Long An: Mua đất làm nhà sau 16 năm bị thu hồi không đền bù?

Khu đất này vốn dĩ là Trại Dừa thuộc xã Long Hậu (H.Cần Giuộc, Long An) được chính quyền giao cho một số cá nhân quản lý. Từ đây, những người này tiến hành phân lô bán cho dân để làm ăn, sinh sống. Đến nay, chính quyền bất ngờ thu hồi đất khiến nhiều gia đình trắng tay.

Câu chuyện khó tin này đang hiện hữu và là nỗi ám ảnh của nhiều hộ dân khi trót nhẹ dạ xuống tiền mua đất Nhà nước thuộc khu vực Trại Dừa tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Bán đất được giao khoán

Theo hồ sơ vụ việc, khu đất Trại Dừa có diện tích hơn 10ha, trước đây do Công ty Dầu Thực vật (là doanh nghiệp quốc doanh trực thuộc UBND huyện Cần Giuộc, Long An) quản lý là đất công. Trước năm 1990, Công ty Dầu Thực vật được giao nhiệm vụ thực hiện công trình  trồng cây dừa với Liên Xô cũ.

Đến năm 1991, để đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất của Trại Dừa, Công ty Dầu Thực vật đã ký hợp đồng kinh tế đối với 17 cá nhân trên địa bàn xã Long Hậu. Theo đó, các cá nhân này được quyền quản lý, sử dụng khu đất này để chăm sóc cây dừa.

Tuy nhiên, trong quá trình giao khoán đất Trại Dừa cho các cá nhân nói trên quản lý thì Công ty Dầu Thực vật bị giải thể. Sau đó, khu vực đất Trại Dừa được UBND Huyện giao lại cho Phòng TNMT huyện Cần Giuộc tiếp tục quản lý cho đến nay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi Công ty Dầu Thực vật giải thể thì công trình trồng dừa cũng bị bỏ ngõ. Bên cạnh đó, hợp đồng kinh tế với 17 cá nhân được giao khoán quản lý khu đất Trại Dừa cũng chưa được thanh lý.

Một bản họp đồng giao khoán

Sự việc diễn biến phức tạp khi trong quá trình chờ thanh lý hợp đồng khoán đất với nhà nước thì một số cá nhân được giao quản lý đất khu vực Trại Dừa tự ý mang đất công đi bán. Mặc dù, tới 3/2013, UBND huyện Cần Giuộc mới tiến hành thanh lý hợp đồng cho 17 cá nhân nhận khoán đất nói trên.

Cụ thể, năm 2005, ông Đỗ Văn Chính (SN 1964, ngụ Long Hậu, Cần Giuộc) viết giấy tay bán phần đất có diện tích 960m2 (rộng 8m, dài 120m) tại khu vực Trại Dừa cho ông Cấn Văn Hạnh (SN 1979, ngụ taih Mậu A, Văn Yên, Yên Bái) với số tiền là 140 triệu đồng. Từ đó, gia đình ông Hạnh xây nhà, làm ăn và sinh sống lâu dài cho đến nay.

Một trường hợp tương tự là bà Phan Thị Phượng (SN 1971, ngụ 51/2, KP.2, P.Bình Thuận, Q.7, TP.HCM) vào năm 2011 cũng được bà Lã Thị Lâm (SN 1962, ngụ Long Hậu, Cần Giuộc) bán lại miếng đất rộng 5m, dài 19m (bao gồm đường đi 2m) tại khu vực Trại Dừa với giá 60 triệu đồng cũng bằng giấy viết tay.

Người dân điêu đứng

Theo phản ánh, năm 2015, UBND huyện Cần Giuộc bất ngờ thông báo thu hồi đất của hơn 200 hộ dân tại khu vực Trại Dừa mà không đền bù về đất khiến nhiều hộ dân mất trắng, kêu trời không thấu.

Đơn cử là hộ ông Cấn Văn Hạnh, mặc dù ông và gia đình đã sinh sống ổn định, lâu dài tại địa phương. Từ năm 2005 đến nay, gia đình ông Hạnh mua lại và khai hoang với tổng diện tích đất lên đến 1.900m2. Thế nhưng, với lý do đất công, chính quyền tiến hành thu hồi mà không bồi thường về đất khiến gia đình ông mất trắng.

“Gia đình tôi vào Nam lập nghiệp, có khoảng 18 người cùng sinh sống dựa trên miếng đất tại Trại Dừa. Thế nhưng nay bị thu hồi mà không bồi thường khiến gia đình tôi lâm vào cảnh khốn đốn”, ông Hạnh chua xót chia sẻ.

Gia đình ông Cấn Văn Hạnh có nguy cơ mất trắng

Theo ông Hạnh: “Thời điểm gia đình tôi mua lại miếng đất nói trên của ông Chính, tôi được biết đây là đất được Nhà nước giao cho ông Chính được toàn quyền quản lý và sử dụng nên tôi cùng nhiều người khác rất tin tưởng. Thế nhưng, giờ vỡ lẽ thì đã trắng tay”.

Trong khi đó, bà Phan Thị Phượng vô cùng bức xúc cho biết, bà hoàn toàn mất trắng vì chính quyền địa phương tiến hành thu hồi đất mà không thông báo cho bà biết.

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Chánh – Chủ tịch UBND xã Long Hậu thừa nhận có sự việc một số cá nhân lợi dụng việc được giao khoán đất khu vực Trại Dừa để từ đó bán lại cho người khác bằng giấy tay sai quy định.

Tuy nhiên, nói về trách nhiệm quản lý của địa phương ông Chánh cho rằng, cứ là người dân sống trên đất nước Việt Nam chỗ nào cũng vậy, trước đây công tác quản lý đất đai vừa cấp huyện, vừa cấp xã quản lý nên chòng chéo, lỏng lẻo. Chính vì vậy, mới dẫn đến tình trạng chuyển nhượng, sang bán không đảm bảo thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND xã Long Hậu nhấn mạnh, sự việc xảy ra đã lâu, riêng bản thân ông cũng mới chuyển về địa phương nên để nắm rõ hơn thông tin ông Chánh đề nghị phóng viên liên hệ tìm hiểu thông tin từ Ban quản lý dự án Huyện hoặc Phòng TNMT Huyện. Mặt khác, với lý do mới chuyển về công tác nên chưa nắm hết các đầu việc ông Chánh từ chối luôn việc cung cấp danh sách các cá nhân được nhà nước giao khoán đất tại khu vực Trại Dừa.

Có thể thấy, sự việc xảy ra ngay trước mắt chính quyền địa phương, tuy nhiên trách nhiệm trong công tác quản lý của địa phương tới đâu? Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân bị hại, đến nay vẫn còn là câu hỏi chưa được trả lời?

 

 

 

THIÊN NAM