Không ghi âm, chụp hình trong việc tiếp công dân?!

Vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký Quyết định số 12/QĐ-UBND ban hành nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố. Trong đó, đáng chú ý là quy định: Đối với công dân khi đến Trụ sở Tiếp công dân Thành phố làm việc “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” khiến dư luận xôn xao, đặt câu hỏi quy định như vậy có đúng hay không đúng pháp luật.

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng quy định như vậy là trái Hiến pháp và luật, làm ảnh hưởng đến quyền giám sát của người dân. Sau đó một số vị có chức sắc cũng đã lên tiếng phản hồi, giải thích về quy định này.

Ông Nguyễn Hồng Điệp – Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) cho hay, thực ra Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành quy định như vậy rồi. Ông Điệp cho rằng quy định như vậy là không phải cấm quay phim, chụp ảnh, mà trước khi làm việc đó phải xin phép và được sự đồng ý từ người có thẩm quyền.

Về phần mình, mới đây Chủ tịch Nguyễn Đức Chung giải thích, các Phòng tiếp công dân trên địa bàn TP Hà Nội và của Trung ương trên địa bàn Hà Nội đều đã được trang bị camera ghi âm và ghi hình, nếu người dân có nhu cầu thì sẽ trích xuất lại toàn bộ ghi âm, ghi hình sẽ được bàn giao và có biên bản ghi nhận sự việc.

Các ông Phạm Chí Công, Lê Đình Cung là Trưởng và Phó Ban Tiếp công dân Hà Nội giải thích thêm, theo Điều 12 Luật Tiếp Công dân thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh được phép quy định nội quy tiếp công dân phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Và quy định như vậy là phù hợp với khoản 2, Điều 7 về nghĩa vụ của công dân, trong đó có việc chịu sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân và chấp hành nội quy của cơ quan”.

Còn ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng về cơ bản, khi ghi âm ghi hình tại trụ sở tiếp công dân, cơ quan nhà nước phải xin ý kiến người có thẩm quyền, cụ thể là cán bộ tiếp công dân nên quy định này là phù hợp.

Theo các vị nói trên, việc không ghi âm, ghi hình khi chưa được sự đồng ý người tiếp công dân nhằm chống tình trạng người dân đưa lên mạng bôi xấu chính quyền.

Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ các lập luận này của các vị, đối chiếu với hệ thống pháp luật hiện hành thì thấy như sau:

– Thứ nhất, Quyết định số 12/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội là dẫn căn cứ theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ và đề nghị của Trưởng Ban Tiếp công dân Thành phố. Trong những căn cứ dẫn ra đó tuyệt nhiên không có quy định nào là hạn chế quyền công dân ghi âm, ghi hình tại trụ sở tiếp công dân, được thiết kế theo kiểu : ” việc ghi âm ghi hình phải  có sự đồng ý của người tiếp công dân”.

– Thứ hai, theo nội quy này thì có nghĩa là nếu người tiếp công dân mà không đồng ý thì công dân cũng không được ghi âm ghi hình. Vậy khi quy định tùy ý người tiếp công dân như vậy, cho thì được mà không cho thì thôi, làm gì có cơ sở nào để bắt buộc cán bộ tiếp công dân phải trích xuất camera ghi âm, ghi hình cho người dân có nhu cầu.

– Thứ ba, việc ghi âm, ghi hình của công dân tại trụ sở tiếp dân chính là quyền giám sát của công dân được khẳng định rõ tại khoản 2 Điều 8 Hiến pháp “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải chịu sự giám sát của Nhân dân” vốn đã nằm trong các quyền của công dân theo khoản 1 Điều 14 Hiến pháp “được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Như vậy là khi công dân đã có quyền giám sát với cán bộ tiếp dân, thì đương nhiên công dân không thể lại phải xin phép cán bộ rồi mới được giám sát cán bộ, như cái quy định của UBND TP Hà Nội.

– Thứ tư, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp đã  quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Tức là nó chỉ bị hạn chế khi vì lợi ích quốc gia dân tộc mà thôi, và phải do luật quy định, khi xét thấy tình hình thực tế cần phải hạn chế để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Tức là nếu tình hình thực tế có xảy ra vấn đề ghi âm, ghi hình đe dọa đến lợi ích quốc gia, dân tộc thật sự, thì phải được đưa ra Quốc hội bàn thảo, để Quốc hội đưa quy định vào luật.

– Thứ năm, nguyên văn Điều 12 Luật Tiếp công dân tại khoản 6 là: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành nội quy tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh.” Như vậy là nội quy Tiếp công dân là phải theo khuôn khổ của Luật Tiếp công dân, chứ không phải là “phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương” một cách tùy nghi.

Về điểm d khoản 2 Điều 7 về nghĩa vụ của công dân khi đến nơi tiếp công dân: “Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy tiếp công dân và hướng dẫn của người tiếp công dân”. Nội quy tiếp công dân là những quy định phải nằm trong khuôn khổ quy định của Luật Tiếp công dân chứ không phải nằm ngoài luật được, và hướng dẫn nội quy của người tiếp công dân là phải theo đúng Luật Tiếp công dân.

– Thứ sáu, đối với việc công dân ghi âm, ghi hình tại trụ sở cơ quan nhà nước rồi tung lên mạng để bôi nhọ chính quyền, thì lúc này họ đã chuyển sang là đối tượng vi phạm pháp luật, thì đã có Luật An ninh mạng kiểm tra phát hiện, và chế tài theo Luật  Xử lí vi phạm hành chính, Bộ luật hình sự cùng các văn bản hướng dẫn thi hành, tùy theo mức độ vi phạm. Chứ một nội quy tiếp công dân thì chỉ là để tiếp công dân, không thể mang tham vọng kiêm luôn cả chức năng của Luật An ninh mạng.

Chiều 8/1 tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình. Hỏi cung cũng phải ghi âm, ghi hình. Quy định như vậy để đảm bảo quyền công dân. Đây là những cải cách rất quan trọng trong hệ thống, ý nói đến sự đồng bộ giữa kinh tế, xã hội và hệ thống pháp luật là nhiệm vụ rất quan trọng”.

Do đó, dư luận đang rất trông ngóng ý kiến của  Bộ Tư pháp về quy định nói trên trong Nội quy tiếp công dân của UBND TP Hà Nội để bảo đảm tính nghiêm minh, chuẩn mực của pháp luật.

PHẠM MẠNH HÀ