Nước giẻ lau và quyền con người

PHÙNG THỊ HUẾ (CĐ DL HN) - Cái gì đang diễn ra trong môi trường sư phạm, dạy và học hiện nay vậy? Nhiều chuyện quá sức tưởng tượng đối với cách nghĩ tôn sư trọng đạo, truyền thống hiếu học… mà chúng ta lâu nay vẫn quen tai, quen mắt trên các diễn đàn, trên các bài báo.

Cô giáo phạt học trò bằng cách bắt uống cốc nước vắt từ giẻ lau bảng, thấy chưa đủ đặc thì bắt vắt thêm. Cô giáo bắt cả lớp quỳ trong một  tiết học. Cô giáo lên lớp nhưng không giảng bài. Rồi phụ huynh bắt chính cô giáo quỳ ngay tại trường. Mới đây, học trò đâm thầy thủng bụng phải đi cấp cứu vì thầy bắt trò xóa hình xăm. Những sự việc bất thường đó xảy ra dồn dập, liên tiếp khiến các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, dư luận xã hội không khỏi quan tâm, lo lắng và đi tìm nguyên nhân để có biện pháp giải quyết.

Nhiều nguyên nhân rất đúng đắn đã được chỉ ra như nguyên nhân từ các trường sư phạm đào tạo giáo viên đã không đào tạo họ có đủ kỹ năng cần thiết để dạy học; chuẩn mực, môi trường, cách quản lý trường học cũ kỹ, lạc hậu. Nguyên nhân khác là coi thường pháp luật, bất chấp chuẩn mực chung của một bộ phận giáo viên, học sinh…vv.

Ngoài những nguyên nhân đó, chúng tôi cho rằng có một nguyên nhân cơ  bản nữa là hoạt động giáo dục quyền con người, tôn trọng bảo đảm, thực thi quyền con người những năm qua chưa có nhiều hiệu quả, dẫn đến chính người giáo viên, phụ huynh và học sinh quên mất quyền con người của mình và của người khác, dẫn đến những hành động gây phẫn nộ trong cộng đồng.

Trong Tuyên bố về Thập kỷ giáo dục quyền con người tháng 12/1994, Đại hội đồng Liên hợp quốc xác định giáo dục quyền con người như là “một qúa trình lâu dài mà con người ở tất cả các trình độ phát triển và ở tất cả các tầng lớp xã hội đều được học cách tôn trọng đối với phẩm giá của người khác và học về phương tiện, cách thức để bảo đảm sự tôn trọng đó trong tất cả các xã hội”. Giáo dục quyền con người chính là truyền đạt các kiến thức, kỹ năng và tạo nên thái độ tăng cường sự tôn trọng quyền con người và tất cả các quyền tự do cơ bản; phát triển toàn diện cá nhân con người và ý thức tôn trọng con người…

Trong khi học về quyền con người, mỗi người được học về ý tưởng tôn trọng, đối xử khoan dung và công bằng. Học để hiểu tầm quan trọng của việc thụ hưởng quyền của mình và tôn trọng quyền của người khác. Học để mỗi người biết cách  sống phù hợp trong cộng đồng, có năng lực và hành động đúng đắn trong mỗi tình huống, hoàn cảnh đặt ra trong đời sống.

Nếu các thầy cô giáo được giáo dục kỹ, có nhận thức tốt về quyền con người, biết tôn trọng phẩm giá, quyền tự do cá nhân của họ trò thì không có chuyện bắt học trò uống nước giẻ lau hay quỳ gối trong lớp học, thầy sẽ cân nhắc để có cách tiếp cận thuyết phục hơn là buộc trò nghỉ học để xóa hình xăm dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Nếu học trò ý thức được quyền con người thì các em sẽ mạnh dạn đề nghị cô không phạt cả lớp phải quỳ hay lên tiếng ngăn cản việc cô phạt bạn uống nước bẩn… Một học trò lên tiếng thì trò đó có thể bị cô lập, phải chuyển trường như vụ cô giáo lên lớp không giảng bài, nhưng 10 em, 20 em hay đông hơn nữa thì không có chuyện chuyển trường một học trò can đảm trước hiện tượng tiêu cực như vậy.

Nhận rõ vai trò quan trọng của quyền con người trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Sách trắng về Quyền con người năm 2018 của Việt Nam đã công khai 7 hướng ưu tiên, trong đó có giáo dục về quyền con người nhằm nâng cao nhận thức của người dân và các cơ quan thực thi pháp luật trong vấn đề này, bên cạnh các mục tiêu khác như  kiện toàn hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế của Việt Nam, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội nhằm nâng cao điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, cải thiện chất lượng giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực…

Xem ra quyền con người không phải là những gì xa xôi, to tát mà nó gần gũi, thiết thực như câu chuyện cốc nước giẻ lau bị phát hiện đó thôi.