Anh em kết nghĩa

Chùm tác phẩm “Người cùng chuyến bay”, “Kỷ vật cuộc đời”, “Chuyện họ Tấn” và “Anh em kết nghĩa” của tác giả Lê Phúc Hỷ – Nguyên Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí TAND đạt Giải Nhất thể loại truyện ngắn. Tạp chí xin giới thiệu truyện ngắn “Anh em kết nghĩa”.

Chiều hôm trước, Viện kiểm sát chuyển sang Tòa án tỉnh hồ sơ cùng cáo trạng vụ án lừa đảo tại dự án khu đô thị mới C5 Cầu Ngà. Ngay sớm hôm sau, Trần Danh, ông anh kết nghĩa, ân nhân của tôi, học cùng khóa đại học luật, hiện là giám đốc công ty xây dựng – thương mại tổng hợp của tỉnh đã gọi điện thoại, hớt hải báo tin:

– Này cậu, sắp có bão táp xảy ra đấy. Tỉnh này sẽ nổ tung lên vì vụ án C5 Cầu Ngà, khối kẻ sống dở chết dở cho mà xem… Dính lung tung hết, có cả quan chức to cũng dính đấy…

Tôi giật mình:

– Ai dính vậy, anh?

– Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh…

– Ông nào? Thật à?

– Ông Ngô Mạn… Ăn hối lộ. Đâu dính dáng chạy giấy tờ gì đó cho dự án C5…

Tôi hơi choáng nhưng cố nói cứng:

– Anh đừng nghe tin nhảm nhí, phát tán tin không chính thống mất đầu như chơi…

Trần Danh nghiêm giọng: Chuyện động trời, sao tớ nói linh tinh được. Nguồn đáng tin cậy. Nhưng biết vậy thôi, cậu cũng đừng nói với ai. Tuổi ông Ngô Mạn còn hơn hai nhiệm kỳ, đại hội tới có thể vào ghế Bí thư, nhưng dính vụ này kể như toang luôn…

Rồi Trần Danh khuyên tôi: Theo anh, tốt nhất cậu không nên nhận làm chủ tọa phiên tòa này.

– Đã có quyết định phân công chính thức cho ai đâu, anh?!

-Cậu là chánh tòa hình sự, sẽ phân cho cậu thôi… Tôi mới nghe thế.

Tôi hỏi dò:

– Nhưng sao em lại phải từ chối?

Trần Danh cười xì trong máy:

– Nói chung, án trọng điểm, trung ương nhìn xuống, địa phương nhìn vào, non tay sơ xảy tí là mất điểm, mất nghề. Xử lý bị cáo có chức có quyền áp lực lắm cậu ơi… Nhà cửa, họ hàng, vợ con mình mấy đời sinh sống ở tỉnh này, xử xong chắc chui xuống lỗ, muối mặt còn dám nhìn ai ở đất này nữa. Thôi, hôm nào gặp nhau nói chuyện cụ thể nhé. Tớ bận họp công ty đã.

Trần Danh hơn tôi ba tuổi, lọc lõi, hiểu đời hơn nên anh ta nói cũng không sai. Nhưng nếu lãnh đạo cơ quan phân công, sao tôi từ chối được.

Hôm sau, Thằng Tuấn, em con ông chú tôi, làm thư ký Văn phòng Ủy ban, mò sang cơ quan nhỏ to: “Anh Phong này, vụ án lừa đảo C5 Cầu Ngà có ông Ngô Mạn dây dưa vào đấy… Em nghe nói, ông ấy nhận 50 nghìn đô la để làm giấy tờ giúp cho bà Hồng Châu…”. Tôi trừng mắt: “Bậy bạ? Chú đừng tung tin nhảm nhí, công an bắt đấy”. Tuấn vẻ quả quyết: “Ối giời, anh sang bên Ủy ban mà nghe, phòng ban nào cũng truyền tai nhau ồn ã cả lên…Em cũng mới nghe vậy, sang báo để anh biết thôi”. Tôi mắng át Tuấn: “Tin đồn bậy bạ. Chú nghe ai nói thì tuyệt đối không được phát tán. Tai bay vạ gió, chết mất ngáp, nghe chưa!”. Dù chỉ là tin đồn nhưng tâm trí tôi ít nhiều xáo động. Đồng tiền đã làm một ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Ủy ban tỉnh mờ mắt, thoái hóa, biến chất đến vậy sao?

