Công lý như ánh sáng mùa xuân

Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Như thế, nhiệm vụ đầu tiên của Tòa án là bảo vệ công lý…

Nhiệm vụ đầu tiên của Tòa án  là bảo vệ công lý. Bởi vì xã hội cần công lý, như vạn vật, cây cỏ cần ánh sáng mặt trời, nếu không có công lý thì xã hội sẽ tăm tối, chìm đắm trong bất công và mất niềm tin.

Ở Trung Hoa xưa có truyền thuyết về con giải trãi, loại thú có một sừng biết phân biệt phải trái, rất chính trực, chỉ húc những kẻ không ngay thẳng, nên nhà Hán theo ý ấy mà gọi mũ các quan là mũ giải trãi, giải quan. Có lẽ từ chữ giải ấy mà có từ “giải oan”, nghĩa là cởi hết oan khiên, trừ hết oan ức.

Ở phương Tây, nữ thần công lý là một nhân vật được cách điệu hóa để trở thành một biểu tượng của công lý, pháp luật hay xét xử trong hệ thống tư pháp. Nữ thần công lý đã được khắc hoạ với ba đặc trưng: Cầm một thanh gươm biểu tượng cho quyền lực cưỡng chế, quyền uy của Toà án; Một chiếc cân để phân định thiện ác, biểu tượng cho lẽ phải, sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị; Một chiếc khăn bịt mắt tượng trưng cho ý tưởng công lý không bị tác động từ bên ngoài.

Người dân Việt không mấy ai hiểu những điển cố, biểu tượng sâu xa đó nhưng ai cũng hiểu công  lý là cái lẽ đời phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của cả cộng đồng. Trong đó, đạo lý là đạo làm người, những cái lẽ hợp với khuôn phép, với chuẩn mực đạo đức xã hội. Do đó, trong cư xử, người Việt luôn quan niệm: “Phải trái phân minh/ Nghĩa tình trọn vẹn”, “Nói phải củ cải cũng phải nghe”, “Cây ngay không sợ chết đứng”, “Khôn chẳng qua lẽ, khỏe chẳng qua lời”, “Dù cho đất đổi trời thay/ Trăm năm vẫn giữ lòng ngay với đời”, “Của phi nghĩa có giàu đâu/ Ở cho ngay thật giàu sang mới bền”…

Nhiều người đã xem bộ phim Trung Quốc “Thu Cúc đi kiện”, nhân vật chính do Củng Lợi thủ vai. Thu Cúc là một nông dân sống tại vùng nông thôn cùng chồng là Khánh Lai. Cô đang có thai. Một ngày nọ, chồng cô cùng trưởng thôn xảy ra mâu thuẫn do hiểu lầm, trưởng thôn đá mạnh vào bộ hạ của chồng cô. Cú đá mạnh tới nỗi Khánh Lai phải nghỉ việc vài ngày để gặp bác sĩ.

Thu Cúc tới gặp cảnh sát địa phương để đòi công lý, trưởng thôn phải bồi thường 200 tệ cho Thu Cúc. Trưởng thôn ném tờ 200 tệ xuống đất và không chịu xin lỗi. Thu Cúc không chịu, cô cùng với em gái của chồng lên thành phố và gặp công an huyện. Tiền bồi thường của trưởng thôn tăng lên 250 tệ, nhưng trưởng thôn vẫn không chịu nhận lỗi. Thu Cúc bèn quay lại thành phố và tìm luật sư. Vụ án được xem xét lại, nhưng mức bồi thường vẫn là 250 tệ. Thu Cúc bất mãn với kết quả vụ kiện và quyết định đi gặp những người ở cấp cao hơn để kiện tụng.

Thời gian thấm thoát trôi qua và mùa đông tới. Nhờ sự giúp đỡ của trưởng thôn, Thu Cúc hạ sinh một bé trai khỏe mạnh và sau một tháng, cô tổ chức tiệc mừng đầy tháng cho con. Thu Cúc mời cả trưởng thôn nhưng ông không đến. Cảnh sát địa phương thông báo rằng trưởng thôn đã bị bắt sau khi họ xem xét phim chụp của chồng cô có một chiếc xương sườn bị gãy. Đến cuối phim, Thu Cúc cố đuổi theo xe cảnh sát để ngăn chặn, nhưng đã quá muộn.

Bộ phim đơn sơ nhưng thể hiện xuất sắc khát vọng công lý của người dân, dù họ là những nông dân nghèo ở một vùng quê xa thành phố. Với Thu Cúc, cô có thể chịu đựng được gian khổ, vất vả, nhưng không chịu được bất công. Cô bỏ nhiều thời gian, công sức để đi tìm công lý, nhưng cuối phim cô muốn tha thứ cho trưởng thôn, cũng vì công lý. Tuy nhiên lúc này pháp luật thực thi vai trò của nó.

