Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 08 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 08 năm 2020 xuất bản ngày 25 tháng 4 năm 2020. Trên số Tạp chí này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 07 bài viết về các vấn đề, lĩnh vực mang tính thời sự nổi bật hiện nay và Án lệ số 32/2020/AL về trường hợp đất do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số nội dung chính, nổi bật của các bài viết như sau:
Với bài viết: “Bình luận Án lệ số 15/2017/Al về công nhận thỏa thuận miệng của các đương sự trong việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp”, tác giả Tưởng Duy Lượng tập trung vào việc phân tích chỉ ra sự cần thiết phải ban hành Án lệ này. Đồng thời, trong bài viết này tác giả đi sâu phân tích một số quy định pháp luật có liên quan đang có hiệu lực tại thời điểm diễn ra giao dịch để lập luận, lý giải nội dung Án lệ, từ đó tác giả chỉ ra tính ứng dụng của Án lệ số 15/2017/AL trong hoạt động thực tiễn. Bài viết này giúp bạn đọc nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về Án lệ số 15/2017/AL để có thể vận dụng và áp dụng trong thực tiễn được dễ dàng và hiệu quả.


Trong bài viết: “Thụ lý và giải quyết yêu cầu xác định phần sở hữu, chia tài sản chung để thi hành án và tranh chấp liên quan đến tài sản thi hành án”, tác giả Lưu Tiến Dũng và Huỳnh Quang Thuận cho rằng: Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy sự khác nhau giữa các Tòa án trong việc xác định yêu cầu xác định quyền sở hữu, phần quyền sử dụng đất, chia tài sản chung để thi hành án theo vụ án dân sự hay việc dân sự. Cụ thể, có Tòa án xác định yêu cầu về xác định phần sở hữu, phân chia tài sản chung của người phải thi hành án luôn là việc dân sự theo khoản 9 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Ngược lại, có Tòa án xác định yêu cầu về xác định phần sở hữu, phân chia tài sản chung của người phải thi hành án được coi là vụ án dân sự theo khoản 12 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nếu có ý kiến phản đối của người phải thi hành án và/hoặc các đồng sở hữu. Đây là một thực tế đang tồn tại hiện nay, cần có nhận thức thống nhất về vấn đề này để việc hiểu và áp dụng pháp luật được dễ dàng, thuận lợi. Trong bài viết này, các tác giả đi sâu vào phân tích để đưa ra căn cứ xác định khi nào Tòa án thụ lý và giải quyết yêu cầu xác định phần sở hữu chung của người phải thi hành án, chia tài sản chung để thi hành án và tranh chấp về tài sản phải thi hành án, như sau: (1) Người được thi hành án và Chấp hành viên chỉ có quyền yêu cầu xác định phần sở hữu chung của người phải thi hành án và yêu cầu đó được thụ lý và giải quyết theo việc dân sự trong mọi trường hợp; (2) Người phải thi hành án và những người đồng sở hữu tài sản phải thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án chia tài sản thi hành án và hoặc giải quyết tranh chấp về tài sản phải thi hành án. Trong trường hợp này, nếu các bên không có tranh chấp thì Tòa án thụ lý và giải quyết theo việc dân sự và nếu có tranh chấp thì Tòa án thụ lý và giải quyết theo vụ án dân sự.
Với bài viết: “Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng chuyển giao quyền tác giả”, tác giả Nguyễn Phương Thảo đưa ra nhận định: “Các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ ngày càng khẳng định được giá trị của mình trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0. Việc sử dụng các đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan có thể do chính chủ sở hữu tiến hành hay do người khác thực hiện thông qua việc chuyển giao quyền dưới hình thức một hợp đồng (có thể là hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan hay hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan). Từ đó, chủ thể làm nhiệm vụ sáng tạo – tác giả, đồng tác giả tập trung vào hoạt động tạo ra các sản phẩm mới, vấn đề thương mại hóa, khai thác quyền trở nên chuyên môn hóa và hiệu quả hơn. Việc xuất bản, phát hành các tác phẩm đến với công chúng không chỉ thuần tuý là giới thiệu sản phẩm mà đã trở thành một ngành công nghiệp dịch vụ với rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này. Do đó, hoạt động chuyển giao quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung ngày càng trở nên phổ biến và quen thuộc. Trong phạm bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số vấn đề pháp lý về hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả gồm: bản chất của hợp đồng chuyển giao quyền tác giả, chủ thể, đối tượng, hình thức, nội dung của hợp đồng chuyển giao quyền tác giả, nhằm góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn hiệu quả, thống nhất.
Trong bài viết: “Bàn về tội làm nhục người khác, một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Nguyễn Trung Kiên cho rằng: Con người luôn là chủ thể được ưu tiên đặc biệt khi Nhà nước xây dựng các chính sách kinh tế – xã hội; việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người nói chung, bảo vệ nhân phẩm, danh dự của con người nói riêng luôn là mục tiêu trọng điểm trong đường lối xây dựng và phát triển đất nước.
Bộ luật Hình sự cũng sớm ghi nhận tội làm nhục người khác nhằm góp phần quan trọng trong việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người; đồng thời, góp phần tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, quy định của Bộ luật Hình sự về tội danh này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc cần được tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, hoàn thiện. Trong bài viết này, tác giả đi sâu phân tích các quy định về tội làm nhục người khác tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng thời, chỉ ra một số vướng mắc, bất cập, từ đó đưa ra những kiến nghị cụ thể.
Với bài viết: “Chính sách pháp luật hình sự đối với đồng phạm trong giai đoạn phát triển mới của đất nước” của tác giả Phí Thành Chung; trên Tạp chí Tòa án nhân dân số này, chúng tôi xin gửi đến độc giả những phân tích, bình luận của tác giả bài viết về khái niệm chính sách pháp luật hình sự đối với đồng phạm; đặc điểm chính sách pháp luật hình sự đối với đồng phạm; nội dung chính sách pháp luật hình sự đối với đồng phạm. Trên Tạp chí số 09/2020, chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đến độc giả các phần tiếp theo của bài viết.
Trong bài viết: “Một số vấn đề về quyền hưởng dụng trong Bộ luật Dân sự năm 2015”, tác giả Nguyễn Thị Hường tập trung phân tích về khái niệm quyền hưởng dụng; một số vấn đề về quyền hưởng dụng trong Bộ luật Dân sự năm 2015, từ đó giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề quyền hưởng dụng để áp dụng trong thực tế được thống nhất và thuận lợi.
Trên Chuyên mục Trao đổi ý kiến, chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả các quan điểm khác nhau trao đổi về bài viết: “Các bị cáo phạm tội giết người hay tội cố ý gây thương tích” của tác giả Đinh Ngọc Huân đăng trên Tạp chí số 16/2019.
Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 08 năm 2020!

BTK