Kê biên, bán đấu giá tài sản thế chấp là bất động sản trong hoạt động thu hồi nợ của ngân hàng thương mại - Thực trạng và các giải pháp

Hoạt động thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng đang là vấn đề nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là việc xử lý thu hồi nợ xấu bằng biện pháp kê biên, bán đấu giá tài sản thế chấp đang là vấn đề rất phức tạp, dễ dẫn đến khiếu kiện. Bài viết nghiên cứu vấn đề này qua thực tiễn địa bàn tỉnh Quảng Trị và kiến nghị một số giải pháp.

1.Thực trạng

Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án là một biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại khoản 3 Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014.

Nhìn chung, hiện nay Luật Thi hành án dân sự (LTHADS) và các văn bản hướng dẫn đã quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Trước khi cưỡng chế phải tống đạt Quyết định thi hành án (Điều 39 đến điều 43 LTHADS), phải xác minh điều kiện thi hành án (Điều 44 LTHADS), ra Quyết định cưỡng chế, lập kế hoạch cưỡng chế, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế. Bảo vệ cưỡng chế ( Điều 45, 46; Điều 70 - Điều 75; Điều 88, 89, 90, 94; 110, 111, 112, 113 LTHADS).

Trong những năm qua, cơ quan thi hành án tỉnh Quảng Trị đã đạt được một số kết quả nhất định thi hành án trong việc kê biên, bán đấu giá quyền sử dụng đất nhưng chưa như mong muốn, tình hình khiếu nại khiếu kiện trong kê biên, bán đấu giá còn nhiều, nhiều vụ việc kê biên bán đáu giá xong không bàn giao được tài sản. Nhiều vụ việc cấp có thẩm quyền hủy kết quả kê biên, đấu giá do vi phạm thủ tục nguy cơ bồi thường rất cao.

Kết quả từ hoạt động kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản thông qua thủ tục bán đấu giá để thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ năm 2016-2020 cho thấy, tỷ lệ bán đấu giá thành trong những năm từ 2016 đến 2020 có xu hướng giảm. Năm 2016 tỷ lệ bán đấu giá đạt được 75% nhưng qua năm 2017 là 67% và qua năm 2020 thì tỷ lệ này chỉ đạt được là 61%. Về tỷ lệ thi hành về tiền cũng đạt cao nhất vào năm 2017 là 61% và những năm còn lại là giảm dần xuống 43% năm 2020. Mặc dù hàng năm số bản án có áp dụng biện pháp kê biên là quyền sử dụng đất và thông qua bán đấu giá đạt tỷ lệ bán thành cao nhưng tỷ lệ thi hành về tiền lại không tương ứng[1].

Kết quả giải quyết thi hành án các bản án liên quan đến hợp đồng tín dụng có tài sản là quyền sử dụng đất áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản về tiền từ năm 2016-2020 cũng cho thấy trong việc áp dụng biện pháp kê biên trong án kinh doanh thương mại thì tài sản là quyền sử dụng đất phải đăng ký sở hữu, đăng ký thế chấp đảm bảo hợp đồng tín dụng chiếm tỷ trọng nhiều nhất là 49% về việc và 46.6% về tiền. Tiếp theo, mặc dù cũng liên quan đến kê biên tài sản là bất động sản nhưng khác một điểm trên bất động sản này có tài sản gắn liền có thể là công trình, nhà, hoa màu,…. cũng chiếm tỷ trọng khá cao, chỉ sau kê biên tài sản là bất động sản với 23.2%% về việc và 30.3% về tiền. Như vậy, việc kê biên tài sản là quyền sử dụng đất trong hoạt động thực thi bản án, quyết định của tổ chức tín dụng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thi hành án đạt hiệu quả nói chung và đảm bảo việc thu hồi nợ cho TCTD nói riêng[2].

2.Còn nhiều vướng mắc

Nhưng thực tế hiện nay, hệ thống pháp luật về thi hành án dân sự nói chung và kê biên quyền sử dụng đất khá phức tạp, còn bộc lộ những điểm hạn chế, quy định chồng chéo giữa các văn bản pháp luật dẫn đến cách hiểu, quan điểm áp dụng pháp luật của các Cơ quan thực thi pháp luật cũng khác nhau, gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án, hiệu quả không cao làm ảnh hưởng không nhỏ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân - tổ chức