***

… Sau cú ngã từ độ cao gần 2 mét xuống đất, tôi bất tỉnh không hay biết gì. Sau này, tôi mới biết người đưa tôi đi cấp cứu kịp thời, chăm chút tôi suốt thời gian tôi gần đất xa trời là Trần Danh – anh bạn đồng môn cùng ký túc xá. Tôi nằm bán thân bất toại trong bệnh viện cả tháng trời. Số là hôm đó phòng tôi mất điện, chắc do dây bị sút trên cột. Tôi đánh liều trèo lên cột điện sửa, chẳng may bị ngã. Khi tôi hồi phục, mẹ tôi nước mắt vòng quanh, bảo: “Phúc bảy mươi đời nhà mình. Bác sĩ nói nếu chậm cấp cứu chừng mươi lăm phút thì con ra người thiên cổ rồi! Thôi, ơn cứu mạng tái sinh cả đời không trả được đâu. Con nhận anh Danh là anh kết nghĩa đi! Sống phải có cái tình cái nghĩa, có trước có sau, con ạ!”.

Nâng chén rượu trắng cụng với Trần Danh tại quán nước chè vỉa hè, tôi nghẹn ngào: “Từ nay ông anh là anh kết nghĩa của em. Thằng em có gì sai sót, ngu dại, anh phải bảo ban em đấy nhé!”. Trần Danh cười: “Chén rượu kết nghĩa vườn đào đây hả?! OK. Nhưng anh nói trước, anh bảo ban em, em không nghe là anh đánh đòn đấy nhé? Lúc đó không có tình nghĩa anh em gì nữa đâu đấy!”.

Ra trường, tôi chạy ngược chạy xuôi xin việc nhưng ở đâu họ cũng trả lời “không có nhu cầu tuyển dụng”, “đang tinh giản biên chế, không tuyển mới”. Tôi thất vọng tìm đến ông anh kết nghĩa. Trần Danh sửa cặp kính cận, vừa dí mắt vào máy vi tính, vừa thủng thẳng: “Làm thư ký Tòa án lương thấp, nhưng có tương lai. Cậu có chịu không để tớ nói với các anh bên Tòa án tỉnh?”. Tôi đồng ý tắp lự. Không rõ Trần Danh quen biết thế nào, chỉ biết ngay đầu tháng sau tôi được gọi đến Tòa án thử việc rồi sau đó thi tuyển vào ngạch thư ký. Tôi tấm tắc: “Ông anh quá siêu. Không biết đời em đến bao giờ mới trả hết công ơn của ông anh đây?!”. Trần Danh bình thản: “Số cậu may đấy. Đúng lúc Tòa án thiếu thư ký, vì lượng án tăng cao, công việc lại nhiều. Chứ tớ có siêu siếc gì đâu!”. Trần Danh xin vào làm phòng pháp chế công ty xây dựng – thương mại của tỉnh.

… Thời gian trôi nhanh như những cơn gió thoảng.

