Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ động vật hoang dã, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trong hệ thống Tòa án nhân dân

Ngày 22/10, tại Ninh Bình, Hội thảo nâng cao công tác hiệu quả công tác bảo vệ động vật hoang dã, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm trong hệ thống Tòa án nhân dân do TANDTC, Tạp chí TAND phối hợp với WCS đồng tổ chức.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, các đại biểu Tòa án các địa phương, các cơ quan Công an, Kiểm sát, Hải quan, Kiểm lâm quan tâm đến bảo vệ động vật hoang dã, động vật hoang dã quý hiếm.

Toàn cảnh hội thảo

Phó Tổng biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân Nguyễn Thị Hải Châu

Bà Hoàng Bích Thủy – Giám đốc WCS tại Việt Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chánh án Nguyễn  Văn Du nhấn mạnh: Như chúng ta đã biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới với hơn 11.000 loài thực vật bậc cao có mạch, 1.000 loài rêu, 310 loài động vật có vú, 840 loài chim, 296 loài bò sát, 192 loài lưỡng cư, trên 700 loài cá nước ngọt và khoảng 2.000 loài cá nước mặn, trong đó nhiều loài hoang dã, quý hiếm được đưa vào sách đỏ cần bảo vệ.

Việt Nam đã tham gia Công ước CITES – Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Mục tiêu của Công ước CITES là nhằm đảm bảo rằng việc buôn bán quốc tế các loài động vật và thực vật hoang dã không đe dọa đến sự sống còn của các loài này trong tự nhiên. Công ước gồm nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ hơn 34.000 loài động và thực vật.

Việt Nam cũng không ngừng hoàn thiện pháp luật nhằm bảo vệ hiệu quả động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm như sửa đổi, bổ sung, ban hành: Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Đa dạng sinh học 2008; các Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết 05/2018/NQ-HDTP TADTC, hướng dẫn áp dụng Điều 234, Điều 244 BLHS; Thông tư 90/2008/TT-BNN  hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu; Quyết định số  11/2013/QD-TTg ngày 24/1/2013 về cấm xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán mẫu vật một số loài động vật hoang dã thuộc các phụ lục của công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp…

Tuy nhiên, một thực tế rất đáng lo ngại là một số loài động vật đã không còn tìm thấy hoặc rất hiếm gặp tại Việt Nam. Báo Nhân dân số ra ngày 26-4-2020 phản ánh, thời gian qua vấn nạn khai thác, tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp, đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, gây ra mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học, nhiều loài động vật hoang dã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoặc tới bên bờ của sự tuyệt chủng.

Thực tiễn xét xử của hệ thống Tòa án nhân dân trong cả nước những năm qua cũng cho thấy có rất nhiều vụ án hình sự liên quan đến xâm hại, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã. Mặc dù bị xử lý về hình sự một cách nghiêm minh nhưng tình trạng săn bắt, tiêu thụ, buôn bán động vật hoang dã vẫn diễn ra hết sức phức tạp.

Do đó, khi Tổ chức WCS đặt vấn đề hợp tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, lãnh đạo TANDTC đồng tình và rất ủng hộ. Tạp chí Tòa án nhân dân phối hợp với WCS xây dựng nội dung đăng tải nhiều bài viết của các chuyên gia trên Tạp chí Tòa án nhân dân (bản in và bản điện tử) nhằm phổ biến, cung cấp thông tin về tội phạm này cũng như hướng xử lý và kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật đối với loại tội phạm này.

Qua theo dõi các bài viết và cũng tham gia viết bài, từ 01/9/2019 đến 30/9/2020, chúng tôi thấy có nhiều bài phân tích các quy định của pháp luật, chỉ ra những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị hướng khắc phục rất cụ thể, bổ ích, vừa có tính lý luận vừa có tính thực tiễn rất cao.

Để nâng cao hơn nữa nhận thức về lĩnh vực này, hôm nay TANDTC phối hợp với WCS tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm trong hệ thống Tòa án nhân dân” để cùng trao đổi, thảo luận nhằm nhận thức thống nhất hơn, tìm ra những giải pháp hiệu quả hơn trong công tác xét xử, nhằm bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đạt kết quả tích cực hơn.

Bà Hoàng Bích Thủy, Giám đốc WCS tại Việt Nam nói: Việt Nam  không chỉ là điểm đến mà còn là điểm trung chuyển động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm. Tuy vậy, thông tin về các vụ việc này được đăng tải trên báo chí chưa nhiều. Một năm qua, WCS hợp tác với Tạp chí Tòa án nhân dân đã có nhiều bài viết chuyên sâu, kiến nghị và kinh nghiệm quốc tế, cũng như vướng mắc mà các Tòa án gặp phải khi xử lý những vụ án liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã, động vật hoang dã quý hiếm.

