Giới thiệu nội dung Tạp chí tòa án nhân dân số 20 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2020 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2020 là ấn phẩm đặc biệt chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ IV. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 08 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, tìm hiểu từ xã hội.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số vấn đề cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến:

Với bài viết: “75 năm – chặng đường lịch sử vẻ vang của Tòa án quân sự Trung ương”, tác giả Dương Văn Thăng – Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương nhận định: Trải qua 75 năm, cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, qua các giai đoạn của lịch sử, các Tòa án quân sự ngày càng được củng cố, kiện toàn về mọi mặt, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của các đơn vị trong toàn quân.

Bằng kết quả hoạt động của mình, các Tòa án quân sự đã góp phần giáo dục quân nhân trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích về đặc điểm, tình hình của Tòa án quân sự Trung ương, những khó khăn, thách thức đặt ra cũng như những thành tựu nổi bật mà Tòa án quân sự trung ương đã đạt được trong suốt chặng đường lịch sử 75 năm đầy vẻ vang, tự hào.

        Trên chuyên mục Nghiên cứu, chúng tôi trân trong giới thiệu tới bạn đọc phần một nội dung bài viết: “Quan điểm tổng thể về chính sách phát triển  nhân lực tư pháp quốc gia ở Việt Nam” của tác giả Võ Khánh Vinh – Võ Khánh Linh. Trong bài viết này, các tác giả nêu quan điểm: Lịch sử phát triển xã hội loài người, đặc biệt sự phát triển xã hội đương đại cho thấy, nhân tố con người là nhân tố quyết định của mọi hoạt động. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng nhân tố con người, quan tâm sâu sắc đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, trọng dụng cán bộ. Người khẳng định, “cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém… Công tác cán bộ là vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”. Nhân lực tư pháp  là chủ thể nòng cốt của nền tư pháp, là bộ phận cấu thành nhân lực quốc gia. Nhân lực tư pháp là một loại nhân lực pháp luật. Nhân lực tư pháp là những người thực thi quyền lực tư pháp, có nghề nghiệp đặc biệt, làm việc trong các cơ quan tư pháp, là lực lượng quan trọng bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của các hoạt động tư pháp. Nguồn nhân  lực tư pháp là nơi bắt đầu, nguồn tạo ra hoặc nguồn cung cấp nhân lực tư pháp. Vì vậy, để có nguồn nhân lực tư pháp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, cần phải có cách tiếp cận chính sách, phải có chính sách phù hợp, mang tính đột phá để phát triển nguồn nhân lực tư pháp. Trong bài viết này, các tác giả luận giải quan điểm tổng thể về chính sách phát triển nhân lực tư pháp quốc gia. Trong quá trình luận giải những thành tố của quan điểm tổng thể về chính sách phát triển nhân lực tư pháp quốc gia, các tác giả kết hợp, tích hợp việc phân tích lý luận, phân tích thực tiễn, đưa ra quan điểm đổi mới về từng thành tố tương ứng nói riêng, về chính sách phát triển nhân lực tư pháp quốc gia nói chung.

Với bài viết:Bình luận Án lệ số 20/2018/AL về xác lập quan hệ hợp đồng lao động sau khi hết thời gian thử việc”, tác giả Tưởng Duy Lượng tập trung phân tích, đánh giá về những nội dung nêu trong Án lệ, từ đó chỉ ra sự cần thiết của viện ban hành Án lệ số 20/2018/AL; đồng thời chỉ rõ tính ứng dụng của Án lệ trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Theo đó, tác giả chỉ ra rằng, một khi hết thời gian thử việc mà người sử dụng lao động không đánh giá kết quả thử việc thì phải coi như người lao động đã đáp ứng yêu cầu của loại việc đó, người lao động tiếp tục làm việc được xác định là người sử dụng lao động và người lao động đã thiết lập Hợp đồng lao động trên thực tế, nếu người sử dụng lao động tự ý chấm dứt quan hệ lao động với người lao động trong trường hợp không xuất trình được chứng cứ chứng minh người lao động có vi phạm nghiêm trọng trong quan hệ lao động, được coi là người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật và phải xem xét các yêu cầu của người khởi kiện để giải quyết theo quy định của pháp luật.

