Ngày Quốc tế lao động, nghĩ về người lao động

Những thông tin nóng về chống tham nhũng, tội phạm; về các hoạt động truyền giáo trái phép hay cuộc gặp gỡ giữa nguyên thủ Hàn Quốc và Triều Tiên… làm nóng mặt báo. Ở góc nhìn nhân ngày Quốc tế lao động, có một vấn đề cũng nóng nhiều năm qua, nhưng chưa hạ nhiệt, đó là nhà ở với các công trình phụ trợ dành cho người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay.

Cách đây hơn một năm, một bé trai ở khu đô thị Phước Lý, phường Hòa An, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng mới 16 tháng tuổi đã phải phẫu thuật, điều trị chấn thương sọ não, gia đình không thể biết nguyên nhân cháu bị ngã hay bị bạo hành khi được gửi tại một nhà trẻ tư nhân. Bố mẹ cháu là công nhân khu công nghiệp. Tại điểm giữ trẻ tự phát ở tổ 21B, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ cũng xảy ra trường hợp bé trai 16 tháng tuổi tử vong do người giữ trẻ bất cẩn… Hậu quả này gieo rắc nỗi ám ảnh đối với nhiều công nhân đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.

Từ nhiều năm nay, hàng vạn người lao động trong các khu công nghiệp, chế xuất ở thành phố Đà Nẵng vẫn gặp nhiều  khó khăn khi đưa con vào nhà trẻ. Thu nhập thấp, họ đành gửi con vào những nhóm trẻ gia đình mà lòng đầy lo lắng, bất an. Bởi đã có không ít trường hợp trẻ bị bạo hành, tai nạn thương tích, thậm chí tử vong ngay tại những điểm giữ trẻ tự phát này mà hai trường hợp trên đây là điển hình.

Vấn nạn người lao động Đà Nẵng đang gặp phải không phải là cá biệt. Theo thống kê mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 3.000-4.000 vụ bạo lực trẻ em tại các trường mầm non nói riêng và xã hội nói chung. Trong đó, nơi xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em là những nhà  trẻ tư nhân, mà cha mẹ các cháu là người lao động tại các khu công nghiệp, không đủ điều kiện gửi con ở những nhà trẻ công lập hay không có người nhà trông con giúp.

Hiện tại cả nước đang có khoảng 300 khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có hơn 200 khu đang hoạt động với hơn 2,8 triệu công nhân, người lao động đang làm việc. Báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, mới chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động trong các khu công nghiệp có nhà ở ổn định. 80% còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm, chật hẹp, điều kiện sinh hoạt nghèo nàn, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, không có các công trình dịch vụ công cộng và tiện ích xã hội kèm theo. Đời sống của công nhân gặp nhiều khó khăn về điều kiện ăn ở, vui chơi giải trí, khám chữa bệnh, học hành cho con cái.

Như ở Hà Nội, Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) vẫn được đánh giá là đồng bộ, hiện đại, kiểu mẫu, với hơn 60 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động, đã thu hút hơn 10 nghìn lao động và khoảng ba nghìn lao động phụ trợ.

Đời sống người lao động còn nhiều khó khăn – Ảnh Nghĩa Phát

 

Để bảo đảm đời sống cho người lao động, từ năm 2010, Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ (đơn vị quản lý) đã xây dựng và khánh thành tòa nhà sáu tầng với 106 phòng cho thuê. Mặc dù trong khuôn viên khu công nghiệp đã có vườn trẻ, phòng sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi thể thao, song vẫn chưa có chợ, siêu thị, không có phòng khám bệnh, nhà trẻ công lập. Do đó, nhiều cặp vợ chồng phải gửi con về quê hoặc phải nhờ người nhà từ quê lên chăm con giúp.

Hiện nay, trong tổng số chín khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, mới có bốn dự án nhà ở cho công nhân lao động, với tổng công suất thiết kế khoảng 22.240 chỗ ở, nhưng mới hoàn thành được 8.388 chỗ ở, bố trí cho công nhân thuê được 8.082 chỗ.

Tại khu công nghiệp  Quang Minh I (huyện Mê Linh), dự án xây nhà ở cho công nhân được quy hoạch từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy. Vì thế toàn bộ công nhân ở các tỉnh ngoài hằng tháng vẫn phải chi trả từ một đến hai triệu đồng để thuê nhà. Với đồng lương còn eo hẹp, cuộc sống của người lao động càng khó khăn hơn.

Ngày làm việc vất vả, đêm về người lao động lại sống trong những căn phòng ngột ngạt, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Cùng với nỗi lo lắng, bất an về nơi gửi con cái, chắc chắn tâm lý người lao động có ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất và hiệu quả sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nguồn lao động của các khu công nghiệp luôn rơi vào tình trạng mất ổn định. Thiệt hại không dễ gì đo đếm được.

Chủ tịch Công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội từng đánh giá: Ngoài việc thiếu chỗ ở, chỗ gửi con, việc thực hiện chính sách đối với người lao động của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài thường vi phạm về việc để công nhân làm thêm quá nhiều giờ, thì các doanh nghiệp trong nước vi phạm nhiều vấn đề như: Chế độ bảo hộ lao động; chăm sóc sức khỏe người lao động; đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; tham gia đóng và chi trả bảo hiểm xã hội… Nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm chế độ chính sách về tiền lương, tiền thưởng, chưa thực hiện đầy đủ về khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Theo nhiều chuyên gia, cho đến nay, việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho công nhân, đặc biệt ở các khu công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc, nguyên nhân chính là do thiếu quỹ đất, vì trong quá trình phát triển xây dựng khu công nghiệp, chủ đầu tư và cơ quan thẩm định không tính đến quy hoạch đất để làm nhà ở.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình Chính phủ Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bằng Quyết định 655 ngày 12- 5-2017. Theo đó từ nay đến năm 2020 sẽ xây dựng 50 thiết chế của Công đoàn ở 50 khu công nghiệp, khu chế trên cả nước.  Đó là một tin tốt cho người lao động nhưng dù hoàn thành được mục tiêu này thì cũng chỉ giải quyết được một phần nhu cầu về nhà ở và các nhu cầu về mua sắm, nhà trẻ, các hoạt động văn hóa tinh thần… cho người lao động.

Xem ra, không chỉ tưng bừng trong Ngày Quốc tế Lao động mà người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, những người đang cần mẫn làm việc nuôi sống gia đình và bản thân, góp phần phát triển kinh tế đất nước, cần được quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt hơn nữa trong suốt 365 ngày/năm.

 

THÁI VŨ