Tạp chí Tòa án nhân dân số 07 năm 2022

Tạp chí Tòa án nhân dân số 07 năm 2022 xuất bản ngày 10 tháng 4 năm 2022. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 08 bài viết là các công trình nghiên cứu về một số đề tài, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

Với bài viết: Xét xử trực tuyến các vụ án kinh doanh, thương mại và một số đề xuất, kiến nghị”, tác giả Nguyễn Minh Quốc Việt nhận định: Ngày nay, với những thành tựu mà cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư mang lại, các giao dịch thương mại, các hợp đồng hợp tác kinh doanh đang có những bước phát triển vượt trội so với giai đoạn trước đây. Việc tham gia vào các hợp đồng thương mại đã vượt qua mọi giới hạn về không gian và thời gian, đây là nhân tố quan trọng giúp cho nền kinh tế thế giới phát triển như vũ bão. Tuy nhiên, mặt trái mà nó mang lại là ngày càng xuất hiện nhiều vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại với tính chất, quy mô lớn và phức tạp. Để kịp thời giải quyết các tranh chấp, bảo đảm sự ổn định trong kinh doanh, các bên thường lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp tại Tòa án bởi nhiều lợi thế như tính bắt buộc trong các quyết định của bản án, việc xét xử trực tuyến khi đáp ứng được các tiêu chí theo quy định của pháp luật.

Việc ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến là một bước đột phá trong tiến trình cải cách tư pháp ở nước ta, giúp cho việc giải quyết nhanh chóng, chính xác, hiệu quả các loại vụ án. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá các quy định về xét xử trực tuyến đối với vụ án kinh doanh, thương mại, từ đó chỉ ra một số hạn chế, bất cập và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

Trong bài viết: "Hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử”, tác giả Nguyễn Quý Khuyến cho rằng: Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử tại Điều 287 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung so với quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 1999. Mặc dù số vụ án được xét xử theo quy định này không nhiều, nhưng qua nghiên cứu thấy rằng, quy định này vẫn còn những hạn chế nhất định cần sớm được hoàn thiện. Bài viết phân tích làm rõ nội dung quy định của Điều 287 Bộ luật Hình sự năm 2015 và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện quy định này.

Với bài viết: “Quy định của pháp luật tố tụng hình sự về hoạt động bào chữa của người bào chữa - thực trạng và kiến nghị", tác giả Nguyễn Phương Thảo nêu quan điểm: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều quy định nổi bật, mang tính đột phá về tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nói chung và hoạt động bào chữa của người bào chữa nói riêng. Những bảo đảm pháp lý này góp phần nâng cao hiệu quả tranh tụng trong suốt quá trình tố tụng. Bài viết đưa ra một số quy định nổi bật và những bất cập của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tranh tụng, từ đó, đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Trong bài viết: “Thực trạng Tòa án giải quyết yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của đại hội đồng cổ đông và một số vấn đề đặt ra", tác giả Nguyễn Thị Ngọc Uyển có nhận định: Luật Doanh nghiệp năm 2020  có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 với nhiều điểm mới tiến bộ hơn Luật Daonh nghiệp năm 2014. Một trong số đó là vấn đề về hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần, tạo điều kiện thuận lợi hơn để cổ đông có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bài viết chỉ ra thực trạng Tòa án giải quyết yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, một số hạn chế, bất cập của pháp luật doanh nghiệp về vấn đề này và đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện.

Với bài viết: “Một số bất cập trong quy định về quảng cáo thương mại thực phẩm chức năng ở Việt Nam hiện nay ", tác giả Nguyễn Thị Xuân cho rằng: Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng tăng cao nên thị trường sản xuất, kinh doanh loại sản phẩm này diễn ra sôi động. Thực tiễn công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác kiểm soát chất lượng thực phẩm chức năng. Nguyên nhân là do hành lang pháp lý để quản lý lĩnh vực quảng cáo nói chung, quảng cáo thực phẩm chức năng nói riêng chưa hoàn thiện, còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Bài viết phân tích một số điểm hạn chế, bất cập của pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện.

Trong bài viết:“ Vắc-xin Covid-19: Bảo hộ sáng chế và vấn đề bảo vệ lợi ích cộng đồng", tác giả Nguyễn Phương Thảo cho rằng: Dưới góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ, vắc-xin Covid-19 hoàn toàn có khả năng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Tuy nhiên, việc bảo hộ này phải đặt trong sự cân bằng với bảo vệ lợi ích công cộng, quyền tiếp cận dược phẩm của công dân - một trong những quyền con người cơ bản. Vấn đề này đặt ra những thách thức đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, khi tiềm lực nghiên cứu và y tế chưa thực sự mạnh mẽ, phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Bài viết phân tích các nội dung về bảo hộ quyền đối với sáng chế cho vắc-xin Covid-19, vấn đề bảo đảm quyền tiếp cận dược phẩm và nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa chủ Bằng độc quyền sáng chế và lợi ích cộng đồng.

Với bài viết:“ Dấu hiệu nhận diện người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu", tác giả Cao Ngọc Anh Thi nhận định:  Bài viết phân tích Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 nhằm chỉ rõ những khó khăn trong việc nhận diện người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu. Thông qua việc nghiên cứu quy định pháp luật một số nước, bài viết đề xuất các tiêu chí, khái niệm để nhận diện người thứ ba ngay tình trong giao dịch dân sự vô hiệu để có thể bảo vệ quyền và lợi ích của họ một cách hữu hiệu nhất.

Trong bài viết: “Yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc tại biển đông theo phán quyết của Tòa trọng tài” , tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân cho rằng: Yêu sách về đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông đã đe dọa và xâm phạm đến chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA, 2016) đã hoàn toàn phủ nhận quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, đây là một quyền không được công nhận bởi luật quốc tế, do đó đường chín đoạn mà Trung Quốc tuyên bố là không có cơ sở pháp lý. Bài viết giới thiệu về những nội dung chính của Tòa Trọng tài PCA về vụ việc.

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 07 năm 2022.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

* Trên mỗi số Tạp chí tin (bắt đầu từ Tạp chí số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kết thêm mã QR trong trang mục lục, bạn đọc có thể dễ dàng truy cập để đọc các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng điện thoại thông minh (thông qua việc chụp bằng camera).

BTK