Dừng xét xử lưu động

Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác Tòa án năm 2018, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, đã kết luận sẽ tiếp tục trình Quốc hội để từ năm 2018 dừng việc xét xử lưu động. Trước đó, ngày 6/11/2017, tại phiên họp Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đã kiến nghị Quốc hội xem xét bỏ quy định về chỉ tiêu tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động quy định tại Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Đây là bước tiến dài của tư pháp Việt Nam vì những nguyên tắc tố tụng đề cao quyền công dân, quyền con người.

Vai trò lịch sử

Xét xử lưu động là một hoạt động thường xuyên, liên tục của các cấp Tòa án suốt lịch sử hình thành và phát triển từ năm 1945 đến nay. Do điều kiện lúc bấy giờ, các trụ sở Tòa án còn eo hẹp, phải mượn những địa điểm công cộng để tổ chức phiên tòa. Phiên tòa đầu tiên của Tòa án Bắc Bộ xét xử tại Dinh Tổng đốc Hà Đông và sau đó đình La Khê được mượn làm địa điểm xét xử chính. Vụ xét xử đầu tiên của Tòa án Trung Bộ được tổ chức tại thành Nội kinh thành Huế…

Tuy nhiên, lý do và mục đích chính của xét xử lưu động là tuyên truyền pháp luật thông qua phiên tòa, vừa mang tính trừng trị tội phạm, vừa mang tính răn đe, cảnh báo, nhất là trong giai đoạn chiến tranh. Bằng việc theo dõi phiên tòa, người dân có thể hiểu được hành vi của bị cáo là sai pháp luật và bị pháp luật trừng trị, từ đó người dân biết tránh những hành vi tương tự, tránh vi phạm pháp luật. Những người dự phiên tòa sẽ là các tuyên truyền viên rất tốt để truyền đạt kiến thức pháp luật, thông tin vụ án mà họ tiếp nhận được đến với cộng đồng dân cư. Việc xét xử lưu động còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với cơ quan xét xử, củng cổ niềm tin vào pháp luật, vào chính quyền và Tòa án. Xét xử lưu động cũng thể hiện tính công khai, minh bạch, nhân dân có thể trực tiếp theo dõi, giám sát hoạt động tư pháp. Vì vậy, ở những vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, nhận thức pháp luật của nhân dân còn nhiều hạn chế, thì xét xử lưu động có ý nghĩa tích cực. 


Người dân theo dõi một phiên tòa xét xử lưu động -Ảnh PV

Do đó, xét xử lưu động mặc nhiên được coi là hoạt động cần thiết, bình thường, được khuyến khích từ trong nội bộ ngành Tòa án cũng như chính quyền địa phương các cấp. Mặc dù vậy, trong Hiến pháp, trong các bộ luật có liên quan không có quy định cụ thể về xét xử lưu động. Mãi đến Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 mới có quy định Tòa án nhân dân các cấp thông qua công tác xét xử tại trụ sở, lựa chọn các vụ án thích hợp có tính giáo dục cao để tổ chức xét xử lưu động nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cho người tham dự phiên tòa và nhân dân. Sau đó, Nghị quyết 37/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013 mới quy định: “Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các Tòa án tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa… Nâng tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự và tăng số vụ án hình sự xét xử lưu động; không để xảy ra trường hợp kết án oan người không phạm tội”…

Hạn chế của xét xử lưu động

1.Trước hết về phía các Tòa án, tổ chức phiên tòa lưu động ngoài trụ sở Tòa án là một nhiệm vụ rất khó khăn về nhiều phương diện. Vấn đề đầu tiên là không an toàn, Hội đồng xét xử phải đi xa, mang theo hồ sơ nên có thể có những bất trắc xảy ra, nhất là những vụ án mà các bị cáo là tội phạm mang tính băng nhóm.

Do phụ thuộc vào địa điểm địa phương bố trí  nên tính uy nghiêm của Tòa án trong nhiều trường hợp cũng không bảo đảm.

