Đã có hướng dẫn thế nào là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, một số nội dung của Chỉ thị, nhất là khái niệm hàng hóa thiết yếu còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu. Trước tình hình đó, Bộ Công thương đã có Văn bản số 4481/BCT-TTTN gưit tới các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu

Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các địa phương rà soát, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu như sau:

 Nhóm thực phẩm

Các mặt hàng theo danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, cụ thể:

Nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, đá thực phẩm (nước đá dùng liền và nước đá dùng để chế biến thực phẩm); Thực phẩm chức năng; Các vi chất bổ sung vào thực phẩm; Phụ gia, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm...

Các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn:

Ngũ cốc đã sơ chế, chế biến (xay xát, cắt, tách vỏ, tách cám, dạng mảnh, nảy mầm, xử lý nhiệt,...), Thịt và các sản phẩm từ thịt dạng tươi, ướp đá, giữ mát, đông lạnh (nguyên con, pha lọc, cắt lát, mảnh, xay, viên,...), Phụ phẩm ăn được của gia súc, gia cầm (nội tạng, xương, chân, cổ, cánh, mỡ, máu,...), Sản phẩm chế biến từ thịt và phụ phẩm ăn của gia súc, gia cầm (khô, hun khói, đồ hộp, xử lý nhiệt, ướp muối, collagen, gelatin..,), Thủy sản và sản phẩm thủy sản (bao gồm các loài lưỡng cư), Thủy sản sống, tươi, ướp đá, bảo quản lạnh (dạng nguyên con, sơ chế, fillet, xay, viên, cắt lát, bóc vỏ, cán mỏng,...), Phụ phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm (da, vây, bóng, mỡ, gan, trứng,... của các loài thủy sản), Mỡ và dầu có nguồn gốc từ thủy sản được tinh chế hoặc chưa tinh chế dùng làm thực phẩm, Sản phẩm thủy sản phối trộn với bột, tinh bột, bao bột, sữa chế biến, dầu thực vật (bao gồm cả phồng tôm, cá, mực,...)Rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả…

Một số danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương như nước giải khát dùng ngay, các sảnphẩm từ sữa, các loại dầu thực vật, tinh bột…
 Thuộc các phụ lục II, III, và mục 3, 4, 5, 6, 7, 8 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm, cụ thể tại Phụ lục gửi kèm);

Nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất (bao gồm các mặt hàng như sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...);

Nhóm nhiên liệu, năng lượng (như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than...);

Ngoài ra là các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất triển khai.

Trước đó, tại Công văn số 4349/BCT-TTTN ngày 21 tháng 7 năm 2021, Bộ Công Thương cũng đã đề nghị Sở Công Thương tham khảo các văn bản liên quan trong quá trình đề xuất, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu (nếu cần thiết) như: Theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Luật Giá năm 2012: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”.

HẢI HÀ