Giới thiệu nội dung tạp chí tòa án nhân dân số 5 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 5 năm 2020 xuất bản ngày 10 tháng 3 năm 2020 bao gồm 09 bài viết về các vấn đề, lĩnh vực mang tính thời sự nổi bật hiện nay.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số nội dung chính, nổi bật của các bài viết như sau:

Với bài viết “Một số vấn đề về quan hệ phối hợp giữa Mặt trận tổ quốc Việt Nam với Tòa án nhân dân”, tác giả Nguyễn Văn Pha nêu nhận định: “Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Tòa án nhân dân là quan hệ giữa một tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân với một cơ quan nhà nước làm nhiệm vụ xét xử và thực hiện quyền tư pháp. Mối quan hệ này đã có từ rất sớm, chủ yếu là việc thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong công tác tuyển chọn Thẩm phán và giới thiệu Hội thẩm nhân dân Hội thẩm nhân dân”. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung nghiên cứu, phân tích về mối quan hệ giữa Tòa án nhân dân và Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong công tác phối hợp tuyển chọn Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, công tác giám sát đối với các cơ quan tư pháp, người tiến hành tố tụng nói chung, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân nói riêng. Từ đó, tác giả đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện hơn pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong công tác tuyển chọn Thẩm phán, giới thiệu Hội thẩm nhân dân và giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Trên chuyên mục nghiên cứu, Tạp chí Tòa án nhân dân tiếp tục giới thiệu đến độc giả bài viết: “Trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, pháp nhân và thực thực thể trí tuệ nhân tạo (AI): quá khứ, hiện tại và viễn cảnh tương lai” (tiếp theo kỳ trước và hết) của tác giả PGS.TS Trịnh Tiến Việt. Với cách tiếp cận lịch sử, khoa học viễn tưởng kết hợp với khoa học luật hình sự, công nghệ học, khoa học thần kinh, tâm lý học, ngôn ngữ học và giáo dục học, tác giả đã khái quát quy định chế định trách nhiệm hình sự trong quá khứ, hiện tại và tập trung vào tương lai để dự báo viễn cảnh từ những thách thức của cách mạng công nghệ 4.0 với các giả định cụ thể khi thực thể AI phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là một cách tiếp cận mới của khoa học luật hình sự với những quan điểm, nhận thức hoàn toàn mới mẻ, cần được nghiên cứu để hoàn thiện chế định TNHS trong tương lai.

Với bài viết: “Những vướng mắc khi giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự tại Tòa án”, tác giả Vũ Thị Hồng Yến đưa ra nhận định: Do bản chất “tư hữu” của tài sản trí tuệ nên khi quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm, chủ thể quyền có thể bảo vệ lợi ích của mình thông qua việc khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án. Thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự còn có nhiều bất cập so với các biện pháp khác như hành chính và hình sự cả ở phương diện luật định và cơ chế thực hiện. Trong bài viết này, tác giả phân tích, chỉ ra những điểm bất cập của việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự từ đó đưa ra đề xuất một số giải pháp cụ thể để hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Trong bài viết: “Tổng quan pháp luật Việt Nam về bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm”, tác giả Vũ Thúy Hòa cho rằng: bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là vấn đề cấp thiết của tất cả các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Nhận thức tầm quan trọng trong bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã, trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã hết sức chú trọng đến việc thiết lập hành lang pháp lý, nhằm bảo tồn và bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm từ các luật chuyên ngành đến các văn bản dưới luật, các chính sách, cơ chế… Tuy nhiên, quá trình thực thi những quy định này trong thực tế đã cho thấy, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này vẫn tồn tại nhiều bất cập, cần sớm được khắc phục. Trong bài viết này tác giả giới thiệu khái quát về những văn bản có liên quan đến việc bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm, từ đó chỉ ra những tồn tại và một số kiến nghị nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về vấn đề này trong thời gian tới.

Cùng trên chuyên mục Diễn đàn, Tạp chí Tòa án nhân dân còn đăng tải các bài viết về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau cũng đang được đông đảo bạn đọc quan tâm, đó là: Bài viết “Một số vấn đề về tội đào ngũ quy định tại Điều 402 Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Vũ Đức Việt; bài viết “Thực trạng và khó khăn trong đấu tranh với tội phạm môi giới mại dâm thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0” của tác giả Nguyễn Huy Bình và Trần Đăng Huy; bài viết “Quyền tác giả theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ – bất cập và kiến nghị” của tác giả Đặng Duy Thanh.

Trên chuyên mục Tham khảo, Tạp chí Tòa án nhân dân giới thiệu đến độc giả bài viết “Thỏa thuận nhận tội theo pháp luật tố tụng hình sự Hoa kỳ và kinh nghiệm cho Việt Nam” của tác giả Võ Hồng Sơn. Trong bài viết, tác giả nêu nhận định: Thỏa thuận nhận tội là nguyên tắc cơ bản trong hệ thống tố tụng hình sự Hoa Kỳ, giúp cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án nhanh chóng, giảm chi phí ngân sách Nhà nước, tiết kiệm thời gian và nhân lực, cũng như đem lại những lợi ích cho người bị buộc tội. Thực tiễn chứng minh với những ý nghĩa to lớn của nền tư pháp thỏa thuận nhận tội đã và đang có xu hướng lan rộng ra nhiều quốc gia khác nhau như Anh, Đức, Nga, Nhật Bản, Ý, Úc, Trung Quốc … Vì vậy, trong thời gian tới, các nhà lập pháp Việt Nam cũng nên nghiên cứu ghi nhận nguyên tắc thỏa thuận nhận tội vào Bộ luật Tố tụng hình sự để đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế hiện nay; từ đó tác giả tập trung phân tích, bình luận về thỏa thuận nhận tội theo pháp luật tố tụng hình sự Hoa kỳ từ đó, tác giả cho rằng việc quy định bổ sung nguyên tắc thỏa thuận nhận tội này vào Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam là cần thiết góp phần giảm tải việc giải quyết các vụ án cho ngành tư pháp nói chung và hệ thống Tòa án nói riêng.

Trong chuyên mục Trao đổi ý kiến, Tạp chí Tòa án nhân dân giới thiệu cùng bạn đọc các bài viết của các tác giả trao đổi về việc định tội danh được nêu ra trong bài viết: “Nguyễn Thị N phạm tội gì?” đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2019 của tác giả Đoàn Đắc Chinh.

Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 5 năm 2020!