Xét xử lưu động tốn kém hơn xét xử tại trụ sở do tiền vận chuyển (quốc huy, vành móng ngựa, trang thiết bị âm thanh), tiền công tác phí, tiền huy động người hỗ trợ, bảo vệ… nên các địa phương thường phải hỗ trợ thêm kinh phí xét xử lưu động cho Tòa án.

Do xét xử lưu động, áp lực đám đông không thể nói không có tác động nhất định đến phán quyết của Hội đồng xét xử. Đã có ý kiến cho rằng những bản án được xét xử lưu động thường nặng hơn các bản án xét xử tại trụ sở Tòa án.

Một phiên tòa xét xử lưu động tại Sóc Trăng

Có một số địa phương xét xử lưu động không chỉ đối với án hình sự mà cả những vụ án dân sự, tuy nhiên, xét xử lưu động vụ án hình sự là chủ yếu. Trong các vụ án hình sự, xét xử lưu động mang đến nhiều bất lợi cho bị cáo.

Báo chí đã từng phản ánh, ngày 20/12/2013, TAND huyện Phú Ninh, Quảng Nam ra quyết định xét xử lưu động vụ án cưỡng đoạt tài sản đối với bị cáo Nguyễn Thanh Kỳ. Trước đó, do bị cáo tích cực khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo nên đã được cơ quan tố tụng cho tại ngoại chờ ngày xét xử. Một ngày trước phiên xử lưu động, UBND xã nơi anh Kỳ cư trú đã thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh về việc xét xử để bà con đến xem. Do xấu hổ, rồi áp lực từ gia đình, người thân, ngay đêm đó anh Kỳ đã uống thuốc độc tự tử, dẫn đến tử vong[1].

Một phiên tòa xét xử lưu động tại Đắk Lắc

Từ một trường hợp điển hình trên đây, có thể thấy xét xử lưu động gây tâm lý xấu hổ, bị làm nhục, lo lắng, sợ hãi cho bị cáo. Và nó còn làm tổn thương đến thân nhân bị cáo, cha mẹ, vợ, chồng, con cái, họ hàng của họ. Hậu quả tiếp theo là bị cáo khó hòa nhập cộng đồng, vì các phiên tòa xét xử lưu động thường tổ chức tại nơi cư trú của bị cáo.

Đối với người dự phiên tòa, là đối tượng mà các Tòa án hướng tới khi tổ chức xét xử lưu động, thì bên cạnh mặt tích cực là hiểu biết thêm về mặt pháp luật, cũng có những mặt trái mang tính tiêu cực. Đó là họ phải chứng kiến, nghe thuật lại chi tiết vụ án, trong đó có nhiều vụ án giết người gây hậu quả thảm khốc, ví dụ vụ tên Nguyễn Hải Dương sát hại 6 người tại Bình Phước có hàng ngàn người dự khán. Trong số người dự khán có đủ các lứa tuổi, thành phần, từ người già đến trẻ nhỏ, từ người dân bình thường đến những đối tượng hình sự… nên tác động của những thông tin đó đến mỗi đối tượng có sự khác nhau. Liệu những phương thức, thủ đoạn phạm tội được làm rõ tại phiên tòa có là bài học cho các đối tượng hình sự hay không? Những chi tiết về tội phạm xâm hại tình dục có tác động tiêu cực đến trẻ em hay không? Đó là những câu hỏi không thể không đặt ra.

Bước tiến dài về quyền con người

Chủ trương và đề xuất dừng xét xử lưu động của Tòa án nhân dân tối cao thể hiện tinh thần đề cao quyền con người, quyền công dân và cải cách tư pháp.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định tại Điều 31 rằng: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Như vậy, khi đưa một bị cáo ra xét xử, Hiến pháp xác định họ được coi là không có tội. Vì vậy, đưa họ về địa phương nơi cư trú để xét xử là một hình thức kết án trước cộng đồng, làm tổn thương danh dự, nhân phẩm của họ. Sau đó, nếu họ được kết án đúng người, đúng tội thì cũng gây khó khăn cho họ khi tái hòa nhập cộng đồng; ngược lại họ nếu bị kết án sai thì tiếng xấu họ phải gánh chịu cũng rất khó gột rửa.

