Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2020 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2020. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 09 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, tìm hiểu từ xã hội.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số vấn đề cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

       Trong bài viết: “Bình luận Án lệ số 19/2018/Al về xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong tội "tham ô tài sản" và tình tiết định khung”, tác giả Tưởng Duy Lượng- Phạm Thị Minh Ngọc tập trung phân tích, đánh giá về những nội dung nêu trong Án lệ, từ đó chỉ ra sự cần thiết của việc ban hành Án lệ số 19/2018/AL; đồng thời chỉ rõ tính ứng dụng của Án lệ trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

   Với bài viết: “Bảo vệ người bị hại trong quá trình xét xử vụ án về mua bán người”, tác giả Phạm Minh Tuyên nêu nhận định: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng nói chung và người bị hại trong quá trình xét xử vụ án về mua bán người nói riêng, là một trong những nội dung quan trọng trong định hướng cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng hình sự ở nước ta hiện nay. Bởi lẽ, người bị hại là người, mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm hại nặng nề nhất, là người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong số những người tham gia tố tụng, đặc biệt khi khách thể xâm phạm đối với tội mua bán người là thân thể, nhân phẩm của con người. Vì vậy, người bị hại cần phải được bảo vệ kịp thời, thậm chí, ngay khi họ bị đe dọa gây thiệt hại trong suốt quá trình xét xử vụ án. Một trong những công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ người bị hại, đó là pháp luật tố tụng hình sự. Thực tế cho thấy, vì nhiều lý do khác nhau, mà quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại chưa được bảo vệ tốt và kịp thời; trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, dường như cơ quan có thẩm quyền chưa thực sự xem trọng vấn đề bảo vệ người bị hại...

Trên Tạp chí TAND số này, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc phần đầu của bài viết; trong phần này, tác giả tập trung phân tích về tình hình tội phạm mua bán người; đồng thời, phân tích các quy định của pháp luật về tội mua bán người; các quy định về bảo vệ nạn nhân là người bị hại trong các vụ mua bán người.

    Với bài viết: Khó khăn, vướng mắc khi xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu, của tác giả Nguyễn Chí Linh là một nội dung khá mới mẻ nhưng lại nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Bởi lẽ, thực tiễn thời qua cho thấy, hoạt động quản lý việc nhập khẩu phế liệu ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập do những quy định về hoạt động này còn lỏng lẻo, chồng chéo. Hậu quả là việc nhập khẩu phế liệu tràn lan, đặc biệt là việc nhập khẩu phế liệu không đảm bảo tiêu chuẩn cho phép, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tuy nhiên, để xử lý các hành vi này không hề đơn giản, bởi những vướng mắc trong các quy định của pháp luật có liên quan. Điều này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, đánh giá một cách tổng quát các quy định của pháp luật về việc xử lý vi phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu để kịp thời bổ sung, hoàn thiện. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung phân tích một số vấn đề pháp lý cơ bản trong quy định về việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam; từ đó chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và đưa ra kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

     Trong bài viết: “Các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015”, tác giả Nguyễn Văn Tuấn nêu nhận định: Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 lần đầu tiên ghi nhận chủ thể của tội phạm không chỉ là thể nhân (cá nhân) mà còn bao gồm cả pháp nhân thương mại. Đây là nội dung thay đổi quan trọng trong chính sách hình sự, khẳng định quan điểm của Nhà nước ta trong việc xử lý nghiêm minh các pháp nhân thương mại vi phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; đồng thời, phù hợp với xu thế chung của luật pháp quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ coi pháp nhân thương mại mới là chủ thể của tội phạm, chứ không phải bất kỳ pháp nhân nào cũng là chủ thể của tội phạm. Quy định này không chỉ bảo đảm sự thống nhất chung của hệ thống pháp luật, mà còn nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, bảo đảm công bằng giữa pháp nhân thương mại Việt Nam ở nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn thi hành.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích các quy định về các BPTP áp dụng đối với PNTM phạm tội, từ đó chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong BLHS năm 2015 và đưa ra đề xuất, kiến nghị cụ thể.

   Với bài viết: “Hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịchtác giả Võ Hoài Vĩnh cho rằng: quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch vẫn còn tồn tại một số bất cập, từ đó, gây ra nhiều khó khăn cho công tác xử phạt trong thực tiễn. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung phân tích một số bất cập trong các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch và đề xuất giải pháp hoàn thiện.

   Trong bài viết: “Nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền con người trong pháp luật hình sự Việt Nam”, tác giả Nguyễn Ngọc Mai nêu nhận định: Tiếp cận dựa trên quyền (right-based approach) là một xu hướng đang được khuyến khích và thực hiện ở nhiều quốc gia trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật. Tiếp cận trên cơ sở quyền là lấy tiêu chuẩn quyền con người là mục tiêu đạt được và hơn thế nữa “không chỉ quan tâm tới việc đạt được mục tiêu, mà còn quan tâm thích đáng tới quy trình, cách thức được lựa chọn để đạt được những mục tiêu đó”. Quan niệm này về tiếp cận trên cơ sở quyền thể hiện đầy đủ nhất trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Ở đó, mục đích đạt được là bảo vệ quyền con người trong pháp luật hình sự  (luật nội dung) và cách thức đạt được đó chính là pháp luật tố tụng hình sự (luật hình thức). Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền - nhà nước mà ở đó, quyền con người được ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Chính vì vậy, xu hướng xây dựng và thực hiện pháp luật trên cơ sở quyền là hoàn toàn phù hợp. Trong bài viết này, tác giả phân tích một cách cụ thể về cách tiếp cận cũ về PLHS; các nội dung về tiếp cận quyền con người trong xây dựng PLHS trong giai đoạn hiện nay; từ đó đưa ra một số đề xuất hoàn thiện PLHS Việt Nam từ phương diện tiếp cận quyền con người.

     Với bài viết: “Vấn đề xác định trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp phạm tội giết người”, tác giả Nguyễn Việt Phương cho rằng: Quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người là quyền tự nhiên, thiêng liêng và cao quý nhất, không một quyền nào có thể so sánh được. Mục tiêu bảo vệ quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người luôn được đặt lên hàng đầu đối với mỗi quốc gia trên thế giới.

Trong nội dung bài viết, tác giả chỉ ra những điểm mới của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 về tội giết người và một số nội dung so sánh với quy định trong luật hình sự của một số nước trên thế giới; đồng thời đưa ra những luận điểm trong việc xác định TNHS đối với tội giết người trong một số trường hợp sai lầm về sự việc; từ đó chỉ ra những dấu hiệu phân biệt tội giết người với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Trong bài viết: “Một số vấn đề về chế định bảo vệ người thứ ba ngay tình theo Bộ luật Dân sự năm 2015, thực tiễn và giải pháp hoàn thiện, tác giả Nguyễn Thị Linh tập trung phân tích các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình; từ đó chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Trên Tạp chí TAND số này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc nội dung tiếp theo của bài viết: “Một số ý kiến về phong trào thi đua yêu nước của hệ thống Tòa án nhân dân thời gian qua và kiến nghị hướng hoàn thiện trong thời gian tới”, của tác giả Vũ Thúy Hòa.

           Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2020!

 

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Giá 01 cuốn Tạp chí là: 20.000đ. Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được hướng dẫn đặt mua.

 

BTK