10 sự kiện tiêu biểu nổi bật của hệ thống Tòa án nhân dân trong năm 2017

Ngày 09/1/2018, tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2018, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã công bố 10 sự kiện tiêu biểu của hệ thống Tòa án đã được các cán bộ, công chức và người lao động của Tòa án các cấp bình chọn.

1.Công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án

(Ảnh: Đ/c Nguyễn Hòa Bình, Bí thư TW Đảng, Bi thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC,Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu bấm nút khai trương Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án)

       Ngày 18-7, TANDTC đã tổ chức lễ khai trương trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án. Qua trang điện tử này, người dân, cơ quan, tổ chức có thể tìm kiếm, xem trực tiếp nội dung các bản án, quyết định thuộc các lĩnh vực khác nhau, các án lệ đã được áp dụng. Người đọc cũng có thể tương tác bằng cách trực tiếp cho ý kiến về các bản án, quyết định được công bố, trong đó có mục “Ý kiến phản hồi đối với bản án, quyết định”. Phương thức này tăng cường sự tiếp cận và giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động xét xử của Tòa án. Việc công khai bản án góp phần nâng cao trách nhiệm, kỹ năng viết bản án, kỹ năng công nghệ thông tin của Thẩm phán.

       Việc xác định bản án, quyết định thuộc trường hợp được công bố hay không được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án phải căn cứ vào Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP, ngày 16 tháng 03 năm 2017 Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc  công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án và Công văn số 144/TANDTC-PC ngày 04 tháng 7 năm 20117 hướng dẫn về việc thi hành NQ số 03/2017/NQ-HĐTP.

       Tính đến ngày 09/01/2018, toàn hệ thống Tòa án có tổng số bản án, quyết định đã được công bố là 46.985; trong đó: Hình sự 10770, Dân sự 7693, Hôn nhân và gia đình 23616, Kinh doanh thương mại 1007, Hành chính 524, Lao động 245, Quyết định tuyên bố phá sản 11, Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính 3119.

       2. Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Chánh án 4 cấp

(Ảnh: Toàn cảnh hội nghị)

       Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện nâng cao chất lượng công tác xét xử theo tinh thần Kết luận số 92-KL/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW. Tham dự Hội nghị gồm 1.000 đại biểu là Chánh án TAND các cấp, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc TANDTC.

       Tính chất đặc biệt của Hội nghị, đó là: Lần đầu tiên trong lịch sử của hệ thống Tòa án tổ chức Hội nghị có sự tham gia của Chánh án Tòa án nhân dân bốn cấp gồm: Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện- quận, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh- thành phố, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

       Hội nghị chỉ ra 14 giải pháp về việc nâng cao chất lượng công tác xét xử, đây là những giải pháp căn cơ, định hình con đường phát triển của hệ thống Tòa án. Có thể nói đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Kết quả của hội nghị một lần nữa khẳng định chủ trương của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo và Hội đồng Thẩm phán TANDTC là đúng đắn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và đòi hỏi thực tiễn công tác xét xử.

       3. Xây dựng và phát sóng thường kỳ chương trình truyền hình Tòa án nhân dân

  (Ảnh: Đ/c Nguyễn Hòa Bình Bí thư TW Đảng, Chánh án TANDTC, đ/c Nguyễn Thúy Hiền Phó Chánh án TANDTC và đ/c Nguyễn Văn Hùng Hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương bấm nút ra mắt Chương trình Truyền hình Tòa án nhân dân)

     Chiều ngày 16/6/2017, TANDTC tổ chức Lễ ra mắt Chương trình Truyền hình Tòa án nhân dân. Chương trình phát sóng 2 kỳ trong 1 tháng, mỗi kỳ có thời lượng từ 25 đến 30 phút, phát lúc 10 giờ 10 phút sáng Chủ nhật hàng tuần. Chương trình đã phản ánh mọi mặt hoạt động của Tòa án: Các tin tức, hoạt động của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; hoạt động của Lãnh đạo TANDTC và Tòa án các cấp; các chuyên đề: Cải cách tư pháp; Vấn đề công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử; Công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng xét xử; Vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Thẩm phán… nhằm tuyên truyền rộng rãi trong xã hội những hoạt động của Tòa án.

       Chương trình Truyền hình TAND đã góp phần tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của nhân dân. 

        4. Lắp đặt và đưa vào sử dụng thường xuyên truyền hình trực tuyến

(Ảnh: Đ/c Nguyễn Hòa Bình, Bí thư TW Đảng, Bi thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn cùng Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng bấm nút khai trương Hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến đến TAND cấp huyện)

        Thực hiện Chỉ thị số 21- CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc “Hạn chế tối đa các hội nghị tập trung có quy mô toàn quốc… và tăng cường ứng dụng CNTT để tổ chức họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc”, Tòa án đã lắp đặt và vận hành hệ thống kết nối 778 điểm cầu, đưa mạng lưới truyền hình hội nghị đến các TAND cấp huyện. Việc tổ chức Hội nghị có ý nghĩa rất lớn trong việc ứng dụng CNTT vào các hoạt động của hệ thống Tòa án; xóa bỏ khoảng cách địa lý, giúp lãnh đạo TANDTC tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời đến TAND các cấp.

