Thấy gì từ những vụ sai phạm trong các gói thầu y tế vừa qua?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho biết, tình trạng chia nhỏ các gói thầu để áp dụng chỉ định thầu. Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nhất là những trường hợp cấp bách hoặc là khoản chi nhỏ, Luật Đấu thầu đã quy định các trường hợp chỉ định thầu quy định các hạn mức được áp dụng chỉ định thầu như dưới 100 triệu đồng, dưới 500 triệu đồng và dưới 1 tỉ đồng. "Tuy nhiên, để lách các quy định này, việc chia nhỏ gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu diễn ra phức tạp trong thực tế, thể hiện trong nhiều kết luận thanh tra, kết luận điều tra. Đơn cử tại một bệnh viện đa khoa tỉnh, kết luận của thanh tra tỉnh chỉ rõ tổng giá trị mua sắm hơn 95 tỉ đồng, nhưng ban hành hơn 1.165 quyết định về chỉ định thầu, với giá trị của gói thầu chỉ dưới 100 triệu đồng".

Đại biểu Quốc hội nêu bất cập của Luật đấu thầu

Ngày 8/11/2022, vừa qua, thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đã nêu 5 chiêu trò lách luật trong hoạt động đấu thầu thời gian qua.Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đã nêu 5 chiêu trò lách luật trong hoạt động đấu thầu thời gian qua:

Thứ nhất là tình trạng chia nhỏ các gói thầu để áp dụng chỉ định thầu. Luật Đấu thầu đã quy định các trường hợp chỉ định thầu quy định các hạn mức được áp dụng chỉ định thầu như dưới 100 triệu đồng, dưới 500 triệu đồng và dưới 1 tỉ đồng. "Tuy nhiên, để lách các quy định này, việc chia nhỏ gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu diễn ra phức tạp trong thực tế, thể hiện trong nhiều kết luận thanh tra, kết luận điều tra. Đơn cử tại một bệnh viện đa khoa tỉnh, kết luận của thanh tra tỉnh chỉ rõ tổng giá trị mua sắm hơn 95 tỉ đồng, nhưng ban hành hơn 1.165 quyết định về chỉ định thầu, với giá trị của gói thầu chỉ dưới 100 triệu đồng" - bà Thủy nêu rõ.

Bên cạnh đó, lợi dụng các quy định chia tách gói thầu, có trường hợp chia nhỏ gói thầu theo dạng chia phần để mỗi nhà thầu trúng một phần. Hoặc cũng có trường hợp gom nhiều gói thầu nhỏ để tạo thành gói thầu phức tạp mà chỉ một doanh nghiệp mới có thể đáp ứng được. Từ đó, tránh cuộc đấu thầu thực sự cạnh tranh.

Thứ hai, tình trạng cài cắm điều khoản hướng thầu, để "cài thầu quen, chèn thầu lạ". Quy định về hồ sơ mời thầu là để chọn nhà thầu tốt nhất đáp ứng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo đại biểu Thủy, nếu có ý đồ thì đây là những chốt chặn loại bỏ nhà thầu không mong muốn.

"Thực tế, nhiều chủ đầu tư cài cắm những điều khoản hướng thầu, để hướng tới các nhà thầu thân hữu, loại bỏ các nhà thầu khác. Từ đó, biến đấu thầu rộng rãi thành đấu thầu hạn chế"- đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh và cho biết có tình trạng "đi đêm" để thông thầu, trao đổi với các tiêu chí kĩ thuật, thậm chí cùng nhau xây dựng hồ sơ mời thầu. Theo phản ánh của báo chí, có những gói thầu đưa ra tiêu chí như phải có bằng khen của Bộ Tài chính về nghĩa vụ nộp thuế, gần như tiêu chí đưa ra chỉ dành cho một doanh nghiệp.

