Lý giải thành tựu chống dịch của Việt Nam

Thành tựu của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 là rất ấn tượng và được cả thế giới ghi nhận. Mặc dù ở gần ngay bên cạnh Trung Quốc và có số lượng các giao lưu rất lớn với cả Trung Quốc và rất nhiều nước có dịch trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn là một nơi an toàn.

Ở Việt Nam đã chưa ai phải chết vì dịch Covid-19! Chúng ta đã chữa khỏi cho hơn 80% bệnh nhân bị nhiễm dịch. Chúng ta đã khống chế thành công và không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

Những thành tựu ấn tượng nói trên nhờ đâu mà có? Dưới đây là một số câu trả lời dễ nhìn thấy nhất.

Trước hết, Việt Nam đã có những phản ứng chính sách hết sức nhanh nhạy. Vào cuối tháng 12 năm 2019 và đầu tháng giêng năm 2020, khi một vài ca nhiễm bệnh Covid-19 mới xuất hiện ở chợ hải sản của Vũ Hán, Trung Quốc, hệ thống phòng chống dịch bệnh của nước ta đã lập tức được kích hoạt. Ngay trong thời gian nghỉ Tết âm lịch vào giữa cuối tháng 1/2020, Chính phủ đã họp bàn kế hoạch chống dịch. Do phản ứng nhanh, nước ta đã hoàn toàn làm chủ tình thế, phát hiện và khống chế dịch ngay từ những ca đầu tiên.

Thứ hai, phản ứng chính sách của Việt Nam là mạch lạc và mạnh mẽ. Phát hiện, lần mối, khoanh vùng, cách ly và dập dịch là cách làm quyết liệt ít có nước nào áp dụng ngay từ đầu như Việt Nam. Nhờ cách làm này mà dịch bệnh không có cơ hội lây lan rộng ra cộng đồng. Cách làm này có thể xuất phát từ hoàn cảnh thực tế là nước ta đang nghèo, nguồn lực chống dịch còn hạn chế, nhưng thực tế cho thấy đây lại là cách làm rất hiệu quả.

Thứ ba, ngành y tế Việt Nam có năng lực và có kinh nghiệm chống dịch. Đây là năng lực và kinh nghiệp được tích tụ từ thời chiến tranh, khi tất cả mọi thứ đều thiếu thốn, nhưng ngành y tế nước ta vẫn phòng chống được dịch bệnh tốt và chăm sóc được sức khỏe cho cả người dân, lẫn các chiến sĩ quân đội. Thực ra, khi dịch Sars bùng phát những năm trước đây, Việt Nam cũng đã từng là nước công bố hết dịch sớm nhất trên thế giới.

Thứ tư, các cấp chính quyền đã triển khai rất nhanh chóng và hiệu quả các giải pháp chính sách chống dịch được Chính phủ đề ra. Đây quả thật là lần đầu tiên chúng ta thấy khi các giải pháp chính sách được ban hành, thì lập tức được các cấp chính quyền triển khai, không cần tập huấn và gần như không cần hướng dẫn chi tiết.

Thứ năm, sự tham gia tích cực của công an, đặc biệt của quân đội đã tiếp thêm sức mạnh cho cuộc chiến chống dịch. Sống tạm trong lán trại để nhường nơi ở, nơi huấn luyện cho những người phải cách ly thì chỉ có các chiến sĩ quân đội mới làm được. Họ cũng chính là những người bảo đảm kỷ luật và cung cấp các dịch vụ cần thiết để hoạt động cách ly có thể thành công.

Thứ sáu, truyền thông đã góp phần quan trọng cho thành công của cuộc chiến chống dịch. Chưa bao giờ  và chưa có một chính sách nào được truyền thông tốt như chính sách chống đại dịch Covid-19.  Ngay từ đầu, đây được coi là một bộ phận cấu thành của cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Truyền thông đã giúp chuyển tải thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Chống dịch như chống giặc”. Thông  điệp này vừa mang tính hiệu triệu, vừa xác định nguyên tắc và tinh thần, thái độ đối với cuộc chiến chống lại dịch Covid-19. Truyền thông cũng giúp sự minh bạch được bảo đảm và thông tin về cách thức phòng chống dịch được cung cấp đầy đủ cho người dân. Điều đặc biệt là lần này chống tin giả là một phần của chiến dịch truyền thông. Tin giả không chỉ gây hoang mang, mà còn làm cho công chúng hành xử sai. Điều này không chỉ làm cho việc khống chế dịch bệnh trở nên khó khăn, mà còn gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực khác cho xã hội như nạn đầu cơ, sự hoảng loạn, sự kỳ thị vô lối… Đây có lẽ là lần đầu tiên tin giả về dịch bệnh được xử lý một cách rất nhanh chóng và hiệu quả.

Thứ bảy, sự ủng hộ và đồng lòng của người dân tạo ra sức mạnh to lớn cho cuộc chiến chống dịch. Có lẽ, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta thấy toàn thể nhân dân thống nhất và ủng hộ tuyệt đối các quyết sách của Chính phủ. Gần như không ai nói khác và không ai làm khác. Chỉ trong một thời gian khá ngắn, số tiền và hiện vật người dân và doanh nghiệp đóng góp để chống dịch đã lên tới gần 2.000 tỷ đồng.

Những nguyên nhân nêu trên có lẽ ai cũng dễ dàng nhìn thấy. Tuy nhiên, còn có những nguyên nhân sâu xa hơn nữa nằm ở tầm thể chế. Đây lại là những nguyên nhân cơ bản hơn và có tính quyết định hơn.

Trước hết, đó là mô hình thể chế với nguyên tắc quyền lực nhà nước là tập trung, thống nhất. Nguyên tắc này giúp cho chính quyền trung ương có đủ sức mạnh và có đủ thẩm quyền để ban hành quyết định nhanh chóng cho toàn hệ thống. Đây là một ưu thế rất lớn trong cuộc chiến chống dịch (và có lẽ trong mọi cuộc chiến) khi chính quyền trung ương được điều hàng bởi những người có năng lực và quyết đáp. Mô hình phần quyền của các nước phương Tây cho thấy việc ban hành các quyết định cần thiết đã bị chậm trễ hơn nhiều. Mà chậm một ngày thôi dịch bệnh đã có thể lây lan ra cộng đồng và vượt tầm kiểm soát.

Chủ nghĩa tập thể của các nước phương Đông tỏ ra ưu thế hơn trong phòng chống dịch bệnh. Ai cũng biết đeo khẩu trang không phải là để trách dịch cho mình, mà chủ yếu là để tránh dịch cho người khác, trách dịch cho cộng đồng. Và người châu Á lập tức đeo khẩu trang ngay, không cần phải thuyết phục và áp đặt gì nhiều. Nhưng người Âu-Mỹ lại coi trọng tự do cá nhân hơn. Vì vậy, khi dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng, nhiều người vẫn không chịu đeo khẩu trang. Họ cho rằng đeo hay không là quyền tự do của họ. Đến khi các chính quyền tìm cách áp đặt được việc phải đeo khẩu trang thì mọi việc đã quá muộn.

Cuối cùng, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã để lại cho chúng ta không chỉ nhiều kinh nghiệm quý, mà còn nhận thức sâu sắc hơn về ưu điểm của mô hình thể chế mà chúng ta đang có.

Những bệnh nhân mắc Covid-19 lần lượt xuất viện – Ảnh: Kênh 14

 

 

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG