11 tội danh được bãi bỏ từ 1/1/2018

Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018, sẽ bãi bỏ 11 tội danh quy định trong BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) bao gồm: Tội kinh doanh trái phép; Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế; Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tội hoạt động phỉ; Tội Tảo hôn; Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật; Tội Vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Tội làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên; Tội làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới; Tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; Tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính.

1.Tội Kinh doanh trái phép

Điều 159 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội kinh doanh trái phép: Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm: a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153 (Tội buôn lậu), 154 (Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới) , 155 ( Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm) , 156 ( Tội sản xuất, buôn bán hàng giả) , 157 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh) , 158 (Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi), 160 ( Tội đầu cơ), 161( Tội trốn thuế), 164 (Tội làm tem giả, vé giả, tội buôn bán tem giả, vé giả), 193 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy), 194 (Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy), 195 (Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy), 196 (Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy), 230 (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự), 232 (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ), 233 ( Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ), 236 ( Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ) và 238 (Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc), chưa được xoá án tích mà còn vi phạm; b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Mạo nhận một tổ chức không có thật; Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên; Thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.

Như vậy, kinh doanh trái phép là hành vi thực hiện các giao dịch kinh doanh nhưng không đăng ký, kinh doanh không đúng đăng ký và không xin giấy phép với cơ quan chủ quản Nhà nước về giao dịch đó. Với quy định khung hình phạt tù đến 2 năm thì đây là tội phạm ít nghiêm trọng. Trước đó, BLHS năm 1985 quy định mức phạt tù trong tội Kinh doanh trái phép đến 7 năm tù.

Về tội danh này, năm 2016 TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đã xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt hai bị cáo thuộc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Ánh Dương là  Nguyễn Thanh Trình 1 năm tù treo, Trần Tuấn Anh 9 tháng tù treo cùng về tội kinh doanh trái phép. Ngoài ra, tòa còn phạt Trình hơn 1 tỉ đồng về tội trốn thuế.

2.Tội Báo cáo sai trong quản lý kinh tế

Điều 167 BLHS năm 1999 quy định: Người nào vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những số liệu, tài liệu rõ ràng không đúng sự thật gây hậu quả nghiêm trọng cho việc xây dựng hay thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội của Nhà nước hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, một người bị coi là phạm tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế khi họ vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những số liệu, tài liệu rõ ràng không đúng sự thật gây hậu quả nghiêm trọng cho việc xây dựng hay thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội của Nhà nước hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

3.Tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

Điều 165 BLHS năm 1999 quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100.000.000 đến dưới 300.000.000 hoặc dưới 100.000.000 đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Hình phạt cao nhất là 20 năm tù nếu gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, tội cố ý làm trái được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trong điều luật cũng xác định rõ yếu tố vụ lợi không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm mà chỉ là tình tiết tăng nặng định khung đối với hành vi phạm tội. Tội phạm cố ý làm trái không những xâm phạm sự hoạt động quản lý kinh tế đúng đắn của Nhà nước mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất cho xã hội. Cho nên, bên cạnh các mức hình phạt tù quy định ở các khung, nhà làm luật còn cho phép có thể áp dụng hình phạt bổ sung.

Tội danh này đã được áp dụng để điều tra, truy tố, xét xử nhiều đối tượng trong những năm qua như vụ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin); vụ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Vụ Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng (VNCB); vụ  Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank; vụ Công ty cổ phần dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh…  và mới đây nhất, là khởi tố vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

4.Tội Hoạt động phỉ

Điều 83 BLHS năm 1999 quy định: Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp phá tài sản sẽ bị kết tội Hoạt động phỉ. Người tổ chức, hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng bị phạt tù 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người có vai trò đồng phạm bị phạt tù từ năm năm đến 15 năm.

Hành vi hoạt động phỉ là hành vi hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, nơi tập trung đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại khó khăn, các đối tượng dễ tập trung lôi kéo đồng bào tham gia với các hành vi như giết người, cướp phá tài sản gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ở những địa bàn quan trọng về an ninh quốc gia.

