Đà Nẵng: Chất lượng xét xử ngày một nâng cao, là điểm sáng đáng ghi nhận

Chiều 23/11, Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với TAND hai cấp TP Đà Nẵng để chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp cuối năm 2022 của HĐND TP Đà Nẵng.

Ông Lương Công Tuấn-Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng chủ trì buổi làm việc. Về phía TAND TP. Đà Nẵng có Chánh án Nguyễn Thị Cảnh và các Phó Chánh án Trần Đình Quảng, Nguyễn Anh Tuấn, Lê Tự Sinh.

Tại buổi làm việc, TAND TP Đà Nẵng đã báo cáo với Ban Pháp chế tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2022, một số kiến nghị với HĐND thành phố và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của TAND hai cấp TP Đà Nẵng. Theo đó, trong năm 2022 TAND hai cấp thành phố thụ lý 9.660 vụ, việc. Bao gồm 7.088 vụ, việc các loại; 735 hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án; 1.837 hồ sơ thi hành án hình sự (So với năm 2021, thụ lý tăng 468 vụ việc, tỷ lệ tăng là 5,1%); đã giải quyết 9.076 vụ, việc, đạt tỷ lệ 93,95%. Số bản án, quyết định bị hủy do nguyên nhân chủ quan là 14 vụ, chiếm tỷ lệ 0,15%; số án bị sửa do nguyên nhân chủ quan là 11,5 vụ, chiếm tỷ lệ 0,13 %.

 

Bà Nguyễn Thị Cảnh - Chánh án TAND TP Đà Nẵng 

Tòa án hai cấp thụ lý 1.172 vụ việc gồm: 829 hồ sơ các loại án, 41 hồ sơ khiếu nại xử lý hành chính, 302 hồ sơ thi hành án hình sự. Đã giải quyết 1.081 vụ việc, đạt tỷ lệ là 92,2%. TAND các quận huyện thụ lý 8.488 vụ, việc gồm: 6.529 vụ việc các loại án, 694 hồ sơ xử lý hành chính tại Tòa án, 1.535 hồ sơ thi hành án hình sự. Đã giải quyết 8.995 vụ, việc, đạt tỷ lệ là 94,2%.

Bên cạnh đó việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật; không có oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. So với năm 2021, số lượng thụ lý các vụ án liên quan đến loại tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, tội phạm về ma túy, trộm cắp tài sản, tội cướp tài sản, cướp giật có giảm nhưng không đáng kể; các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội liên quan đến xuất nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép tăng .

Tòa án hai cấp cũng đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh 9/9 vụ án tham nhũng, vụ án phức tạp, nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm. Mức án xử phạt đối với các bị cáo đảm bảo tính nghiêm minh, răn đe, phòng ngừa tội phạm; góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 Với án ma túy, mặc dù giảm số vụ thụ lý so với năm 2021, nhưng lại tăng số bị cáo, tính chất vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, khối lượng ma tuý các đối tượng vận chuyển, mua bán lớn. Trong năm 2022 TAND thành phố đã thụ lý 17 vụ án ma túy lớn, HĐXX đã tuyên phạt 6 bị cáo án tử hình, 8 bị cáo án chung thân và 29 bị cáo bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm tù.

TAND thành phố cũng đẩy mạnh các hoạt dộng khác được triển khai đồng bộ và hiệu quả, hoàn thành tốt các chỉ tiêu về cải cách tư pháp (hòa giải, đối thoại, xét xử trực tuyến, đăng tải bản án .v.v.)

Năm 2022, TAND hai cấp TP đã chủ động đề ra các giải pháp, nhiệm vụ phù hợp với tình hình mới. Tỷ lệ giải quyết các loại án đều đạt, vượt chỉ tiêu mà Quốc hội, TANDTC giao. Số án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chiếm tỷ lệ thấp so với quy định tại Nghị quyết của Quốc hội và của TANDTC. Không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của đương sự.

Đặc biệt đã triển khai kịp thời có hiệu quả việc xét xử trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Tòa án được tăng cường.

Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn trong công tác thực hiện tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội, chưa triển khai được việc lắp đặt các thiết bị để tổ chức xét xử trực tuyến.

Thời gian tới TAND phối hợp với các đơn vị liên quan (Công an thành phố, Trại tạm giam, nhà tạm giữ, VKSND thành phố, Trung tâm trợ giúp pháp lý…v.v) để tiếp tục thực hiện việc tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến và tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng giải quyết xét xử các loại án.

Tại buổi làm việc với Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, Chánh án TAND TP Đà Nẵng đã nêu lên một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác năm 2023. Trong đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại. Đặc biệt, kiên quyết không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, giảm số lượng án hủy, sửa do lỗi chủ quan; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết án của Thẩm phán, rút kinh nghiệm, khắc phục kịp thời các sai sót nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, đồng thời kiến nghị các cơ quan, đơn vị liên quan (CATP và Công an các quận huyện, UBND các quận huyện, Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố...) quan tâm lắp đặt các hệ thống thiết bị đường truyền để phối hợp với Tòa án trong việc tổ chức xét xử trực tuyến. Kiến nghị HĐND thành phố, UBND thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí cho TAND thành phố và các đơn vị TAND các quận trực thuộc để tạo điều kiện cho TAND hai cấp thực hiện tốt công tác giải quyết, xét xử các loại án phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, đề nghị quan tâm xem xét bố trí đất cho TAND quận Cẩm Lệ để xây dựng trụ sở mới; trên cơ sở đó TAND thành phố báo cáo, trình TAND tối cao xem xét cấp kinh phí xây dựng, đảm bảo tốt cho hoạt động của TAND quận Cẩm Lệ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Ban Pháp chế đánh giá cao kết quả công tác của TAND hai cấp TP Đà Nẵng. Đặc biệt, không cố tình bỏ lọt tội phạm và đặc biệt không có án oan sai. Tỷ lệ giải quyết và chất lượng xét xử ngày một nâng cao, điều này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Tòa án, đây là điểm sáng đáng ghi nhận. Các vụ án lớn về tham ô, tham nhũng đã được đưa ra xét xử và đã có những bản án nghiêm khắc, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đối với án hành chính, Ban Pháp chế đề nghị Tòa án cần đanh giá thêm về tình hình, những khó khăn, kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan quản lý Nhà nước. Đối với án hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan cần phân tích rõ và nêu ra giải pháp căn cơ hơn. Đối với những kiến nghị của TAND hai cấp TP Đà Nẵng, Ban Pháp chế sẽ ghi nhận và báo cáo lãnh đạo thành phố xem xét.

 

 

Quang cảnh buổi làm việc.

 

 

Tin ảnh: LƯƠNG NGHIỆP