Bảo đảm quyền lợi người gửi tiền

Một trong những đạo Luật vừa được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức Tín dụng. Những sửa đổi bổ sung lần này nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành các tổ chức tín dụng (TCTD); minh bạch hóa; xử lý các ngân hàng yếu kém. Một trong những điểm mới xuyên suốt là bảo đảm cao nhất quyền lợi của người gửi tiền, giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Chủ trương này cũng được cụ thể hóa trong Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”.

Điểm mới của Luật

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, Luật đã  bổ sung 32 điều, bổ sung mới 28 điều; Điều 2 về điều khoản thi hành; Điều 3 về quy định chuyển tiếp.

Luật sửa đổi, bổ sung khái niệm về người có liên quan, đồng thời bổ sung giải thích một số thuật ngữ về xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt được sử dụng trong Luật. Thứ hai, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật các TCTD liên quan đến nâng cao năng lực quản trị điều hành. Bao gồm: bổ sung thêm trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ (điểm h khoản 1 Điều 33); bổ sung thêm trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ đối với chức danh Chủ tịch Hội đồng Quản trị/ Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của TCTD (khoản 4 vào Điều 34) nhằm hạn chế lạm dụng quyền để thực hiện hoạt động đầu tư, cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường, tạo rủi ro lớn cho hoạt động của TCTD; Sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện đối với các chức danh thành viên Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của TCTD (khoản 1 và khoản 4 Điều 50); bổ sung quy định về chấp thuận danh sách nhân sự người quản trị, người điều hành kiểm soát dự kiến của Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Hợp tác xã (Khoản 2 Điều 75); Bổ sung quy định TCTD phải thông báo cho NHNN thông tin về lợi ích liên quan của người quản lý, người điều hành TCTD (khoản 4 vào Điều 39).

Luật quy định nhằm minh bạch hóa nguồn vốn góp, ngăn ngừa, hạn chế sở hữu chéo. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung như sau:

(i) Bổ sung quy định yêu cầu cổ đông phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần tại TCTD; không được sử dụng nguồn vốn do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của TCTD; không được góp vốn, mua cổ phần của TCTD dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác (điểm c khoản 1 Điều 54).

(ii) Bổ sung quy định hạn chế một cổ đông lớn và người có liên quan tại một TCTD không được sở hữu từ 5% vốn điều lệ tại TCTD khác (khoản 3 Điều 55).

(iii) Sửa đổi, bổ sung quy định về không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng và giới hạn cấp tín dụng tại Điều 126, 127 và 128 Luật Các TCTD.

Luật đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý TCTD yếu kém.

(i) Bổ sung Điều 130a quy định về áp dụng biện pháp can thiệp sớm để xử lý sớm TCTD có dấu hiệu yếu kém nhưng chưa đến mức phải kiểm soát đặc biệt nhằm hạn chế TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yếu kém mới phát sinh.

(ii) Sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm soát đặc biệt (Mục 1 Chương VIII) nhằm xử lý vướng mắc, bất cập trong quá trình NHNN kiểm soát TCTD trên thực tế thời gian vừa qua, cụ thể: Bổ sung thêm trường hợp xem xét đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt; Bổ sung quy định phân định thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN trong việc quyết định chủ trương, phê duyệt phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt; sửa đổi, bổ sung quy định về chấm dứt kiểm soát đặc biệt; trách nhiệm quyền hạn của NHNN, Ban kiểm soát đặc biệt, các cơ quan quản trị, điều hành của TCTD được kiểm soát đặc biệt; sửa đổi, bổ sung quy định về khoản vay đặc biệt; bổ sung quy định về quản trị, điều hành và hoạt động của TCTD được kiểm soát đặc biệt.

(iii) Bổ sung Mục 1a vào sau Mục 1 Chương VIII về nội dung liên quan đến đánh giá thực trạng và quyết định chủ trương cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt để bảo đảm việc xem xét lựa chọn phương án xử lý phù hợp với thực trạng của từng TCTD, trong đó quy định cụ thể quy trình đánh giá, đối tượng đề xuất, thẩm quyền phê duyệt chủ trương phù hợp với từng TCTD được kiểm soát đặc biệt dựa trên kết quả đánh giá tổng thể thực trạng của TCTD này.