Thực tiễn quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm ở Việt Nam từ khi BLHS năm 1999 có hiệu lực đến nay cho thấy việc phát hiện và xử lý những đối tượng hoạt động phỉ là không nhiều. Do đó, tội danh này được bãi bỏ trong BLHS 2015 nhưng hành vi hoạt động phỉ đã đưa  vào cấu thành một số tội phạm cụ thể như: Tội Bạo loạn (Điều 112), tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113)…

5.Tội Tảo hôn

Điều 148 BLHS năm 1999 quy định: Người nào có một trong các hành vi tổ chức việc kết hôn cho những người chưa đến tuổi kết hôn; Cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Tội phạm này xâm phạm đến nguyên tắc cơ bản của Luật hôn nhân gia đình là việc kết hôn của nam nữ phải tuân thủ điều kiện kết hôn về tuổi kết hôn.

Đối với tội tổ chức tảo hôn, hành vi phạm tội là hành vi (của bố, mẹ hoặc người  có trách nhiệm) tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho những người mà mình biết rõ là chưa đủ tuổi kết hôn theo luật định. Người thực hiện hành vi nói trên sẽ bị coi là đã phạm tội này khi lễ thành hôn được thực hiện sau khi đã có quyết định xử phạt hành chính về hành vi này.

Đối với tội tảo hôn, hành vi phạm tội là hành vi duy trì quan hệ vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án chấm dứt quan hệ đó; Đã bị xử phạt hành chính về hành vi tảo hôn trước đó và đã có bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án xử tiêu hôn buộc chấm dứt quan hệ đó; Người phạm tội vẫn duy trì quan hệ vợ chồng bất hợp pháp với người chưa đến tuổi kết hôn.

Người thực hiện hành vi nói trên sẽ bị coi là phạm tội tảo hôn khi vẫn tiếp tục duy trì quan hệ hôn nhân bất hợp pháp mặc dù đã bị xử phạt hành chính và đã có bản án có hiệu lực pháp luật xử tiêu hôn.

Thực tế hiện nay, hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn còn diễn ra phức tạp tại những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ví dụ ở TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, chỉ tính riêng xã Cam Thịnh Tây, trong vòng 2 năm trở lại đây đã có 47 trường hợp tảo hôn do người Raglai quan niệm con gái 18-19 tuổi mà chưa lấy chồng thì coi như ế. Theo phong tục của người Raglai, con gái được quyền bắt rể nên thường lấy chồng sớm và các cặp vợ chồng trẻ con này sống với nhau chủ yếu theo lệ làng.

Đáng lo ngại là ngay cả cán bộ cũng vi phạm, gần đây dư luận xôn xao vụ ông Chủ tịch xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau mượn cả trụ sở ủy ban xã để tổ chức lễ cưới cho con gái vừa học xong lớp 10 (mới 16 tuổi), còn chàng rể chỉ học trên một lớp. Hay vụ ông Phó Chủ tịch xã Hương Quang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đã phải đứng ra tổ chức đám cưới cho con trai (21 tuổi) và cô dâu Đoàn Thị T. mới 14 tuổi.

Do đó, từ ngày 1/1/2018, người có hành vi tảo hôn sẽ không bị xử lý nhưng BLHS năm 2015 vẫn quy trách nhiệm hình sự với người có hành vi tổ chức tảo hôn bằng việc quy định tội Tổ chức tảo hôn tại Điều 183.

6.Tội Đăng ký kết hôn trái pháp luật

Điều 149 BLHS năm 1999 định nghĩa người nào có trách nhiệm trong việc đăng ký kết hôn biết rõ là người xin đăng ký không đủ điều kiện kết hôn mà vẫn đăng ký cho người đó, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 108 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi, xác định cha, mẹ, con trái pháp luật; vi phạm thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi; không thực hiện yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình hoặc có các hành vi khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Tuy nhiên, trong thực tế những trường hợp bị truy tố, xét xử về tội danh này rất ít.

7.Tội Vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

Theo Điều 170 BLHS năm 1999, người nào có thẩm quyền trong việc cấp văn bằng bảo hộ mà vi phạm quy định của pháp luật về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Hình phạt cao nhất của tội này là 7 năm tù.

