Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2020 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2020. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 07 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, tìm hiểu từ xã hội và 01 Án lệ số 38/2020/Al về việc không thụ lý yêu cầu đòi tài sản đã được phân chia bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số vấn đề cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

Với bài viết: “Một số ý kiến về phong trào thi đua yêu nước của hệ thống Tòa án nhân dân thời gian qua và kiến nghị hướng hoàn thiện trong thời gian tới”, tác giả Vũ Thúy Hòa nhận định: Là một thành tố quan trọng của bộ máy Nhà nước Việt Nam, hệ thống Tòa án nhân dân, với đội ngũ Thẩm phán, công chức, viên chức và người lao động ngày một trưởng thành và phát triển, đã không ngừng nỗ lực, bền bỉ, tích cực, chủ động vượt mọi khó khăn, gian khổ, đóng góp nhiều công sức vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, làm nên một nước Việt Nam dân chủ, tiến bộ, văn minh và lớn mạnh như hiện nay. Trên Tạp chí TAND số này, chúng tôi giới thiệu tới bạn đọc một phần nội dung của bài viết với nội dung chủ yếu gồm: Một số vấn đề cơ bản về thi đua yêu nước; một số đánh giá về kết quả đã đạt được của phong trào thi đua yêu nước của hệ thống TAND thời gian qua.

         Trong bài viết: “Nhận dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong mua bán hàng hóa trên internet theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành”, của tác giả Trần Thăng Long – Nguyễn Thị Na có nhận định: Sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động thương mại điện tử đã giúp cho hoạt động thương mại linh hoạt và hiệu quả hơn. Luật Cạnh tranh  năm 2018 ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 với những quy định kế thừa, sửa đổi Luật cạnh tranh năm 2004 nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, phù hợp với tình hình mới của đất nước. Trong đó, quy định về chống cạnh tranh không lành mạnh  cũng có những sự thay đổi tích cực về nhận dạng hành vi. Tuy nhiên, các hành vi bị xử lý hầu như đều thuộc hình thức kinh doanh truyền thống, chưa có vụ việc cạnh tranh không lành mạnh điển hình nào diễn ra trên môi trường kinh doanh internet. Trong khi đó, không ít các chủ thể kinh doanh lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để thực hiện các hành vi mang bản chất cạnh tranh không lành mạnh với tính chất tinh vi, phức tạp hơn, vượt khỏi sự kiểm soát của pháp luật cạnh tranh.

Trong bài viết của mình, các tác giả tập trung phân tích cụ thể về thực trạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong mua bán hàng hóa trên Internet; từ đó chỉ ra những bất cập trong việc xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong mua bán hàng hóa trên Internet theo quy định của pháp luật cạnh tranh và đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong mua bán hàng hóa trên Internet.

      Với bài viết: “Tội không chấp hành án – một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Hoàng Ngọc Anh nêu nhận định: Thi hành án là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng, nhằm đảm bảo việc hiện thực hóa các phán quyết của Tòa án vào thực tiễn. Các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành nghiêm túc trong thực tiễn sẽ đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội. Điều 106 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Đây là một nguyên tắc nhất quán được Đảng và Nhà nước ta khẳng định. Việc nghiêm túc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật là trách nhiệm, đồng thời, là nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Để đảm bảo việc thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, nghiêm túc, để cụ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong việc đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, nhà làm luật đã ghi nhận việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người không chấp hành án, cụ thể: Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009  đã ghi nhận tội danh không chấp hành án tại Điều 304; nay được quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật HÌnh sự năm 2015).

Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích các quy định tại Điều 380 BLHS năm 2015, từ đó, đưa ra những nhận định, đánh giá về những vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện pháp luật

     Trong bài viết: “Một số ý kiến về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra”, tác giả Nguyễn Viết Xuân cho rằng: Môi trường là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của một quốc gia. Vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, trong đó có Việt Nam. Với việc tham gia một số Công ước Quốc tế về bảo vệ môi trường, Việt Nam ngày càng tích cực trong việc xây dựng các cơ chế, giải pháp để bảo vệ môi trường được tốt hơn, cụ thể, chúng ta đã triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng và hoàn thiện các quy định về khung pháp lý nhằm đảm bảo xu hướng phát triển bền vững, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường, sử dụng hợp lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; ứng phó biến đổi khí hậu.

