Khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Nhật Vũ về hành vi đưa hối lộ

VKSNDTC vừa phê chuẩn Quyết định Khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét đối với ông Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), về tội “Đưa hối lộ” quy định tại khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), bị khởi tố về tội “Đưa hối lộ” quy định tại khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015. Điều khoản này quy định: “Phạm tội trong trường hợp của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt từ tù 12 năm đến 20 năm”.

VKSNDTC cũng phê chuẩn Quyết định Khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét đối với Võ Văn Mạnh, nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX; Hoàng Duy Quang, nguyên nhân viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015, vai trò đồng phạm.

Cơ quan điều tra cũng quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng là nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông và ông Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone),ông Cao Duy Hải (cựu Tổng giám đốc MobiFone) về tội nhận hối lộ quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015. Điều khoản này quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên”.

Việc ra quyết định tố tụng với ông Phạm Nhật Vũ nằm trong diễn biến mở rộng điều tra mở rộng vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone và các đơn vị có liên quan của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03). Hiện nay, C03 đang tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm đối với các bị can và những người có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Phạm Nhật Vũ, sinh năm 1972 tại quê mẹ Hải Phòng,  là con trai thứ 3 trong gia đình, em của Phạm Nhật Vượng (1968) và Phạm Thị Lan Anh (1970)… Trong suốt thập niên 90 và đầu những năm 2000, ông Phạm Nhật Vượng và ông Phạm Nhật Vũ từng làm ăn tại Nga.  Sau này, khi trở về Việt Nam, hai anh em   kinh doanh bất động sản. Sau đó Phạm Nhật Vũ tập trung vào kinh doanh khoáng sản và truyền thông.

Như dư luận đã biết, Công ty AVG được thành lập với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng, AVG do ông Phạm Nhật Vũ đứng đầu, từng là Công ty cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên hệ thống số mặt đất DVB-T2, số vệ tinh DVB-S2, truyền hình Internet hàng đầu Việt Nam.

Năm 2004, ông Phạm Nhật Vũ bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu về truyền hình trả tiền – bước đi đầu tiên để 4 năm sau, Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu – AVG chính thức ra đời và phát sóng 2 năm sau đó.

AVG đã có lúc trở thành đơn vị nắm giữ số lượng giấy phép nhiều nhất trong số các doanh nghiệp truyền hình trả tiền được cấp phép. Công ty này hiện được phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên hệ thống số mặt đất DVB-T2, số vệ tinh DVB-S2 và truyền hình Internet. Mục tiêu mà ông Phạm Nhật Vũ nhắm tới là đến năm 2020, AVG lọt vào top 3 những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực truyền hình trả tiền ở Việt Nam.

Tuy tham vọng lớn nhưng không thành công, dẫn đến vụ chuyển nhượng 95% cổ phần cho Mobifone vào năm 2016. Ban Bí thư đã đánh giá đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thanh tra Chính phủ đã có nhiều cố gắng tiến hành thanh tra toàn diện, kết luận thiệt hại trong thương vụ này là 7.006 tỉ đồng.

Theo đó, ngày 25/12/2015, Mobifone ký hợp đồng nhận chuyển nhượng 95% cổ phần của AVG. Giá trị thương vụ này sau đó được các cơ quan chức năng xác nhận là 8.889,8 tỉ đồng. Mức giá này quá cao so với giá trị thực sự của doanh nghiệp này.

Bởi lẽ, tại thời điểm đó, tổng tài sản AVG sau khi xác định giá trị doanh nghiệp là 3.260,686 tỉ đồng, nợ phải trả là 1.266,826 tỉ đồng, giá trị còn lại của tài sản cố định là 208,589 tỉ đồng. Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 là 1.632,909 tỉ đồng (bằng 45% vốn điều lệ)…

Vụ án được khởi tố điều tra, mặc dù 2 năm sau khi chuyển nhượng các bên đã quyết định hủy bỏ thương vụ 8.900 tỷ đồng với Mobifone này.

Ngoài AVG, ông Phạm Nhật Vũ hiện là Chủ tịch An Viên Group. Tập đoàn này có khá nhiều công ty con, trong đó có Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu, Công ty Cổ phần Truyền thông và Viễn thông An Viên, Công ty cổ phần An Minh, Công ty Cổ phần Truyền thông Tri thức… Không chỉ đầu tư vào lĩnh vực truyền hình, ông Phạm Nhật Vũ còn là doanh nhân Việt Nam đầu tiên đầu tư vào ngành công nghiệp thịt bò tại phía Bắc Australia.

 

Liên quan vụ án AVG, đến nay cơ quan chức năng đã khởi tố hai cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn; ông Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone); bà Phạm Thị Phương Anh (cựu phó tổng giám đốc), Lê Nam Trà (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên, cựu tổng giám đốc MobiFone) và Phạm Đình Trọng (48 tuổi, cựu vụ trưởng Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Thông tin Truyền thông), Võ Văn Mạnh (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX); Hoàng Duy Quang (nhân viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX) và  Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

MINH KHÔI