"Hội thánh của Đức Chúa Trời" - Ban Tôn giáo Chính phủ kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác

Những ngày qua, dư luận cả nước dấy lên nỗi lo ngại hoạt động của tà đạo "Hội thánh của Đức Chúa Trời" với giáo lý hoang đường, phi nhân bản bằng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, đe dọa khiến nhiều người u mê tin theo lâm vào tình cảnh bỏ bố mẹ, gia đình, nhiều gia đình ly tán, bỏ việc, bỏ học để đi theo tà đạo này.

“Hội thánh của Đức Chúa Trời” là gì?

“Hội Thánh Đức Chúa Trời” là phong trào tôn giáo xuất hiện năm 1985 tại Hàn Quốc, bởi cặp vợ chồng Kim Joo-cheol và Jang Gil-ja. Hội này phát triển từ Hội Thánh do Ahn Sahng-hong sáng lập năm 1964. Hội khẳng định Chúa Trời tái sinh trong hình hài con người, Ahn Sahng-hong là Đức Chúa Trời Cha và Jang Gil-ja là Đức Chúa Trời Mẹ.

Hội tuyên bố có khoảng 2 triệu thành viên từ 175 quốc gia. Tại nhiều nơi, hội khẳng định thành viên không phải đóng phí, chỉ tham gia các hoạt động công ích vì cộng đồng.

Ahn Sahng-hong tự nhận là Đức Chúa Trời Cha và Jang Gil-ja là Đức Chúa Trời Mẹ. Ảnh: Theolodudes.

Tuy nhiên, nhiều nạn nhân ở nhiều nước trên thế giới hay những người vừa thoát khỏi cám dỗ, lôi kéo của “Hội Thánh Đức Chúa Trời” ở Việt Nam hiện nay cho thấy họ đều được tuyên truyền luận điệu cho rằng thế giới sắp đến ngày tận thế có thể do bom nguyên tử của các nước lớn khi xảy ra chiến tranh, nếu ai vào Hội này sớm và cung phụng, làm theo những điều được sai khiến thì sẽ sớm được sống hạnh phúc không bệnh tật… Tín đồ được khuyên dành toàn bộ thời gian tham gia Hội, đóng góp 10% thu nhập và cấm tuyệt đối việc tham gia tôn giáo, tín ngưỡng khác, ngay cả thờ cúng tổ tiên. Đặc biệt là tà đạo này khuyến khích người ta từ bỏ gia đình, sở thích, tiền bạc, tin vào sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời để được lên thiên đường sau khi chết.

Nạn nhân sẽ được “ăn thịt Chúa”, “uống máu Chúa”, bằng bánh và rượu vang, được dội nước vào người để thanh tẩy.

Báo chí đã phản ánh về hậu quả là có nhiều gia đình tan nát, do nạn nhân về nhà đập bỏ bát hương, bàn thờ, không ăn đồ thờ cúng, bỏ cha mẹ, bỏ học hành, bỏ chồng con. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, sinh viên.

Theo News.Zing, ở Mỹ, nạn nhân Michelle Colon, một y tá ở New Jersey, nói “Hội Thánh Đức Chúa Trời” khuyến khích hội viên tách biệt với gia đình, bỏ học. Cô tham gia hội trong vòng hai năm và đã tỉnh ngộ từ 6 năm trước vì cho rằng bản thân bị tẩy não. Không những thế, Michelle cũng tuyên bố khởi kiện “Hội Thánh Đức Chúa Trời” vì sử dụng thuật thôi miên để lừa tiền, đồng thời ngăn thành viên tố giác các hành vi sai lầm, phạm pháp của hội.

Không chỉ Michelle, 6 cựu thành viên khác cũng chia sẻ với tờ People về “tội ác” của “Hội Thánh Đức Chúa Trời”.

“Nỗi sợ và tội lỗi dung dưỡng nhóm cuồng giáo này. Hội tẩy não thành viên bằng nỗi sợ rằng thế giới sẽ lụi tàn bất cứ lúc nào, khiến họ cảm thấy tội lỗi vì sống chưa đủ tốt trước ngày tận thế”, Michelle chia sẻ. Cô nói thêm trong thời gian tham gia “Hội Thánh Đức Chúa Trời”, cô được khuyến khích dành toàn bộ thời gian rảnh với hội và cấm tuyệt đối việc đặt chân vào nhà thờ khác.

