Tạp chí Tòa án nhân dân số 05 năm 2022

Tạp chí Tòa án nhân dân số 05 năm 2022 xuất bản ngày 10 tháng 3 năm 2022. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 07 bài viết là các công trình nghiên cứu về các đề tài, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

         Với bài viết: “Những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng Điều 54 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015", tác giả Nguyễn Văn Lam - Ngô Thị Tuyết Thanh tập trung phân tích làm rõ những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng Điều 54 về Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng và Điều 65 về án treo của Bộ luật Hình sự năm 2015, từ đó đề xuất một số vấn đề cần hoàn thiện.

        Trong bài viết: "Điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019 về hợp đồng lao động”, tác giả Nguyễn Hoài Nam nêu nhận định: Trong hệ thống pháp luật lao động, chế định hợp đồng lao động là chế định chủ yếu, chiếm vị trí quan trọng và giữ vai trò trung tâm điều chỉnh quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường. Bộ luật Lao động nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cơ sở pháp lý điều chỉnh các quan hệ lao động, trong đó có quan hệ về hợp đồng lao động. Xuất phát từ thực tiễn thi hành Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật Lao động năm 2019 xây dựng gồm 17 chương, 220 điều và được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, có nhiều quy định mới (trong đó có quy định về hợp đồng lao động) nhằm bảo đảm tốt hơn quyền, nghĩa vụ của các bên, góp phần xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định, phù hợp hơn với điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở Việt Nam.

Trong bài viết này, tác giả phân tích đặc trưng của hợp đồng lao động, một số điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019 về hợp đồng lao động, đồng thời đề xuất những quy định về hợp đồng lao động cần được tiếp tục nghiên cứu và hướng dẫn áp dụng trong thực tiễn.

         Với bài viết: “Bàn về triển vọng ứng dụng của Án lệ số 15/2017/AL ", tác giả Thân Văn Tài nêu quan điểm: Án lệ số 15/2017/AL là một giải pháp pháp lý nhằm công nhận quyền sử dụng đất của người nhận quyền sử dụng đất từ hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất tuy có khiếm khuyết về hình thức, nhưng họ đã đăng ký, kê khai diện tích đất đã đổi và được ghi nhận tại sổ địa chính; đã trực tiếp canh tác, sử dụng ổn định, liên tục, lâu dài. Bài viết làm rõ triển vọng ứng dụng của Án lệ này và đưa ra một số kiến nghị.

       Trong bài viết: “Bàn về tình tiết định tội danh “trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo quy định tại Điều 125 và Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 2015", tác giả Nguyễn Anh Chung - Phạm Thị Thu Thủy tập trung phân tích, luận bàn về tội  “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” (Điều 125) và tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” (Điều 135) và chỉ ra một số vướng mắc trong việc phân biệt giữa hai tội này.

          Với bài viết: “Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Tòa án nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự - một số kiến nghị", tác giả Nguyễn Ngọc Kiên cho rằng: Trong thời gian qua, tình hình nợ xấu và công tác xử lý nợ xấu luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội cùng sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước. Đặc biệt với việc Quốc hội thể chế hóa công tác xử lý nợ xấu thông qua việc xây dựng và ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết số 42) đã khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý nợ xấu, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và đồng bộ về xử lý nợ xấu; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc xử lý hiệu quả, dứt điểm nợ xấu, bảo đảm các tổ chức tín dụng tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tiễn xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại Tòa án và cơ quan Thi hành án bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, còn nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu, tạo cơ sở pháp lý và các cơ chế xử lý triệt để các vướng mắc, khó khăn pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng.

Bài viết này, tác giả phân tích thực trạng xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Tòa án nhân dân và cơ quan Thi hành án dân sự, trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

        Trong bài viết:“ Bàn về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại trong tố tụng hành chính", tác giả Hoàng Lê Thanh Hà cho rằng: Một trong những điểm mới của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 là quy định Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại nhằm thể hiện cơ chế công khai chứng cứ cho việc thực hiện tranh tụng trong tố tụng hành chính và tăng cường đối thoại trong vụ án hành chính. Bài viết này tập trung làm rõ một số bất cập, vướng mắc trong việc áp dụng quy định của pháp luật về việc mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.

         Với bài viết: “Hệ thống pháp luật ủng hộ trọng tài – kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam", tác giả Đỗ Văn Đại - Cao Nguyễn Thiên Kim cho rằng: Trên thế giới, Trọng tài ra đời và tồn tại từ rất lâu nhưng việc sử dụng trọng tài trong thực tế có sự khác nhau ở các thời kỳ. Việc sử dụng trọng tài ngày càng nhiều nhưng mức độ sử dụng trọng tài còn khác nhau giữa các khu vực, các quốc gia và lệ thuộc nhiều vào hệ thống pháp luật có ủng hộ trọng tài hay không. Nhìn một cách tổng thể, tồn tại song song với Tòa án nhà nước, Trọng tài đem lại nhiều lợi thế cho một quốc gia nên rất nhiều nước đã thay đổi pháp luật để hệ thống trọng tài của họ ngày càng được sử dụng nhiều.

Kinh nghiệm cho thấy, để trọng tài thực sự phát triển, “cơ quan lập pháp, hành pháp và Tòa án phải được khuyến khích để hỗ trợ trọng tài”. Ở nước ngoài, nhiều hệ thống trọng tài đã được hưởng lợi từ những quy định trong văn bản ủng hộ trọng tài (I). Bên cạnh đó, hệ thống trọng tài ở nhiều nơi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cơ quan tư pháp, đặc biệt là Tòa án và đây cũng là những kinh nghiệm tốt cho sự phát triển trọng tài ở nước ta (II).Bài viết phân tích, làm rõ những luận điểm trên.

 

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 05 năm 2022.

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

* Trên mỗi số Tạp chí tin (bắt đầu từ Tạp chí số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kết thêm mã QR trong trang mục lục, bạn đọc có thể dễ dàng truy cập để đọc các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng điện thoại thông minh (thông qua việc chụp bằng camera).

BTK