Thứ ba là thiết lập "quân xanh quân đỏ" để thông thầu. Tình trạng "quân xanh quân đỏ" thời gian qua đã tạo ra nhiều cuộc đấu thầu thiếu cạnh tranh, thu lời bất chính. Theo đại biểu Thuỷ, có những nhà thầu chỉ để trượt, nhằm lót đường cho nhà thầu đã được định sẵn trúng thầu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn (ảnh IT)

Vị đại biểu đoàn Bắc Kạn cho biết thực tế còn có tình trạng với sự tiếp tay của bên chủ đầu tư, tạo ra cuộc đấu thầu như vở kịch với "quân xanh quân đỏ". Hệ lụy, khiến cho doanh nghiệp làm ăn chân chính không được cạnh tranh bình đẳng, mất cơ hội kinh doanh, có thể gây thiệt hại cho Nhà nước.

Thứ tư, tình trạng móc ngoặc với thẩm định giá nâng khống giá trị gói thầu. Đại biểu Thủy cho rằng, nếu chỉ nhìn vào hồ sơ thì tất cả đều đúng quy trình, nhưng đi sâu vào mới phát hiện sự móc ngoặc tinh vi của chủ đầu tư - đơn vị tư vấn - đơn vị thẩm định giá và đơn vị trúng thầu, qua đó thổi giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực. "Pháp luật đã trao cho thẩm định giá chức năng quá lớn, trong khi các quy định hậu kiểm còn hạn chế"- đại biểu Thủy băn khoăn.

Thứ năm, tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực khác. Tình trạng vi phạm các quy định pháp luật, lách các quy định như nêu trên đều có thể tiềm ẩn hoặc hướng tới nguy cơ tham nhũng, trục lợi. Theo bà Thuỷ, kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2021 cho thấy, trong tổng số các doanh nghiệp được khảo sát có tới 25% doanh nghiệp cho biết họ chủ động chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu; 73% doanh nghiệp cho biết họ phải chi trả theo gợi ý của cán bộ phụ trách đấu thầu.

Đáng lưu ý, có đến 58,9% doanh nghiệp cho biết, việc chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu là "luật bất thành văn" mà doanh nghiệp phải tự hiểu khi tham gia. "Đấu thầu nếu không được quy định và quản lý chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi. Liên tiếp các vụ việc sai phạm trong thời gian vừa qua đã phản ánh thực tế này"- đại biểu Thủy nhấn mạnh.

"Một mình" tham gia gói thầu gần 21 tỷ đồng ở Khánh Hòa.

Từ thực tiễn mà Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy nêu cho thấy công tác đấu thầu hiện nay còn nhiều bất cấp, ví dụ như theo thống kê của một website chuyên về đấu thầu cho thấy, Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa đã tham gia 186 gói thầu thì trúng 167 gói. Gói thầu mới nhất mà Anh Khoa vừa trúng tại tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai… cũng đang khiến nhiều người quan tâm về giá cả.

Mới đây, ngày 09/11/2022, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa đã ký Quyết định số 950/QĐ-SYT để phê duyệt cho Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa trúng gói thầu: “Thiết bị y tế 3 (Thiết bị phẫu thuật: Bộ soi cổ tử cung, nội soi mềm đường tiêu hóa có sinh thiết, Hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng, đèn mổ…)” trị giá lên đến 20.986.000.000 đồng. Theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa thành lập từ tháng 2/1999, địa chỉ đăng ký tại: 883 Đường 3/2, Phường 7, Quận 11 (TP.HCM). Người có tên NGUYỄN VĂN HẢO đang chịu trách nhiệm pháp luật của doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu của PV, gói thầu được thực hiện dưới hình thức qua mạng, công khai và có giá trị rất lớn (gần 21 tỷ đồng) nhưng không hiểu vì sao chỉ có một mình Công ty Anh Khoa có tên trong danh sách nhà thầu và được xếp hạng thứ nhất, trúng thầu luôn.

Việc này đã đặt ra nhiều băn khoăn về tính cạnh tranh, công bằng và tiết kiệm trong đấu thầu? Phải chăng Anh Khoa đang “một mình một chợ” trong cuộc đấu thầu này? Trên cổng thông tin về đấu thầu, đơn vị tổ chức không hề công khai chi tiết về năng lực về kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính của doanh nghiệp (trong thời gian 03 năm gần nhất).