Với kiến thức pháp lý chắc chắn, lại chịu khó học thêm cái bằng quản lý kinh tế nên Trần Danh dần dần được đề bạt lên lãnh đạo cấp phòng, lên Phó rồi được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty. Tôi dần dà được đi học lớp nghiệp vụ thẩm phán, miệt mài với án từ xét xử, rồi cũng được bổ nhiệm Phó tòa, rồi Chánh tòa hình sự. Mặc dù làm kinh doanh, nhưng thi thoảng Trần Danh vẫn hay trao đổi, góp ý cho tôi về quan điểm xử lý vụ án hoặc cách giải quyết vướng mắc trong điều tra, xác minh, đánh giá chứng cứ bằng những lập luận pháp lý sắc sảo, chặt chẽ. Tôi ngưỡng mộ anh như một thần tượng, xem anh như một chỗ dựa vững chắc về tinh thần. Hơn nữa, phần lớn những tư vấn, chỉ bảo của Trần Danh đối với tôi đều có phần đúng đắn. Tôi luôn nghe theo sự định hướng, bảo ban của anh và thường mang lại kết quả tốt trong công tác.

** *

Số tiền các bị can lừa đảo ở vụ án khu đô thị C5 Cầu Ngà có giá trị lớn nhất trong lịch sử tỉnh này. Bị can đầu vụ là Nguyễn Thị Hồng Châu, Tổng Giám đốc tập đoàn Châu Phát, đã cùng nhân viên vẽ ra “dự án ma” xây dựng khu đô thị mới C5 Cầu Ngà ngoại vi thành phố, quảng cáo rùm beng, thu về gần 2000 tỷ đồng của người dân đăng ký mua biệt thự và căn hộ cao cấp. Chủ trương xây dựng khu đô thị đã được phê duyệt, nhưng quyết định triển khai dự án thì Ủy ban chưa quyết vì còn thiếu nhiều thủ tục và năng lực thực hiện chưa đảm bảo. Sau khi trưng biển khắp nơi giới thiệu dự án, đóng một số cọc nhồi làm phép rồi thu tiền, dự án C5 án binh bất động, tường bao rêu phong, cỏ dại mọc um tùm như một bãi đất hoang phế. Nhiều người dân kéo nhau đến tập đoàn Châu Phát thắc mắc, đòi tiền nhưng bà Hồng Châu tìm mọi lý do lần lữa, tránh mặt. Đơn thư của khách hàng tố cáo tập đoàn Châu Phát được gửi lên lãnh đạo tỉnh và Trung ương. Đại diện người dân nộp tiền mua nhà đã làm banner, khẩu hiệu kéo nhau đến Tòa án tỉnh, thậm chí lên tận cổng Tòa án tối cao tập trung hô hoán, gây sức ép đòi Tòa án sớm xét xử, đòi lại tiền cho họ.

Đúng như Trần Danh nói, tôi được lãnh đạo phân công làm chủ tọa phiên tòa này. Mặc dù đã xét xử hàng trăm vụ án lớn nhỏ, nhưng có lẽ đây là vụ án lớn nhất từ trước tới nay mà tôi được phân công làm chủ tọa. Thực tình tôi cũng thấy lo vì khối lượng công việc đồ sộ, lo vì áp lực vụ án nếu ông Ngô Mạn là nghi phạm thì quá nặng nề đối với một cán bộ cấp phòng như tôi.

Hồ sơ vụ án C5 không có tình tiết nào dính dáng đến ông Ngô Mạn như tin đồn. Có thể chỉ là tin đồn fake news, do đối tượng xấu dựng lên để bôi nhọ nhằm hạ uy tín cán bộ trước đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới. Trước kỳ đại hội nào mà chẳng rộ lên các thông tin thất thiệt, đơn thư nặc danh, tố cáo cán bộ các cấp có sai phạm này nọ. Mà cũng có thể trong một khoảnh khắc không tự chủ được bản thân, ông Ngô Mạn bị cám dỗ rồi vi phạm?!. Thực tế đã có một số vị cán bộ cao cấp ở Trung ương, huân huy chương đầy ngực cũng đã phải ra tòa lãnh án vì vi phạm pháp luật đó sao. Nếu ông Ngô Mạn nhận hối lộ như tin đồn, quả là điều đau xót và đáng tiếc cho con đường quan lộ đang rộng mở của ông…

Vụ này nếu ông Ngô Mạn “dính” thì đúng là bão táp đổ xuống Tòa án tỉnh.

