“Kháng sinh nặng” trị bệnh mãn tính

Vấn nạn thực phẩm, dược phẩm độc hại, gian dối đã diễn ra triền miên từ nhiều năm qua, nhưng các giải pháp đề chưa có nhiều tác dụng. Do đó, trong giai đoạn “cấp tính” hiện nay phải dùng biện pháp cưỡng chế mạnh của pháp luật.

Nhiều tấn cà phê được sản xuất từ vỏ cà phê trộn với bột đá, cà phê thải loại ngâm qua nước pha bột pin để tạo màu đen. Pin chứa rất nhiều kim loại nặng nặng như chì, thủy ngân, asen… có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính, chậm phát triển trí tuệ ở trẻ, thoái hóa não, parkingson, chân tay run, suy  nhược cơ thể ở người lớn tuổi.  Mà giải độc kim loại nặng thì khó khăn và đắt đỏ vì hiện nhiều thuốc giải độc kim loại nặng chưa có trên thị trường Việt Nam. Vì lợi nhuận, những kẻ sản xuất cà phê pin bất chấp tất cả, mặc cho sản phẩm của họ tàn phá sức khỏe cộng động.

Trước đó, dư luận kinh sợ khi loại thuốc “điều trị bệnh ung thư số 1 thế giới” chỉ là than tre đóng vào thành các viên nang, đóng lọ với bao bì quảng cáo bắt mắt kèm theo thông tin xác tín của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam là Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam và gương mặt doanh nhân tiêu biểu Việt Nam.

Loại thuốc giả, không có giá trị chữa bệnh được vinh danh này, nhằm vào người bệnh ung thư là những người đau khổ nhất vì bệnh hiểm nghèo và điều trị rất tốn kém. Thuốc giả đánh cắp tiền bạc ít ỏi của họ, nhưng tàn độc hơn là đánh cắp cơ hội điều trị đúng cách của bệnh nhân.

Vấn nạn thực phẩm, dược phẩm độc hại, gian dối đã diễn ra triền miên từ nhiều năm qua, nhưng sau một thời gian lo lắng, bức xúc thì sự cố phát hiện sau lại nghiêm trọng hơn sự cố trước mà hai vụ việc trên đây là mới nhất, phản ánh đúng thực trạng đó. Những giải pháp đề ra từ tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức, đạo đức nhà sản xuất, tăng cường kiểm tra, xử lý, xử phạt, truy tố, xét xử … xem ra chưa có nhiều tác dụng. Do đó, trong giai đoạn “cấp tính” hiện nay phải dùng biện pháp cưỡng chế mạnh của pháp luật.

Theo Báo cáo số 211/BC-CP ngày 18/5/2017 của Chính phủ về tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 thì các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%. Trong đó cao nhất là vụ xử phạt một doanh nghiệp 6,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo thống kê của Công an các đơn vị, địa phương trong thời gian từ 2011 – 2016, cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân chỉ khởi tố 01 vụ, 03 bị can về tội danh “vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” theo Điều 244 BLHS trong sản xuất rượu gây ngộ độc làm chết 4 người tại Quảng Ninh và 90 vụ khác có liên quan đến thực phẩm.

Thực tế đó cho thấy công tác xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe. Các vụ việc bị phát hiện hầu hết xử phạt hành chính, phạt tiền mà không sử dụng pháp luật hình sự như một công cụ có sức răn đe cao nhất. Đã đến lúc phải xử lý vi phạm bằng pháp luật hình sự, loại “kháng sinh mạnh” nhiều hơn, thường xuyên, liên tục mới mong chặn được tình trạng hiện nay.

Ðiều 317 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đã quy định mức phạt với bốn khung hình phạt thấp nhất là 1 năm tù và cao nhất là 20 năm tù. Điều 194 quy định về  tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh với các khung hình phạt từ thấp nhất là 2 năm tù đến tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn phải chịu các hình phạt bổ sung. Điều đó cho thấy Quốc hội đã thấy rõ nguy cơ và hậu quả nghiêm trọng từ tội phạm này nên đã cung cấp một công cụ mạnh nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn, dược phẩm giả có tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Vấn đề đặt ra là thực thi pháp luật như thế, làm thế nào để đưa luật vào cuộc sống? Ta không thiếu quy định của pháp luật nhưng xã hội mắc bệnh “nhờn luật” do các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện pháp luật thật nghiêm.

 

 

 

 

THÁI VŨ