Nghĩ về xã hội an toàn

Có thể nói nhìn vào đâu cũng thấy những biểu hiện thiếu an toàn, từ thiên tai đến nhân họa đan xen vào nhau, gây hậu quả nghiêm trọng về con người và vật chất, tạo ra tâm lý lo âu cho toàn xã hội.

Sau trận hỏa hoạn rạng sáng 23/3,  làm 13 người tử vong, hơn 90 người bị thương đến nay, chung cư Carina Plaza (quận 8, TP HCM) vốn đông đúc trở nên hoang vắng vì các hộ dân đã dọn hết ra ngoài, chỉ còn các công nhân sửa chữa và dọn vệ sinh. Các dãy nhà trong chung cư tối om do bị cắt điện nước. Tối 29/3, một lễ cầu siêu diễn ra tại đây thu hút hơn 200 người tham gia. Trong tiếng kinh cầu, với ngọn nến trên tay, mọi người đi nhiều vòng quanh chung cư, sau đó dừng lại trước block A cùng thành kính cầu nguyện 13 nạn nhân sớm được siêu thoát. Một không khí tang thương bao trùm khu chung cư nằm trên khu đất rộng hơn 19.000 m2, gồm ba block, có khu thương mại, giải trí… và hơn 700 căn hộ. Sự kiện này là dẫn chứng điển hình, nóng bỏng về sự mất an toàn trong đời sống xã hội hiện nay. Người dân có thể thương vong, tan nát gia đình khi đang ngủ yên trong chính căn nhà của mình, giữa một thành phố phồn vinh bậc nhất quốc gia. Điều đó quá kinh khủng.

 

Hơn 90 người bị thương trong vụ cháy chung cư

 

Chỉ riêng tai nạn cháy nổ, năm 2017, trên địa bàn cả nước xảy ra trên 4.100 vụ cháy, nổ, làm 119 người chết và 270 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Có thể nói nhìn vào đâu cũng thấy những biểu hiện thiếu an toàn, từ thiên tai đến nhân họa đan xen vào nhau, gây hậu quả nghiêm trọng về con người và vật chất, tạo ra tâm lý lo âu cho toàn xã hội.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2017, toàn quốc xảy ra 20.080 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người. Đấy là con số đã giảm chút ít so với năm 2016.

Nhìn sang lĩnh vực an toàn thực phẩm, năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc với 3.869 người mắc, số người tử vong do ngộ độc thực phẩm là 24 người. Đó là những nạn nhân trực tiếp, cấp tính, được đưa đến bệnh viện để thể hiện trên con số thống kê, còn những nạn nhân bị đầu độc âm thầm và ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí tử vong do bệnh khác thì không thể đo đếm hết.

Theo thống kê, mỗi năm nước ta ghi nhận thêm 126.00 trường hợp mắc ung thư mới và trên 94.000 người tử vong do ung thư, cao hơn 9 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông. Đây cũng chính là nạn nhân của ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm, ô nhiễm nguồn nước…

Đấy là nhân họa, còn thiên tai, Việt Nam là 1 trong 5 nước bị thiên tai đe dọa nhiều nhất. Thiên tai gây thiệt khoảng 1-1,5% GDP. Với 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới năm 2017, thiệt hại lên tới 60.000 tỷ đồng.

Điểm qua một vài lĩnh vực và các con số cụ thể để thấy chỉ số đo mức độ an toàn xã hội đang báo động đỏ, buộc chúng ta phải có biện pháp cấp bách để ngăn chặn. Trách nhiệm này thuộc về ai?

Trước hết là trách nhiệm của Nhà nước về quản lý xã hội. Nhà nước phải ban hành những chính sách và pháp luật bảo đảm cho người dân được sống an toàn như Hiến pháp đã ghi nhận. Điều 43  của Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Hiến pháp cũng lần đầu tiên ghi nhận “quyền sống”  tại Điều 19 rằng “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật.” Quyền sống phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất, đó là quyền sống trong một môi trường an toàn, tiến bộ, văn minh để mỗi người dân đều được sống trong bình yên và hạnh phúc.

Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, nhiều văn bản pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu đó nhưng thực tế cho thấy chưa đủ và điều dễ thấy hơn là từ chính sách, pháp luật đến thực tế còn có khoảng cách lớn. Do đó vấn đề thực thi pháp luật một cách đầy đủ, nghiêm minh và minh bạch là yêu cầu cấp bách đặt ra. Đơn cử trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, nhiều vụ đủ căn cứ khởi tố điều tra theo quy định của Bộ luật hình sự nhưng số vụ bị khởi tố quá ít, dẫn đến “nhờn luật”, hiệu quả răn đe không cao.

Ngoài vai trò và trách nhiệm của Nhà nước, từ an toàn cháy nổ đến an toàn giao thông, an toàn thực phẩm… chúng ta thấy rất rõ vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, mỗi cộng đồng dân cư. Nếu những đối tượng đông đảo này không nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, không tự mình tôn trọng những chuẩn mực an toàn mà bất chấp quy định về an toàn vì vụ lợi, vì cẩu thả, vì thiếu hiểu biết thì Nhà nước có nỗ lực đến đâu cũng không thể đạt được mục tiêu nâng cao chỉ số an toàn xã hội.

Trở lại vụ cháy chung cư Carina Plaza, nếu Nhà nước mà cụ thể là những cơ quan, công chức phòng cháy chữa cháy, chính quyền địa phương làm tròn trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên theo luật định thì không có chuyện “ba không” về phòng cháy chữa cháy ở chung cư có hàng ngàn người dân sinh sống này; nếu chủ đầu tư tuân thủ pháp luật, tôn trọng quy định về an toàn cháy nổ thì không có sự cố đau lòng; nếu mỗi cư dân biết lo lắng đến hỏa hoạn, biết đấu tranh để chung cư được trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy, chữa cháy thì không có chuyện chung cư trở nên tang tóc và hoang vắng hôm nay…

Nhìn từ một vụ cháy thấy rất rõ trách nhiệm các bên, từ Nhà nước, đến doanh nghiệp, đến người dân. Trách nhiệm này không thể ai gánh thay ai.

MINH KHÔI