Việc xét xử các vụ án vốn dĩ đã là một công việc khó khăn, phức tạp đối với Thẩm phán vì nhiều khi hồ sơ, tài liệu không thể hiện hết những góc khuất, ngóc ngách bản chất thật sự của vụ án. Càng khó khăn, áp lực hơn khi Thẩm phán phải đối diện với bị cáo có chức có quyền, vì con cháu, “dây mơ rễ má” của họ đang công tác ở các sở, ngành tại địa phương, có người lại giữ vị trí chủ chốt, quyền lực đầy mình, đều là bè bạn hàng ngày chạm mặt nhau.

Đang lúc rộ lên tin đồn về ông Ngô Mạn, bỗng trên mạng xã hội xuất hiện tấm ảnh bà Hoa, vợ ông Ngô Mạn đứng trước một biệt thự năm tầng trong khuôn viên có sân vườn rộng hàng trăm mét. Bên dưới chua hàng chữ đậm “Cần làm rõ biệt thự không phép của vợ sếp – Phải chăng xây nhà từ nguồn tiền tham nhũng?!”.

Không ai khác, chính Trần Danh lại là người đầu tiên rút điện thoại, bấm tìm ảnh trên mạng rồi dí vào sát mặt tôi: “Cậu xem này, chồng ăn hối lộ, vợ rửa tiền xây nhà cho con trai… Phen này đi đứt là cái chắc!”. Tôi bảo: “Bây giờ nhiều tin nhảm nhí, có khi ghép ảnh với mục đích xấu, anh chớ vội tin! Anh cũng nên cẩn thận phát ngôn, phát tán tin vớ vẩn chẳng phải đầu lại phải tai!”. Trần Danh đưa tay sửa cặp kính cận: “Chậc! Không có lửa làm gì có khói… Chắc cũng có ăn uống, chấm mút gì ở đây. Khiếp thật!”.

** *

Phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo tại dự án C5 Cầu Ngà được mở.

Tôi thống nhất trong Hội đồng xét xử cần dành thời gian xét hỏi, điều tra về giấy phép xây dựng khu đô thị. Biết bị cáo Hồng Châu là kẻ cậy nhiều tiền, quan hệ rộng nhưng lại rất sợ phải chịu tội nặng và ngồi lâu trong tù một mình, tôi tập trung xét hỏi Hồng Châu về đường đi của giấy phép xây dựng.

Tôi thẩm vấn bị cáo Hồng Châu:

– Bị cáo và cả giám đốc Nguyễn Tất Mậu sẽ phải nhận thêm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật hình sự, thời gian chấp hành hình phạt tù sẽ dài hơn nếu bị cáo còn quanh co, khai báo không thành khẩn…

Nghe vậy, Hồng Châu bỗng buột ra:

– Thưa quý tòa, bị cáo mất tiền không phải để mua giấy phép giả, đây chắc chắn là giấy thật…

Tôi giữ vẻ bình thản, hỏi tiếp:

– Bị cáo đã chi bao nhiêu tiền để mua giấy phép? Bị cáo căn cứ vào đâu để khẳng định đó là giấy phép thật?

Hồng Châu im lặng, đầu cúi xuống hồi lâu. Tôi nhắc lại câu hỏi lần nữa. Bị cáo Hồng Châu bỗng ngẩng đầu lên, ánh mắt lộ vẻ tức tối, rồi thông thốc tuôn ra (có lẽ đây là những điều bị cáo đã im lặng trong suốt quá trình điều tra):

-Thưa quý tòa, bị cáo đã đưa 50 nghìn đô-la cho giám đốc Mậu, công ty đối tác của tập đoàn lo chạy giấy phép…

Tôi lại thủng thẳng hỏi tiếp:

-Bị cáo đưa tiền cho bị cáo Mậu để chạy tiền cho ai? Sao lại khẳng định là giấy phép thật?