Theo lời kể của các cựu thành viên, Hội Thánh can thiệp vào hôn nhân của hội viên, ép họ ly hôn nếu vợ/chồng họ không “cải đạo”, đồng thời sắp xếp để những người này kết hôn với thành viên từ Hàn Quốc. Họ khuyến khích phụ nữ phá thai.

Hiện nay tà đạo này đang lan tỏa, lôi kéo, tuyên truyền trên các địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Tp Hồ Chí Minh, An Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long… gây tâm lý lo lắng, e ngại người thân của mình sa vào cạm bẫy của tà đạo này.

Ban Tôn giáo Chính phủ nói gì?

Trước tình trạng phức tạp này, phóng viên Trung tâm Thông tin, Ban Tôn giáo Chính phủ có cuộc phỏng vấn với ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ.

Ông Vũ Chiến Thắng cho biết: Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Hiện nay, có một số nhóm mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời”, bao gồm cả các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Vì vậy, các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở Thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên,… liên quan đến tổ chức mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời” cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung.

Về nguồn gốc của tổ chức mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời” mà báo chí phản ánh, Ban Tôn giáo Chính phủ đã nắm được, song vì những biểu hiện tiêu cực mà báo chí phản ánh cần thêm thời gian để kiểm chứng về có hay không có vai trò của tổ chức chỉ đạo, điều hành hay chỉ là hành vi của một số cá nhân trục lợi, làm biến tướng, nên lúc này chưa đề cập.

Với câu hỏi về trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đã và sẽ làm gì trước hoạt động của nhóm mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời”? Ông Vũ Chiến Thắng nói: Về phương diện quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan từ trung ương đến địa phương luôn quan tâm, chú ý tới các hoạt động của tổ chức mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời” này và đã có hướng dẫn, chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cá nhân có hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định của pháp luật.

Công tác này đã được Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện từ năm 2016; nhiều tỉnh, thành đã tổ chức triển khai cho kết quả tốt nhưng cũng có địa phương thực hiện chưa quyết liệt. Ngay khi đọc được phản ánh của một số báo, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có văn bản đôn đốc các tỉnh, thành phố liên quan nắm lại tình hình, tăng cường công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân, đấu tranh và xử lý đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. Trên cơ sở này, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ cùng với các cơ quan chức năng trung ương tiếp tục hướng dẫn các địa phương liên quan triển khai thực hiện các công tác cần thiết để ổn định tình hình.

Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các cấp các ngành ở địa phương cần làm tốt công tác nắm địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời kêu gọi quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ gia đình, công việc,…

Chức sắc của một số tổ chức tôn giáo gần đây đã lên tiếng phản đối các hoạt động tiêu cực trên. Dù mới là việc làm của cá nhân các chức sắc tôn giáo nhưng đã góp phần giúp dư luận hiểu đúng về những hoạt động tiêu cực trên là phi tôn giáo. Ban Tôn giáo Chính phủ hoan nghênh việc làm này nhưng đồng thời lưu ý các tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc tôn giáo khi lên tiếng phản đối cần tránh gây kỳ thị, phân biệt và xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo chân chính.

Đối với việc đưa tin liên tục của một số báo điện tử gần đây về vấn đề này, Ban Tôn giáo hoan nghênh tinh thần nhập cuộc, phản ánh kịp thời của báo chí. Việc làm này đã giúp đưa tin tới rộng rãi quần chúng nhân dân để chủ động cảnh giác, phòng ngừa, song cũng cần lưu ý việc đưa tin cần chính xác, tránh gây hiểu nhầm về sự tiêu cực của một tôn giáo cụ thể nào đó.

Ban Tôn giáo Chính phủ kêu gọi người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống, gia đình.

 

 

Sinh hoạt của tín đồ “Hội thánh Đức Chúa Trời” – Ảnh VTC

THÁI VŨ