Hội thảo này là một diễn đàn các nhà khoa học, các chuyên gia trao đổi về những nội dung liên quan đến động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp, chúng tôi rất mong được lắng nghe những ý kiến quý báu từ các quý vị đại biểu.

Tội phạm vẫn diễn biến phức tạp

Phó Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình Tô Văn Thịnh trình bày tham luận cho biết trong những năm qua, các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp quý hiếm ngày càng giảm, tính chất ít nghiêm trọng hơn. Năm 2016 có 6 vụ, 8 bị cáo; năm 2017 có 3 vụ, 4 bị cáo; năm 2018 có 3 vụ, 7 bị cáo; năm 2019 có 5 vụ 6 bị cáo và 8 tháng đầu năm 2020 có 1 vụ, 1 bị cáo. Kết quả này là do đã làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; ý thức của người dân đã được nâng cao và do đã xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm.

Ông Tô Văn Thịnh – Phó Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình

Phó Chánh án Tô Văn Thịnh cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và đề xuất tăng cường công tác tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, công tác giám định, định giá để giải quyết kịp thời các vụ án này.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Quỳnh

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phòng 4, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an trình bày tham luận “Thực tiễn công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam”. Tham luận cho biết, hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn khác nhau, các đội tượng rất tinh vi nên gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra, bắt giữ. Tham luận cung cấp nhiều thông tin sinh động và nêu ra những khó khăn, kiến nghị giải pháp khắc phục.

TS Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh trình bày tham luận “Vấn đề giám định và xử lý vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp quý hiếm trong giai đoạn xét xử – Quy định pháp luật, khó khăn vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện”.

TS Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh

TS Tuyên cho rằng hiện nay việc giám định, xử lý vật chứng động vật hoang dã, động vật nguy cấp quý hiếm thủ tục quá rườm rà, thủ tục hành chính quá phức tạp, chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó luật quy định về định giá rất mâu thuẫn vì sản phẩm không được phép sử dụng, lưu hành thì không thể có giá thị trường để xác định; các phương tiện kỹ thuật phục vụ giám định, nhận dạng loài, tang vật còn hạn chế, gây khó khăn nên công tác đấu tranh hiệu quả thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Hiện nay cũng chưa có quy định việc chăm sóc động vật trong quá trình xét xử; thiếu các thiết bị như tủ đông để bảo vệ vật chứng… TS Tuyên cũng nêu một vụ án cụ thể, cơ quan giám định đã đưa ra kết quả sau đó do có yêu cầu giải thích, cơ quan này đã cho ra một kết quả khác, trái ngược với kết quả lần đầu, dù cả hai lần cùng chung một hội đồng. Cách giám định như thế gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, thậm chí có thể gây hậu quả rất phức tạp.

Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh đã kiến nghị một số nội dung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, để công tác giám định trong lĩnh vực này thuận lợi, minh bạch, dễ áp dụng và đúng pháp luật hơn.

PGS.TS, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC

PGS.TS, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC phát biểu thảo luận về những vướng mắc là các tham luận đã phản ánh. Ông cho rằng: Bộ phận cơ thế và bộ phận không tách rời sự sống là thiếu bộ phận đó động vật không thể sống được, nếu  khi giải quyết có vướng mắc thì phải lấy ý kiến chuyên gia. Điều 234 và Điều 244 ở hai chương khác nhau trong BLHS, đánh giá tội danh thuộc điều nào là vấn đề khó, thế nào là động vật hoang dã, thế nào là hoang dã quý hiếm và hoang dã quý hiếm cần được bảo vệ, Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên khi giải quyết những vụ việc này phải nhờ giám định.

Ông đồng ý với TS Tuyên, nên có nhiều cơ quan giám định để khách quan, nhanh chóng hơn trong việc giải quyết các vụ án này.

Ông cũng cho rằng, BLHS hiện nay quá xơ cứng, cứng nhắc, nhất là các quy định về định lượng, khiến tính chủ động của Thẩm phán bị hạn chế.