         Trong bài viết: “Bàn về tính hiệu quả, khả thi của thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự”, tác giả Đặng Thanh Hoa nhận định: Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự lần đầu tiên được ghi nhận tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tuy nhiên qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy thực trạng áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án cho đến nay là rất ít. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chính các quy định của pháp luật về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn và thời điểm áp dụng thủ tục rút gọn đã làm cho một chế định mới chưa khả thi, chưa phát huy được tính ưu việt, hiệu quả như các nhà lập pháp kỳ vọng khi soạn thảo và ban hành.

Bài viết này tác giả với việc phân tích, luận giải về các nguyên nhân bất cập của các quy định nêu trên qua các vụ án thực tiễn, từ đó, đề xuất những giải pháp để áp dụng hiệu quả chế định thủ tục rút gọn trong bối cảnh hiện nay và định hướng sửa đổi.

      Với bài viết:“ Giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 và Luật kinh doanh bất động sản năm 2014”, tác giả Phùng Thị Phương Thảo nhận định: Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt cho mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và là nơi cư trú của con người. Theo quy định của pháp luật, đất đai không phải là đối tượng của giao dịch dân sự mà chỉ có quyền sử dụng đất  mới là đối tượng được phép chuyển giao trong giao dịch dân sự.

Trong bài viết của mình, tác giả tập trung phân tích để xác định bản chất của giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chỉ ra mối quan hệ giữa các quy định của Luật Đất Đai 2013, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 về giao dịch về chuyển nhượng quyền sử dụng đất; qua đó đánh giá sự tương thích, những mâu thuẫn, bật cập còn tồn tại cũng như đưa ra giải pháp hoàn thiện về hoạt động này trong thực tiễn.

      Trong bài viết: Mô hình Tòa án điện tử một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam”, tác giả Lê Thùy Khanh nhận định: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong thời gian gần đây tình hình thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng biến động khôn lường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, do đó việc tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp đã trở nên cấp bách hơn.

Để việc xây dựng hệ thống Tòa án điện tử được hiệu quả, trong bài viết này, tác giả trình bày mô hình Tòa án điện tử của một số quốc gia trên thế giới, từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Với bài viết Về quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong pháp luật một số nước trên thế giới – kinh nghiệm cho Việt Nam ”, tác giả Cao Thị Lê Thương cho rằng:

Trong thời đại kỹ thuật số, rất nhiều các quan hệ xã hội phát sinh và thay đổi dẫn đến việc các quan hệ pháp luật cũng thay đổi. Từ khi có sự xuất hiện của máy ảnh đến sự xuất hiện của internet và cách mạng công nghiệp 4.0 đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền về đời sống riêng tư nói chung và quyền đối với hình ảnh của cá nhân nói riêng. Để bảo vệ các quyền đó, các nhà làm luật trên thế giới cũng đã nhanh chóng nắm bắt tình hình và đưa ra các quy định phù hợp với thực tế. Tuy mỗi một quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam có những cách bảo vệ khác nhau nhưng nhìn chung đều ghi nhận hình ảnh của cá nhân là một đối tượng cần phải bảo vệ. Trước đây, hình ảnh của cá nhân được bảo vệ như là một phần của quyền về đời sống riêng tư thì ngày này hình ảnh còn được bảo vệ như là một phần của dữ liệu cá nhân. Pháp luật Việt Nam tuy có những quy định cụ thể về quyền của cá nhân đối với hình ảnh và quyền riêng tư nhưng để phù hợp với xu hướng của xã hội thì nên có những điều chỉnh để phù hợp hơn.

Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích, đánh giá một cách sâu sắc các quy định của pháp luật có liên quan để chứng minh cho luận điểm nêu trên.

Ngoài ra, trên Tạp chí số này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc nội dung tiếp theo của bài viết: “Một số bất cập về chứng cứ, chứng minh trong tố tụng dân sự và hướng hoàn thiện” của tác giả Võ Văn Hòa.  

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2020!

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Giá 01 cuốn Tạp chí là: 20.000đ. Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được hướng dẫn đặt mua.

BTK