Với ánh mắt mệt mỏi, Hồng Châu khai tuồn tuột:

-Thưa quý tòa, anh Mậu nói chạy tiền cho ông Ngô Mạn, Phó Chủ tịch ủy ban tỉnh… giấy phép do ông ấy lo thì chắc chắn là thật, chứ sao giả được ạ…

– Bị cáo có căn cứ gì mà lại khẳng định bị cáo Mậu chạy tiền cho ông Ngô Mạn?

– Ngay từ đầu anh Mậu nói chạy tiền Phó chủ tịch ủy ban, nên bị cáo mới tin tưởng giao tiền để chạy giấy phép…

Có nhiều tiếng xì xào, ồ lên của những người dự khán trong phòng xử. Lời khai của bị cáo Hồng Châu như một quả bom tấn, bất ngờ phát nổ làm nóng bầu không khí cả phòng xử án lẫn cánh nhà báo tại phòng truyền hình trực tuyến kế bên…

Tôi cho bị cáo Nguyễn Tất Mậu lên bục khai báo. Trong quá trình điều tra, bị cáo Mậu cũng giữ quyền im lặng, khai báo nhỏ giọt tại cơ quan công an.

– Bị cáo Mậu hãy khai rõ về việc mua giấy phép xây dựng? Hội đồng xét xử nhắc lại lần nữa cho bị cáo rõ: Bị cáo thành khẩn khai báo, khai đúng sự thật sẽ được Tòa xem xét, cân nhắc khi quyết định hình phạt…

-Thưa quý tòa – bị cáo Mậu tỏ ra thành khẩn, khai rành rọt – bị cáo có nhận 50 nghìn đô la của bà Hồng Châu, sau đó chuyển sang Ủy ban cho ông Ngô Mạn để chạy xin giấy phép xây dựng…

Tôi cắt ngang lời của bị cáo Mậu:

– Hội đồng xét xử lưu ý: Nếu bị cáo khai bừa, khai không đúng sự thật sẽ phạm thêm tội vu khống, tội sẽ nặng hơn nhiều đấy, bị cáo rõ chứ…?

Mậu gật gù:

– Thưa quý tòa, bị cáo rõ ạ. Bị cáo sẽ khai thật những gì bị cáo biết, chỉ mong quý tòa xem xét giảm nhẹ tội… Thưa quý tòa, hôm đó bị cáo đến gặp…

Xét thấy để Mậu khai tiếp công khai trước tòa sẽ bất lợi, tôi lập tức cho dừng phiên tòa, tức tốc báo cáo Chánh án Tòa án tỉnh Trần Quốc Nghiêm lời khai về ông Ngô Mạn. Chánh án tỉnh cũng bất ngờ, ông trầm xuống: “Gay go, phức tạp rồi đây!… Ông Ngô Mạn Phó Chủ tịch mà cũng đến nông nỗi này sao?… Vụ án có tình tiết mới, cậu tính xử lý sao đây? Hai bị cáo đã khai trùng khớp một nội dung, Tòa không thể lờ đi được”. Chánh án tỉnh lo lắng, điện thoại báo cáo gấp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về tình huống phát sinh tại phiên tòa. Bí thư trả lời đại ý: Công tác tư pháp thuộc thẩm quyền của Tòa án, cấp ủy không chỉ đạo cụ thể vụ án. Chỉ lưu ý các đồng chí hết sức thận trọng. Nếu có đầy đủ chứng cứ, Tòa án áp dụng quy định pháp luật để quyết định. Nếu chưa chắc chắn, có thể tách thành vụ án khác, khởi tố điều tra sau. Rồi Chánh án tỉnh bảo tôi: “Quyết định thế nào là thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó. Nhưng cần cân nhắc thật kỹ, sai sót là không có cơ hội sửa chữa đâu!”. Lát sau, Chánh án tỉnh lại níu tay tôi, hạ giọng: “Đây là án trọng điểm, trung ương và lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Cậu phải hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định”.

Theo lời khai trong hồ sơ, Giám đóc Sở Xây dựng tỏ ra ân hận vì buông lỏng, nhận hoàn toàn trách nhiệm, kể cả việc làm mất hồ sơ gốc của Tập đoàn Châu Phát khi xin cấp phép xây dựng. Kết luận giám định Khoa học hình sự ghi rõ dấu Sở Xây dựng là thật, chữ ký đúng là của giám đốc sở Đào Văn Tráng. Nghĩa là giấy hoàn toàn thật. Lời khai bị can Hồng Châu khẳng định giấy phép do Sở xây dựng cấp. Hỏi “ai chuyển giấy phép”, bị can quyết không nói, giữ quyền im lặng tại cơ quan điều tra. Nay trước Hội đồng xét xử, bị cáo Hồng Châu đã khai tuột ra việc chuyển tiền cho bị cáo Nguyễn Tất Mậu để “chạy” giấy phép.

Tôi như ngồi trên đống lửa, tiến thoái lưỡng nan.

Quyết định khởi tố ngay tại phiên tòa để điều tra là không sai luật. Nếu sự thật ông Ngô Mạn vi phạm thì xử lý không khó, Hội đồng xét xử sẽ phán quyết nghiêm minh theo pháp luật. Nhưng nếu kết quả điều tra không như lời khai của các bị cáo, ông Ngô Mạn sẽ bị “đóng dấu treo” vào lý lịch do bị tòa án khởi tố vì nghi tham nhũng, báo đài sẽ tuyên truyền rầm rĩ. Chưa rõ ngô khoai ra sao, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh mệnh chính trị của ông trong thời điểm nhạy cảm là Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp diễn ra. Trước mắt, trong thời gian điều tra, ông Ngô Mạn sẽ bị loại ra khỏi danh sách đại biểu dự Đại hội chứ đừng nói đến danh sách ứng cử vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới. Tôi băn khoăn, lưỡng lự.

Đúng lúc đó, Trần Danh gọi điện cho tôi: “Cậu thấy thông tin anh nói đã chuẩn chưa, ông Ngô Mạn ăn hối lộ đã rõ như ban ngày rồi! Cánh nhà báo vừa điện báo tin cho anh. Hai bị cáo đều khai trùng khớp về ông Ngô Mạn, cậu khởi tố hành vi đưa và nhận hối lộ ngay đi, chần chừ gì nữa!”. Tôi ậm ừ: “Để em cân nhắc, suy nghĩ thêm, hội ý Hội đồng xét xử, sẽ quyết định sau”. Trần Danh có vẻ bực bội: “Suy nghĩ gì nữa!? Khởi tố ngay đi! Anh tư vấn là chuẩn không cần chỉnh! Không nghe lời anh sao?”. Tôi “vâng dạ” rồi cúp máy.

Tiếp tục phiên xử, tôi nhắc nhở báo chí không đưa tin, không phát tán cụ thể lời khai mới của các bị cáo vì đang trong quá trình điều tra bổ sung nên đưa tin sẽ vi phạm luật tố tụng. Tiếp đó, tôi công bố quyết định của Hội đồng xét xử “Dừng phiên tòa. Trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì có nhiều tình tiết của vụ án chưa được làm rõ”…

Ngay tối hôm ấy, Trần Danh đến nhà tôi. Anh ta lao xồng xộc vào nhà, giận dữ:

– Sao cậu không khởi tố hành vi đưa và nhận hối lộ ngay? Trả hồ sơ để tội phạm có thời gian tiêu hủy chứng cứ, thông cung, rồi chạy chọt người nọ người kia à?… Lúc ấy, cậu có xử bằng mắt! Để lọt tội phạm là cậu hết đường tiến thân đấy!