Đại biểu Trần Thanh Thúy, Thẩm tra viên Vụ 1 TANDTC chia sẻ quan điểm: Về định giá, mỗi địa phương định giá một cách khác nhau, dẫn đến các vụ việc tương tự nhưng cách giải quyết lại khác nhau về tội danh, về hình phạt. Khó khăn này cần khắc phục. Vấn đề khác là có nhiều cơ quan giám định như Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học công nghệ VN, Viện khoa học hình sự Bộ Công an, Cơ quan khoa học Cites, trong trường hợp các cơ quan này cho ra kết quả khác nhau thì văn bản nào có giá trị pháp lý cao hơn. Đây là một vướng mắc cần khắc phục.

Nhà báo, Ths Nguyễn Phan Khiêm – Tạp chí Tòa án nhân dân cho rằng: Điều 234 và Điều 244 BLHS không nhắc đến đối tượng tiêu thụ động vật hoang dã, quý hiếm, nguy cấp, mới đây Chỉ thị của Thủ tướng đã nhắc đến người tiêu thụ, nhưng đến nay chưa có chế tài nào đối với  người tiêu thụ, dẫn đến công tác đấu tranh với các tội phạm này còn hạn chế. Mong rằng các chuyên gia có ý kiến để khi sửa BLHS năm 2015 vấn đề này được xem xét.

Ths Lê Hoài Nam, Phó Chánh án TAND tỉnh Nam Định

Ths Lê Hoài Nam, Phó Chánh án TAND tỉnh Nam Định trình bày tham luận “Áp dụng quy định của BLHS 2015 và Nghị quyết 05/2018/NQ-HĐTP trong công tác xét xử tội phạm về động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm tỉnh Nam Định”. Ông Nam phản ánh những khó khăn trong giám định, xử lý vật chứng, và bày tỏ đồng tình với tham luận của Ts Phạm Minh Tuyên.

Thực tế áp dụng Điều 244 BLHS hiện nay rất khó khăn do quy định của điều luật, ví dụ chưa quy định trọng lượng bao nhiêu vảy tê tê thì truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định của điều luật và Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ trong xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp…

Ths Nam đề xuất giải pháp đấu tranh cho hiệu quả phòng chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ động vật hoang dã là phải thống nhất trong áp dụng pháp luật;  bảo đảm tính chính xác trong giám định tang vật, vật chứng thu giữ từ các vi phạm liên quan đến động vật hoang dã quý hiếm… và tăng cường sự hợp tác liên ngành để cuộc đấu tranh đạt hiệu quả cao hơn.

Ông Đặng Vũ Lâm, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ về khó khăn trong giải quyết các vụ án này: Vật chứng được xử lý rất lúng túng, có vụ buôn ba cá thể hổ đông lạnh, giao cho kiểm lâm quản lý, hết 90 triệu tiền điện thì Tòa án cũng không có để chi trả. Xử lý vật chứng như sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê nếu tiêu hủy thì VKS không đồng tình, họp ba ngành cũng không thống nhất.

Ông Đặng Vũ Lâm, Phó Chánh án  TAND tỉnh Quảng Ninh

Do đó rất cần thống nhất về thẩm quyền của Tòa án trong xử lý vật chứng, ông cho rằng vật chứng  không phải là động vật sống thì nên tiêu hủy cho nghiêm minh, đề nghị sớm hướng dẫn về xử lý vật chứng kinh phí bảo quản vật chứng.

Ba vụ án Quảng Ninh xét xử gần đây đều là nhập từ nước ngoài về, nên chỉ còn là hành vi buôn bán, vận chuyển.

PGS.TS Trần Văn Độ trình bày tham luận về xử lý vật chứng theo quy định của Điều 46,47,40 BLHS và Điều 106 BLTTHS về thẩm quyền và thủ tục xử lý vật chứng, những bất cập trong việc áp dụng những quy định này.

Các vấn đề đáng lưu ý như tịch thu vật chứng nhưng chưa rõ tịch thu để làm gì; động vật hoang dã ngay sau khi có kết quả giám định phải chuyển cho cơ quan chuyên môn, nên thường do Cơ quan điều tra xử lý ngay sau khi khởi tố… Vật chứng từ động vật hoang dã như vảy tê tê, sừng tê giác, xương hổ… những tứ không được bán thì theo PGS.TS Trần Văn Độ là nên tiêu hủy, không nên luyến tiếc như thực tế còn lúng túng, quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng.

PGS.TS Trần Văn Độ phân tích các nội dung hướng dẫn của Nghị quyết 05/HĐTP-TANDTC; Nghị định 06/2019/NĐ-CP và đề xuất các kiến nghị về hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và kiến nghị Tòa án nâng cao năng lực giải quyết những vụ án liên quan đến động vật hoang dã, hoang dã quý, hiếm.

