Đồng Tháp – Vụ thi hành án dân sự đáng quan tâm

Tạp chí TAND nhận được đơn thư của bà Phạm Thị Đẹp và các con là Cao Minh Hùng, Cao Minh Tâm, Cao Minh Vinh, Cao Thị Minh Châu, ngụ tại P4, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, phản ánh về việc Cơ quan Thi hành án dân sự kê biên, định giá tài sản của gia đình bà, có nguy cơ xảy ra tranh chấp phức tạp và doanh nghiệp của gia đình bà đổ vỡ.

Một người nợ nần cả gia đình khiếu nại

Theo đơn phản ánh, con trai bà Đẹp là anh Cao Minh Hùng, chủ sở hữu, giám đốc Công ty TNHH TM Phát triển nông nghiệp sạch Tháp Mười. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, ngoài  vay tiền của ngân hàng, anh Hùng còn vay tiền của anh Băng, chị Thúy dẫn đến nợ nần, chưa kịp thanh toán do vốn đã đầu tư vào các công trình.

Theo bản án số 93/2018/DS-PT ngày 16/4/2018 của TAND tỉnh Đồng Tháp, vợ chồng anh Hùng phải trả cho anh Phạm Văn Băng số tiền cả gốc và lãi là 2.082.549.780 đồng; chị Bùi Ngọc Thúy 1,6 tỷ đồng, theo bản án án số 82/2017/DS-ST của TAND Tp Cao Lãnh.

Ngày 29/4/2018, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Tp Cao Lãnh đã ra Quyết định số 44/QĐ-CCTHADS về việc kê biên tài sản đối với 4 căn nhà mặt đường Trần Thị Nhượng, tổ 14, khóm 2, Phường 4, Tp Cao Lãnh và một nền nhà liền kề  5 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của gia đình anh Hùng. Đây là tài sản bảo đảm của khoản vay 7,6 tỉ đồng của anh Hùng với  Ngân hàng Agribank Cao Lãnh chưa đến hạn trả nợ.

 

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thăm mô hình nông nghiệp sạch – Ảnh BĐT

 

Anh Hùng khiếu nại Quyết định kê biên. Nếu không có Quyết định kê biên anh Hùng có thể thế chấp vay tiếp 3,6 tỉ đồng trả cho anh Băng, chị Thúy. Lý do, khi thế chấp vay tiền Agribank Cao Lãnh, gia đình anh Hùng chưa xây thêm hai căn nhà, sau khi xây thêm nhà, giá trị tài sản bảo lãnh được nâng lên, Agribank Cao Lãnh đồng ý cho anh Hùng vay thêm. Tuy nhiên, Chi cục Thi hành án Cao Lãnh không chấp nhận khiếu nại của anh Hùng và ra thông báo bán đấu giá.

Tuy nhiên, theo đơn thư của bà Phạm Thị Đẹp, 4 căn nhà mặt đường Trần Thị Nhượng  là tài sản chung của bà và các con, không phải tài sản riêng của vợ chồng anh Hùng. Trên GCNQSDĐ, anh Hùng đại diện đứng tên vì là con lớn, tiền đầu tư xây dựng 4 căn nhà cũng do cả gia đình đóng góp. Hiện nay, tại ngôi nhà này, gia đình bà Đẹp có 12 người đang sinh sống. Do đó, bà Đẹp và các con không đồng ý cho cơ quan THADS Tp Cao Lãnh kê biên, bán đấu giá nhà đất của gia đình bà.

Tuân thủ đúng quy định của pháp luật

Chuyên gia về THADS cho biết: Khoản 1 Điều 110 Luật Thi hành án dân sự quy định Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Pháp luật về đất đai hiện nay không quy định cụ thể các trường hợp quyền sử dụng đất của người phải thi hành án gắn liền với nhà ở của người khác thì được chuyển quyền sử dụng mà không cần có sự đồng ý của người chủ sở hữu nhà ở, do đó Chấp hành viên cần xác định cụ thể đối với từng trường hợp và phải tính toán rất kỹ khả năng có thể kê biên, xử lý được tài sản đó không (kể cả vấn đề đảm bảo nơi ở, học tập cho gia đình người có nhà ở) và phải đặc biệt lưu ý hướng dẫn cho người có tài sản và người phải thi hành án thoả thuận bằng văn bản về phương thức giải quyết tài sản. Nếu có tranh chấp về tài sản thì phải hướng dẫn cho đương sự về quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, Chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế. Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án. Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Cơ quan Thi hành án chưa tiến hành những bước trên đây là chưa chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật. Ngày 22/2/2019 bà Đẹp và các con đã có đơn khiếu nại gửi VKSND tỉnh Đồng Tháp đề nghị cơ quan này kiểm sát việc thi hành án để bảo đảm quyền lợi của các thành viên trong gia đình.  Sau đó bà Đẹp nhận Giấy báo tin số 95/GBT-VKS-P12 cho biết đơn của gia đình đã được chuyển đến VKSND Tp Cao Lãnh xem xét giải quyết.

