Cán bộ địa chính xã khai thác lim cổ thụ trái phép

Ông Lê Quang Toán - cán bộ địa chính xã Bình Lương đã tự ý đốn hạ 3 cây lim trong rừng có tuổi đời hàng chục năm tuổi xẻ thành ván đem về nhà sử dụng. Đáng nói, việc khai thác gỗ lim trái phép của ông Toán mãi đến khi báo chí phản ánh thì kiểm lâm, chính quyền mới hay biết.

Cán bộ địa chính xã đốn lim để làm nhà

Theo phán ảnh của người dân xã Bình Lương ((huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), thời gian vừa qua, ông Lê Quang Toán – Cán bộ địa chính xã Bình Lương  đã đốn hạ 3 cây lim cổ thụ mang về để làm nhà. Việc đốn hạ lim của ông Toán, theo người dân được ông này thực hiện vào ban đêm. Vị trí số lim cổ thụ trên bị đốn hạ nằm tại Làng Gió, xã Bình Lương, huyện Như Xuân.

Chúng tôi đã tìm đến khu rừng của thôn Làng Gió để tìm hiểu thực tế thì thấy vị trí số lim cổ thụ bị đốn hạ cách UBND xã Bình Lương khoảng 500 mét, cách đường bê tông dân sinh khoảng 20 đến 35 mét. Qua quan sát bằng mắt thường, số cây lim bị đốn hạ khoảng 20 – 30 ngày trước đó và đang còn chảy nhựa, lim có đường kính rộng từ 50 – 70 centimet. Toàn bộ thân cây đã được vận chuyển ra khỏi rừng.

Cũng theo người dân cho hay, với đường kính rộng từ 50 – 70 centimet thì cây lim phải có từ 30 đến 40 mươi năm tuổi đời. Toàn bộ số cây lim sau khi bị đốn hạ trái phép được ông Toán vận chuyển về một xưởng xẻ gỗ ở gần nhà để xẻ thành ván. Tại gia đình ông Toán, chúng tôi phát hiện nhiều ván gỗ lim đã được xẻ chất đống, che phủ kín bạt đang còn mới nguyên. Số gỗ lim trên nếu bán ra thị trường hiện nay có giá hàng trăm triệu đồng.

Có cố tình đánh lận con đen?

Trước sự việc trên, chúng tôi đã liên hệ với ông Ngô Văn Tuấn – Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Như Xuân để tìm hiểu về khu vực số lim bị khai thác trái phép tại Làng Gió. Ông Tuấn cho biết: Tôi cũng chưa nhận được báo cáo của kiểm lâm phụ trách địa bàn và UBND  xã Bình Lương về việc ông Toán khai thác lim tại khu vực Làng Gió. Hơn nữa, khu vực rừng tại Làng Gió đã được đưa ra khỏi quy hoạch vùng lâm nghiệp. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại, nếu ông Toán khai thác số lim trên thuộc diện tích đất rừng sản xuất mà không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

 2 trong số 3 cây lim có đường kính từ 50 – 70 centimet bị gia đình ông Toán khai thác không hề bị bật gốc như trong kết luận báo cáo của đoàn kiểm tra.

 

Sau khi ghi nhận phản ánh của PV, ông Ngô Văn Tuấn đã chỉ đạo cán bộ xuống kiểm tra, tạm tịch thu gỗ. Thế nhưng, thực  tế, số ván lim mà Kiểm lâm huyện Như Xuân tịch thu chỉ là một phần rất nhỏ so với số gỗ ông Toán đã đốn hạ, xẻ thành ván và cất giấu ở nhà mà trước đó PV đã ghi nhận. Qua quan sát số lượng ván gỗ lim được Hạt kiểm lâm Như Xuân tạm thu giữ đa phần là ván bìa và ít hơn rất nhiều so với thực tế.

“Hiện nay chúng tôi đang phối hợp cùng với Phòng TN&MT huyện Như Xuân xác định lại vị trí số lim trên bị khai thác nằm trên đất trồng cây lâu năm của gia đình ông Toán hay là trên đất rừng sản xuất. Nếu số lim nằm trên đất trồng cây lâu năm thì không thể xử lý ông Toán được, còn nếu nằm trong khu vực đất rừng sản xuất thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định” – ông Ngô VănTuấn thông tin.

Còn ông Lê Đức Tuấn – Chủ tịch UBND xã Bình Lương cho hay: Sau khi báo chí phán ánh, Hạt kiểm lâm đã cùng với chúng tôi vào kiểm tra thực tế khu vực lim bị chặt hạ. Đúng là có việc chặt hạ 3 cây lim tại khu vực rừng Làng Gió. Chúng tôi cũng đã yêu cầu ông Toán giải trình cụ thể sự việc.

Theo biên bản kiểm tra, xác minh hiện trạng đất khai thác lâm sản tại thôn Làng Gió, xã Bình Lương ngày 29/4 giữa Hạt Kiểm lâm, Phòng Nông nghiệp và UBND xã Bình Lương kết luận: Ba cây lim này nằm trong đất đã được phép cải tạo từ năm 2011, tại Quyết định 403/UBND, ngày 25/2/2011 của UBND huyện Như Xuân, nhưng gia đình đã giữ lại chăm sóc cho đến nay. Kết luận cũng nêu rõ, số lim này bị lốc rễ, chết khô, gãy ngọn nên gia đình tận thu để tận dụng vào việc sửa chữa, cải tạo nhà. Như vậy, vị trí 3 cây lim được xác định thuộc đất rừng sản xuất.

Kết luận của đoàn kiểm tra là vậy, thực tế 3 cây lim bị khai thác không hề bị chết và lốc rễ. Theo nguồn tin của chúng tôi có được, số cây lim này trước khi bị khai thác vẫn phát triển bình thường. Quá trình khảo sát thực tế của chúng tôi cho thấy, 3 cây lim bị khai thác không hề bị bật gốc như trong báo cáo kết luận của đoàn kiểm tra?(!) Ngoài ra, Quyết định của UBND huyện Như Xuân về việc cải tạo rừng nghèo kiệt chỉ có thời hạn thực hiện đến ngày 20/7/2011.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

 

 

 3 cây lim sau khi bị khai thác được ông Toán xẻ ván tập kết thành đống, che bạt kín tại nhà.

 

 

 

Bài, ảnh: PHẠM THỌ -