Ths Vũ Thúy Hòa, Phó Tổng biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân

Ths Vũ Thúy Hòa, Phó Tổng biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân trình bày tham luận “Các giải pháp nâng cao công tác tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã, hoang dã quý hiếm”, chỉ ra vai trò của tuyên truyền và đánh giá về kết quả tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã, hoang dã quý hiếm trong thời gian qua kết quả chưa cao. Tham luận kiến nghị một số giải pháp để hoạt động này có hiệu quả tích cực hơn nữa.

Thẩm phán Lưu Thu Giang, Chánh án TAND tỉnh Cao Bằng

Thẩm phán Lưu Thu Giang, Chánh án TAND tỉnh Cao Bằng phát biểu ý kiến cho biết thực tế xét xử những vụ án hầu hết các bị cáo là người vận chuyển thuê, không bắt được chủ hàng. Trong thực tiễn, các cơ quan pháp luật còn rất lúng túng trong xử lý vật chứng, có vụ bị cáo vận chuyển 4 cá thể tê tê nhưng khi bắt được cơ quan điều tra đã giết thịt vì cho rằng những cá thể này đã sắp chết (?!).

Thẩm phán Nguyễn Xuân Chiến, Phó Chánh án TAND tỉnh Đăk Nông

Thẩm phán Nguyễn Xuân Chiến, Phó Chánh án TAND tỉnh Đăk Nông cho biết, số lượng án liên quan đến phá rừng là nhiều, phá hết rừng thì động vật hoang dã cũng ngày càng ít nên số lượng án cũng rất ít. Quan trọng nhất hiện nay là nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã để trở thành ý thức. Với những đối tượng buôn bán chuyên nghiệp hiện nay xử lý chưa được nhiều, còn lại đa số là người dân, nhất là đồng bào các dân tộc ít người, họ bắt được động vật nhưng không biết đó là động vật hoang dã quý hiếm, đang được bảo vệ. Vì thế cần có các tờ rơi, áp phích dễ hiểu, dễ thấy để bà con hiểu và thay đổi thói quen săn bắt…

Bà Hoàng Bích Thủy, giám đốc WCS

Bà Hoàng Bích Thủy, giám đốc WCS cho rằng kết quả xét xử là thước đo tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Qua thực tế xét những những năm gần đây, có thể nói công tác tuyên truyền có hiệu quả tích cực. Khi người dân nhận thức tốt hơn, có ý thức hơn thì họ sẽ thay đổi hành vi, nên vai trò của Tòa án, của các cơ quan pháp luật rất quan trọng.

Nhà báo Nguyễn Như Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát

Nhà báo Nguyễn Như Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát cho rằng báo chí đã tuyên truyền về lĩnh vực này có hiệu quả. Vấn đề là làm sao thông tin tuyên truyền hấp dẫn, hấp dẫn về nội dung và sinh động về hình ảnh để thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Ông Hùng mong rằng WCS có sự hỗ trợ hợp tác để báo chí nâng cao chất lượng của hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực này.

TS Trần Thị Thu Hằng, Ban Nội chính Trung ương

TS Trần Thị Thu Hằng, Ban Nội chính Trung ương phát biểu nhấn mạnh công tác hoàn thiện pháp luật. BLHS năm 2015 đã có những thay đổi tích cực nhằm bảo vệ động vật hoang dã, tuy nhiên áp dụng pháp luật vào thực tiễn còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Bộ Chính trị  đã có kết luận số 83 và số 84 tổng kết Nghị quyết 48 và Nghị quyết 49 trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng một Nghị quyết về chiến lược xây nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong đó có nội dung hoàn thiện pháp luật và cải cách tư pháp nên những vướng mắc được các đại biểu phản ánh thảo luận tại Hội thảo hôm nay nhất định sẽ được khắc phục.

Nhà báo Trần Quốc Việt, Tổng biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân phát biểu tổng kết đánh giá, sau một ngày làm việc tích cực, Hội thảo đã lắng nghe và thảo luận nhiều ý kiến có hàm lương khoa học cao và tính thực tiễn sống động, những kiến nghị của các đại biểu rất thiết thực.

Hội thảo cũng khẳng định hợp tác giữa Tạp chí và WCS trong một năm qua đã thành công tốt đẹp, hy vọng rằng sau Hội thảo này sự hợp tác giữa hai cơ quan được tiếp tục để công tác bảo vệ động vật hoang dã đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Ảnh: Cảnh Dinh

THÁI VŨ