Hội thảo Tham vấn ý kiến các chuyên gia về các Dự thảo Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

Sáng ngày 11/10/2019, tại thành phố Hạ Long, Tòa án Nhân dân Tối cao phối hợp với UNDP tại Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với các dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn về Phần 8 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 về thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài và Phần 7 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 về công nhận, cho thi hành bản án, quyết dịnh dân sự của Tòa án nước ngoài và phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.

Chủ trì Hội thảo là Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Thúy Hiền; Tham gia điều hành hội thảo có bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự hội thảo có các chuyên gia và các đại biểu đến từ Tòa án nhân dân tối cao, các tòa án cấp cao và các tòa án cấp tỉnh, các đoàn luật sư, trường đại học, đại diện của UNDP.

Để có cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, Việt Nam đã tham gia một số Công ước của Liên hợp quốc liên quan đến thương mại quốc tế
Trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công chính sách hội nhập kinh tế toàn cầu và đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007. Việt Nam cũng đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, trong đó có 2 hiệp định lớn là Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong bối cảnh mới này, tranh chấp kinh doanh và thương mại quốc tế đã và đang trở nên đa dạng và phức tạp hơn ở Việt Nam.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, trình bày các Dự thảo Nghị quyết

Để có cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế, bên cạnh các hiệp định đầu tư, Việt Nam đã tham gia một số Công ước của Liên hợp quốc liên quan đến thương mại quốc tế. Chẳng hạn, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài vào năm 1995. Việt Nam cũng tham gia Công ước Liên hợp quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) vào năm 2015 và Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại vào năm 2016. Sau khi gia nhập các văn kiện quốc tế này, Việt Nam đã sửa đổi các luật quan trọng, như Luật thương mại, Bộ luật dân sự và Bộ luật tố tụng dân sự để nội luật hóa các tiêu chuẩn quốc tế vào luật pháp quốc gia.
Sự cần thiết phải xây dựng Nghị quyết hướng dẫn phần 7 và phần 8 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015

Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tình hình thụ lý giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài trong 5 năm 2014 – 2018 dao động từ 80 – 151 vụ. Các tranh chấp này thường tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, tỉnh Bình Dương.

Cũng theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao trong 5 năm 2014 – 2018, số đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định kinh doanh thương mại của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam được giải quyết là 15/21 đơn đã thụ lý, và phán quyết của Trọng tài nước ngoài là 28/45 đơn đã thụ lý.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Trong bối cảnh này, để thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng là cải thiện việc thực thi pháp luât trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế phù hợp với cả các tiêu chuẩn quốc tế và các yêu cầu của luật pháp quốc gia.

Một trong những nguyên nhân của việc thực thi pháp luật yếu trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại quốc tế tại Tòa án nhân dân là do do Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan về thủ tục xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của Trọng tài nước ngoài, nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

Hội thảo này là một trong các hoạt động hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) cho Tòa án nhân dân tối cao trong nỗ lực cải thiện hệ thống tòa án và trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế đang ngày càng phức tạp để thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam. Thúc đẩy ban hành và thực thi Luật phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy kinh doanh liêm chính và cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp.

 

 

HÀ CHI