Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2022

Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2022 xuất bản ngày 25 tháng 8 năm 2022. Trong nội dung bài Giới thiệu này, chúng tôi gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà 08 bài viết đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 đề cập đến, cụ thể như sau:

Với bài viết “Bàn về quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về lấy lời khai người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi”, tác giả Trịnh Duy Thuyên nhận định: Lấy lời khai đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi là một trong những biện pháp điều tra nhằm thu thập chứng cứ được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành. Trong bài viết này, tác giả tập trung bàn luận những vấn đề lý luận và chỉ ra một số điểm còn bất cập trong quy định pháp luật đối với lấy lời khai người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi và đưa ra một số kiến nghị.

           Trong bài viết “Quy định pháp luật Việt Nam về hình phạt trục xuất -một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện", tác giả Phạm Khắc Phương cho rằng: Trục xuất là một trong các hình phạt được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Đây là một hình phạt đặc biệt áp dụng đối với người phạm tội là người nước ngoài, buộc họ phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong bài viết, tác giả phân tích những bất cập trong các quy định của pháp luật về hình phạt trục xuất, đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.

  Với bài viết Nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng theo chức năng của lực lượng Cảnh sát nhân dân”, tác giả Vương Hoài Sơn cho rằng: Thi hành án hình sự là vấn đề quan trọng trong hoạt động tố tụng của các quốc gia trên thế giới. Trong tình hình tội phạm đang có những diễn biến phức tạp, việc hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao chất lượng của hoạt động này tại Việt Nam mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn tồn tại một số bất cập; một số vấn đề mới nảy sinh cũng cần thiết phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Bài viết phân tích thực trạng công tác thi hành án hình sự ở cộng đồng theo chức năng của lực lượng Cảnh sát nhân dân, trên cơ sở đó chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và đưa ra một số kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng trong thời gian tới.

          Trong bài viết “Hoạt động thu thập chứng cứ của luật sư theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 – một số vướng mắc và đề xuất, kiến nghị, tác giả Nguyễn Văn Minh nhận định: Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa, trong đó có luật sư được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đây là quy định mới, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử các vụ án hình sự. Bài viết phân tích, đánh giá chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc trong áp dụng quy định về thu thập chứng cứ của luật sư, từ đó đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

           Với bài viết “Bàn về biện pháp đặt cọc theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và một số đề xuất, kiến nghị, tác giả Vũ Thị Nhung cho rằng:  Đặt cọc là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và được thực hiện khá phổ biến trong đờisống dân sự hiện nay. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về biện pháp đặt cọc, từ đó chỉ ra một số hạn chế, bất cập và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cụ thể pháp luật.      

          Trong bài viết “Cơ chế quốc tế về quyền tham gia chính trị của phụ nữ”, tác giả Đoàn Minh Đạt nhận định: Quyền tham gia chính trị của phụ nữ được cộng đồng quốc tế xem xét, thực thi trên hai phương diện là bình đẳng về cơ hội và về kết quả. Nguyên tắc vận dụng cơ sở pháp lý quốc tế về quyền tham gia chính trị của phụ nữ ở Việt Nam là các quyền của phụ nữ được quy định trong Hiến pháp là tối thượng; các văn bản pháp luật nếu chưa có quy định hoặc quy định chưa phù hợp với pháp luật quốc tế thì cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với pháp luật quốc tế. Bài viết phân tích cơ sở pháp lý quốc tế về quyền tham gia chính trị của phụ nữ và đề xuất việc vận dụng cơ sở pháp lý này tại Việt Nam.

Với bài viết “Nguyên tắc xét xử người chưa thành niên phạm tội – một số hạn chế và kiến nghị hoàn thiện pháp luật, của tác giả Đỗ Thị Phương Mai tập trung nghiên cứu các nguyên tắc xét xử người chưa thành niên phạm tội được quy định tại Hiến pháp, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành; từ đó chỉ ra một số hạn chế trong quy định pháp luật, cũng như khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn xét xử, từ đó đề xuất hoàn thiện pháp luật.

         Trong bài viết “Sử dụng tổ chức, cá nhân có chuyên môn trong xác định nội dung pháp luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp dân sự, thương mại quốc tế tại Tòa án một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam”, tác giả Nguyễn Thu Thủy cho rằng: Cùng với sự gia tăng của các tranh chấp dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài, việc áp dụng pháp luật nước ngoài để giải quyết các tranh chấp này là một nhu cầu tất yếu đặt ra đối với Tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, việc xác định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể cung cấp thông tin về pháp luật nước ngoài cũng như cách thức sử dụng thông tin do các cơ quan, tổ chức, cá nhân này đưa ra trong hoạt động giải quyết tranh chấp dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài của Tòa án Việt Nam vẫn còn để ngỏ. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của Tòa án Cộng hòa Liên bang Đức và Vương quốc Anh, là đại diện cho hai hệ thống pháp luật civil law và common law, bài viết đưa ra một số khuyến nghị để Tòa án Việt Nam có thể sử dụng ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về pháp luật nước ngoài trong xác định pháp luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài một cách hiệu quả.

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2022.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh

BTK