Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2020 xuất bản ngày 05/01/2020 bao gồm 07 bài viết về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện được đông đảo bạn đọc quan tâm, tìm hiểu, là các vấn đề mang tính thời sự nổi bật.

Chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung chính, nổi bật của các bài viết như sau:

Với bài viết: “Tiếp tục cải cách tư pháp để nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của Tòa án ở Việt Nam”, tác giả GS.TS. Nguyễn Minh Đoan nêu nhận định: “…một số nội dung của cải cách tư pháp cũng chưa thực hiện được như mong muốn, dẫn đến một số hoạt động tư pháp ở nước ta còn những hạn chế, bất cập nhất định, cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong tương lai để xây dựng nền tư pháp dân chủ, công bằng, liêm chính, nghiêm minh”. Trong nội dung bài viết, tác giả tập trung vào phân tích, lập luận các vấn đề sau: (1) Mở rộng hơn nữa thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các quan hệ xã hội; (2) Củng cố vị trí trung tâm của Tòa án trong hệ thống các cơ quan tiến hành hoạt động tư pháp; (3) Đổi mới các trình tự, thủ tục trong hoạt động tư pháp và quy định lại nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân trong xét xử. Từ đó, tác giả đưa ra những ý kiến xác đáng, sâu sắc về nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của Tòa án trong hệ thống các cơ quan tiến hành hoạt động tư pháp ở Việt Nam thời gian tới.

Trong bài viết: “Giải quyết vấn đề liên quan đến con chung khi cha, mẹ ly hôn”, TS. Bùi Thị Mừng nêu quan điểm: “…Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con là một nguyên tắc quan trọng xuyên suốt các quy định của pháp luật Việt Nam về giải quyết vấn đề con chung khi cha, mẹ ly hôn. Nguyên tắc này được cụ thể hóa theo tinh thần của Hiến pháp về bảo vệ quyền trẻ em. Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, vì vậy cần được bảo vệ, chăm sóc đặc biệt”. Để bảo vệ tốt nhất quyền của con khi cha, mẹ ly hôn, trong bài viết tác giả đã tập trung vào việc đánh giá về các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành trong giải quyết vấn đề con chung khi cha, mẹ ly hôn; chỉ ra những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết vấn đề con chung; đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha, mẹ ly hôn.

Tác giả Tưởng Duy Lượng đã có bài viết: “Bình luận Án lệ số 11/2017/AL về công nhận hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất mà trên đất có tài sản không thuộc sở hữu của bên thế chấp” trong chuyên mục Bình luận Án lệ. Trong bài viết này, tác giả chỉ rõ sự cần thiết phải ban hành Án lệ; bình luận Án lệ với 02 nội dung chính được nêu trong Án lệ là: (1) Trên phần đất thuộc hợp đồng thế chấp có tài sản của người khác không tham gia hợp đồng thế chấp thì hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất vẫn hợp pháp; (2) Quyền của người có tài sản trên đất trong trường hợp xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất. Từ đó, tác giả chỉ ra tính ứng dụng của Án lệ và vấn đề cần lưu ý trong thực tiễn.

Trong bài viết: “Bình luận bản án về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu”, NCS.ThS. Nguyễn Phương Thảo đã phân tích những vấn đề cần làm rõ trong một vụ việc tranh chấp về nhãn hiệu cụ thể: (1) Pháp luật Sở hữu trí tuệ quy định như thế nào về xác định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu; (2) Bị đơn có xâm phạm quyền của nguyên đơn không? (3) Những yêu cầu của nguyên đơn có phù hợp quy định pháp luật không.

Với bài viết: “Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm – những vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị”, tác giả Nguyễn Thái Công đi vào phân tích các vấn đề: tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015; hình phạt quy định trong tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm; một số vướng mắc, bất cập khi áp dụng quy định về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm vào thực tiễn; một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả xử lý tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm.

ThS. Nguyễn Thị Khánh Ngọc nhận định trong bài viết: “Sự cần thiết phải nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam”: “Qua khảo sát thực tế cho thấy, khi giải quyết các vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi, các Thẩm phán thường tập trung vào việc xử lý người phạm tội mà ít quan tâm tìm hiểu, đánh giá những tổn thương về tâm lý, sinh lý của người dưới 18 tuổi do tội phạm gây ra (đặc biệt là những trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo hành, bị bóc lột sức lao động) để từ đó có những biện pháp cụ thể tư vấn, hỗ trợ, giúp cho các em phục hồi, phát triển. Các Tòa án cũng chưa có những cơ chế chính thức để tiến hành việc tìm hiểu, đánh giá về điều kiện sống, học tập, nhu cầu cần được hỗ trợ, tình trạng tổn thương về tâm, sinh lý của người dưới 18 tuổi do tội phạm gây ra, chưa có cơ chế chính thức trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội có chức năng làm công tác giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em để quyết định những biện pháp hỗ trợ, bảo vệ và thực hiện các biện pháp đó một cách hiệu quả.” Từ đó, tác giả phân tích sự cần thiết phải tổ chức Tòa Gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam cũng như các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa Gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam.

Với bài viết: “Các bị cáo phạm tội theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015”, ThS. Đỗ Thanh Xuân đã nêu một tình huống cụ thể còn có nhiều quan điểm trái chiều về giám định và giám định lại để độc giả cùng trao đổi.

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số đầu tiên của năm 2020. Xin kính chúc Quý độc giả một năm mới an khang, thịnh vượng! Xin chân thành cảm ơn Quý độc giả đã luôn đồng hành cùng Tạp chí trong năm qua!
BTK