án sơ cấp nay gọi là Tòa án nhân dân huyện, Tòa án đệ nhị cấp nay gọi là Tòa án nhân dân tỉnh…”

Như vậy là kể từ ngày 13/9/1945 đến trước ngày Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1959 (ngày 31/12/1959) nước ta có các Tòa án, bao gồm:

Một là: Tòa án quân sự, Tòa án này có thẩm quyền xét xử người có hành vi vi phạm phương hại đến nền độc lập của Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Hai là: Tòa án Binh (được thành lập theo Sắc lệnh số 163 ngày  23/8/1946). Tòa án này có thẩm quyền xét xử đối với: Quân nhân phạm nhân bất cứ về tội gì, đối với người làm việc chuyên môn trong quân đội và đối với bất cứ người nào phạm pháp làm thiệt hại đến quân đội.

Ba là: Tòa án cấp huyện, Tòa án cấp tỉnh (được thành lập theo sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946). Các Tòa án này có thẩm quyền xét xử những người phạm tội không thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự và của Tòa án Binh và những vụ án dân sự hôn nhân và gia đình.

Các Tòa án cấp huyện (Tòa án sơ cấp) và các Tòa án cấp tỉnh (Tòa án đệ nhị cấp) được đổi tên gọi là Tòa án nhân dân kể từ ngày 22/5/1950 theo Sắc lệnh số 85-SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Cán bộ, công chức và mọi người làm việc lại các cấp Tòa án Việt Nam cần nhớ những sự kiện lịch sử, thời điểm lịch sử của Tòa án Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển.

Kể từ ngày Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 1959 (ngày 31/12/1959) đến nay, trên lãnh thổ Việt Nam có Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự. Cụ thể là:

– Điều 97 của hiến pháp năm 1959 quy định có các Tòa án nhân dân và các Tòa án quân sự. Đối với Tòa án nhân dân có Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân địa phương.

– Điều 128 của Hiến pháp năm 1980 quy định có các Tòa án nhân dân và các Tòa án quân sự. Đối với Tòa án nhân dân có Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân địa phương,

– Điều 127 của Hiến pháp năm 1992 quy định, đối với Tòa án nhân dân, các Tòa án quân sự và các Tòa án khác do luật quy định. Đối với Tòa án nhân dân có Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân địa phương (Trong thời gian thi hành Hiến pháp năm 1992, Quốc hội không có Luật thành lập Tòa án khác).

– Điều 102 của Hiến pháp năm 2013 quy định: Tòa án nhân dân gồm: Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định. Thực hiện quy định này của Hiến pháp năm 2013, ngày 24/11/2014 Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sau đây viết là Luật Tổ chức TAND năm 2014). Điều 3 của Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định Tổ chức Tòa án nhân dân có các Tòa án sau đây:    Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án quân sự.

Như vậy là theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì Tòa án quân sự thuộc Tòa án nhân dân. Đây là một quy định mới trong Luật Tổ chức TAND năm 2014.

 Một số vụ án xét xử sau khi Tòa án được thành lập năm 1945

Xét xử các vụ án là công việc mới của Chính quyền cách mạng Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tuy nhiên các Tòa án quân sự đã nắm vững đường lối, chính sách pháp luật xét xử khách quan được nhân dân tin tưởng. Chúng tôi xin trích dẫn một số vụ án mà các Tòa án quân sự, Tòa án binh đã xét xử trong thời gian mới thành lập Tòa án để chúng ta nhớ lại và tự hào.

– Về hoạt động của Tòa án quân sự: Sau ngày 19/8/1945 cuộc Cách mạng ở nước ta đã thành công nhưng ở thủ phủ Hà Đông tỉnh Hà Đông (ngay là quận Hà Đông thuộc Thành phố Hà Nội), Chính quyền của nhà nước phong kiến đế quốc Pháp vẫn thực hiện việc cai trị dân, đàn áp dân, đông đảo nhân dân đã biểu tình đấu tranh đòi chính quyền của nhà nước phong kiến đế quốc Pháp phải trao trả lại chính quyền cho chính quyền Cách mạng nhưng tên Quản Dưỡng theo lệnh của chính quyền  phong kiến – Đế quốc đã ra lệnh cho lính thuộc quyền của Quản Dưỡng dùng súng bắn và đoàn người biểu tình, hậu quả là gần 100 người biểu tình đã chết và bị thương.