Ngày 25/2/2019, VKSND Tp Cao Lãnh lại có Giấy báo tin số 08/BT-VKS-KN cho biết cơ quan này đã chuyển đơn đến cho Chi cục THADS Tp Cao Lãnh giải quyết. Bà Đẹp lo lắng vì VKSND hai cấp đã không thực hiện chức năng kiểm sát đối với nội dung khiếu nại theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, Điều 12 Luật Thi hành án dân sự về  Giám sát và kiểm sát việc thi hành án quy định: “2.1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự.

Khi kiểm sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: b) Yêu cầu Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cấp dưới ra quyết định về thi hành án, gửi các quyết định về thi hành án; thi hành đúng bản án, quyết định; tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát nhân dân; yêu cầu cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi hành án theo quy định của Luật này; c) Trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; ban hành kết luận kiểm sát khi kết thúc việc kiểm sát; đ) Kiến nghị xem xét hành vi, quyết định liên quan đến thi hành án có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp hoặc cấp dưới, yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm; kiến nghị cơ quan, tổ chức liên quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa; e) Kháng nghị hành vi, quyết định của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, thu hồi, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật”.

Gia đình bà Đẹp, anh Hùng cũng đã khiếu nại đến Cục THADS tỉnh Đồng Tháp, nhưng đơn được chuyển đến Chi cục THADS Tp Cao Lãnh giải quyết. Gia đình bà Đẹp cũng đã có đơn gửi đến Tổng cục THADS Bộ Tư pháp và chờ đợi sự quan tâm, chỉ đạo của Tổng cục.

Ở góc độ khác thì thấy, anh Hùng vay tiền đầu tư vào phát triển nông nghiệp sạch là lĩnh vực được Chính phủ ưu đãi, khuyến khích. Hiện nay, chỉ riêng tại huyện Tháp Mười doanh nghiệp của anh Hùng đã có 5 trạm bơm hợp tác với người dân huyện Tháp Mười  để  phát triển nông nghiệp, giá trị đầu tư các trạm bơm là 6,6 tỷ đồng. Cán bộ tín dụng của Ngân hàng Agribank cho rằng các tài sản bị kê biên của anh Hùng là  để bảo đảm khoản vay mà doanh nghiệp đã đầu tư vào các trạm bơm tiêu nước phục vụ nông dân, nên theo quy định của Chính phủ tài sản không được kê biên. Cán bộ ngân hàng đề nghị Cơ quan thi hành án xem lại thủ tục phong tỏa tài sản và tạo điều kiện để Ngân hàng Agribank tiếp tục cho doanh nghiệp vay tiền, nhưng đề nghị đó chưa được chấp nhận.

Hiện nay do khó khăn về tín dụng nên Công ty TNHH TM Phát triển nông nghiệp sạch Tháp Mười đã ngừng hoạt động sản xuất lúa gạo sạch, chỉ còn duy trì trạm bơm.

Khối tài sản của gia đình anh Hùng được thông báo đấu giá với giá khởi điểm trên 13 tỉ đồng (giá trị trường cao hơn nhiều) trong khi hai khoản phải thi hành án chỉ có 3,6 tỉ đồng. Nếu Chi cục THADS Cao Lãnh tạo điều kiện để anh Hùng được làm thủ tục vay tiền Agribank thì vừa trả được nợ phải thi hành án, vừa bảo đảm hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Vì vậy, dư luận mong rằng cơ quan THADS và VKSND địa phương quan tâm giải quyết vụ việc thấu tình đạt lý.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thông tin phản ánh đến quý vị độc giả.

 

NHÓM PV