Tạp chí Tòa án nhân dân số 12 năm 2022

Tạp chí Tòa án nhân dân số 12 năm 2022 xuất bản ngày 25 tháng 6 năm 2022. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 09 bài viết là các công trình nghiên cứu về một số đề tài, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:
Với bài viết “Hoàn thiện quy định về biện pháp bắt, tạm giam trong Bộ luật Tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, tác giả Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tập trung phân tích quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp bắt, tạm giam; đồng thời chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về các biện pháp này. Trên cơ sở phân tích quy định về các biện pháp bắt, tạm giam của pháp luật tố tụng hình sự một số quốc gia trên thế giới, bài viết đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp bắt, tạm giam.

Trong bài viết: “Một số tiêu chí phân biệt người giúp sức với người thực hành trong đồng phạm theo Bộ luật Hình sự năm 2015 – thực tiễn và kiến nghị", tác giả Ngô Huỳnh Đức nêu quan điểm: Trong xét xử vụ án hình sự có đồng phạm, thì việc phân biệt và xác định đúng từng loại người đồng phạm là rất quan trọng. Chỉ có như vậy mới áp dụng đúng những quy định tương ứng đối với từng loại người đồng phạm và cá thể hóa hình phạt một cách chính xác. Bài viết tập trung phân biệt hai loại người đồng phạm là người giúp sức và người thực hành, từ đó, đề xuất một số kiến nghị nâng cao hiệu quả áp dụng trong hoạt động thực tiễn.

Với bài viết “Một số giải pháp đảm bảo xóa án tích đúng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 ", tác giả Nguyễn Bảy Nhuận nhận định: Án tích là một chế định quan trọng, thể hiện nguyên tắc công bằng, nhân đạo, dân chủ xã hội chủ nghĩa và tôn trọng quyền con người được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Bài viết đánh giá các quy định về án tích, xóa án tích trong pháp luật hình sự Việt Nam, thực tiễn hoạt động xét xử án hình sự, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm thực hiện đúng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về vấn đề này. 

Trong bài viết “Vai trò của án lệ trong đào tạo cử nhân luật- thực trạng và giải pháp”, tác giả Trần Linh Huân nhận định: Việc đưa án lệ vào nghiên cứu và giảng dạy sẽ góp phần tích cực trong việc đào tào sinh viên luật theo hướng rèn luyện tư duy pháp lý, thực hành tranh tụng, từ đó có thể áp dụng trong hoạt động nghề nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng án lệ vào chương trình đào tạo cử nhân luật tại các cơ sở đào tạo tại Việt Nam còn khá hạn chế. Bài viết làm rõ vai trò của án lệ trong hoạt động đào tạo cử nhân luật; đánh giá thực trạng và đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng án lệ trong hoạt động đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam hiện nay.

Với bài viết “Những điểm mới trong quy định pháp luật về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”, tác giả Trần Thị Thu Hiền phân tích tổng hợp những vấn đề mới trong áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dựa trên những thay đổi được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Đồng thời, đưa ra kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền vận dụng và tổ chức thực hiện việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc một cách hiệu quả, bảo đảm việc áp dụng tuân thủ pháp luật, đồng thời, góp phần phòng ngừa, đấu tranh tệ nạn ma túy trong giai đoạn hiện nay.

Trong bài viết: “Bàn về xử lý việc chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Điều 41 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”, tác giả Bùi Ai Giôn nhận định: Thực tiễn thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong thời gian qua còn một số vướng mắc, bất cập liên quan đến xử lý việc chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Điều 41 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Bài viết luận bàn về vấn đề này, từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật.

Trong bài viết: “Xử lý hành vi xâm phạm thông tin cá nhân - quy định pháp luật hình sự một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam”, tác giả Lê Thị Diễm Hằng- Ngô Hà Chi- Trần Mai Huyền- Nguyễn Hà Giang tập trung nghiên cứu quy định pháp luật hình sự một số quốc gia trên thế giới về xử lý hành vi xâm phạm thông tin cá nhân, đồng thời, đánh giá các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm tạo nền tảng thể chế vững chắc trong xử lý các hành vi xâm phạm thông tin cá nhân.

Trong chuyên mục Trao đổi ý kiến, với bài viết “Xét xử Mai Văn H và Nguyễn Văn P như thế nào là phù hợp?”, của tác giả An Văn Khoái, Tạp chí Tòa án nhân dân giới thiệu tới bạn đọc một tình huống cụ thể để cùng trao đổi, nghiên cứu và luận bàn.  

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 12 năm 2022.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
*Trên mỗi số Tạp chí tin (bắt đầu từ Tạp chí số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kết thêm mã QR trong trang mục lục, bạn đọc có thể dễ dàng truy cập để đọc các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng điện thoại thông minh (thông qua việc chụp bằng camera).

 

BTK