Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2019

Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2019 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2019. Trong số này, Tạp chí giới thiệu tới quý độc giả 09 bài viết về các lĩnh vực pháp luật khác nhau hiện đang được nhiều bạn đọc trong và ngoài hệ thống Tòa án quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu.

Với bài viết “Bàn về quyền yêu cầu ly hôn quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014” tác giả Trần Thị Lịch nêu ra một vấn đề đang rất được quan tâm, đó là quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của người chồng trong trường hợp người vợ có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Bằng việc đưa các phân tích, lập luận về quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 tác giả đã chỉ ra nhiều vướng mắc, bất cập trong quy định đối với quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của người chồng trong trường hợp người vợ có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Từ đó, tác giả đưa ra những kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

Trong thời đại kinh tế thị trường, thực trạng nhiều doanh nghiệp có hành vi cạnh tranh không lành mạnh nhằm lôi kéo khách hàng của nhau ngày càng phổ biến. Về vấn đề này, TS. Trần Thăng Long – ThS. Nguyễn Ngọc Hân có bài viết “Hành vi lôi kéo khách hàng bất chính trong pháp luật cạnh tranh Việt Nam”. Trong bài viết này, các tác giả đã đưa ra những phân tích, nhận định về hành vi lôi kéo khách hàng bất chính; các dạng hành vi lôi kéo khách hàng bất chính trong Luật Cạnh tranh năm 2018; cơ chế xử lý vi phạm đối với hành vi lôi kéo khách hàng bất chính; từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Với bài viết “Nguyên đơn trong vụ án ly hôn không yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng thì giải quyết thế nào?”, tác giả Hoàng Quảng Lực nêu nhận định: “Hiện nay có một tình trạng khá phổ biến ở một số địa phương là các vụ án hôn nhân và gia đình về yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, trong đơn khởi kiện nguyên đơn không yêu cầu phân chia tài sản chung vợ chồng với lý do vợ chồng đã tự thỏa thuận được với nhau, sẽ thỏa thuận với nhau hoặc sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết bằng một vụ án khác; mặc dù trên thực tế, nguyên đơn không hề biết quan điểm của bị đơn về vấn đề này như thế nào hoặc tuy biết rõ bị đơn mong muốn giải quyết vấn đề tài sản cùng với giải quyết vấn đề quan hệ hôn nhân nhưng vẫn viết trong đơn như vậy. Đối với loại đơn như thế này, chúng tôi thấy rằng, một số Tòa án đã chấp nhận thụ lý, rồi trong quá trình giải quyết vụ án nếu bị đơn không thỏa thuận được với nguyên đơn về vấn đề chia tài sản chung vợ chồng hoặc không đồng ý để vấn đề chia tài sản chung vợ chồng giải quyết bằng một vụ án khác, Tòa án sẽ yêu cầu bị đơn nộp tiền tạm ứng án phí chia tài sản. Nếu bị đơn không thực hiện, Tòa án vẫn sẽ xét xử vụ án và không giải quyết vấn đề chia tài sản chung vợ chồng.”. Từ đó, tác giả nêu quan điểm về cách giải quyết tình huống trên và đưa ra kiến nghị khắc phục.

Trong bài viết “Bình luận một số quy định liên quan đến việc lựa chọn, ban hành và bãi bỏ Án lệ tại Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP”. ThS. Huỳnh Thị Nam Hải trình bày và phân tích một số quy định liên quan đến việc lựa chọn, ban hành và bãi bỏ án lệ trong Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, từ đó chỉ ra một số điểm mới, cũng như những vấn đề còn vướng mắc nhằm góp phần tìm ra những giải pháp tốt hơn cho việc hoàn thiện án lệ tại Việt Nam.

Với bài viết “Bàn về việc xét xử tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người; những vướng mắc cần tháo gỡ”, NCS.ThS. Phùng Văn Hải đánh giá một số kết quả xét xử về các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người và khó khăn, vướng mắc trong quá trình xét xử các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe. Cuối cùng, tác giả nêu kiến nghị đề xuất cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu hoàn thiện một số vấn đề.

ThS. Nguyễn Thị Hoa Cúc và ThS. Đoàn Cường nhận định như sau trong bài viết “Quyền điều tiết mức phạt vi phạm hợp đồng của Tòa án Việt Nam so sánh với luật các nước”: “Chế tài phạt vi phạm là một chế tài khá phổ biến tại các quốc gia, được các bên trong quan hệ hợp đồng sử dụng để bảo vệ quyền lợi của mình. Hiện nay, ở Việt Nam, chế tài phạt vi phạm được ghi nhận cụ thể trong Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, các quy định chủ yếu đưa ra điều kiện để các bên trong giao dịch được áp dụng chế tài và mức phạt các bên được quyền thỏa thuận, còn các quy định mang tính nguyên tắc để Tòa án linh hoạt áp dụng trong thực tiễn xét xử thì chưa được đề cập rõ ràng.”. Vì lẽ đó, tác giả nghiên cứu chế định này dưới góc độ so sánh với pháp luật nước ngoài từ đó kiến nghị quyền điều tiết mức phạt vi phạm của Tòa án Việt Nam cần được ghi nhận.

Ngoài ra, Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2019 còn có các bài viết về các chủ đề đa dạng, phong phú như: “Một số vấn đề về hoàn thiện chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện” của ThS. Đỗ Ngọc Bình; “Phạm Văn V phạm tội gì?” của tác giả Hồng Ngát; “Pháp luật tố tụng hành chính một số nước trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam” của Ths. Lê Thương Huyền.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2019 ./.

BTK