Tòa án quân sự Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử công khai tên Quảng Dưỡng tại phiên tòa, Quảng Dưỡng đã nhận tội. Tòa án quân sự Hà Nội đã xử phạt Quảng Dưỡng tử hình về tội giết người.

– Tòa án quân sự Huế, cuối năm 1945 Tòa án quân sự Huế xét xử tên Việt gian Dương Công kỉnh với tội trạng là: Trước ngày 19/9/1945 thực dân Pháp mua chuộc Kỉnh để Kỉnh làm việc cho mật thám Pháp và đã tạo cớ để mật thám Pháp bắt Kỉnh về việc Kỉnh làm việc cho Cách mạng Việt Nam, rồi giam Kỉnh cùng buồng giam với cán bộ cách mạng trung kiên để Kỉnh chỉ điểm cho mật thám Pháp bắt, đàn áp cán bộ cách mạng trung kiên. Hậu quả về hành vi làm mật thám cho Pháp của Kỉnh là có hơn 200 cán bộ và nhân dân bị thực dân Pháp đàn áp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho phong trào cách mạng ở Huế. Tòa án quân sự Huế đã xét xử công khai và xử phạt Dương Công Kỉnh tử hình về tội phản bội tổ quốc. Sau phiên tòa các cơ sở cách mạng được củng cố, nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với kẻ địch hơn.

Tòa án quân sự ở Nam bộ, cuối tháng 9/1945, thực dân Pháp thực hiện âm mưu trở lại cai trị nước ta nên đã nổ súng đánh chiếm một số cơ quan trọng yếu của nhà nước non trẻ Việt Nam dân chủ cộng hòa có trụ sở tại dinh Toàn quyền, dinh Thống đốc Ngân hàng của Pháp ở Sài Gòn… nhân dân ta cùng lực lượng vũ trang nhân dân đánh trả quyết liệt, còn Lê Văn Khôi (tên gọi khác là Ba Nhỏ) có quá khứ mà nhân dân gọi là “tướng cướp” thuộc lực lượng Bình Xuyên được Cách mạng giáo dục, khoan hồng và giao cho Ba Nhỏ chỉ huy một đội quân đi đánh trả thực dân Pháp, nhưng Ba Nhỏ đã không thực hiện nhiệm vụ được giao mà cùng cấp dưới chiếm đoạt công quỹ của một số địa phương quấy nhiễu dân, hãm hiếp phụ nữ… Người nào chống lại lệnh của Ba Nhỏ đều bị bắn chết, những người dưới quyền Ba Nhỏ đều sợ hãi, còn nhân dân thì căm ghét.

Để nâng cao tinh thần chiến đấu chống thực dân Pháp và bảo vệ nhân dân chính quyền cách mạng Nam bộ quyết định truy tố Ba Nhỏ trước Tòa án quân sự Nam bộ. Chánh án Tòa án quân sự xét xử Ba Nhỏ là ông Nguyễn Bình, Tư lệnh giải phóng quân Nam bộ được giao làm Chánh án. Ông Nguyễn Bình đã đến nơi đóng quân của lực lượng thuộc quyền chỉ huy của Ba Nhỏ nói rõ cho mọi người biết những sai phạm của Ba Nhỏ vô kỷ luật, quyết nhiễu nhân dân, cướp tài sản của nhân dân làm nhân dân bất bình và giải và phải đưa Ba Nhỏ ra Tòa án quân sự để xét xử.