Quyết định về việc phê duyệt  kết quả lựa chọ nhà thầu gói thầu thiết bị y tế 3 (Thiết bị phẫu thuật: Bộ soi cổ tử cung, nội soi mềm đường tiêu hóa có sinh thiết, Hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng, đèn mổ…) dự án Bệnh viện Ung bứu tỉnh Khánh Hòa

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, một số trang thiết bị y tế tại gói thầu có giá chênh lệch so với nhiều địa phương khác, như:

03 đèn mổ 1 bóng di động Model: Polaris 100/200 (Drägerwerk AG & Co. KgaA/ Đức), có giá trúng 350.000.000 đồng/cái. Trong khi đó, vào tháng 12/2021, Sở Y tế Trà Vinh mua thiết bị này với giá 270.000.000 đồng/cái….;

Hệ thống phẫu thuật nội soi ổ bụng, tiết niệu (Model: OTV-S200, CH-S200-XZ-EA, UHI-4, ESG-400, ...;Hãng sản xuất máy chính: Olympus; Stema; Hermann/ xuất xứ: Nhật, Đức, Mỹ) có giá trúng: 4.550.000.000 đồng. Tuy nhiên, vào tháng 12/2020, Trường ĐH Y Hà Nội mua thiết bị trên (có model máy chính tương đương) nhưng chỉ với giá 2.190.000.000 đồng; cũng chính Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa vào ngày 18/5/2021 cũng mua thiết bị này (có model trùng khớp) của Công ty Anh Khoa chỉ với giá 3.220.000.000 đồng/hệ thống.

Máy nội soi mềm đường tiêu hóa có sinh thiết (Model:CV-190, CLV-190, GIF-HQ190, CF-HQ190I,MB-155, FB-230K, FB-230U, New Hospivac 350 ...; Hãng sản xuất máy chính: Olympus; Nhật, Ý) có giá trúng là: 3.950.000.000 đồng. Tuy nhiên, vào tháng 12/2021, cũng chính Công ty Anh Khoa bán cho BV ĐH Y dược TP.HCM có giá là 3,5 tỷ đồng; Ngày 29/02/2021, Công ty Anh Khoa cũng bán cho Bệnh viện quận Tân Phú (TP.HCM) với giá 3.360.000.000 đồng/hệ thống… (các hệ thống này có model máy chính và xuất xứ, nhà sản xuất trùng khớp)…;

Đồng Nai: Mua toàn thiết bị "giá cao" và bài toán về "tiết kiệm" ngân sách

Không chỉ xảy ra ở Khánh Hòa, giá thiết bị mà Công ty Anh Khoa bán cho Bệnh viện Thống Nhất (Đồng Nai) ở gói thầu gần 2 triệu USD (hơn 46 tỷ đồng) cũng khiến nhiều người đặt ra nghi vấn về giá cả.

Cụ thể, ngày 21/6/2021, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) ký Quyết định số 104/QĐ-BVTN để phê duyệt cho Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa trúng “Gói thầu số 14 (thiết bị): Thiết bị y tế, chi tiết thiết bị theo Quyết định đính kèm” có giá trúng thầu là 46.355.475.000 đồng (khoảng 2 triệu USD).

Trước đó, vào ngày 08/6/2021, Giám đốc Phạm Văn Dũng đã ký Quyết định số 90/QĐ-BVTN để phê duyệt cho Công ty Anh Khoa là nhà thầu “duy nhất” lọt vào danh sách đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Có nghĩa là, Công ty Anh Khoa không phải gặp bất cứ đối thủ nào có thể “cản đường” mình. Từ những sự việc như thế này, cũng đặt ra vấn đề về tính “cạnh tranh, công bằng và tiết kiệm” trong đấu thầu ở đây, khi gói thầu có giá trúng lên đến hơn 46 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, tại gói thầu trên, nhiều thiết bị có giá trúng thầu khá cao như:

Hệ thống Xquang kỹ thuật số (DR) Model: GXR-68S; Hãng sản xuất: DRGEM CORPORATION/ Hàn Quốc có giá lên tới 3.900.000.000 đồng;

Hệ thống chụp X-quang toàn hàm sọ mặt 3D (Model: CS 8100SC 3D/Trophy – Pháp; Chủ sở hữu: Carestream Dental LLC – Mỹ) có giá mua lên 2.245.000.000 đồng;

Hệ thống nội soi tán sỏi mật tụy ngược dòng (ERCP) (Model: CV-190, CLV-190.../Olympus medical systems corp – Nhật, xuất xứ: Nhật, Đức, Ý, Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam) có giá lên tới 3.830.000.000 đồng;

Hệ thống nội soi dạ dày tá tràng, đại tràng hỗ trợ chẩn đoán ung thư (Model: CV-190, CLV-190, GIF-H190, CF-H190I, VIO 300S, MB-155, New Hospivac 350, LMD-2110MD ; Hãng sản xuất/ Chủ sỡ hữu: Olympus medical systems corp – Nhật. Xuất xứ: Nhật, Đức, Ý, Trung Quốc, Việt Nam) cũng có giá lên đến 4.490.000.000 đồng;

Hệ thống nội soi phế quản (Model: CV-170, BF-Q170, MB-155, New Hospivac 350, LMD- 2110MD; Hãng sản xuất/Chủ sở hữu: Olympus medical systems corp – Nhật) có giá trúng thầu là 1.790.000.000 đồng;

Máy huyết học tự động (Model: UniCel DxH 900 ; Hãng sản xuất: Beckman Coulter/ Mỹ) có giá lên đến 3.575.000.000 đồng. Khảo sát cho thấy vào tháng 9 -10/2021, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa cũng mua hệ thống có chức năng gần tương tự (UniCel DxH 690T/ Beckman Coulter/ Mỹ) như thế này chỉ có giá 2,4 -2,6 tỷ đồng.

Máy sinh hóa tự động (Model: DxC 700 AU; Hãng sản xuất: Beckman Coulter/ Nhật) cũng có giá lên đến 5.000.000.000 đồng. Đối với hệ thống tương tự như thế này (xét nghiệm sinh hóa tự động ≥800 test/h, AU480/ Nhật Bản/ Beckman Coulter), gần đây, các địa phương như: Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu, Bệnh viện Tâm thần TW II, Bệnh viện E (bao gồm Trung tâm Tim mạch), Viện Y học Biển, Trường Đại học kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng… cũng chỉ mua với giá trên dưới 2,4 tỷ đồng;

Máy miễn dịch tự động (Model: UniCel DxI 800 ; Hãng sản xuất: Beckman Coulter/ Mỹ) có giá lên đến 3.490.000.000 đồng;

Đặc biệt, hệ thống máy giải trình tự và phân tích đoạn DNA (Model: Ion GeneStudio S5 System (Ion S5)/ Life Technologies / OneLambda Inc– Mỹ ; Qiagen GmbH – Đức, xuất xứ: Đức, Singapore) cũng có giá lên đến 9.390.000.000 đồng. Trong khi đó, khảo sát trên cổng đấu thầu của Bộ Y tế, các hệ thống có chức năng gần tương tự như thế này ở các địa phương mua chỉ vào khoảng từ 3-4 tỷ đồng. Không hiểu lý do vì sao, Bệnh viện Thống Nhất lại "chịu chơi" khi đầu tư toàn thiết bị y tế có giá "vượt trội" hơn so với các địa phương khác?

Tất nhiên, giá thiết bị y tế cao thấp, khác nhau ở từng địa phương, đơn vị, đôi khi còn phụ thuộc vào linh phụ kiện theo kèm, chức năng, phần mềm, quản lý, đào tạo, thời gian bảo trì, bảo hành… nên chưa thể vội vàng kết luận là có sự “thổi giá, nâng khống” ở đây.