BLHS năm 2015 đã bỏ tội danh này vì hiện nay, với cơ chế tố tụng hành chính, khi người có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà vi phạm quy định của pháp luật về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, gây thiệt hại cho các tổ chức và cá nhân thì các chủ thể quyền có thể khởi kiện vụ án hành chính nhằm xem xét tính hợp pháp của các quyết định hành chính và hành vi hành chính trong lĩnh vực này.

Thực tế trong những năm vừa qua, đã có một số vụ việc các chủ thể quyền đã kiện Cục sở hữu trí tuệ ra trước toà hành chính về các quyết định cấp văn bằng bảo hộ hay không cấp văn bằng bảo hộ. Một số vụ án người khởi kiện đã thắng kiện cơ quan chức năng.

8.Tội làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên

Điều 319 BLHS năm 1999 quy định người nào trong quan hệ công tác mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc hành hung người chỉ huy hay cấp trên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.  Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Chủ thể của tội danh này là các quân nhân tại ngũ, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, công dân được trưng tập vào phục vụ trong quân đội, dân quân, tự vệ phối thuộc với quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.

Hành vi này xâm phạm vào quan hệ phục tùng đối với chỉ huy hoặc cấp trên, ngoài ra hành vi còn xâm phạm đến uy tín danh dự, nhân phẩm của của người chỉ huy hay cấp trên. Hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc hành hung người chỉ huy hay cấp trên có thể bằng lời nói, cử chỉ hành động thô tục… làm cho người chỉ huy hoặc cấp trên bị hạ nhục. Hành vi tấn công người chỉ huy hoặc cấp trên là hành vi dùng vũ lực tấn công người chỉ huy… nhưng chưa gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe mà làm giảm uy tín của người chỉ huy, cấp trên. Hành vi này chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi xảy ra trong quan hệ công tác.

9.Tội làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới

Điều 320 BLHS năm 1999 quy định người nào trong quan hệ công tác mà xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3  năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ  2 năm đến 7 năm.

Chủ thể của tội danh này là chỉ huy cấp trên, người có trách nhiệm quản lý, giáo dục, đào tạo trong quân đội, có hành vi xâm phạm vào quan hệ đúng đắn giữa chỉ huy hoặc chiến sĩ giữa cấp trên với cấp dưới, xâm phạm đến danh dự nhân phẩm sức khỏe của chiến sĩ cấp dưới. Hành vi làm nhục cấp dưới là hành vi dùng các cử chỉ lời nói , hành động thô tục của người chỉ huy, cấp trên đối với chiến sĩ, cấp dưới của mình làm hạ thấp phẩm giá, danh dự của họ

Hành vi dùng nhục hình đối với cấp dưới là hành vi của chỉ huy cấp trên dùng các biện pháp trái luật để hành hạ, đầy ải, gây đau khổ về thể xác và tinh thần như  bắt nhịn ăn, quỳ, phơi nắng, lao động khổ sai…

Hành vi này chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi xảy ra trong quan hệ công tác.

10.Tội sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng

Điều 178 BLHS năm 1999 quy định:  Người nào có trách nhiệm mà dùng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ chia lợi tức cổ phần gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Đây là tội danh có chủ thể đặc biệt, là người có trách nhiệm đối với việc sử dụng quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng để chia lợi tức cổ phần, xâm hại các quy định của nhà nước về hoạt động tín dụng.

11. Tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính

Điều 269 BLHS năm 1999, quy định người nào cố ý không chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính mặc dù đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Chủ thể của tội này là người đang có trách nhiệm thực hiện các quyết định hành chính. Hành vi không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính bằng cách không nhận quyết định, bỏ trốn, khỏi nơi cư trú… dù đã bị cơ quan có thẩm quyền tổ chức truy tìm bắt, lưu giữ để buộc phải chấp hành.

Ảnh: Các bị cáo thuộc Vinashin bị xét xử về tội Cố ý làm trái

 

MINH KHÔI