Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2022

Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2022 xuất bản ngày 25 tháng 01 năm 2022. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 08 bài viết là các công trình nghiên cứu về các đề tài, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học. Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

Với bài viết: “Xây dựng Tòa án điện tử - Một nhiệm vụ quan trọng của chiến lược cải cách tư pháp", tác giả Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhận định: Ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin mang lại nhiều cơ hội cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển không ngừng của công nghệ số đã và đang làm thay đổi sâu sắc hoạt động của Tòa án. Thực tiễn quốc tế cho thấy, Tòa án nhiều nước rất chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong bối cảnh đó, Tòa án Việt Nam chủ trương đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác tối đa các cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại để xây dựng Tòa án điện tử - một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp trong hệ thống ngành Tòa án.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử không còn là kế hoạch của tương lai, mà là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, cần được cụ thể hóa để quyết liệt hoàn thành sớm. Đây là cơ hội để hệ thống Tòa án nước ta tiếp tục nâng cao niềm tin vào công lý của người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động và xây dựng Tòa án hiện đại, theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII. Công cuộc chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử sẽ tạo ra những giá trị lớn lao, đóng góp quan trọng vào thành công của Chiến lược cải cách tư pháp nước ta, bắt kịp với xu hướng phát triển của tư pháp tiến bộ trên thế giới.

Trong bài viết: “Nâng cao chất lượng Thẩm phán gắn với đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII", tác giả Tăng Thị  Thu Trang cho rằng: Phát triển nguồn nhân lực không phải là vấn đề ngày nay chúng ta mới nhắc đến, Đảng ta đã thường xuyên chú trọng từ các kỳ đại hội trước. Tuy nhiên, Nghị quyết được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định nhiều quan điểm mới, thể hiện tư duy sáng tạo, đột phá về phát triển con người toàn diện, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao từ chủ trương đến giải pháp. Hiện nay, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số gắn với chất lượng nguồn nhân lực sẽ là động lực rất quan trọng để đất nước ta “cất cánh”, phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Thẩm phán là một bộ phận của nguồn nhân lực quốc gia, nhân danh Nhà nước để thực hiện hoạt động xét xử, bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân. Bài viết bàn luận về các giải pháp để nâng cao chất lượng Thẩm phán gắn với yêu cầu Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.

Với bài viết: Bàn về yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng khi giải quyết tài sản trong vụ án ly hôn", tác giả Lê Vĩnh Châu- Ngô Khánh Tùng cho rằng: Việc phân chia tài sản chung của vợ chồng phải áp dụng theo các nguyên tắc theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Trong đó, yếu tố lỗi của vợ, chồng trong đời sống hôn nhân là một trong những căn cứ mà cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, đánh giá trước khi ra quyết định về việc phân chia tài sản chung của vợ chồng, nhằm bảo đảm công bằng và thỏa đáng. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá về căn cứ lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, từ đó chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Trong bài viết: “Vai trò của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong quá trình giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính", tác giả Trần Văn Vui nêu quan điểm: Tại Việt Nam, các tranh chấp dân sự, hành chính ngày càng có chiều hướng gia tăng về cả số lượng và tính chất phức tạp. Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kiệm được thời gian, chi phí, công sức; giảm tải áp lực đối với công tác xét xử và công tác thi hành án. Bài viết phân tích thực tiễn thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đưa ra một số kiến nghị.

Với bài viết: “Tác động của đại dịch Covid-19 đến việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế", tác giả Nguyễn Trọng Luận cho rằng: Đại dịch Covid-19 đã gây ra những khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu. Tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đều bị tác động mạnh mẽ như kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch… và pháp luật cũng không là ngoại lệ. Trong lĩnh vực pháp luật sở hữu trí tuệ, đại dịch Covid-19 cũng có những tác động nhất định đến các đối tượng quyền tác giả, cũng như quyền sở hữu công nghiệp. Bài viết phân tích những tác động của dịch Covid-19 đối với vấn đề đăng ký sáng chế tại Việt Nam và tại một số quốc gia trên thế giới, cũng như khả năng áp dụng biện pháp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh dịch Covid-19.

Trong bài viết:“Những bất cập trong việc thu thập chứng cứ giữa người khởi kiện và người bị kiện trong vụ án hành chính và kiến nghị hoàn thiện", tác giả Nguyễn Sơn Lâm cho rằng: Trong vụ án hành chính thì các đương sự có quyền và nghĩa vụ như nhau trong việc thu thập chứng cứ và chứng minh. Tuy nhiên, trong thực tiễn, người khởi kiện khó có thể thu thập được chứng cứ hơn so với người bị kiện. Vì không có chứng cứ để chứng minh cho nên các yêu cầu của người khởi kiện không được Tòa án chấp nhận, không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện. Trong bài viết này, tác giả tập trung làm rõ những bất cập trong việc thu thập chứng cứ giữa người khởi kiện và người bị kiện và nêu ra các kiến nghị, đề xuất để khắc phục những bất cập này.

Trong bài viết: “Xác định bị đơn khi quyền của người nhận hàng trong hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển vi phạm", tác giả Nguyễn Thị Hoa Cúc cho rằng: Trong bối cảnh thương mại toàn cầu hiện nay, hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đã trở thành một dịch vụ thiết yếu, hỗ trợ hiệu quả cho nhu cầu giao nhận hàng hóa. Tuy nhiên, trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa cũng không tránh khỏi tranh chấp về thiệt hại, mất mát, hư hỏng hàng hóa… nhưng việc xác định chính xác người chịu trách nhiệm trên thực tế cũng gây lúng túng cho các bên, có thể dẫn đến xác định sai tư cách bị đơn trong hoạt động tố tụng; như vậy, không những mất thời gian và công sức, mà còn có thể bị hết thời hiệu khởi kiện, dẫn đến mất quyền được pháp luật bảo vệ. Bài viết trình bày, phân tích các quy định của pháp luật hàng hải về mối quan hệ giữa bên vận chuyển danh nghĩa (bên vận chuyển) với bên đại lý và bên vận chuyển thực tế khi họ thực hiện việc vận chuyển hàng hóa từ người gửi hàng đến người có quyền nhận hàng, từ đó làm cơ sở để các bên cũng như cơ quan tiến hành tố tụng xác định chính xác người chịu trách nhiệm bồi thường.

Với bài viết: “Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đối với pháp nhân thương mại", tác giả Hoàng Đình Duyên cho rằng: Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thẩm quyền xét xử đối với pháp nhân thương mại phạm tội theo địa bàn xảy ra tội phạm mà không quy định thẩm quyền xét xử theo đối tượng. Bài viết phân tích các căn cứ xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội, từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật.

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2022.

Tạp chí Tòa án nhân dân chân thành cảm ơn sự yêu mến và đồng hành của Quý độc giả trong năm vừa qua. Nhân dịp năm mới – Xuân Nhâm Dần 2022, Tạp chí Tòa án nhân dân xin gửi tới Quý bạn đọc lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ./.

 

BTK