Nhà thầu “quen mặt”, dính nhiều lùm xùm

Theo thống kê của một website chuyên về đấu thầu, đến nay Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa đã tham gia 186 gói thầu thì trúng 167 gói. Nghĩa là tỷ lệ trúng thầu y tế của Công ty Anh Khoa là rất cao, hầu như “đấu đâu, trúng đó”?.

Công ty TNHH Trang thiết bị Y tế Anh Khoa

Tuy nhiên, trong quá trình tham gia cung cấp trang thiết bị, vật tư cho ngành y tế, trở thành một trong những “ông trùm” của ngành, với các gói thầu “siêu khủng”, Công ty Anh Khoa cũng không tránh khỏi những “lùm xùm, tai tiếng”. Cụ thể:

Ngoài gói thầu gần 21 tỷ đồng nói ở phần trên, vào ngày 18/5/2021, ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cũng phê duyệt cho Công ty Anh Khoa trúng gói thầu “Mua sắm trang thiết bị y tế năm 2021” có giá trúng là 17.602.000.000 đồng;

Trước đó, vào ngày 25/2/2020, Công ty TNHH trang thiết bị y tế Anh Khoa trúng gói thầu "Trang thiết bị phòng chống dịch" do Sở Y tế Khánh Hòa làm chủ đầu tư với giá trúng là 6.145.000.000 đồng. Sau đó, nhiều cơ quan báo chí có phản ánh về việc mua sắm của Sở Y tế là lãng phí, không cần thiết. UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Sở Y tế thực hiện thủ tục mua sắm phải đúng quy định hiện hành và hạn chế tối đa việc mua sắm tràn lan, không cần thiết, gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.

Vào tháng 06/2021, nhiều cơ quan báo chí cũng phản ánh việc gói thầu năm 2018, mà Công ty Anh Khoa trúng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa có tên “Cung cấp lắp đặt hệ thống nội soi tiêu hóa và phụ kiện”. Theo đó, Công ty Anh Khoa trúng thầu với giá 8,73 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo phản ánh của báo chí thì hệ thống nội soi tiêu hóa hiện đại bậc nhất có chức năng phát hiện ung thư sớm đang được các hãng chào bán cũng không có giá đến 8 tỷ đồng. Thậm chí, hệ thống máy nội soi tiêu hóa hiện đại nhất trên thị trường hiện nay được một số bệnh viện mua chỉ với giá trên dưới 5 tỷ đồng, có nơi thấp hơn. Sau những phản ánh này, phía Công ty Anh Khoa và chủ đầu tư vẫn chưa thấy lên tiếng giải thích.

Đấu thầu là vấn đề dư luận nhân dân quan tâm, các đại biểu Quốc hội cũng tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật và tiếp tục hoàn thiện pháp luật nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức; cắt bỏ một số thủ tục trình, thẩm định, phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước; phòng chống hiệu quả gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.

Theo quy định tại Điều 89 của Luật đấu thầu năm 2013 quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu như sau:

1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.

2. Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.

3. Thông thầu, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;

b) Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu;

c) Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.

4. Gian lận, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;

b) Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

c) Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

5. Cản trở, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Hủy hoại, lừa dối, thay đổi, che giấu chứng cứ hoặc báo cáo sai sự thật; đe dọa, quấy rối hoặc gợi ý đối với bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn việc làm rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, gian lận hoặc thông đồng đối với cơ quan có chức năng, thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán;

b) Các hành vi cản trở đối với nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

6. Không bảo đảm công bằng, minh bạch, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án do mình làm bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư;

b) Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với cùng một gói thầu, dự án;

c) Tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với cùng một gói thầu, dự án;

d) Là cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư nhưng trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án do cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em một đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;

đ) Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp do mình cung cấp dịch vụ tư vấn trước đó;

e) Đứng tên tham dự thầu gói thầu thuộc dự án do chủ đầu tư, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi thôi việc tại cơ quan, tổ chức đó;

g) Nhà thầu tư vấn giám sát đồng thời thực hiện tư vấn kiểm định đối với gói thầu do mình giám sát;

h) Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật này;

i) Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;

k) Chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu”….

Trang Anh