Tôi đáp:

– Anh phải hiểu ông Ngô Mạn đương kim là ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, khởi tố ngay nếu ông ta không phạm tội là em sai nghiêm trọng về chuyên môn, và ảnh hưởng rất lớn đến không khí chính trị chung của tỉnh. Vả lại, chỉ dựa trên lời khai của hai bị cáo để khởi tố là chưa đủ căn cứ.

Trần Danh đứng phắt dậy, mặt đỏ bừng bừng:

– Cậu đừng có giở lý luận với tôi… Thôi! Từ nay tao không có anh em gì với mày nữa. Thằng anh nói một đằng, thằng em làm một nẻo!? Mày là đồ bạc nghĩa. Không có tao, thử hỏi liệu mày còn sống được đến hôm nay để ngồi trên tòa mà phán xét, lý luận được nữa không!?”.

Tôi bất ngờ và choáng váng. Tự nhiên, nước mắt tôi rân rấn nóng hổi trên khóe mắt…

** *

Hơn ba tháng sau, phiên tòa sơ thẩm lần 2 vụ án C5 Cầu Ngà được mở lại.

Trên cơ sở kết quả điều tra bổ sung, Hội đồng xét xử đã làm rõ lời khai của bị cáo Hồng Châu và Tất Mậu về việc đưa hối lộ 50 nghìn đô la cho ông Ngô Mạn để chạy giấy phép xây dựng là hoàn toàn sai sự thật.

Kết luận điều tra cho thấy: Nguyễn Tất Mậu quen biết với Đào Văn Hậu, con trai của Giám đốc Sở Xây dựng Đào Văn Tráng. Hậu học lớp 12, đã làm mọi thủ tục và đang chuẩn bị đi du học nước ngoài. Biết Mậu đang cần chạy xin giấy phép xây dựng khu đô thị C5, Hậu “nổ” có quen thân với cháu ông Ngô Mạn, Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh. Hậu ra giá phải chi 50 nghìn đô la cho ông Ngô Mạn, ông sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng cấp phép ngay. Tin tưởng Hậu, Mậu đã nói với bà Hồng Châu và có nhận 50 nghìn đô la từ bà để chạy giấy phép. Mục đích chạy giấy phép xây dựng là để người dân tin tưởng dự án sắp khởi công, nộp tiền mua nhà cho Tập đoàn Châu Phát.

Hậu lân la tán tỉnh mấy cô gái bên Sở Xây dựng, mua quà cáp, mời đi ăn nhậu nhằm kết thân. Biết Hậu là con giám đốc sở, mấy cô nhân viên văn phòng vừa nể trọng, vừa muốn lọt vào mắt xanh của Hậu. Làm dâu sếp trưởng, một bước lên tiên là chắc chắn. Do mất cảnh giác, văn phòng sở đã để Hậu lấy được chữ ký, con dấu vào giấy phép xây dựng khu đô thị C5 do y soạn sẵn. Với chiêu trò “cáo mượn oai hùm”, Hậu mang danh và uy quyền của ông Ngô Mạn ra lòe Mậu để y lừa trọn 50 nghìn đô la đút túi tiêu xài cá nhân. Sự việc vỡ lở, Giám đốc sở Xây dựng Đào Văn Tráng ngậm đắng nuốt cay, đành “hy sinh đời bố, củng cố đời con” nhận hết tội thay Hậu với ý định để con trai còn có cơ hội du học nước ngoài. Nhưng bố con ông giám đốc sở đều đã phải ra tòa lĩnh án. Bị cáo Hồng Châu cùng các đồng phạm trong vụ án bị Hội đồng xét xử tuyên phạt những mức án nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội.

Vụ án lừa đảo tại dự án khu đô thị mới C5 Cầu Ngà đã khép lại.