Về quy định chuyển tiếp, Luật có quy định về xử lý chuyển tiếp đối với các TCTD đã được kiểm soát đặc biệt trước ngày Luật có hiệu lực, đồng thời quy định về xử lý chuyển tiếp đối với người quản trị, điều hành do thay đổi điều kiện về tiêu chuẩn người quản trị, điều hành của TCTD, về cấp tín dụng và về trường hợp sở hữu cổ phần vượt mức theo quy định.

NHNN đang khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật để có thể ban hành trong thời gian sớm nhất.

Xử lý nợ xấu

Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020” (Quyết định số 1058/QĐ-TTg) với mục tiêu tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Theo đề án, quá trình tái cơ cấu gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng những hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định và an toàn hệ thống; giảm số lượng TCTD yếu kém để có số lượng các TCTD phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản.

Đề án nêu rõ: “Bổ sung quy định cho phép BHTG Việt Nam được tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; trước mắt, tập trung đối với Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, cũng như bảo vệ quyền lợi của tổ chức và cá nhân gửi tiền”. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đầu mối nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan theo hướng: Quy định cụ thể để bảo đảm tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý các TCTD yếu kém phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đồng thời tiệm cận với thông lệ quốc tế. Bổ sung các quy định về tăng cường xử lý sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của TCTD, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong hoạt động ngân hàng và cho phép BHTG Việt Nam được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, bổ sung nội dung cho phép BHTG Việt Nam được tham gia sâu hơn vào cơ cấu lại TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.

Mục tiêu giữ ổn định các TCTD là kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực của ngành NH ở giai đoạn 1 của Đề án tái cơ cấu các TCTD (2011-2015), kể cả ở những thời điểm có một số TCTD khó khăn. Đến thời điểm này, các ngân hàng đang hoạt động tích cực và có nhiều biện pháp triển khai quyết liệt tiếp theo.

NHNN đã và đang triển khai giai đoạn 2 tái cơ cấu các TCTD theo Quyết định 1058 của Chính phủ. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Khi triển khai đề án này, trên nền tảng những kết quả của giai đoạn 1, NHNN đã và đang tích cực xây dựng các đề án phê duyệt cho từng ngân hàng, kể cả các ngân hàng lành mạnh cũng như các ngân hàng còn đang có những khó khăn.

Với đề án này, đặc biệt khi Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD vừa được thông qua sẽ là điều kiện pháp lý quan trọng cho các giải pháp, biện pháp thực hiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2 có được những kết quả tích cực trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu là một trong những dấu mốc quan trọng trong quá trình tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020. WB cũng nhận định, Nghị quyết 42 đã giải quyết được một số trở ngại để xử lý nợ xấu hiệu quả, bao gồm cả các biện pháp cải thiện để bên cho vay có khả năng thực thi hiệu lực đối với tài sản đảm bảo nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thu hồi tài sản thế chấp và giải chấp nợ xấu.

Trong quá trình tái cơ cấu các TCTD suốt thời gian qua, NHNN đặt ra nhiều nguyên tắc và mục tiêu. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, có hai nguyên tắc quan trọng và xuyên suốt trong cả tiến trình tái cơ cấu các TCTD. Thứ nhất, phải “đảm bảo cho sự ổn định hoạt động của mỗi TCTD, kể cả các TCTD yếu kém hiện nay. Và nguyên tắc đó cũng đã và đang được triển khai bằng nhiều giải pháp. Thứ hai, là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền”.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: “Tất cả người gửi tiền tại các TCTD, kể cả TCTD nhà nước cũng như TCTD cổ phần, Quỹ Tín dụng nhân dân cũng đều được đảm bảo quyền lợi chính đáng. Đây cũng là chỉ đạo, chủ trương của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ để đảm bảo cho quyền lợi chính đáng của người dân gửi tiền tại các TCTD”.

Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD là một quá trình thường xuyên, liên tục. Với những kết quả, nỗ lực mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong năm 2017 sẽ tạo nền tảng vững chắc cho bước phát triển, đổi mới của ngành trong thời gian tiếp theo.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội gần đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng khẳng định: “Trong bất cứ trường hợp nào xử lý các phương án đối với các TCTD thì mục tiêu đầu tiên phải đảm bảo là an ninh kinh tế, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, giữ được lòng tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Bất cứ khi nào chọn bất cứ giải pháp nào thì mục tiêu đó phải được đảm bảo”. Thống đốc cũng nhấn mạnh, trong những tình huống khác nhau, có những giải pháp và chính sách khác nhau, còn mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành là luôn phải đảm bảo an toàn, lòng tin, quyền và lợi ích của người gửi tiền.

THÁI VŨ