CPTPP chính thức có hiệu lực từ 2019: Sửa đổi pháp luật vừa tuân thủ cam kết, vừa mang lại lợi ích tốt nhất cho đất nước

Quá trình sửa đổi pháp luật lúc này không chỉ đơn thuần là việc đưa cam kết CPTPP vào thành quy định pháp luật nội địa, mà còn là quá trình phân tích cam kết, nhận diện đầy đủ các phương án khả thi, sau đó tham vấn, trao đổi để lựa chọn phương án thích hợp nhất với chúng ta. Đây là công việc không dễ dàng, đòi hỏi không chỉ năng lực chuyên môn mà còn có cả cái tâm của người hoạch định chính sách…

Nhiều chuyên gia đánh giá, CPTPP là một hiệp định tiêu chuẩn cao nhất từ trước tới nay mà Việt Nam ký kết, tham gia. Vì vậy, chương trình hành động thực thi Hiệp định này cũng phải đạt những chuẩn mực cao nhất, nhằm tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, mang lại lợi ích lớn nhất cho đất nước, doanh nghiệp và người dân. Để có cơ sở đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP đối với hệ thống pháp luật Việt Nam, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan rà soát các luật, pháp lệnh, nghị định hiện hành và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Để có cái nhìn tổng quan và sâu hơn về những vấn đề pháp lý liên quan đến Hiệp định quan trọng này, Phóng viên Tạp chí Pháp lý đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Phóng viên: Thưa bà, CPTPP chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2019. Khi triển khai thực hiện, Việt Nam sẽ phải sửa đổi nhiều quy định pháp luật trong nhiều lĩnh vực. Theo bà, những quy định quan trọng nào sẽ phải gấp rút sửa đổi? Việc sửa đổi các luật liên quan cần thực hiện thế nào để vừa tuân thủ các cam kết của CTPPP, vừa mang lại lợi ích tốt nhất cho Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, CPTPP bao gồm nhiều cam kết mới về quy tắc, thể chế, những cam kết tác động tới hệ thống pháp luật trong nước. Do đó, khi thực thi CPTPP, hệ thống các văn bản pháp luật của chúng ta trong nhiều lĩnh vực sẽ cần được điều chỉnh cho phù hợp với cam kết, ví dụ như sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, lao động…

 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI

Mặc dù vậy, điều này không có nghĩa là tất cả các lĩnh vực pháp luật nội địa liên quan tới các khía cạnh có cam kết đều sẽ phải sửa đổi. Có những cam kết dù khác biệt với pháp luật nội địa nhưng chỉ dành cho các đối tác CPTPP, đủ rõ đủ chi tiết và được Quốc hội quyết định áp dụng trực tiếp, do đó không đòi hỏi sửa pháp luật nội địa.

Có những cam kết có lộ trình, Việt Nam chỉ phải thực hiện sau một vài năm (khi kết thúc lộ trình cụ thể). Do đó vào thời điểm này, việc sửa đổi pháp luật thực thi CPTPP tập trung vào các cam kết áp dụng chung và có hiệu lực ngay. Rà soát của các cơ quan Chính phủ cho thấy trước mắt chúng ta sẽ phải sửa đổi một số các quy định trong pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật lao động, an toàn thực phẩm…

Việc sửa đổi các quy định pháp luật nội địa thực thi CPTPP trước hết là nhằm bảo đảm tuân thủ đúng các cam kết trong CPTPP. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng các cam kết CPTPP có nhiều khoảng không gian khá rộng để giải thích, lựa chọn cách thức thực thi thích hợp. Vì vậy, quá trình sửa đổi pháp luật lúc này không chỉ đơn thuần là việc đưa cam kết CPTPP vào thành quy định pháp luật nội địa, mà còn là quá trình phân tích cam kết, nhận diện đầy đủ các phương án khả dĩ, sau đó tham vấn, trao đổi để lựa chọn phương án thích hợp nhất với chúng ta. Đây là công việc không dễ dàng, đòi hỏi không chỉ năng lực chuyên môn mà còn có cả cái tâm của người hoạch định chính sách, cũng cần thiết phải có sự chủ động tham gia ý kiến của các chủ thể chịu tác động như các doanh nghiệp, người dân…

Sức ép lớn về cải cách thể chế cũng là yêu cầu bắt buộc khi Việt Nam chấp nhận tham gia vào một sân chơi chung như CPTPP. Tuy nhiên, vấn đề minh bạch trong nhiều hoạt động kinh tế, trong đó có mua sắm công và hoạt động doanh nghiệp nhà nước vẫn còn rất nhiều tồn tại. Vậy, theo bà, đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Minh bạch là một cam kết lớn trong CPTPP. Mặc dù vậy, không có cam kết minh bạch chung chung, mà là những cam kết về các nghĩa vụ minh bạch cụ thể trong từng khía cạnh.

