Chủ tịch nước: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam để phát huy những giá trị tiến bộ, phục vụ phát triển đất nước”

Ngày 11/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tổ chức Hội thảo "Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa". Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội thảo.

Cùng chủ trì hội thảo còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong 6 tháng qua, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã triển khai rất khẩn trương nhiều hoạt động, huy động các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị tham gia nghiên cứu, tổng kết, đề xuất các vấn đề thuộc nội dung của Nghị quyết (theo 27 chuyên đề). Theo kế hoạch xây dựng Đề án, dự kiến sẽ có 3 cuộc hội thảo được tổ chức và đây là cuộc hội thảo thứ nhất với mục đích làm rõ hơn, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn – những vấn đề cốt lõi đang đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thủ tướng nêu rõ, tư tưởng về nhà nước pháp quyền hiện đại là một giá trị, một thành tựu của nhân loại về phương thức tổ chức và hoạt động của nhà nước. Giá trị cốt lõi và đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền đã được Karl Marx và Engels kế thừa và phát triển sâu sắc theo quan điểm khoa học và cách mạng, nhất là xây dựng một nhà nước kiểu mới hợp hiến, hợp pháp, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tính tối thượng của hiến pháp và pháp luật, triệt để giải phóng con người, đề cao vai trò chủ thể và vị trí trung tâm của con người, bảo vệ quyền con người.

Ở Việt Nam, ngay từ những buổi đầu thành lập Nhà nước công nông đầu tiên, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một Nhà nước kiểu mới “Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”, một Nhà nước của dân, do dân, vì dân đã được hình thành.

Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ trì hội thảo

Từ những giá trị phổ biến, phổ quát về nhà nước pháp quyền trong lịch sử tư tưởng nhân loại, được kiểm chứng trong quá trình phát triển của các nhà nước trên thế giới, nhất là xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu khách quan của sự nghiệp đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chính thức xác định Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo là một trong 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng. Hiến pháp năm 2013 (Điều 2) khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Mới đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”. Nghị quyết Đại hội XIII cũng xác định rất rõ việc phát huy giá trị con người Việt Nam, con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển.

Để hiện thực hóa chủ trương, quan điểm trên, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm lãnh đạo và tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, định hình rõ hơn và tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đến nay, hệ thống pháp quyền của chúng ta đã được hoàn thiện một bước cơ bản, vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng. Cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày càng rõ hơn và có chuyển biến tích cực. Bộ máy Nhà nước từng bước được sắp xếp lại theo theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, quyền con người, quyền công dân ngày càng được tôn trọng, bảo đảm.

“Có thể thấy, ở nước ta, những giá trị tiến bộ, nhân văn của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa từng bước được thực hiện, góp phần quan trọng bồi đắp, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước và tương lai tươi sáng của đất nước chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đã thẳng thắn chỉ rõ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới. Biểu hiện cụ thể là hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, đồng bộ, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ.

Phân công, phân cấp, phân quyền còn không ít bất hợp lý, vướng mắc. Thủ tướng nêu rõ, việc phân công, phân cấp, phân quyền nếu không đi cùng việc phân bổ nguồn lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì không đạt hiệu quả cao.

Việc chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm, kỷ cương phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ. Việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân vẫn còn hạn chế. Bộ máy chính quyền một số nơi còn quan liêu. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Cải cách bộ máy nhà nước, nhất là cải cách hành chính, cải cách tư pháp còn chậm, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước chưa cao, nhất là việc thực thi pháp luật.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận thẳng thắn, làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra đối với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đề xuất được những giải pháp mới có tính đột phá, giúp Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu đưa vào đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào cuối năm 2022.

Thủ tướng tin tưởng rằng, với tinh thần bám sát thực tiễn, khách quan, khoa học, trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, các nhà quản lý, cán bộ làm công tác thực tiễn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước ta hiện nay, hội thảo sẽ đạt được những mục tiêu đề ra và tích cực phục vụ cho việc nghiên cứu đề án.

Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc về vào những vấn đề về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thời gian qua, nhất là những vấn đề về Đảng cầm quyền trong thiết chế nhà nước pháp quyền; về quyền con người, quyền công dân; về bảo đảm chủ quyền nhân dân; về cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; về kiểm soát quyền lực nhà nước; về bảo vệ Hiến pháp; về mối quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, dân chủ XHCN… 

Các đại biểu thảo luận sôi nổi

GS.TSKH Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương “Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật. Giá trị đối với xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; GS.TSKH Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Luật học, giảng viên cao cấp Khoa Luật - Đại hội Quốc gia Hà Nội “Tính phổ biến và tính đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội “Quyền lực Nhà nước và kiểm soát quyền lực Nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; GS.TS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam “Tư duy mới xây dựng “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; GS.TS Nguyễn Minh Đoan, nguyên Chủ nhiệm Khoa Pháp luật Hành chính Nhà nước, Đại học Luật Hà Nội “Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”…

Phải bảo đảm sự độc lập của quyền tư pháp

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự tham gia đầy đủ, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học đã dành thời gian, tâm huyết nghiên cứu, thảo luận tại Hội thảo.

