Tạp chí Tòa án nhân dân số 04 năm 2022

Tạp chí Tòa án nhân dân số 04 năm 2022 xuất bản ngày 25 tháng 02 năm 2022. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 08 bài viết là các công trình nghiên cứu về các đề tài, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

          Với bài viết: “Đại dịch covid-19 và những vấn đề đặt ra đối với việc thực thi pháp luật bình đẳng giới tại Việt Nam", tác giả Bùi Thị Mừng nêu: Báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2020 dự báo, đại dịch Covid-19 đã làm chậm tiến trình thu hẹp khoảng cách giới tương đương “một thế hệ” (từ 99,5 năm tới 135,6 năm, dựa trên tiến độ hiện tại). Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch này. Vậy, đại dịch tác động như thế nào tới việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới? Bài viết sẽ nghiên cứu tổng quan pháp luật về bình đẳng giới, đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 tới việc thực thi pháp luật bình đẳng giới, từ đó, đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng của nó đến tiến trình bảo đảm bình đẳng giới ở Việt Nam.

Trong bài viết: “Một số định hướng về chiến lược cải cách tư pháp ở Việt Nam trong thời gian tới", tác giả Lê Ngọc Duy nêu nhận định: Cải cách tư pháp là một chủ trương mang tầm chiến lược trong hệ thống chính trị nói chung và hệ thống cơ quan tư pháp nói riêng. Qua 16 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, công tác tư pháp, cải cách tư pháp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện các chủ trương này. Trong bài viết này, tác giả phân tích và đưa ra một số định hướng về Chiến lược cải cách tư pháp ở Việt Nam trong thời gian tới.

         Với bài viết: “Một số vấn đề về tổng hợp hình phạt tù của nhiều bản án theo Điều 56 Bộ luật Hình sự năm 2015", tác giả Đặng Thế Thanh nêu quan điểm: Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục kế thừa các quy định trước đây về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án (quy định tại Điều 56). Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng pháp luật đã có nhiều quan điểm không thống nhất, có một số vụ án việc tổng hợp hình phạt tù có thời hạn của nhiều bản án bị nhận xét là chưa chính xác hoặc có ý kiến khác nhau. Bài viết này tác giả tập trung phân tích quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, đồng thời chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số kiến nghị để áp dụng pháp luật được thống nhất.

      Trong bài viết: “Giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải trực tuyến - xu hướng tất yếu trong thời kỳ hội nhập", tác giả Lê Thị Hằng nhận định: Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc và thuận lợi cho hòa giải thương mại phát triển tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào một phần hoặc toàn bộ quy trình giải quyết tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại, đặc biệt là các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới là hướng đi tối ưu. Bài viết đánh giá về thực tiễn cũng như khả năng áp dụng hòa giải thương mại trực tuyến tại Việt Nam và đưa ra các giải pháp để thúc đẩy phương thức giải quyết tranh chấp mang tính thời đại này.

           Với bài viết: “Về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả ", tác giả Trương Tâm An- Ngô Khánh Tùng cho rằng: Bài viết phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam, Điều ước quốc tế và pháp luật nước ngoài về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả và thực tiễn xác định loại hình tác phẩm được bảo hộ khi giải quyết tranh chấp về hành vi xâm phạm quyền tác giả, từ đó đưa ra một số nhận xét và kiến nghị hoàn thiện.

     Trong bài viết:“ Một số vướng mắc, bất cập trong áp dụng quy định tại Điều 347 Bộ luật Hình sự năm 2015 và đề xuất, kiến nghị ", tác giả Nguyễn Thành Minh cho rằng: Hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép là hành vi nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội, an ninh của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế sâu rộng, các tội phạm về xuất cảnh, nhập cảnh ngày càng gia tăng với tính chất, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, nguy hiểm. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về xuất cảnh, nhập cảnh là một đòi hỏi tất yếu, khách quan. Bài viết tập trung phân tích quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép quy định tại Điều 347, từ đó, chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cụ thể

        Với bài viết: “Một số vướng mắc và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, xử lý tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai", tác giả Lại Sơn Tùng cho rằng: Thời gian qua, tình hình tội phạm tham nhũng nói chung và tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ nói riêng đang diễn ra hết sức phức tạp, xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai. Bài viết chỉ ra những vướng mắc trong thực tiễn hoạt động điều tra, xử lý tội phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai và kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, xử lý đối với tội phạm này trong thời gian tới.

Trong bài viết: “ Bất cập trong một số tội xâm hại tình dục trong pháp luật hình sự Việt Nam so với pháp luật một số nước trên thế giới”, tác giả Nguyễn Văn Khánh cho rằng: Bộ luật Hình sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới về các tội phạm xâm hại tình dục, trong đó đã tội phạm hóa những hành vi xâm hại tình dục mới mà Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa quy định. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, những quy định trong phần các tội phạm về xâm hại tình dục, nhất là đối với người chưa thành niên còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định. Bài viết nêu những bất cập trong quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội xâm hại tình dục so với một số nước trên thế giới, từ đó đề xuất một số kiến nghị để hoàn thiện và áp dụng thống nhất pháp luật.

 

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 04 năm 2022.

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ./.

* Trên mỗi số Tạp chí tin (bắt đầu từ Tạp chí số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kết thêm mã QR trong trang mục lục, bạn đọc có thể dễ dàng truy cập để đọc các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng điện thoại thông minh (thông qua việc chụp bằng camera).

BTK