Có điều rất buồn là Trần Danh, ông anh kết nghĩa của tôi bị kỷ luật cách hết các chức vụ, bị sa thải do vi phạm chuẩn mực đạo đức cán bộ, phát ngôn vô tổ chức. Anh ta đã rỉ tai nhiều người trong tỉnh tin thất thiệt về ông Ngô Mạn. Sau này, tôi được biết Trần Danh có người chú ruột vợ làm Phó Chủ tịch ủy ban tỉnh. Ông này cũng là ứng cử viên sáng giá vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới với quy hoạch chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Nghe nói ông ta cũng bị kỷ luật vì liên quan đến vụ tung ảnh lên mạng vu khống bà Hoa và sắp tới phải hầu tòa cùng hai bị cáo khác trong vụ lùm xùm này. Phải chăng, vì thế nên Trần Danh tung tin xấu về ông Ngô Mạn, lại khuyên tôi khởi tố ông Ngô Mạn ngay tại phiên tòa?

***

Kết thúc vụ án C5, tôi tìm đến nhà Trần Danh. Vừa chạm mặt tôi, Trần Danh trợn mắt: Mày còn mò đến đây làm gì?

Tôi cúi đầu, nghẹn ngào:

-Em đến để nghe anh mắng chửi em, anh đánh em cũng chịu, vì em đã không nghe lời anh ở vụ án C5. Nhưng anh hiểu cho, em không thể làm khác được.

Hình như Trần Danh đang uống rượu. Anh ta ngả nghiêng trên đi văng, mắt vằn những tia đỏ, tay run run rót rượu vào ly, đẩy ly rượu ra trước mặt tôi:

– Tao chẳng còn anh em gì với mày nữa! Vì mày mà tao mất hết!… Thôi, uống đi! Uống để cắt đứt tình nghĩa anh em! Kết nghĩa cái con khỉ!.

Tôi ngăn Trần Danh:

– Anh uống nhiều quá rồi đấy. Thôi, anh…

Trần Danh lại tợp cạn ly rượu, lè nhè:

– Uống đi! Đời là cái chó gì. Tao chỉ tiếc là thằng em kết nghĩa củ chuối đã không nghe lời tao… Uống! Mày có uống không thì bảo!?…

Tôi đáp:

– Rượu cắt tình cắt nghĩa, em không uống!

Cạn thêm chừng vài ly rượu nữa, Trần Danh tiếp:

– Ông Ngô Mạn trúng Bí thư Tỉnh ủy rồi đấy. Mày sướng chưa, hả lòng hả dạ chưa!? Biết thế này, tao cứ để mày nằm dưới chân cột đèn cho chết mẹ mày đi. Đưa mày đi cấp cứu, rồi xin việc làm cho mày để mày trả ơn trả nghĩa tao như thế này đây?!…

Mươi hôm sau, tôi lại tìm đến nhà Trần Danh.

Tôi bấm chuông. Một người đàn bà to béo ra mở cửa. Bà ta the thé: “Vợ chồng chú Danh chuyển nhà vào miền Nam rồi. Tôi mới mua lại căn nhà này. Địa chỉ nhà chú ở trong đó tôi không biết. Cậu thông cảm”.

Nghe nói Trần Danh đưa vợ con vào sống ở một tỉnh phía Nam, mở công ty kinh doanh bất động sản và buôn bán vật liệu xây dựng. Tôi gọi điện nhiều lần anh đều không nghe máy. Tôi dự định sẽ xin nghỉ phép bay vào miền Nam tìm gặp bằng được Trần Danh. Cho dù anh hiểu hay cố tình không hiểu lòng tôi, nhưng Trần Danh mãi vẫn là ông anh kết nghĩa – ân nhân của đời tôi.

Hà Nội, tháng 10/2019

LPH

Minh họa của DV

Truyện ngắn của LÊ PHÚC HỶ