Chủ tịch nước nhấn mạnh nhà nước pháp quyền là một vấn đề không mới, đây là tri thức, giá trị tiến bộ của nhân loại đã được đúc kết và khẳng định qua lịch sử hàng trăm năm. Ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu rất sâu sắc của các nhà khoa học được công bố, giúp chúng ta hình thành được một hệ thống tư liệu khá phong phú, toàn diện về nhà nước pháp quyền và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Đây là cơ sở rất thuận lợi cho việc nghiên cứu xây dựng Đề án.

Theo Chủ tịch nước, “Pháp quyền”, “Nhà nước pháp quyền”  là những giá trị có tính phổ quát trên thế giới, cả trong nghiên cứu lý luận và thực tiễn chính trị - pháp lý. Những tư tưởng, giá trị phổ biến và tiến bộ của nhà nước pháp quyền đó là đề cao vai trò của pháp luật trong tương quan của nó với quyền lực của nhà nước. Theo đó, nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, chịu sự ràng buộc của pháp luật; tư tưởng về chủ quyền nhân dân với tính cách là nguồn gốc tính chính đáng, tính hợp pháp của nhà nước; đề cao các giá trị công bằng, công lý, quyền con người. Để biến những ý tưởng, tư tưởng, giá trị phổ biến, được thừa nhận chung của nhà nước pháp quyền vào thực tiễn tổ chức và hoạt động của nhà nước và xã hội, đòi hỏi phải có hiến pháp và sự thượng tôn hiến pháp; tính minh bạch của pháp luật và của việc thực hiện pháp luật; pháp luật phải dễ tiếp cận và được thực hiện kịp thời, phải có sự phân quyền, phân công, phối hợp quyền lực nhà nước, trong đó phải bảo đảm sự độc lập của quyền tư pháp.

Ở Việt Nam, những giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền về chủ quyền nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới từ những ngày đầu lập nước; trở thành tư tưởng xuyên suốt của cách mạng Việt Nam; thể hiện trong nhiều bài viết, bài nói chuyện của Hồ Chí Minh, trong Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của đất nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời của Bác Hồ về tính dân chủ: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra”. Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa xác định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” và “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật”. Bằng chứng rõ ràng, đầy đủ nhất về quan điểm nhà nước pháp quyền của Đảng, Nhà nước ta thể hiện trong Cương lĩnh 1991 (bổ sung và phát triển năm 2011) và các văn kiện của Đảng và Hiến pháp đều khẳng định, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực, giúp chúng ta đạt được những thành tựu to lớn trong 30 năm qua và sẽ tiếp tục là mục tiêu, động lực quan trọng để chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước vươn tới tự do, hạnh phúc, tiến bộ.

“Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam mà chúng ta đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện có đầy đủ cơ sở khoa học lý luận và thực tiễn, là sự vận dụng sáng tạo, hợp lý tri thức về nhà nước pháp quyền của thế giới vào thực tiễn Việt Nam, vừa mang đầy đủ những giá trị phổ quát, chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền, vừa mang những nét đặc thù chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Đó là sự đổi mới tư duy lý luận về nhà nước của Đảng ta, từ tư duy lý luận về nhà nước chuyên chính vô sản sang tư duy lý luận về nhà nước pháp quyền XHCN”, Chủ tịch nước khẳng định.

Theo đó, các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam xác định nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể quyền lực của Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp và pháp luật có vị trí, hiệu lực cao nhất không chỉ đối với xã hội, mà ngay cả trong tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước, là cơ sở của quyền lực nhà nước.

Quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tôn trọng các cam kết quốc tế với tư cách là một thành viên. Nâng cao trách nhiệm pháp lý trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân. Quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ; dân chủ gắn liền với kỷ cương.

Thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.  

Chủ tịch nước chỉ rõ, các đặc trưng cơ bản đó của Đảng về nhà nước pháp quyền xã hội  chủ nghĩa được cụ thể hoá và từng bước được làm rõ hơn, sâu sắc hơn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền ở nước ta và được bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội, đặc biệt được thể chế hoá đầy đủ, hệ thống trong Hiến pháp 2013. “Có thể khẳng định, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là quy luật phát triển tất yếu của Nhà nước Việt Nam, là ước mơ, khát vọng và sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với các xu hướng phát triển nhà nước trên thế giới, đã được Đảng ta cân nhắc kỹ lưỡng. Trong điều kiện bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có những biến đổi to lớn, toàn diện và sâu sắc hiện nay, chúng ta tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam để phát huy những giá trị tiến bộ, phục vụ phát triển đất nước là yêu cầu cấp thiết”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Nội dung của Hội thảo hôm nay có ý nghĩa rất thiết thực, giúp nhận diện rõ hơn về cấu trúc, các thành tố và mối quan hệ giữa chúng của mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, từ đó định hướng, xác định những bước đi, giai đoạn phù hợp cho quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời gian tới”.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội thảo.

MINH KHÔI