Nguyên tắc của hoạt động tư pháp, trong mục đích của Nhà nước pháp quyền là bình đẳng, tôn trọng, bảo vệ quyền con người ngay cả khi họ bị buộc tội. Do đó, xét xử lưu động còn thể hiện sự không bình đẳng, khi có bị cáo được xét xử tại trụ sở, rất ít người dự khán, trong khi có những bị cáo bị xét xử lưu động trước cộng đồng.

Vì vậy, vì quyền lợi hợp pháp của các bị cáo, với nguyên tắc suy đoán vô tội, việc dừng xét xử lưu động là một đòi hỏi tất yếu.

Chủ trương này cũng thể hiện sự thích ứng của Tòa án với điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới. Trước đây, trình độ dân trí thấp, nhiều người không biết chữ thì xét xử lưu động mang đến cho họ trực quan sinh động là cần thiết. Đến nay, theo số liệu năm 2016, tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi 15-50 toàn quốc là 97,3%, trong độ tuổi 15-35 là 98,5%. Đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ tương ứng với 94,6% và 97,0%[2]. Dựa trên những thành tựu giáo dục này, sách báo là kênh thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật hữu hiệu nhất.

Một tiến bộ rất lớn khác là cơ sở hạ tầng kỹ thuật về phát thanh, truyền hình, internet tại Việt Nam hiện nay. Với sự tích hợp giữa các loại hình truyền thông như chữ viết, hình ảnh, video… thông tin đã có thể phủ khắp lãnh thổ Việt Nam. Những người dân ở vùng núi cao, vùng hải đảo cũng có thể theo dõi thông tin toàn cầu cũng như trong nước qua vô tuyến truyền hình, đài phát thanh hay điện thoại thông minh. Do đó, những phiên tòa cần tuyên truyền có thể lan tỏa trên phạm vi quốc gia, thậm chí quốc tế chứ không chỉ trong phạm vi những người dự phiên tòa lưu động.

Trong hệ thống Tòa án mới đây đã công khai bản án trên mạng Internet, tạo thuận lợi cho người dân truy cập thông tin về các vụ án họ quan tâm. Đây là kênh thông tin tạo cơ hội bình đẳng cho người dân tiếp cận Tòa án, tiếp cận công lý hết sức thuận lợi, dễ dàng.

Những thay đổi đó cũng tác động trở lại các Tòa án, buộc mỗi Tòa án phải thay đổi nhằm đáp ứng những tiêu chí mới mà TANDTC đã đề ra, cũng như đòi hỏi của nhân dân trong công cuộc phát triển đất nước hiện nay. Mỗi bản án đúng pháp luật, khách quan, toàn diện, thấu lý, đạt tình của Tòa án sẽ là những thông tin tích cực nâng cao vị thế của Tòa án và nâng cao nhận thức của người dân đối với pháp luật.

Cùng với công khai bản án; thay đổi phòng xét xử với vị trí công tố ngang với người bào chữa, bỏ vành móng ngựa; việc dừng xét xử lưu động là một dấu son mà hệ thống Tòa án đạt được, cụ thể hóa tinh thần đề cao quyền công dân, quyền con người mà Hiến pháp đã trân trọng ghi nhận.

Ảnh đầu bài: Xét xử lưu động tại Bình Phước – Ảnh PV

 

[1] http://baophapluat.vn/tranh-luan/nguoc-sang-tu-nhung-phien-toa-xu-luu-dong-276965.html

[2] https://laodong.vn/xa-hoi/973-dan-so-toan-quoc-biet-chu-415416.bld

 

THÁI VŨ