Đại hội đồng AIPA – 43 với chủ đề “Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững

Sáng 21/11, Đại hội đồng AIPA – 43 với chủ đề “Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững” sẽ chính thức khai mạc tại Thủ đô Phnom Penh. Đây là Đại hội đồng đầu tiên của AIPA được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau hơn 2 năm đại dịch Covid – 19.

Tối 20/11, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên Nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo Quốc hội/Nghị viện thành viên AIPA đã tham dự Phiên họp Ban Chấp hành AIPA.

Với sự có mặt của Lãnh đạo, Trưởng đoàn các nước thành viên AIPA, tại Phiên họp, Ban Chấp hành AIPA đã thảo luận và thông qua chương trình hoạt động của Đại hội đồng AIPA - 43; thành phần Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA, Nghị sỹ trẻ, các Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tổ chức, Đối thoại với Quan sát viên, Thông cáo chung; thời gian và địa điểm tổ chức Đại hội đồng AIPA – 44.

Chủ đề của Đại hội đồng lần này phù hợp với Chủ đề chung của ASEAN năm nay là “ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức”, thể hiện thông điệp xuyên suốt của AIPA và mong muốn của nước chủ nhà Campuchia đẩy mạnh xây dựng một cộng đồng đồng đều, vững mạnh và bao trùm, phù hợp với tinh thần cốt lõi của ASEAN cùng nhau hướng tới một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển và liên kết khu vực, phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội, sự tham gia của phụ nữ và thanh niên vào kiến tạo và duy trì hoà bình và phát triển, đẩy mạnh giao lưu nhân dân.

Theo chương trình nghị sự, Đại hội đồng lần thứ 43 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề về: Hoà bình, an ninh, chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của ASEAN; Tăng cường ngoại giao nghị viện về an ninh hàng hải, thúc đẩy ổn định khu vực ở Đông Nam Á; Thúc đẩy hợp tác nghị viện vì sự tăng trưởng kinh tế bao trùm và bền vững thông qua cách tiếp cận tích hợp các tiêu chí Môi trường, Xã Hội và Quản trị (ESG); Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong chuyển đổi kỹ thuật số và thúc đẩy du lịch, phục hồi kinh tế; Tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số để bảo vệ xã hội toàn diện; Tăng cường bảo vệ sức khỏe xã hội để giải quyết các thách thức trong ASEAN; Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vì sự phục hồi bền vững, bao trùm và tự cường sau COVID-19; Nâng cao vai trò của nữ nghị sĩ trong việc đẩy mạnh chương trình nghị sự về phụ nữ, hoà bình và an ninh; Phát huy sự tham gia của thanh niên vì một cộng đồng ASEAN thịnh vượng và phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ tham dự các hoạt động chính trong khuôn khổ Đại hội Đồng AIPA-43 và có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể thứ nhất của Đại hội đồng AIPA-43.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới thăm Đại sứ quán Việt Nam và gặp gỡ cộng động người Việt Nam tại Campuchia

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tới thăm Đại sứ quán Việt Nam và gặp gỡ cộng động người Việt Nam tại Campuchia. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã dành nhiều thời gian để lắng nghe trao đổi, chia sẻ và kiến nghị từ các đại diện cộng đồng người Việt Nam Campuchia, nhất là việc hỗ trợ pháp lý, tạo công ăn việc làm cho bà con tại nước sở tại.  

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cuộc gặp mặt bà con tại Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia là cuộc tiếp xúc cử tri ngay sau thành công của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia có lịch sử hình thành lâu đời và là cộng đồng người Việt ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn nhất vì nhiều lý do khách quan và chủ quan. Do vậy, tại các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao của Campuchia, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị phía Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người gốc Việt sinh sống, làm ăn ổn định, hợp pháp, có lộ trình di dời bà con sinh sống trên sông nước một cách hợp lý, bố trí khu tái định cư với các điều kiện cơ sở hạ tầng, an sinh cơ bản, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ gia đình thuộc diện phải di dời. Về tái định cư và sinh kế, Thủ tướng Hunsen rất ủng hộ sáng kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản trên cạn và đề xuất Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư cả nhà may sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ nuôi trồng thủy sản trên cạn. Dự kiến những dự án này sẽ tạo thêm sinh kế, công ăn việc làm cho bà con.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ vưỡng mắc trong giải quyết giấy tờ pháp lý để đẩy nhanh việc nhập quốc tịch cho những người dân có đủ điều kiện. Thủ tướng Campuchia trong hội đàm với các nhà Lãnh đạo Việt Nam cũng cho biết là cứ có thời gian 7 năm sống làm việc liên tục ở Campuchia là có quyền được nhập quốc tịch. Năm nay, Campuchia đã nhập quốc tịch cho khoảng 100 người, trong đó có công dân Việt Nam. Vì vậy, các cơ quan của Đại sứ quán cần tìm hiểu rõ các quy định của bạn,  hỗ trợ bà con về thủ tục, pháp lý, đảm bảo thủ tục pháp lý và ổn định cuộc sống tại Campuchia.

PVA