Tòa án quân sự Nam bộ đã mở phiên tòa xét xử Ba Nhỏ vào tháng 10 năm 1945, ông Nguyễn Bình, Chánh án phiên tòa đã đọc bản kết tội Ba Nhỏ. Tại phiên tòa Ba Nhỏ nhận tội, nhân chứng cung cấp bằng chứng hành vi phạm tội của Ba Nhỏ. Ông nguyễn Bình đã hỏi công khai các vị chi huy trong đơn vị giải phóng quân Nam Bộ về hình phạt đối với Ba Nhỏ, mọi người đồng thanh trả lời: “Tử hình”. Chánh án phiên tòa hỏi Ba Nhỏ về hình phạt đối với Ba Nhỏ thì Ba Nhỏ trả lời: Xin nhận tội chết và hỏi ông Nguyễn Bình “khi tôi chết, thì chôn ở đâu?”. Ông Nguyễn Bình chỉ tay vào chỗ Ba Nhỏ đang đứng và nới “chôn ở ngay đây” . Ngay tức Ba Nhỏ nói xin mượn khẩu súng ngắn mà ông Bình đang đeo bên hông để tự xử. Ông Bình rút súng đưa cho Ba Nhỏ, Ba Nhỏ cầm súng tự bắn chết mình. Phiên tòa kết thúc được mọi người dự phiên tòa đồng tình ủng hộ cách mạng. Còn Ba Nhỏ được chôn cất tại chỗ.

Vào thời gian cuối năm 1945, Tòa án quân sự Nam Bộ đã xử Nguyễn Trinh Nguyệt, nữ nhân viên tình báo của Cao ủy Pháp ở Nam Bộ với tội trạng là cung cấp bí mật quân sự của Chính quyền Cách mạng cho Cao ủy Pháp ở Nam bộ, thực hiện chỉ đạo của Cao ủy Pháp, nói xấu cán bộ Cách mạng, tung tin thất thiệt, vu không cán bộ cách mạng trung kiên làm cho nhiều cán bộ bị xử lý oan, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cách mạng. Tại phiên tòa Nguyễn Trinh Nguyệt nhận tội và chấp hành hình phạt tử hình.

Ngoài ra, Tòa án quân sự còn xét nhiều vụ án khác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.v.v…

– Về hoạt động của Tòa án binh, Tòa án binh thành lập theo Sắc lệnh số 163 ngày 23/8/1946 (Tòa án binh lâm thời đặt tại Hà Nội) và theo Sắc lệnh số 19 ngày 16/02/1947 thành lập Tòa án binh trên toàn lãnh thổ Việt Nam để xét xử người phạm tội là: Quân nhân, những người làm việc cho quân đội, người gây thiệt hại đến quân đội. Các Tòa án binh trong cả nước đã xét xử kịp thời nhiều vụ án đặt kết quả tốt, có nhiều vụ án mà người phạm tội là chiến sĩ, nhưng cũng có vụ án có người phạm tội là người có chức có quyền như phiên tòa ngày 05/8/1950 Tòa án binh tối cao xét xử Trần Dụ Châu Giám đốc Nha quân nhu Bộ Quốc phòng do Trần Dụ Châu đã tham ô 57.959 đồng Việt Nam; 149 đồng Mỹ Kim và nhiều tài sản khác giá trị thành tiền là 143.900 đồng Việt Nam. Trần Dụ Châu đã nhận hối lộ tiền và tài sản khác hình thành tiền là 200.000 đồng. Ngoài ra Trần Dụ Châu còn có hành động tuyển dụng Lê Sỹ Cửu là tên lưu manh vào làm việc tại Nha Quân nhu và bổ nhiệm Cửu làm phó ban vận tải, phái viên tiếp liệu của Nha Cao Bằng. Cửu được Trần Dụ Châu khuyến khích, che chở nên Cửu đã chi tiêu tiền vô nguyên tắc, làm hao hụt công quỹ rất lớn. Với tội trạng của Trần Dụ Châu, Lê Sỹ Cửu, Tòa án binh tối cao đã xử phạt Trần Dụ Châu và Lê Sỹ Cửu hình phạt tử hình.

