Các hộ đánh cá trên Hồ Trị An khắc khoải mong hỗ trợ chuyển nghề

Một số hộ ngư dân sống bằng nghề te trên Hồ Trị An thuộc 3 xã: Phú Cường, La Ngà và Mã Đà kêu cứu vì chưa được hỗ trợ chuyển đổi nghề, trong lúc cuộc sống cực kỳ khó khăn.

Ngư dân kêu cứu

Bà con ngư dân sinh sống bằng nghề te và một số ngành nghề khác trên hồ Trị An phản ánh: Cuộc sống từ trước đến nay quá khó khăn, gian khổ, nhưng vì cảnh nghèo, đất đai không có, thất học, tuổi cao, rất khó để kiếm một ngành nghề khác phù hợp nên họ vẫn phải bám nghề để sống. Đến khi có Thông tư số 19/2018/TT-BNN&PTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành thì bà con dù không muốn cũng buộc phải chấp nhận bỏ nghề đánh te. Mất đi kế sinh nhai quen thuộc, cuộc sống của hàng trăm hộ dân rất khó khăn, cha mẹ thất nghiệp sẽ dẫn đến đói nghèo, con cái thất học, tệ nạn xã hội có thể phát sinh

Đứng trước thực trạng đó, các hộ dân có đơn xin được tiếp tục hành nghề để kiếm sống trong khoảng thời gian chờ xem xét bồi thường, hỗ trợ kinh phí, chuyển đổi nghề nghiệp nên họ lại được tiếp tục đánh bắt thủy sản từ ngày 01/01/2019.  Đến hết năm 2020, Khu Bảo tồn cấm đánh te, trong khi các hộ dân vẫn chưa được nhận khoản bồi thường hay hỗ trợ kinh phí nào.

Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, lại thêm đại dịch Covid -19 ập đến, cuộc sống của các hộ dân lại càng bế tắc hơn. Đến ngày 11/10/2021, đại diện Khu Bảo tồn tổ chức cuộc họp với sự có mặt của đại diện UBND xã Phú Cường, xã La Ngà và bà con ngư dân cho biết sẽ hỗ trợ với số tiền là 14 triệu đồng/ 1 tàu cá và buộc người dân phải sớm thực hiện Thông tư số 19. Nhận được thông tin này người dân rất hoang mang, lo lắng.

Các hộ dân phản ánh: Suốt nhiều năm qua, họ luôn thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với nhà nước. Cụ thể là họ có đầy đủ giấy đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thuỷ sản, chứng nhận thuyền trưởng tàu cá, sổ đăng ký đăng kiểm tàu cá, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá;  Ký hợp đồng với Khu Bảo tồn để khai thác và đánh bắt thủy sản hằng năm theo từng danh mục ngành nghề.

Hàng tháng họ phải đóng góp một phần kinh phí theo tỉ lệ phần trăm trung bình là 400.000 đồng/tháng, có một số nghề điển hình như lưới giựt khơi thì phí đóng góp lên đến hơn 1 triệu đồng/tháng cho Khu Bảo tồn. Họ đã đóng góp liên tục gần 30  năm qua.

Ông Lê Văn Hồng ở tổ 17 ấp 4 xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu bày tỏ: Chúng tôi nghe tin hỗ trợ 14 triệu/ hộ thì buồn quá, mỗi hộ đầu tư cả trăm triệu, bây giờ bỏ đó, nếu hỗ trợ 14 triệu thì chúng tôi sống sao, lấy gì mà chuyển đổi nghề nghiệp. Mà cũng phải cuối 2022 mới được nhận. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về số tiền người dân muốn được hỗ trợ thì ông Hồng nói: Chúng tôi cực khổ lắm, mong muốn được bồi thường hỗ trợ 100 triệu thì tốt nhất, nếu không thì tối thiểu cũng phải được 50 triệu. Nhiều người dân cũng đồng tình với ý kiến của ông Hồng.

Bể nuôi ba ba của một hộ dân nay bỏ không

Các hộ dân lâu nay lấy cá tép nhỏ sau khi đánh te về để nuôi ba ba, nay không được đánh te thì ba ba cũng không có thức ăn nữa, nên bể nuôi ba ba bỏ hoang… Người dân mất đi nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Năm ở ấp 5, xã La Ngà, đại diện cho một số hộ ngư dân tha thiết mong lãnh đạo tỉnh Đồng Nai có sự quan tâm, chỉ đạo để họ được hỗ trợ thỏa đáng, tạo điều kiện cho họ có sinh kế bảo đảm cuộc sống gia đình.

Hỗ trợ thỏa đáng

Khoản 2 Điều 6 Luật Thủy sản 2017, về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản, quy định phát triển hoạt động thủy sản từ vùng khơi trở ra; khôi phục sản xuất khi có sự cố môi trường, thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ ngư dân trong thời gian cấm khai thác thủy sản, chuyển đổi nghề nhằm giảm cường lực khai thác thủy sản ven bờ.

Khoản 2 Điều 19 Nghị định 26/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản có quy định: Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ở trung ương được chi cho các hoạt động Phục hồi hệ sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế bền vững trên phạm vi toàn quốc.

Trên tinh thần đó một số địa phương đã ban hành chính sách của tỉnh hỗ trợ ngư dân khá hiệu quả như: Quảng Ninh, Nghệ An, Kiên Giang... Do đó có thể nói nguyện vọng của bà con đánh te trên hồ Trị An là rất chính đáng.

Trong một diễn biến khác, tại  Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Đồng Nai hôm 6/12 mới đây, ông Thái Bảo - Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Dù vẫn còn một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt chỉ tiêu đề ra, song nền kinh tế của tỉnh đang từng bước phục hồi trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 62 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán trung ương giao. Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục được tăng cường; công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi đại dịch được triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp, ban hành nhiều chính sách; công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân được triển khai quyết liệt, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân được bảo đảm tốt…

Được biết, năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nhưng tỉnh Đồng Nai thu ngân sách 54.203,7 tỉ đồng, đạt 102% dự toán được giao. Mới đây, Đồng Nai được xác định ở vị trí thứ 6 trong top 10 địa phương đứng đầu về thu ngân sách trên cả nước.

Với điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Đồng Nai, người dân và dư luận tin rằng nguyện vọng chính đáng của bà con đánh te trên hồ Trị An sẽ sớm được giải quyết thỏa đáng, để mọi người dân được “bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, người có hoàn cảnh khó khăn” như lãnh đạo tỉnh đã phát biểu.

 

Vợ chồng ông Trần Văn Tịnh ngụ ấp 4 xã Mã Đà, sống tạm trên bè cá, không nhà đất càng khó khăn hơn

BẢO THƯ