        .Triển khai mô hình phòng xét xử mới

        Theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân tối cao, mô hình phòng xét xử được triển khai từ ngày 1/1/2018. Phiên toà được tổ chức với tinh thần cải cách tư pháp, thực hiện tranh tụng tại phiên tòa, thể hiện qua mô hình đại diện Viện kiểm sát ngồi ngang hàng với Luật sư, thay vành móng ngựa bằng bục khai báo, các bị cáo được bố trí ghế ngồi trong quá trình thẩm vấn nhằm tạo thuận lợi cho người tiến hành tố tụng; người tham gia tố tụng và những người theo dõi diễn biến phiên tòa, đồng thời tăng cường vai trò trung tâm của HĐXX trong việc điều hành và duy trì trật tự phiên tòa… Mô hình phòng xử án thân thiện này đã được được dư luận đánh giá cao.

        6.  Năm 2017, Tòa án các cấp xét xử các vụ án lớn; các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm về chức vụ, các tội phạm tham nhũng được dư luận xã hội quan tâm, đồng tình.  

         Điển hình như vụ án: “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu” xảy ra tại Công ty Cổ phần Vn Pharma; Vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Vụ án Trương Hồ Phương Nga và đồng phạm bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”;  Vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” tại TMCP Đại Dương (OceanBank); Vụ Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 bị cáo bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, vụ án có 44 bị cáo và 158 người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

         7. Từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, thống nhất trang phục xét xử trong toàn hệ thống Tòa án

(Trang phục của thẩm phán TAND)

        Thực hiện Nghị quyết của UBTVQH, Tòa án thực hiện việc thống nhất trang phục xét xử trong toàn hệ thống Tòa án, giới thiệu ra công chúng hình ảnh mới của Hội đồng xét xử. 

         Việc đổi mới trang phục xét xử là rất cần thiết, vì khi Thẩm phán xét xử là nhân danh Nhà nước để bảo vệ công lý nên việc Thẩm phán có trang phục riêng là phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp và thông lệ quốc tế. Hình ảnh Thẩm phán mặc áo choàng, tạo ra sự uy nghi của phiên tòa.

          8. Khai trương trang án lệ 

       (Ảnh: Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC bấm nút khai trương Trang điện tử về án lệ của TANDTC)

        Ngày 19/10/2016, thay mặt lãnh đạo TANDTC, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC đã bấm nút chính thức khai trương Trang điện tử về án lệ của TANDTC.

       Đây là sự kiện được nhìn nhận là một trong những dấu ấn quan trọng trong cải cách tư pháp của TAND. Trong thời gian qua, TANDTC đã lựa chọn các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mang tính chuẩn mực của các Toà án để tổng kết, phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Toà án áp dụng trong xét xử. Để bảo đảm chất lượng của các án lệ được ban hành, góp phần bảo đảm thống nhất áp dụng pháp luật trong xét xử, tạo lập tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Toà án, lãnh đạo TANDTC đã chỉ đạo bên cạnh việc làm tốt công tác rà soát, phát hiện, đề xuất nguồn phát triển án lệ, cần đánh giá thực tiễn áp dụng án lệ đã được công bố để kịp thời rút kinh nghiệm, nghiên cứu hoàn thiện quy trình lựa chọn, công bố án lệ.Trang án lệ đã có thành công.

       Thông tin trên các trang điện tử nói chung của Tòa án rất được cộng đồng xã hội quan tâm, đối với Trang án lệ, trung bình mỗi ngày có 40 nghìn lượt người truy cập.

        9. Ban hành Quyết định 120/QĐ-TANDTC ngày 19 tháng 6 năm 2017, quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân.

         Quyết định số 120/QĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao, quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2017. Quyết định này quy định về việc việc áp dụng nguyên tắc, hình thức, hậu quả, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND có hành vi vi phạm do thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật.

           Người giữ chức danh tư pháp trong TAND bao gồm: Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án.

           Quy định nhằm đề cao trách nhiệm của các công chức giữ chức danh tư pháp của toàn hệ thống Tòa án trong thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình. Thực hiện đúng tinh thần: “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”.

     Chánh án Nguyễn Hòa Bình kết luận: “Thành công của Quyết định 120/QĐ-TANDTC không phải là để xử lý Thẩm phán, thành công của quyết định 120/QĐ-TANDTC chính là chúng ta đề cao trách nhiệm để không phải dùng đến Quyết định 120/QĐ-TANDTC.

        10.Tổ chức thành công chương trình “Biển đảo quê hương”.

(Ảnh: Đ/c Nguyễn Hòa Bình, Bí thư TW Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC và Đ/c Lê Hồng Quang, Ủy viên Bán Chấp hành TW Đảng, Phó Chánh án TANDTC trao tặng những phần quà cho các gia đình chiến sỹ Hải quân có hoàn cảnh khó khăn)

       20h tối ngày 11/9/2017, Chương trình giao lưu nghệ thuật Biển đảo quê hương đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Mỹ Đình, Hà Nội), được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam và tiếp sóng trên Đài PT-TH Hà Nội.

        Chương trình là dịp để toàn thể cán bộ, Thẩm phán, công chức, viên chức, người lao động TAND, TAQS các cấp bày tỏ những tình cảm chân thành tới lực lượng đang ngày đêm bám biển, góp thêm sức mạnh tinh thần để động viên lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển và bà con ngư dân trong cả nước vững tin nơi đầu sóng ngọn gió. Đây cũng là dịp để tri ân đối với những anh hùng, thương binh, liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc.

        Tại chương trình, 40 sổ tiết kiệm được gửi tới 40 gia đình cán bộ, chiến sỹ Hải quân có hoàn cảnh khó khăn.

                                                                                                                  

 

 

Hải Hà