Ở khu 7, Tòa án binh đã xử phạt Kiều Đức Thắng tử hình về tội giết người. Thắng là Chủ tịch liên đoàn kháng chiến miền Đông Nam bộ, Thắng biết chị Hòa có chồng là anh Hi-tô, do quá yêu chị Hòa nên Thắng có âm mưu giết chết anh Hi -tô với hy vọng để lấy chị Hòa làm vợ. Trong công việc Thắng luôn tỏ ra mình là người chỉ huy rất nghiêm khắc và độc đáo, bắt mọi người phải tuân thủ mệnh lệnh của Thắng. Thắng sẵn sàng lệnh cho cấp dưới hoặc tự mình bắn chết những ai không chấp hành mệnh lệnh. Âm mưu của Thắng giết anh Hi-tô như sau: Thắng cử liên lạc tin cậy của Thắng về nhà anh Hi-tô giết anh Hi-tô vào bàn đêm và hẹn gặp lại liên lạc tại một địa điểm trên đường về cơ quan ở Tân Thời Hiệp huyện Hóc Môn rồi bắn chết liên lạc tạo hiện trường giả và nói là liên lạc trên đường đi công tác bị địch phục kích bắn chết. Âm mưu giết người diệt khấu của Thắng chưa thực hiện được thì bị phát hiện Thắng bị Tòa án đưa ra xét xử.

Một số quy định mới trong Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Nghiên cứu Luật Tổ chức TAND năm 2014, chúng tôi nhận thấy có một số quy định mới sau đây:

– Thành lập Tòa án nhân dân cấp cao. Như vậy là TAND có 4 cấp bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện.

– Quy định thẩm quyền thành lập, giải thể Tòa án nhân dân huyện, quận – thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Tòa án nhân dân tình, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án quân sự.

– Bãi bỏ thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc giám đốc thẩm, tái thẩm, những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Tòa án cấp dưới bị kháng nghị theo quy định của Pháp luật tố tụng.

– Quy định tổ chức Tòa án quân sự trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

– Quy định các ngạch Thẩm phán Tòa án nhân dân có: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp.

– Quy định những việc Thẩm phán không đuợc làm (Điều 77).

– Quy định việc điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán (các Điều: 78, 79, 80, 81, 82)

Ý kiến đề nghị

 Theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành thì Tòa án nhân dân được mở rộng phạm vi giải quyết vụ án, việc dân sự, số vụ án hàng năm các Tòa án trong cả nước phải giải quyết năm sau nhiều hơn năm trước. Cụ thể là:

Theo báo cáo công tác giải quyết các vụ việc của Tòa án nhân dân tối cao trong các năm 2014, 2015 và năm 2016 thì số vụ án mà các Tòa án trong cả nước đã thụ lý để giải quyết như sau: Năm 2014 thụ lý 415.038 vụ việc; Năm 2015 thụ lý 426.728 vụ việc (nhiều hơn năm 2014 là 11.690 vụ việc); Năm 2016 thụ lý 463.152 vụ việc (nhiều hơn năm 2015 là 36.424 vụ việc).

Do số lượng án mà Tòa án phải giải quyết hàng năm với số lượng sau nhiều hơn số lượng trước và do Luật Tổ chức TAND năm 2014 bãi bỏ thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh thành phố trực thuộc trung ương về việc giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới bị kháng nghị theo quy định của Pháp luật tố tụng nên số vụ án mà bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và của Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tập trung về Tòa án nhân dân cấp cao mà Tòa án nhân dân chỉ có 03 tòa chịu trách nhiệm giải quyết một khối lượng hồ sơ vụ án quá nhiều, không đáp ứng được thời hạn do Luật quy định, hậu quả là việc giải quyết chậm trễ, vi phạm thời hạn giải quyết do pháp luật quy định. Do đó, chúng tôi đề nghị: Cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam có quyết định thành lập thêm từ 02 đến 03 Tòa án nhân dân cấp cao, có như vậy mới giải quyết được yêu cầu thực hiện đúng thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với Tòa án nhân dân cấp cao.

 

ĐỖ VĂN CHỈNH