Thực tiễn cho thấy, các tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra ngày càng nhiều, nhưng việc giải quyết các yêu cầu này gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do chính những bất cập trong các quy định của pháp luật về vấn đề này. Trong phạm vi của bài viết, tác giả tập trung phân tích, đánh giá những quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra, từ đó chỉ ra những vướng mắc, bất cập và đưa ra kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

        Trên chuyên mục Nghiên cứu, chúng tôi trân trong giới thiệu tới bạn đọc nội dung tiếp theo của bài viết: “Quan điểm tổng thể về chính sách phát triển  nhân lực tư pháp quốc gia ở Việt Nam” của tác giả Võ Khánh Vinh – Võ Khánh Linh. Với việc đưa ra những luận điểm sâu sắc, các tác giả nhận định, để có nguồn nhân lực tư pháp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, cần phải có cách tiếp cận chính sách, phải có chính sách phù hợp, mang tính đột phá để phát triển nguồn nhân lực tư pháp.

Với bài viết: “Nguyên tắc tiến hành hòa giải vụ việc dân sự trong luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020”, tác giả Nguyễn Vinh Hưng nêu nhận định: Khởi kiện tại Tòa án chỉ là một trong số vô vàn con đường giải quyết tranh chấp – thậm chí một biện pháp hy hữu, bất đắc dĩ, hầu như là biện pháp cuối cùng. Bởi lẽ, quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án thường mất khá nhiều thời gian, chi phí, công sức và cùng với đó là sự khó khăn, phức tạp của việc bắt buộc phải trải qua rất nhiều thủ tục tố tụng khác nhau. Do vậy, nhờ tiến hành hòa giải, Tòa án đã có thể đơn giản, nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc, mà không nhất thiết phải tiến hành các thủ tục để mở phiên tòa xét xử. Chính vì hòa giải luôn giữ vai trò rất quan trọng khi giải quyết tranh chấp dân sự, vậy nên, pháp luật tố tụng dân sự của Việt Nam quy định hòa giải là thủ tục tố tụng bắt buộc và phải được Tòa án tiến hành trước khi mở phiên tòa sơ thẩm. Mặt khác, hiện nay, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 đã được Quốc hội thông qua với kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác hòa giải các vụ việc dân sự. Tuy nhiên, hòa giải vụ việc dân sự không phải lúc nào cũng đơn giản, dễ dàng, thuận lợi, bởi lẽ, kết quả cuối cùng của hòa giải thường phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như sự thiện chí giữa các bên đương sự hay từ sự khéo léo của Hòa giải viên điều hành phiên hòa giải… Từ đó, để việc hòa giải luôn đạt chất lượng và có hiệu quả, Luật hòa giả đối thoại tại Tòa án năm 2020 đã quy định một số nguyên tắc tiến hành thủ tục hòa giải. Do đó, trong suốt quá trình tiến hành hòa giải, Hòa giải viên và các bên tham gia đều bắt buộc phải tuân thủ triệt để theo các nguyên tắc hòa giải. Chính vì vậy, việc nắm bắt đầy đủ các nguyên tắc tiến hành hòa giải giữ vai trò rất quan trọng đối với tất cả các chủ thể tham gia trong quá trình hòa giải.

     Trong bài viết: “Pháp luật về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu của cộng hòa Liên bang Đức, hợp chủng quốc Hoa Kỳ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, của  tác giả Nguyễn Thanh Tùng cho rằng: Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019  và các văn bản hướng dẫn thi hành đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý an toàn cho các chủ thể trong các giao dịch liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí  tuệ. Một trong những chế định quan trọng của Luật sở hữu trí tuệ đang thu hút sự quan tâm của nhiều chủ thể trong xã hội, đặc biệt là các chủ thể kinh doanh, đó là chế định chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu. Chế định này được xem là một trong những “đòn bẩy” để giúp cho quá trình thương mại hóa quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được diễn ra một cách thuận lợi và an toàn. Song, trải qua thời gian áp dụng, chế định này trên thực tế đã bộc lộ những điểm hạn chế nhất định, cần phải sửa đổi để hoàn thiện. Trong bài viết này, thông qua việc nghiên cứu pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, tác giả đề xuất một số bài học kinh nghiệm cho việc hoàn thiện pháp luật về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu ở Việt Nam.

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2020!

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Giá 01 cuốn Tạp chí là: 20.000đ. Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được hướng dẫn đặt mua.

BTK