ĐÌNH CHỈ HAY CÔNG NHẬN SỰ THỎA THUẬN?

Hiện nay, nhiều Tòa án nhân dân (TAND) địa phương đang rất lúng túng đối với các vụ án ly hôn khi Tòa án hòa giải vợ chồng thống nhất đoàn tụ nhưng nguyên đơn không rút đơn khởi kiện….

          Trong thực tiễn, về trường hợp này, hiện nay đang có các cách giải quyết như sau[1]:

        – Cách giải quyết thứ nhất, Tòa án tiến hành lập biên bản hòa giải đoàn tụ thành, sau thời hạn 7 ngày nếu các bên không thay đổi ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự đoàn tụ; về án phí đương sự phải chịu là 50% mức án phí ly hôn trước khi mở phiên tòa là 150.000 đồng;

      – Cách giải quyết thứ hai, Tòa án áp dụng tương tự quy định tại khoản 3[2] Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 (trường hợp hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ trong giải quyết việc hôn nhân và gia đình) để đình chỉ giải quyết vụ án[3] và trả lại cho đương sự toàn bộ tiền tạm ứng án phí (tương tự trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện) nhưng lại có Tòa án quyết định sung tiền tạm ứng án phí vào công quỹ nhà nước (tương tự xử lý tạm ứng lệ phí khi đình chỉ việc dân sự).

       Có thể thấy, với cách giải quyết thứ nhất thì phù hợp với sự thật khách quan của vụ án, đó là kết quả hòa giải thành vụ án dân sự nhưng hậu quả để lại là quyền khởi kiện lại của đương sự bị ảnh hưởng, bởi lẽ, rõ ràng nếu sau đó nguyên đơn của vụ án trước làm đơn xin ly hôn, cùng đương sự, cùng tranh chấp… Vấn đề đặt ra là Tòa án xử lý thế nào khi đang tồn tại một quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự đoàn tụ, quyết định này đang có hiệu lực pháp luật và đã giải quyết vụ án này.

       Với cách giải quyết thứ hai thì bảo đảm được quyền khởi kiện lại của đương sự nhưng việc Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm h khoản 1 Điều 217 BLTTDS (các trường hợp khác theo quy định của pháp luật).

       Tuy nhiên, dù giải quyết theo cách nào thì việc xử lý tiền tạm ứng án phí cũng là thiếu căn cứ pháp lý, bởi lẽ: Nếu trả lại tiền tạm ứng án phí cho nguyên đơn thì BLTTDS 2015 và Nghị quyết 326/2016/NQ – UBTVQH14 không có quy định xử lý tiền tạm ứng án phí khi đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217; nếu sung công quỹ (tương tự như trong việc hôn nhân và gia đình) thì cũng không phù hợp vì bản chất của lệ phí và án phí là khác nhau.

       Như vậy, dù Tòa án xử lý theo cách nào thì các cách xử lý nêu trên cũng chỉ mang tính chất tình huống và đều thiếu căn cứ pháp lý. Do đó, để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong TAND, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự HĐTP TANDTC cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về vấn đề này.

        Về vướng mắc nêu trên, hiện nay cũng có hai quan điểm đề xuất hướng dẫn như sau:

       – Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải, các đương sự thỏa thuận đoàn tụ, Tòa án lập biên bản hòa giải đoàn tụ thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của BLTTDS. Về án phí, các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 7 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/NQ – UBTVQH14.

       Bên cạnh đó, điểm d khoản 3 Điều 192 của BLTTDS quy định đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Có thể thấy đây là một điểm “quét” và cũng cần phải nhấn mạnh quy định của khoản này là “pháp luật”. Pháp luật ở đây bao gồm cả luật và văn bản dưới luật, trong đó có Nghị quyết của HĐTP TANDTC. Do đó để có căn cứ pháp lý, HĐTP TAND cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn đây là trường hợp đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 192 của BLTTDS.

      – Quan điểm thứ hai cho rằng, điểm h khoản 1 Điều 217 của BLTTDS quy định sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự “trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Đây là cũng là một điểm “quét” và “pháp luật” ở đây cũng bao gồm cả luật và văn bản dưới luật, trong đó có Nghị quyết của HĐTP TANDTC.

      Do đó, để có căn cứ pháp lý, HĐTP TANDTC cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn đây là trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 của BLTTDS.

      Qua nghiên cứu, tác giả nghiêng về quan điểm thứ nhất vì đó là sự thật khách quan kết quả giải quyết vụ án và cũng xử lý được trọn vẹn cả về án phí cũng như quyền khởi kiện lại của của đương sự.

      Nếu theo quan điểm thứ hai thì sẽ không giải quyết được vấn đề xử lý tiền tạm ứng án phí vì BLTTDS 2015 cũng như Nghị quyết số 326/2016/NQ – UBTVQH14 đều không có quy định về xử lý tiền tạm ứng án phí trong trường hợp Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 của BLTTDS. Trong khi đó, quy định về án phí, lệ phí Tòa án thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hơn nữa, chờ đợi sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 326/2016/NQ – UBTVQH14 để bổ sung việc xử lý tiền tiền tạm ứng án phí là cả vấn đề lớn, đó là về thời gian.

     Ngược dòng thời gian, có thể thấy vấn đề này đã được hướng dẫn tại khoản 7 Điều 8 của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP, theo đó, trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải đoàn tụ thành theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận về việc hòa giải đoàn tụ thành giữa các đương sự thuộc “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” được quyền khởi kiện. Cụ thể là, trong thời gian đoàn tụ, các đương sự lại phát sinh mâu thuẫn và có đơn xin ly hôn yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án căn cứ vào quy định về quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình để thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung[4]. Tuy nhiên, hướng dẫn này đã không được luật hóa vào BLTTDS 2015 và Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP đã hết hiệu lực thi hành.

      Vì vậy, để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật trong TAND, tháo gỡ vướng mắc trên được nhanh, đúng pháp luật, theo tác giả, HĐTP TANDTC cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn, cụ thể như sau:

“Đối với vụ án hôn nhân và gia đình  về ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải, trường hợp các đương sự thống nhất thỏa thuận đoàn tụ mà nguyên đơn không rút đơn khởi kiện thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của BLTTDS. Các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 7 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/NQ – UBTVQH14.

Trường hợp này, đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại.”

[1] Nguyễn Văn Dũng – Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Vướng mắc trong giải quyết vụ, việc hôn nhân và gia đình (Tạp chí Tòa án nhân dân số 19/2017, trang 44).

[2] Khoản 3 Điều 397 BLTTDS quy định:

“3. Trường hợp sau khi hòa giải, vợ, chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu của họ.”

[3] Đối với trường hợp này nếu Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì theo quy định điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 các đương sự không được quyền khởi kiện lại vụ án ly hôn.

[4] Khoản 7 Điều 8 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn:

“Người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 168 và các điểm c, e, g khoản 1 Điều 192 của BLTTDS và các văn bản pháp luật có quy định.

“Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” quy định tại điểm d khoản 3 Điều 168 của BLTTDS là các trường hợp trong BLTTDS chưa quy định nhưng đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc sau khi BLTTDS có hiệu lực thi hành mới được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau đó hoặc trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Ví dụ 1: Trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải đoàn tụ thành theo quy định tại Điều 88 của Luật Hôn nhân và Gia đình và đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận về việc hòa giải đoàn tụ thành giữa các đương sự. Trong thời gian đoàn tụ, các đương sự lại phát sinh mâu thuẫn và có đơn xin ly hôn yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án căn cứ vào Điều 85 của Luật Hôn nhân và Gia đình để thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung. ”

NGỌC TRÂM