Ví dụ trong chương về doanh nghiệp Nhà nước, yêu cầu minh bạch thể hiện qua cam kết về việc công khai danh sách các doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện điều chỉnh của CPTPP. Minh bạch trong mua sắm công thể hiện qua các yêu cầu về cách thức, thời gian, hồ sơ, quyền được phản hồi/khiếu nại… trong quá trình đấu thầu các gói thầu thuộc phạm vi CPTPP đề cập…Nghĩa vụ minh bạch cũng có trong nhiều nội dung khác của CPTPP như hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, cạnh tranh…

Không ít các yêu cầu minh bạch này chỉ phải áp dụng riêng cho một số trường hợp cụ thể. Do đó, nếu chỉ nhìn minh bạch như là một nghĩa vụ bắt buộc trong CPTPP thì có lẽ sức ép để cải cách hiện trạng có thể sẽ không lớn.

Quan trọng hơn, chúng ta cần nhìn minh bạch như là một cách thức quan trọng để cải cách thể chế nói chung, không chỉ nhằm tuân thủ CPTPP mà để gia tăng hiệu quả của bộ máy thể chế.

Tôi nghĩ giải pháp để minh bạch hóa không khó, đặc biệt trong thời đại công nghệ số, công nghiệp 4.0 như hiện nay. Cái khó là làm sao để vượt qua được thói quen cũ của bộ máy, vượt qua được những sự phản kháng của những chủ thể cục bộ vốn được lợi từ sự thiếu minh bạch. Minh bạch hóa cần một sự thực tâm. Minh bạch hóa cần sự triển khai đồng bộ, triệt để và toàn diện.

Thưa bà, một trong những thách thức của CPTPP là lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin. Việt Nam đã ký thư song phương với các thành viên CPTPP về các nghĩa vụ Tự do lưu chuyển thông tin và Yêu cầu đặt máy chủ tại nước sở tại trong 2 điều khoản thuộc Chương Thương mại điện tử. Trước thách thức như vậy, Việt Nam cần xây dựng kế hoạch và biện pháp thực thi những văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc lưu chuyển thông tin và đặt máy chủ tại Việt Nam như thế nào, để vừa bảo đảm an ninh quốc gia nhưng cũng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thương mại số trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy kinh tế số?

Có lẽ trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải hiểu một cách chính xác hơn về cam kết liên quan tới lưu chuyển thông tin và đặt máy chủ. Trong CPTPP, cam kết này chỉ liên quan tới vấn đề thương mại điện tử, không phải cam kết về vấn đề an toàn, an ninh mạng nói chung.

Về nội dung, các cam kết này trong Chương Thương mại điện tử của CPTPP yêu cầu các nước thành viên trong lĩnh vực thương mại điện tử phải bảo đảm tự do lưu chuyển thông tin và không được đòi hỏi phải đặt máy chủ tại nước sở tại. Tuy nhiên, cam kết này cũng cho phép các nước thành viên có thể áp dụng các biện pháp không phù hợp với các yêu cầu trên, nếu để thực hiện các mục tiêu công cộng chính đáng, và miễn là các biện pháp đó được áp dụng theo cách không phân biệt đối xử và không vượt quá mức cần thiết.

Ngoài cam kết chung (áp dụng cho mọi thành viên CPTPP), Việt Nam còn có cam kết riêng thể hiện trong Thư song phương với 10 thành viên CPTPP về vấn đề này. Các Thư song phương này có nội dung tương tự nhau, đều là cam kết của các Thành viên khác với Việt Nam rằng ngay cả khi Việt Nam vi phạm nghĩa vụ về tự do lưu chuyển thông tin và đặt máy chủ thì cũng sẽ không kiện Việt Nam theo thủ tục giải quyết tranh chấp trong CPTPP trong vòng 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

 

Vấn đề đáng quan tâm là chất lượng lao động – Ảnh NLD

 