Do đó, không phải đến Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Tòa án năm 2014, công lý mới được xác định. Điều thứ 47 Sắc lệnh 13 ngày 24/1/1946 quy định: “Toà án Tư pháp sẽ độc lập đối với các cơ quan hành chính. Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc Tư pháp”. Như vậy, Sắc lệnh quy định Thẩm phán phải tuân theo cả pháp luật và công lý, không thể tách rời.

Vì sao đã có pháp luật lại còn phải tuân theo công lý dường như khá mơ hồ ? Thật ra, công lý và pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ, tương đồng càng cao thì càng gần đến lý tưởng. Ai cũng biết rằng, pháp luật là tổng hợp các quy tắc xử sự chung có tính bắt buộc do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế. Như vậy, bản thân pháp luật đã bao hàm công lý, nhưng do bản chất của pháp luật mang tính giai cấp, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, là công cụ của giai cấp thống trị nên nó khác biệt với công lý. Có những xã hội pháp luật xa rời công lý, thậm chí trái ngược với công lý, gây ra bất công, oan ức.

Trong khi đó, công lý không mang tính giai cấp, công lý mang tính xã hội, được cộng đồng hun đúc, chắt lọc và tôn trọng từ đời này qua đời khác nên mang tính bền vững, trở thành chuẩn mực cả xã hội đề cao và hướng tới. Do đó, công lý cao hơn luật pháp và luật pháp không có công lý, công bằng thì không phải là luật pháp theo đúng nghĩa của nó.

Công lý thiêng liêng, cao cả như thế nhưng công lý không có sức mạnh cưỡng chế. Do đó, pháp luật lại là lá chắn, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ công bằng và lẽ phải. Vì thế mà người ta nói: “Công lý không có sự nâng đỡ của luật pháp sẽ trở lên yếu đuối, mờ nhạt. Luật pháp không dựa trên các giá trị của công lý sẽ trở lên tàn bạo, hà khắc”. Người dân mong mỏi pháp luật phải chứa đựng những giá trị nhân đạo, nhân văn, công bằng, bảo vệ các quyền con người.

Vấn đề đặt ra là làm sao để Thẩm phán, để Tòa án xét xử bảo đảm cả chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực công lý mà Hiến pháp đã trao cho họ, mà nói một cách giản dị là “thấu tình, đạt lý”? Để Tòa án là nơi mà mọi người, mọi công dân khi có mâu thuẫn, tranh chấp, khi quyền lợi bị xâm phạm tìm đến để tìm sự thật khách quan, đến công bằng, công lý?

Nói đến Tòa án là nói đến nội dung cốt lõi nhất, đó là chất lượng xét xử. Thực tế xét xử cho thấy dù cố gắng đến đâu vẫn có những bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán, thỉnh thoảng lại một vụ án oan sai nghiêm trọng được phát hiện, như vậy là công lý không được bảo vệ, các quyền con người bị xâm phạm và niềm tin vào Tòa án của người dân bị sa sút. Nếu người dân mất niềm tin vào Tòa án, vào Nhà nước thì ẩn chứa những nguy cơ bất ổn nghiêm trọng, khiến người dân có thể tự xử, bất chấp pháp luật.

Với yêu cầu có một đội ngũ Thẩm phán giỏi chuyên môn và đạo đức trong sáng, Tòa án nhân dân tối cao những năm qua đã có nhiều giải pháp nâng cao năng lực của Thẩm phán, của cán bộ Tòa án, cũng như đã ban hành chuẩn mực đạo đức và ứng xử của Thẩm phán. Những chuẩn mực này yêu cầu các Thẩm phán phải thực hiện nhiệm vụ một cách vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật; đòi hỏi các Thẩm phán phải trở thành biểu tượng của đạo đức, thanh liêm, tuân thủ những nguyên tắc của Hiến pháp về hoạt động tư pháp … Tuy nhiên, bên cạnh những quy định ngày càng chặt chẽ đó, cốt lõi vẫn là sự gìn giữ chuẩn mực đạo đức của mỗi cá nhân Thẩm phán, mỗi cán bộ Tòa án. Aleksandr Solzhenitsyn là nhà văn, nhà viết kịch của Liên Xô và Liên bang Nga đoạt giải Nobel Văn học năm 1970 từng nói: “Công lý là lương tâm, không phải lương tâm cá nhân mà là lương tâm của toàn bộ nhân loại. Những ai nhận thức rõ ràng giọng nói của lương tâm chính mình thường cũng nhận ra giọng nói của công lý”. Mỗi công dân đứng trước Tòa án là gửi gắm niềm tin tưởng và hy vọng không chỉ vào pháp luật mà vào lương tâm của mỗi Thẩm phán.

Khi Thẩm phán phán xử, bên cạnh những quy định của pháp luật, nhận thức pháp luật, đánh giá chứng cứ, còn cần đến sự mẫn cảm của trái tim để phán quyết đúng đắn, khách quan, không oan sai và không chậm trễ.

Người dân cần công lý, như cây cỏ cần ánh sáng mùa xuân…

VŨ CHÂN THƯ