Việc kê biên tài sản trong thực tiễn không đơn giản, đối với Chấp hành viên và Cơ quan thi hành án dân sự đòi hỏi phải cẩn thận tuân thủ đúng trình tự nội dung quy định của pháp luật thì sai sót dẫn đến bồi thường thiệt hại luôn là nguy cơ rình rập. Đối với các TCTD một mặt cán bộ các TCTD chạy theo thành tích cho vay đạt tỷ lệ giải ngân tính dụng, một mặt chủ quan, thiếu kiểm tra tính pháp lý nhân thân người đi vay; một mặt thiếu kiểm tra tính pháp lý tài sản và kiểm tra hiện trạng tài sản một cách cưỡi ngựa xem hoa không đi về cơ sở mà chỉ xem trên giấy tờ dẫn đến khi xử lý tài sản thế chấp gặp phải những khó khăn vướng mắc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do:

Tài sản hộ gia đình, khi thế chấp chỉ vợ hoặc chồng ký vào văn bản thế chấp, các thành viên trong hộ không ký dẫn đến giai đoạn thi hành án các thành viên trong hộ khiếu nại khiếu kiện, tranh chấp.

Trên diện tích QSDĐ bị kê biên có tài sản công trình xây dựng thuộc sở hữu của người khác, do Ngân hàng không kiểm tra thực tế hiện trạng tài sản thế chấp dẫn đến khi xử lý tài sản thế chấp đương sự khai phần tài sản trên đất của người khác.

Do việc sai sót trong quá trình cấp đất không xác định mốc giới của Quyền sử dụng đất thế chấp. Do trước đây công tác đo đạc cấp đất không chính xác vị trí các hộ liền kề không được định vị bằng trụ bê tông cốt thép mà chỉ bằng hàng tre, hàng cây quá trình ở nhà này cứ lấn sang một chút, khi đo đạc cán bộ địa chính cũng không định vị cứ thế điều chỉnh bản đồ trên giấy, nhà ai cũng đủ diện tích, khi có tranh chấp xảy ra thì đất nhà này chồng lên nhà kia.

Việc định giá giá trị tài sản thế chấp lớn hơn mức tiền cho vay của các TCTD, nên giá tài sản thế chấp không đủ thu hồi nợ của Ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng tự thẩm định giá cho vay, một mặt không có chuyên môn về thẩm định giá để đưa ra mức giá thị trường hợp lý, nên định giá tài sản cao rất nhiều lần so với giá trị thực của nó, mặt khác do nhiều ngân hàng cạnh tranh thu hút khách hàng nên định giá thấp khách hàng sẽ đi đến với TCTD khác, một mặt ý chí chủ quan về việc nguồn trả nợ.

 Đương sự sau khi có bản án bỏ trốn khỏi địa phương. Công tác xác minh địa chỉ nơi cư trú cuối cùng của đương sự để thực hiện niêm yết là không dễ chút nào, vì hiện nay công tác hộ khẩu hộ tịch về đăng ký tạm vắng không bắt buộc, chỉ bắt buộc đăng ký tạm trú nên Cơ quan thi hành án không biết phải chuyển địa phương nào để phối hợp tống đạt.

Các doanh nghiệp phải thi hành án bị tạm dừng hoặc thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, nên Chấp hành viên gặp nhiều khó khăn cho quá trình tổ chức việc thi hành án vì không xác định được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, không thể thực hiện việc xử lý tài sản theo quy định của luật thi hành án dân sự.

 Các quy định về trình tự thủ tục thi hành án còn phụ thuộc nhiều ban ngành.

3. Nguyên nhân và giải pháp

Có thể thấy một số nguyên nhân, hạn chế khó khăn vướng mắc trong hoạt trên đó là:

Một là, thiếu công cụ để quản lý tài sản của người phải thi hành án dân sự. Pháp luật hiện hành chưa có những quy định thống nhất, đồng bộ về cơ chế kiểm tra, giám sát, quản lý nguồn thu nhập tài sản của người phải thi hành án thông qua việc đăng ký, kê khai tài sản nên đã gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thi hành án trong việc xác minh, truy tìm và kê biên tài sản của người phải thi hành án.

Hai là, ý thức tuân thủ nghiêm quy định pháp luật và pháp luật liên quan chưa tuân thủ pháp luật và còn chưa thực sự hiệu quả.

Ba là, cán bộ tín dụng của các TCTD còn hạn chế trong việc tuân thủ pháp luật và sự thiếu tuân thủ quy trình thẩm tra khách hàng.

Vì vậy, để có thể xây dựng, hoàn thiện pháp luật kê biên, đấu giá QSDĐ để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng của việc hoàn thiện pháp luật kê biên, đấu giá QSDĐ để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng. Và hoàn thiện pháp luật kê biên, đấu giá QSDĐ để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng.