Với những nội dung cam kết như trên, việc thực thi CPTPP ở khía cạnh này như thế nào sẽ phụ thuộc rất lớn vào cách tiếp cận và lựa chọn của các cơ quan Chính phủ và các chủ thể trong thương mại điện tử, cũng như mức độ ảnh hưởng tới các lợi ích công cộng liên quan. Theo tôi được biết, Chính phủ đang soạn thảo Kế hoạch hành động thực thi CPTPP nói chung, trong đó có thực thi các cam kết liên quan tới Chương Thương mại điện tử. Và việc thực thi các cam kết này sẽ là cả một quá trình dài chứ không phải ngày một ngày hai.

Tới đây, khi CPTPP có hiệu lực, có thể sẽ có những tranh chấp về kinh tế quốc tế xảy ra. Từ thực tế việc tham gia vào quá trình giải quyết những tranh chấp kinh tế quốc tế của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, bà có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng của Việt Nam?

Trong đầu tư quốc tế, đúng là tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan Nhà nước nơi nhận đầu tư có thể nảy sinh bất kỳ khi nào.

Có một điều chắc chắn, đó là CPTPP có một cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế bằng trọng tài quốc tế rất đặc thù, với nhiều quy định ràng buộc liên quan tới quyền khởi kiện, phạm vi khởi kiện cũng như các trình tự thủ tục bắt buộc tuân thủ. Do đó, nếu trong quá trình thực thi CPTPP xảy ra tranh chấp đầu tư quốc tế thuộc diện điều chỉnh, việc giải quyết tranh chấp đó sẽ phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của CPTPP.

Tôi cũng muốn lưu ý thêm rằng theo cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của CPTPP không có vai trò của cơ quan tài phán trong nước, bởi việc xét xử được thực hiện bởi trọng tài quốc tế độc lập theo các quy tắc của CPTPP chứ không phải Tòa án hay cơ quan hành chính trong nước. Do đó, nếu xảy ra tranh chấp đầu tư quốc tế theo CPTPP, vấn đề quan trọng không phải là năng lực của cơ quan tài phán Việt Nam, mà là khả năng chuyên môn của các cơ quan Nhà nước đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp đó trước trọng tài quốc tế.

Hiện tại, đã có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Vấn đề còn lại là làm thế nào để cơ chế này vận hành hiệu quả, để các cơ quan tham gia đều phát huy tối đa trách nhiệm và năng lực của mình, qua đó đạt được kết quả ít thiệt hại nhất của Chính phủ trong các vụ kiện này.

Theo phaply.vn

 

Theo thuyết minh của Chính phủ, không phải tất cả các cam kết trong Hiệp định CPTPP đều dẫn tới việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật. Để thực thi cam kết trong CPTPP, Việt Nam phải điều chỉnh, sửa đổi một số quy định pháp luật về thương mại, hải quan, sở hữu trí tuệ, lao động… Sức ép sửa đổi pháp luật để tuân thủ những chuẩn mực mới của Hiệp định là có, nhưng không lớn và sẽ vượt qua được. Bởi những cam kết khó nhất, đòi hỏi nguồn lực thực thi lớn (như trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ), đã được 11 nước “tạm hoãn.” Nhiều cam kết tuy mới, nhưng lại phù hợp hoàn toàn với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước Việt Nam, như trong lĩnh vực mua sắm của Chính phủ, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa…


Để bảo đảm thực thi Hiệp định CPTPP có hiệu quả, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ cần xây dựng và triển khai chương trình hành động, ít nhất đáp ứng ba yêu cầu cơ bản. Một là phải bao gồm đầy đủ các nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật cần thiết không chỉ để tuân thủ các cam kết trong Hiệp định, mà còn để ứng phó với các thách thức và tận dụng được các cơ hội mở ra; Hai là phải dự kiến được các phương án cụ thể để thực thi Hiệp định một cách vừa nghiêm túc vừa có lợi nhất, không chỉ cần tuân thủ mà còn phải biết chủ động vận dụng theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì lợi ích của doanh nghiệp, quốc gia, dân tộc; Ba là Chương trình hành động thực thi Hiệp định cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.


CPTPP – hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, được ký vào rạng sáng 9/3 (giờ Hà Nội) tại thủ đô Santiago de Chile của Chile. CPTPP sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12/2018, hiệp định này được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.

NGUYỄN HÒA