Khắc phục hậu quả theo kết luận của  Thanh tra là một hành động tích cực 

Chủ động khắc phục hậu quả sai phạm ngay sau khi có kết luận thanh tra, được dư luận đặc biệt quan tâm, đồng thời cũng phát sinh những câu hỏi như nộp tiền “khắc phục hậu quả sai phạm” như vậy thì những người thực hiện hành vi liên quan đến “số tiền sai phạm” có được miễn các trách nhiệm khác, ví dụ trách nhiệm hình sự hay không…

Liên quan đến việc mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19, Thanh tra tỉnh Bến Tre có kết luận số 472/KL-TT, ngày 28/4. Thông báo kết luận của Thanh tra tỉnh Bến Tre nêu rõ Tổ tư vấn của CDC Bến Tre gồm 6 thành viên do ông Phạm Hồng Thái, Phó Giám đốc CDC tỉnh, là tổ trưởng. Tổ tư vấn đã tham mưu cho Ban Giám đốc CDC tỉnh lựa chọn nhà thầu mua sắm các sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế, bộ sinh phẩm xét nghiệm do Công ty Trách nhiệm hữu hạn vật tư và thiết bị y tế 3T trúng thầu khi chưa xét năng lực, kinh nghiệm. Công ty này chưa đủ điều kiện kinh doanh các mặt hàng thiết bị y tế. Tổ tư vấn thiếu kiểm tra, áp giá gây thiệt hại tài sản Nhà nước số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.

Chánh Thanh tra tỉnh Bến Tre đã ban hành Quyết định thu hồi số tiền sai phạm trên. Ngày 28/4, Giám đốc CDC Bến Tre Nguyễn Hữu Định đã khắc phục hậu quả, nộp số tiền 3,495 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra tỉnh.

Đây là một trường hợp chủ động khắc phục hậu quả sai phạm ngay sau khi có kết luận thanh tra, được dư luận đặc biệt quan tâm, đồng thời cũng phát sinh những câu hỏi như nộp tiền “khắc phục hậu quả sai phạm” như vậy thì những người thực hiện hành vi liên quan đến “số tiền sai phạm” có được miễn các trách nhiệm khác (ví dụ trách nhiệm hình sự) hay không…

Điều 2 Luật Thanh tra 2010 quy định: “Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”

Các cấp, bộ, ngành, sở đều có các cơ quan thanh tra, thực hiện chức năng thanh tra, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

Những vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, làm thất thoát tài sản của nhà nước, xâm phạm đến trật tự kinh tế - xã hội được pháp luật bảo vệ, thì Cơ quan Thanh tra củng cố hồ sơ, thu thập, bổ sung chứng cứ và chuyển sang Cơ quan Điều tra để điều tra theo thẩm quyền. Tất nhiên, chỉ khi xác định vụ việc có “dấu hiệu tội phạm” và Cơ quan Thanh tra có Văn bản kiến nghị khởi tố mới phát sinh mối quan hệ phối hợp trong việc xử lý vụ việc.

Việc xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không phụ thuộc vào việc đánh giá và nhận định của Cơ quan Thanh tra dựa trên hồ sơ, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra. Bên cạnh những yếu tố đó, đối tượng thanh tra có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Việc bồi thường thiệt hại có thể khiến một vụ việc có dấu hiệu hình sự thay đổi mức độ nghiêm trọng, thậm chí không còn dấu hiệu hình sự.

Việc "đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả" quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 được hiểu như sau: "Sửa chữa" là sửa lại, chữa lại những cái bị làm hư hỏng do hành vi vi phạm gây ra; "Bồi thường" là bồi thường tài sản cho những thiệt hại do hành vi vi phạm tội gây ra; "Khắc phục hậu quả" là khắc phục tác hại của tội phạm gây ra mà không thể sửa chữa hoặc bồi thường bằng tài sản được.

Khi điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng căn cứ vào ý thức, thái độ tự nguyện của người phạm tội, hiệu quả của việc sửa chữa, khắc phục hậu quả, cũng như thiệt hại thực tế, mức độ bồi thường thiệt hại để xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự cho họ.

Việc xem xét miễn trách nhiệm hình sự, ngoài việc người bị hại đã được bồi thường thiệt hại và đã có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội thì còn phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội cũng như khả năng giáo dục, cải tạo của họ. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần xem xét, đánh giá trong từng vụ án cụ thể để quyết định miễn hay không miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.

Trường hợp hành vi mà người phạm tội thực hiện có tính chất, mức độ thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (cả lỗi cố ý và lỗi vô ý); hoặc tội nghiêm trọng do vô ý, người phạm tội có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ (như người phạm tội thực sự ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, nhận rõ sai phạm của mình và tự nguyện bồi thường, khắc phục một phần hoặc toàn bộ hậu quả,...), xét thấy không cần thiết buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng khoản 3 Điều 29 để đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự cho họ.

Ngược lại, mặc dù người phạm tội đáp ứng đủ các điều kiện tại khoản 3 Điều 29 nhưng nhân thân không tốt, coi thường các quy tắc trật tự an toàn xã hội, thường xuyên vi phạm trật tự hành chính thì không được miễn trách nhiệm hình sự.

Tóm lại, ngay khi Cơ quan Thanh tra tiến hành các hoạt động thanh tra hoặc ngay khi có Báo cáo Kết quả Thanh tra, Kết luận Thanh tra và Văn bản về việc xử lý, kiến nghị việc xử lý, phát hiện những hành vi sai phạm, vi phạm (kể cả "không vi phạm" nhưng có gây thiệt hại về kinh tế, tài sản, tài chính cho tổ chức, cá nhân, Nhà nước thì những người trực tiếp (hay gián tiếp, liên đới) thực hiện hành vi có thể nộp tiền khắc phục để làm giảm nhẹ các trách nhiệm, kể cả miễn, giảm trách nhiệm hình sự, cũng như có khả năng không bị khởi tố vụ án, không bị khởi tố bị can, tránh được các hệ lụy như bắt tạm giam, thi hành án phạt tù… là một hành động tích cực.  

Báo chí cũng phản ánh, có trường hợp bị can, bị cáo chủ động cùng gia đình thu xếp tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả. Có lẽ bị cáo đã xác định có thiệt hại thì có khắc phục, bất kể thiệt hại đó không do bị cáo trục lợi, vụ lợi, tư lợi, họ “nộp tiền khắc phục hậu quả” để được hưởng tình tiết giảm nhẹ, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, giảm nhẹ hình phạt.

Những trường hợp này được báo chí đưa tin ngắn gọn, nhưng chúng ta chờ đợi để thấy được những kết quả tích cực từ việc “nộp tiền khắc phục hậu quả” ngay từ khi mới phát hiện ra thiệt hại. Đây là một biện pháp khắc phục sai phạm đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện và cơ hội cho người sai phạm sửa sai, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi cho những vấn đề liên quan còn chưa được giải đáp bởi chưa có quy định pháp luật cụ thể, đó là:  Nộp tiền khắc phục hậu quả bao nhiêu cho vừa đủ? Toàn bộ hay một phần? Đã có tài sản bị kê biên thì có cần nộp tiền nộp tiền khắc phục hậu quả nữa không? Nếu có thì vì sao?

Vì thế đây cũng là vấn đề cần được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu để có những quy định phù hợp, nhằm thúc đẩy ý thức chủ động khắc phục hậu quả sai phạm cũng như nâng cao ý thức phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang rất phức tạp hiện nay.

 

Người dân đóng phí để được test nhanh COVID-19 tại Bến Tre Ảnh: ĐH

 

 

NGUYỄN QUANG ÁNH