Thứ hai, đổi mới quy trình, thủ tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kê biên, đấu giá QSDĐ để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng. Theo hướng tăng cường vai trò, năng lực của cơ quan thi hành án dân sự, tổ chức đấu giá và Tổ chức tín dụng trong tổ chức thực hiện pháp luật kê biên, đấu giá QSDĐ để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng.

Thứ ba, tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ pháp lý trong tổ chức thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm pháp luật trong thi hành án nói chung và trong tổ chức kê biên, đấu giá QSDĐ nói riêng. Cần phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ này những kiến thức pháp luật mới và những kiến thức về kỹ năng, kỹ thuật xây dựng và hoàn thiện pháp luật, nâng cao hơn nữa tinh thần và trách nhiệm của họ trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Thứ tư, tăng cường hoạt động giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật kê biên, đấu giá QSDĐ để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng. Tăng cường kiểm tra, giám sát phải được thực hiện thường xuyên và toàn diện trên tất cả các mặt cũng như toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện pháp luật kê biên, đấu giá QSDĐ để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát phải đảm bảo được thực hiện một cách khách quan, trung thực, nghiêm túc, đồng thời, phải bảo đảm được sự chặt chẽ, sâu sát trong toàn bộ quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó cũng cần phải nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật kê biên, đấu giá QSDĐ để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng, bằng một số giải pháp như:

Thứ nhất, tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Chấp hành viên, Đấu giá viên, Thẩm định viên và cán bộ pháp chế, cán bộ tín dụng của các TCTD  các quy định pháp luật về kê biên, đấu giá Quyền sử dụng đất và các quy định pháp luật liên quan; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai, phổ biến pháp luật cho cán bộ công chức, cá nhân, tổ chức có liên quan  đến kê biên, đấu giá Quyền sử dụng đất để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng

Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kê biên, đấu giá Quyền sử dụng đất và hoạt động cho vay của các TCTD; xử lý lý vi phạm trong hoạt động về kê biên, đấu giá Quyền sử dụng đất, đảm bảo việc kê biên, bán đấu giá đúng quy định pháp luật, hạn chế các tiêu cực phát sinh trong lĩnh vực này.

Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa việc phổ biến, tuyên truyền sâu rộng các nội dung của pháp luật về về kê biên, đấu giá Quyền sử dụng đất, trách nhiệm xử phạt vi phạm, bồi thường… để nâng cao nhận thức của Chấp hành viên, Đấu giá viên, Thẩm định viên, cán bộ tín dụng của ngân hàng đối với việc cho vay, việc kê biên, đấu giá QSDĐ.

Thứ tư, tăng cường quy chế phối hợp giữa các cơ quan đơn vị có chức năng quản lý nhà nước về hoạt động kê biên và bán đấu giá QSDĐ để thu hồi nợ choc ac TCTD từ trung ương đến địa phương. Quan tâm đầu tư nguồn lực, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về về kê biên, đấu giá QSDĐ.

Nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo điều hành các Cơ quan thi hành án dân sự, các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp; các tổ chức thẩm định giá, các TCTD  trong  hoạt động cho vay, trong kê biên, đấu giá QSDĐ là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cần thiết để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng và nhà nước đang đặt ra.

Từ những thực trạng pháp luật và hoàn thiện pháp luật về thi hành án, đấu giá QSDĐ tại tỉnh Quảng Trị đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về về kê biên, đấu giá QSDĐ để thu hồi nợ cho các TCTD nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và xã hội theo cơ chế thị trường định hướng XHCN; cải cách tư pháp, cải cách hành chính và cải cách bộ máy nhà nước; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Đồng thời, tạo ra cơ sở pháp lý hữu hiệu cũng như nền tảng vững chắc cho hoạt động về kê biên, đấu giá QSDĐ để thu hồi nợ cho các TCTD ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Mục tiêu quan trọng là xây dựng được hệ thống pháp luật về kê biên, đấu giá QSDĐ để thu hồi nợ cho các TCTD toàn diện, đồng bộ, khoa học và có tính thực tiễn cao nhằm giảm chỉ tiêu tồn động nợ xấu của toàn bộ hệ thống ngân hàng./.

 

 

[1] Báo cáo kết quả Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị từ năm 2016-2020

[2] Báo cáo thống kê kết quả thi hành án dân sự tỉnh Quảng Trị từ năm 2016-2020

HOÀNG ANH TUẤN (Trường Đại học Luật Huế)